Thứ Năm, Tháng Mười Hai 5, 2024
Khác
    HomeVăn Học Phật GiáoGiới thiệu tác phẩmTìm hiểu về “Nguồn gốc hình thành và Phát triển tín ngưỡng...

    Tìm hiểu về “Nguồn gốc hình thành và Phát triển tín ngưỡng Quán Âm” nhân kỷ niệm ngày Bồ Tát Quán Thế Âm thành đạo

    Ngày 19 tháng 6, cũng là ngày kỷ niệm Lễ thành đạo của Bồ tát Quán Thế Âm, lần giở những trang sách, hướng trái tim về Bồ tát, thổn thức đôi lời tâm sự. Thế đó các bạn à! Đôi khi lòng ta bị tổn thương bởi những nỗi khổ và niềm đau, với đôi lần bế tắc trong cuộc sống, hầu như chúng ta thường hay quay về cầu nguyện dưới chân Bồ tát, mong Ngài thương tưởng giúp ta hóa giải những năng lượng tiêu cực chất chứa trong lòng.

    Sài Gòn những ngày gần đây thật buồn! Số ca bệnh vì Covid-19 ngày một tăng nhanh, những bệnh nhân chuyển nặng cũng nhiều hơn. Chưa bao giờ tôi thấy Sài Gòn mệt mỏi như thế, nơi này vốn được mệnh danh là “thành phố không bao giờ ngủ”, nay lại lặng yên như tờ, không một tiếng động. Người dân Sài Gòn đang thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ, còn những người con gái của Đức Thế Tôn như chúng tôi đang an yên trong mùa an cư kiết hạ. Đối trước tượng đài Bồ tát Quán Âm, tôi như cảm nhận được nguồn năng lượng từ bi từ Ngài truyền cho. Huynh đệ chúng tôi cùng phát nguyện trì chú Đại Bi cầu nguyện cho đại dịch chóng qua, để người dân khắp nơi trở về cuộc sống thường nhật. Khi lắng lòng đọc những câu chú, tôi thấy hình ảnh Bồ tát Quán Âm hiện hữu khắp cõi nhân gian, với tâm từ bi hóa hiện mọi thân tướng vi diệu nhằm để chúng sinh “hữu cầu tất ứng”. Tôi thật sự mong muốn đi tìm câu trả lời cho chính mình về nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm. Và thật may mắn khi nhận được món quà từ sư chị gửi tặng, đó chính là cuốn sách Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm của tác giả Lý Lợi An, được nhóm dịch giả Thích Nguyên Tú – Thích Nữ Chơn Thủy – Trần Huỳnh Thông làm việc tại Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế Vĩnh Nghiêm Tùng Thư thực hiện, với độ dày hơn 700 trang. Đặc biệt bìa sách được thiết kế với tôn dung Bồ tát Quán Thế Âm trên nền vàng hướng đến màu huỳnh y giải thoát.

    Cuốn sách Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm đã chính thức được ra mắt độc gi

    Nhận được cuốn sách trên tay ngay tại thời điểm Sài Gòn đang trong tâm bão Covid, ngồi bên ánh đèn bàn vàng ấm áp, cùng ly trà nóng quyện lẫn hương trầm thoang thoảng mà sư chị vừa gửi tặng hôm thứ năm tuần trước. Tay lần giở từng trang sách với niềm tri ân sâu sắc, tôi thầm nhắc nhở bản thân cần cố gắng đọc nhiều quyển sách có giá trị nghiên cứu lịch sử mang tính học thuật cao như thế này hơn, để mở rộng tầm nhìn mới cho tự thân. Bởi từ ấu thơ, tôi đã ý thức được sách có tầm quan trọng lớn lao trong việc bồi đắp kiến thức và mở  ra khung trời mới lạ. Cũng như Thomas Carlyle (1795-1881) từng nói: “Trong những cuốn sách ẩn chứa linh hồn của suốt chiều dài quá khứ”. Hay như triết lý của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen (1805-1875): “Người càng thông thái càng đọc nhiều, và những người thông thái nhất là những người đọc nhiều nhất”. Nhận thức được tầm quan trọng của tri thức mà sách mang đến, nên mỗi lần nhận được quà tặng là sách, trái tim tôi dâng lên niềm hạnh phúc viên mãn như đứa trẻ lâu ngày gặp lại mẹ.

    - Advertisement -

    Mỗi khi đọc sách, tôi vẫn thường có thói quen chú ý đến phần mục lục và tác giả. Vì tôi hiểu rằng, thường thì hai phần này sẽ là nơi phản ảnh rõ ràng nhất nội dung của sách. Trong Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm gồm có mười chương như sau:

    Chương I: Trình bày về ý nghĩa, hiện trạng và phương hướng nghiên cứu tín ngưỡng Quán Âm.

    Chương II: Tác giả giới thiệu về nguồn gốc tín ngưỡng Quán Âm ở Ấn Độ cổ đại.

    Chương III & chương IV: Trình bày về quá trình phát triển của tín ngưỡng Quán Âm Ấn Độ thời cổ đại.

    Chương V: Tín ngưỡng Quán Âm Ấn Độ thời cổ đại và những đặc trưng cơ bản.

    Chương VI: Diễn biến lịch sử và tranh luận về tên gọi Quán Âm ở Trung Quốc.

    Chương VII: Tín ngưỡng Quán Âm Ấn Độ cổ đại du nhập vào Hoa Hạ thời kỳ đầu và những cộng hưởng tín ngưỡng đương thời.

    Chương VIII: Quá trình du nhập tín ngưỡng Quán Âm vào Trung Hoa từ xứ Ấn cổ và sự đón nhận có chọn lọc của người Hán.

    Chương IX: Sự du nhập thành công và sự đón nhận nhiệt thành từ Trung Quốc đối với tín ngưỡng Quán Âm Ấn Độ.

    Chương X: Trung Quốc hóa tín ngưỡng Quán Âm Ấn Độ cổ đại và những đặc trưng cơ bản.

    Lướt qua mười chương vừa nêu, chúng ta có thể thấy được dòng chảy lịch sử từ khởi nguyên hình thành đến quá trình phát triển của tín ngưỡng Quán Âm. Đồng thời, cũng thấy được sự nhiệt thành đón nhận của người dân bản địa khi tín ngưỡng Quán Âm truyền vào. Tác giả đã tiến hành triển khai và đi sâu phân tích những chi tiết về Bồ tát Quán Âm một cách bài bản khoa học dựa trên nhiều nguồn tài liệu cổ quý giá, để rồi nghiệm thu thêm những phát hiện mới.

    Nói về tác giả quyển sách, giáo sư Lý Lợi An là một học giả đương đại nổi tiếng tại Trung Quốc với nhiều công trình nghiên cứu về tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm. Hiện nay, giáo sư đảm nhiệm chức Viện trưởng viện nghiên cứu Phật học, Viện nghiên cứu Huyền Trang của trường Đại học Tây Bắc, thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây. Vốn xuất thân trong một gia đình bình dân nhưng có niềm tin kiền thành với đạo Phật. Như những gì tác giả bộc bạch trong phần lời bạt: “Mẹ tôi vốn là một tín đồ Phật giáo thuần thành, một đời cần mẫn vất vả mưu sinh, tuy xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng trong bà lại mang trọn một tâm hồn cao đẹp và ý chí kiên cường. Những năm cuối đời, bà tu theo đạo Phật và đặc biệt vô cùng kính tin Bồ tát Quán Thế Âm. Tuy chưa hiểu sâu nghĩa lý, song rất nghiêm túc trịnh trọng, và nhờ hành trì tinh cần nên tâm bà vô cùng bình an. Trong những ngày tháng mẹ sống cùng tôi khi tuổi xế chiều, nhờ vậy tôi đã học được Lục tự chân ngônĐại bi chú cho đến cách tu niệm Quán Âm cũng như các nghi lễ Phật giáo khác như thờ phụng hay cúng dường Tam bảo từ mẹ. Và cũng chính từ đó, tâm ý tôi đã dần dần phát sinh niềm kính tin đối với Bồ tát Quán Âm”[1]. Thông qua lời tự sự của tác giả chúng ta biết được, cuốn sách này ra đời bởi nhiều nhân duyên thù thắng. Cũng như bao nhiêu người Phật tử khác, từ nhỏ giáo sư đã được tiếp nhận niềm tin vào Bồ tát Quán Âm, và cũng nhờ mẹ mà tự thân giáo sư đã nuôi ý chí cũng như niềm đam mê nghiên cứu về hình tượng Quán Âm. Vốn dĩ từ ấu thơ, giáo sư đã hoạch định cho bản thân con đường và đích đến rõ ràng, nên khi quyển sách này ra đời, được các học giả chuyên nghiên cứu về tôn giáo học và lịch sử học ở Trung Quốc và Đài Loan hay ở thế giới Hoa ngữ đều đánh giá cao giá trị của tác phẩm nghiên cứu khoa học này, đồng thời còn xem ông là nhân tài chuyên khảo sát về Bồ tát Quán Âm. Đặc điểm nổi bật của quyển sách chính là đưa tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm vào trong một hệ thống tín ngưỡng. Hơn nữa, thông qua việc phân tích kinh điển và sử liệu, giáo sư Lý đã tiến hành khảo sát nguồn gốc, phát triển và những thay đổi của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm tại Ấn Độ. Bên cạnh đó là quá trình lịch sử du nhập vào đất Hoa Hạ. Đồng thời chỉ rõ những đặc trưng, loại hình, kết cấu nội tại của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm, cho đến sự thay đổi và biến hoá của tín ngưỡng này tại đất Trung thổ. Sau cùng là tổng kết lại những tính chất cơ bản của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm cũng như tính phổ biến, tính thẩm thấu, tính dung hòa, tính giản dị, tính điều hòa, tính thích hợp và tính thế tục[2].

    Ngoài những nghiên cứu mang tính lịch sử rất giá trị, chúng ta cũng có thể thấy được hình ảnh Bồ tát Quán Âm qua những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian, quan niệm về Bồ tát Quán Âm theo nghi lễ Phật giáo, thiền Yoga, thiền định và tư duy cho đến cả nghệ thuật tạo tượng cùng một số vấn đề lớn nhỏ liên quan đến Ngài. Đặc biệt, một trong các câu chuyện mà giáo sư Lý Lợi An nhắc đến là Câu chuyện kể về Quán Âm Diệu Thiện, dường như mọi người dân Việt chúng ta ít nhiều đều biết đến câu chuyện dân gian này. Để hiểu thêm về câu chuyện vừa nêu, cuốn Phật bà bể Nam[3] của hai học giả Nguyễn Tô Lan và Rostislav Berezkin có phân tích cụ thể, súc tích ở hai phiên bản Quán Âm Diệu Thiện Việt Nam hóa và Trung Quốc hóa.

    Ở Việt Nam, hình ảnh Bồ tát Quán Âm hầu như xuất hiện khắp nơi trong các tự viện cho tới các gia đình Phật tử. Đối với những người con Phật, Bồ Tát Quán Âm như là linh hồn, là hơi thở, là bến đỗ bình yên, và là điểm tựa tâm linh cho thế nhân vượt qua những tháng ngày giông bão[4]. Bồ tát tỏa sáng trong cuộc đời đầy khổ đau bất hạnh này không vì sắc tướng uy nghiêm, mà vì diệu lực nhiệm mầu. Với trái tim yêu thương vô bờ bến, không phân biệt sang hèn tốt xấu, chỉ cần chúng sinh niệm tưởng đến thì Ngài liền ứng hiện và hóa giải kiếp nạn. Và trên mảnh đất mang hình chữ S đầy yêu thương, Quán Âm như người mẹ hiền dâng trọn tình yêu thương cho những đứa con thơ. Thế nhưng, mấy ai trong chúng ta biết được quá trình hình thành và diễn tiến lịch sử của người mẹ hiền này. Từ cuốn sách Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm, tôi cảm nhận được sự dụng tâm, sự tinh tế qua từng câu chữ mà tác giả muốn chuyển tải. Có thể thấy, trong hành trình nghiên cứu, giáo sư Lý Lợi An đã phát hiện nhiều chi tiết mà chưa từng ai tìm ra được, qua đó đưa ra những quan điểm mới đặc sắc. Để làm được điều này là cả một quá trình hạ thủ công phu của tác giả trong việc tìm kiếm những nguồn tài liệu cổ từ Hoa Hạ đến nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là Ấn Độ – nơi khởi nguyên của Phật giáo cũng như tín ngưỡng Quán Âm, nhằm làm dẫn chứng y cứ cho quan điểm của mình. Như trong phần lời dịch giả của quyển sách có viết: “Việc này cho thấy thái độ nghiêm túc và cẩn thận của tác giả trong công tác biên soạn cuốn sách này”. Hay như lời giới thiệu của Thượng tọa Thích Thanh Phong – Giám đốc Vĩnh Nghiêm tùng thư: “Tập sách Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm chính là một tài sản trí tuệ được kết tinh từ nhiều nhân duyên thù thắng vi diệu, cũng như được xem là một trong những hòn ngọc của nền học thuật Trung Hoa đương đại”[5]. Mỗi một trang trong tập sách, đều xoáy vào những thắc mắc bấy lâu của hàng Phật tử, đó chính là các câu hỏi tại sao lại có những tên gọi Quán Âm khác nhau? Hay sự khác biệt tên gọi Quán Âm thời “Tân dịch” và sự tranh luận thuật ngữ dùng từ giữa “Tân dịch” và “Cựu dịch”. Và nhất là câu trả lời tại sao Bồ tát Quán Âm có hình tướng là nữ nhân? Điều này có mối liên hệ gì với lịch sử? Hơn thế nữa, là một học giả có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, giáo sư Lý đã hiểu được tầm quan trọng của cái nôi tín ngưỡng Quán Âm ở xứ Ấn cổ. Bởi vậy, ông đã đi sâu tìm hiểu hình ảnh Quán Âm ở quê hương đất Phật và quá trình du nhập, ảnh hưởng, phát triển của tín ngưỡng.

    Ngoài những nội dung nêu trên, nét đặc biệt mà chúng ta chưa từng thấy ở những tác phẩm nghiên cứu về Quán Âm khác là sự phân chia tín ngưỡng Quán Âm thành nhiều loại hình khác nhau như: Loại hình tín ngưỡng Quán Âm xưng danh cứu nạn, Loại hình tín ngưỡng Quán Âm Vãng sinh Tịnh độ, Loại hình tín ngưỡng Quán Âm trí tuệ giải thoát, Loại hình tín ngưỡng Quán Âm Mật giáo v.v. Và thông qua những phân tích, nhận xét, đưa ra những ý kiến khách quan và chủ quan, tác giả đã dẫn dắt người đọc bước vào thế giới đa màu sắc của hình tượng Quán Âm Bồ tát. Điều này càng chứng minh rõ tính hòa nhập mà không hòa tan của Phật giáo nói chung và của tín ngưỡng Quán Âm nói riêng. Việc tiến hành nghiên cứu về tín ngưỡng Quán Âm này không chỉ tạo ra một lĩnh vực học thuật mới mà còn có hiệu dụng về mặt ứng dụng. Có thể nói, trong phần tổng kết về công trình nghiên cứu của mình ở phần Lời bạt[6] về tín ngưỡng Quán Âm, tác giả dường như đã tổng kết toàn diện nội dung quyển sách một cách ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu nhất. Nếu ai đang đi trên con đường nghiên cứu học thuật có thể tham khảo quyển sách này, xem như đây là một kim chỉ nam để định hướng nghiên cứu chuyên sâu một đề tài khoa học nào đó.

    Tôi chợt nhớ cố thủ tướng nước Anh W.Churchil (1874-1965) đã từng nói: “Gặp được một quyển sách hay nên mua liền dù đọc được hay không đọc được, vì sớm muộn gì cũng cần đến nó”. Vì thế, khi đôi bàn tay chạm vào những trang sách đầu tiên, cho đến khi khép lại trang cuối của bản trường ca về Quán Âm linh thiêng hóa độ, tôi đã dùng cả trái tim đầy biết ơn để cảm nhận từng câu, từng chữ trên từng trang sách. Tôi cảm ơn giáo sư Lý Lợi An đã dùng cả trí lực và tâm lực của mình để cho ra đời một kiệt tác học thuật, và cũng không quên cảm ơn nhóm dịch giả do Thầy Nguyên Tú chỉ đạo đã dành thời gian phiên dịch một tác phẩm hay và mang nhiều ý nghĩa tôn giáo như vậy. Tôi cũng xin cảm ơn những chiến sĩ áo trắng, những bạn tình nguyện viên đang xông pha trên tuyến đầu để chiến đấu vì sự bình an của người dân. Còn đối với bản thân mình, tôi luôn ghi nhớ câu nói của đại thi hào Victor Hugo: “Chính từ sách, mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời”. Ngày 19 tháng 6, cũng là ngày kỷ niệm Lễ thành đạo của Bồ tát Quán Thế Âm, lần giở những trang sách, hướng trái tim về Bồ tát, thổn thức đôi lời tâm sự. Thế đó các bạn à! Đôi khi lòng ta bị tổn thương bởi những nỗi khổ và niềm đau, với đôi lần bế tắc trong cuộc sống, hầu như chúng ta thường hay quay về cầu nguyện dưới chân Bồ tát, mong Ngài thương tưởng giúp ta hóa giải những năng lượng tiêu cực chất chứa trong lòng. Cuốn sách này có thể là nhịp cầu nối đôi bờ trái tim giữa những người hữu duyên với nhau. Từ đó giúp ta và người lắng lòng trong những ngày tâm bão mùa Covid. Bằng trọn cả trái tim của một người con Phật, nguyện cầu người và ta cùng muôn loài đều được an yên giữa muôn triền sóng gió.

    Trầm Thủy

    • Chú thích

    [1] Lý Lợi An trước tác, nhóm Thích Nguyên Tú phiên dịch, Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm, NXB Dân Trí, tr.723, 2021.

    [2] Lý Lợi An trước tác, nhóm Thích Nguyên Tú phiên dịch, Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm (Hoàng Tâm Xuyên, Lợi tựa 1), NXB Dân Trí, tr.23, 2021.

    [3] Nguyễn Tô Lan & Rostislav Berezkin, Phật bà bể Nam, NXB Đại học Sư phạm, 2021.

    [4] Lý Lợi An trước tác, nhóm Thích Nguyên Tú phiên dịch, Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm ( Lời dịch giả), NXB Dân Trí, 2021, tr.13

    [5] Lý Lợi An trước tác, nhóm Thích Nguyên Tú phiên dịch, Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm (Lời giới thiệu), NXB Dân Trí, 2021, tr.13.

    [6] Lý Lợi An trước tác, nhóm Thích Nguyên Tú phiên dịch, Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm, NXB Dân Trí, 2021, tr.719.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều