Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác
    HomeVăn Học Phật GiáoKý sự- Tùy bút“Quê hương tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà”…

    “Quê hương tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà”…

    Tôi thương thân phận dòng sông quê nhà, như tôi thương thân phận cuộc đời của Ba tôi…

    Có phải vì bởi đất nước mình sở hữu hơn 2 ngàn con sông lớn nhỏ, trải dài từ Bắc vào Nam… nên “con sông quê” trở thành biểu tượng thân thuộc và gần gũi quá đỗi với mọi người. Sông nước hiện diện hầu như ở khắp mọi nơi trên mảnh đất Việt Nam, tưới tắm cho một nền văn hóa nông nghiệp trù phú, tăng thêm nét dịu dàng, nên thơ trữ tình cho phong cảnh làng quê:

    Làng ta phong cảnh hữu tình,

    Dân cư giang khúc như hình con long.

    Và cũng không sao kể hết nỗi niềm con sông quê miền Tây Nam Bộ trong những áng văn bàng bạc man mác của Nguyễn Ngọc Tư: Gần như mảnh đời nào cũng gắn liền với dòng sông bến nước. Dòng sông vừa là thân phận khiêm trọng của người miền Nam, vừa là hành trình mưu sinh lênh đênh rày đây mai đó của những con người miền sông nước: dòng sông dập dềnh – cuộc sống chòng chành bấp bênh, dòng sông rộng dài – cuộc sống mờ mịt tương lai…

    - Advertisement -
    dong song que huong

    Những đứa trẻ lớn lên ở miền Tây như chúng tôi, đứa nào mà chưa một lần lặn hụp, tắm mát trên dòng sông quê hương, một “dòng sông tuổi thơ” xanh mát:

    Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình

    Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ

    Con sông tôi tắm mát

    Con sông tôi đã hát

    Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà

    (Trở về dòng sông tuổi thơ – Hoàng Hiệp).

    Trong tâm thức của “đứa trẻ tôi”, con sông hiền hòa còn gắn liền với chiếc cầu tre lắt lẻo trong lời ru của mẹ – tôi thương chữ “lắt lẻo” vì nó chất chứa nỗi niềm của đời người miền Tây gập ghềnh, chịu thương chịu khó như chiếc cầu ván đóng đinh:

    Ví dầu cầu ván đóng đinh,

    Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…

    Tôi thương thân phận dòng sông quê nhà, như tôi thương thân phận cuộc đời của Ba tôi. Ba tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Mê Kông, đoạn nối giữa thị xã Châu Đốc và biên giới quận Thma Bei Dom (hay còn gọi là chợ Gò Tà Mâu) của Campuchia. Nơi khúc sông đó, Ba tôi được sinh ra cùng với 7 anh chị em nữa. Nơi khúc sông đó, Ba tôi đã trải qua những năm tháng tuổi thơ vất vả mà Ba không bao giờ quên. Bằng chứng là, tôi ít thấy Ba tôi khóc bao giờ, nhưng những năm cuối đời, mỗi khi Ba tôi kể về tuổi thơ của mình, Ba tôi hay rớt nước mắt.

    Ba tôi có một tuổi thơ kém may mắn, một phần là vì Ba tôi có tật ở tay từ nhỏ, một bên tay của Ba thõng lõng hầu như không làm được gì nhiều… Mà một đứa trẻ có dị tật, lớn lên trong một gia đình đông anh em, ở một miền quê nghèo thì cuộc sống khắc nghiệt biết chừng nào… Nhưng cũng chính nhờ cánh tay đó đã cho Ba tôi một nghị lực sống phi thường, lòng tự trọng và tinh thần tích cực mà không phải ai cũng có được. Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, Ba tôi chưa bao giờ phải nhờ vả hay xin xỏ ai… Ba tôi luôn dạy anh em tôi rằng: Chí Bá Nghĩa Nghiệp Thành. Người có chí lớn, trọng đại nghĩa, thì sẽ thành sự nghiệp. Điều đó không bao giờ chúng tôi được quên, và phải luôn là kim chỉ nam trong cuộc sống và mọi bước đường sự nghiệp của mình.

    Ba tôi rất ít khi nói chuyện với ai, nhưng khi say thì lại nói rất nhiều, như thể dồn nén chất chưa bao nhiều ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm… rồi chỉ đợi khi có men rượu mở then cài thì bao nhiêu nỗi niềm tâm sự được tháo dỡ… Có những câu chuyện chúng tôi nghe đến thuộc lòng từng câu từng chữ… nhưng có lẽ, chúng tôi không bao giờ hiểu được những đắng cay mất mát mà Ba đã trải qua… Chúng tôi chỉ là người khách đi đò, nghe câu chuyện của dòng sông mà không thể nào hiểu được nỗi lòng dậy sóng của dòng sông đó.

    Con sông quê gắn với cuộc đời Ba từ khi Ba lọt lòng đến khi Ba tôi qua đời. Người thân trong nhà, ai cũng biết là Ba tôi không bao giờ thích đi xa, lúc nào cũng chỉ quẩn quanh ở nhà. Thậm chí mấy ngày lễ Tết, Ba tôi cũng không thích đi đâu. Một ngày của Ba chỉ là: Buổi sáng Ba chạy xe đạp đi tập thể dục, rồi ngồi hàn huyên cà phê ăn sáng với Hội cua-rơ Vịnh Tre ở quán sữa đậu nành dọc bờ sông. Trưa chiều đưa đón hai đứa cháu nhỏ đi học. 5g chiều đã lật đật cơm nước, sau đó xem tivi, chơi game xếp gạch trên cái máy tính cũ rồi mới 7g – 8g tối đã tắt đèn đi ngủ.

    Chính vì sự quẩn quanh đó mà Ba tôi phát hiện căn bệnh ung thư quá trễ, vì Ba chỉ chịu đi bệnh viện khi tế bào ung thư đã đến giai đoạn cuối và di căn hết toàn bộ cả gan và phổi. Những tháng cuối của căn bệnh ung thư ác nghiệt, có lúc nào khỏe lại chút, Ba lại chạy xe ra bờ sông để gặp bạn bè, và tiễn biệt mọi người. Ba cũng chuẩn bị sẵn hậu sự của mình, dặn dò hết từng li từng tí để vợ con không phải bỡ ngỡ hoang mang.

    Có một triết lí của nhà Phật mà tôi học được từ truyện ngắn “Sang sông” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Sông là ranh giới, qua sông là để “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia), để đạt tới sự Giác ngộ, Ba La Mật Đa, không còn bị các dục vọng, phiền muộn chi phối. Tôi nghĩ rằng, trong những năm cuối đời, một cách lặng thầm, Ba tôi đã qua “đến bờ bên kia” theo cách của Ba. Ba gần như không đoái hoài đến những chuyện buồn bực, khổ hạnh, giận dữ của cuộc sống nữa. Ba chỉ làm những việc Ba thích, những việc đơn giản nhẹ nhàng. Ba cũng bỏ thói quen uống rượu và giảm hút thuốc hẳn lại. Ba tôi đã “Sang sông” theo cách của riêng ông.

    Đưa người, ta không đưa qua sông,

    Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

    Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

    Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

    Nhưng với người ở lại, với tôi, với Mẹ tôi, “sang sông” là nỗi niềm tiễn biệt đau đớn và khắc khoải như 4 câu thơ nổi tiếng của Thâm Tâm. “Đáo bỉ ngạn” là lần cuối cùng tôi đưa Ba tôi qua sông, là lúc tôi và Mẹ run rẩy bịn rịn ngồi cùng Ba trên chiếc xe cuối cùng, chầm chậm đưa Ba về nơi yên nghỉ mãi mãi, đưa Ba về với cát bụi như tâm nguyện của Ba. Ba cũng dặn rằng, không cần coi ngày coi tháng, chỉ cần mấy anh em về đầy đủ thì cùng nhau thả tro cốt của Ba xuống khúc sông nơi Ba sinh ra… Một đời người luân hồi cũng nơi khúc sông thân thương đó.

    Ba tôi là dòng sông tuổi thơ của tôi, là dòng sông quê dạt dào mà dù có đi đâu xa, làm gì, và lớn lên như thế nào, dòng sông đó vẫn không bao giờ cạn, vẫn thăm thẳm bên tôi, tưới tắm và vun đắp cho tâm hồn tôi.

    Tôi nghĩ rằng một năm vẫn chưa đủ dài để tôi và những người yêu thương Ba đủ can đảm đối diện với sự mất mát quá lớn lao này. Tôi vẫn hay thấy Ba trong những giấc mơ thảng thốt cay nhòe của mình. Trong những giấc mơ đó, trong những khoảnh khắc đó, Ba tôi dường như chưa bao giờ bị bệnh, đứng tựa bên chiếc cửa sắt, chiếc áo thun ngắn đưa ra cái bụng bia phệ, mái tóc xoăn và đôi mắt cười… Ba đứng đó vừa nói chuyện tiếu lâm, bất giác hay buông ra mấy chữ “đm” quen thuộc…

    Rồi Ba quay về phía mẹ với nụ cười dí dỏm, hát vu vơ mấy câu trỏng không như “em ơi em đâu rồi, làm sao làm sao ta có nhau…”.

    Thương gửi Ba… Kỷ niệm một năm ngày dòng sông của con đã qua đời.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều