Thứ Ba, Tháng Mười Hai 3, 2024
Khác
    HomeVẻ Đẹp Người Xuất GiaÝ nghĩa của việc đắp y và khất thực

    Ý nghĩa của việc đắp y và khất thực

    Ăn mặc là hai trong bốn nhu cầu căn bản trong đời sống, cùng với ở và đi lại. Khi ăn mặc được thực hành với kỷ luật tập trung thì chúng trở thành biện pháp tu tập trên con đường tìm kiếm chân lý.

    Kinh Kim cang có viết: “Thuở nọ, Đức Phật ở vườn Kỳ Thọ, Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ cùng với chúng đại tỳ kheo, một nghìn hai trăm năm mươi người cùng hội. Bấy giờ gần đến giờ ăn, Thế Tôn đắp y, cầm bát vào thành Xá Vệ khất thực. Trong thành, Đức Phật theo thứ tự, ghé từng nhà, khất thực xong trở về Tịnh Xá, dùng cơm, rồi cất y bát, sau khi rửa chân xong, Đức Phật trải tòa mà ngồi”.

    Đoạn văn mở đầu kinh Kim cang trên mô tả một cách sinh động tập quán sinh hoạt thời Thế Tôn, cụ thể là thói quen ăn và mặc. Thói quen ấy vẫn còn lưu truyền ở một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, như Thái Lan, Sri Lanka, Campuchia… Đứng ở góc độ văn bản, đoạn văn tiết lộ một cách sơ lược về văn hóa ăn và mặc lúc bấy giờ.

    Khất thực là một văn hóa truyền thống đẹp của Phật giáo

    Khất thực là một văn hóa truyền thống đẹp của Phật giáo

    Về văn hóa mặc: Tăng lữ sử dụng tấm vải phủ lên người (đắp y). Tất nhiên, trong kinh Kim cang chưa miêu tả cụ thể về việc đắp y. Nhưng trong Tương ưng Bộ kinh và Luật tạng Pali có quy định rõ. Ngày nay, Tăng đoàn Phật giáo Nam tông vẫn còn duy trì quy định đắp y này.

    - Advertisement -

    Riêng về văn hóa ăn: Tăng lữ sử dụng chiếc bát đi khất thực. Cách khất thực là “ghé từng nhà”, chứ không có sự lựa chọn. Khất thực xong thì trở về (Tịnh xá) dùng cơm.Qua đoạn văn mở đầu kinh Kim cang, ta thấy văn hóa ăn – mặc thời Thế Tôn vô cùng giản dị. Tài sản của tăng lữ thể hiện thông qua văn hóa ăn, mặc có mỗi tấm áo choàng và chiếc bát. Bởi vậy, hai vật dụng này đã trở thành pháp bảo trong quá trình truyền thừa suốt hàng ngàn năm, dần trở thành nghi thức “truyền y bát”.

    Như vậy, ăn mặc không chỉ là nhu cầu căn bản trong cơ sở tín ngưỡng Phật giáo mà còn đóng vai trò thực hành việc tu tập. Tác phẩm Những câu chuyện về Thiền của tác giả Mộ Cư Vân kể rằng:

    “Có một thanh niên mới học tới tham vấn thiền sư Triệu Châu. Chàng trai đó hỏi: Thưa thầy, con là một kẻ cầu đạo vừa nhập môn, thành thật xin thầy chỉ bảo cho một vài kỹ năng đặc biệt?

    Triệu Châu hỏi: Con đã ăn sáng chưa?

    Chàng trai trả lời: Dạ, con ăn rồi.

    Triệu Châu nói: Vậy, con đi rửa bát đi!

    Chàng trai bảo: Con rửa xong rồi, thầy!

    Triệu Châu nói: Thế con đi quét sân nhé!

    Khất thực mang trong mình tinh thần độ người độ mình.

    Khất thực mang trong mình tinh thần độ người độ mình.

    Đến đây, chàng trai tỏ vẻ thất vọng và nói: Chẳng lẽ ngoài rửa bát, quét sân ra, thầy chẳng còn Thiền pháp gì dạy con sao?

    Nghe vậy, Triệu Châu trả lời: Ta chẳng biết có gì nằm ngoài rửa bát, quét sân mà gọi là Thiền pháp nữa”.

    Trở lại phần mở đầu nằm ngoài nội dung kinh Kim cang có thể thấy, đoạn mô tả Thế Tôn đắp y, bưng bình bát đi khất thực trở thành một điểm nhấn quan trọng trong quyển kinh. Qua đó, đệ tử của ngài bấy giờ thấy được tầm quan trọng của nếp ăn, mặc trong sinh hoạt tăng đoàn, cũng như là một công cụ hữu ích nhằm mục đích tu tập.

    Họa sĩ, học giả nổi tiếng Tưởng Huân (người Đài Loan) từng ao ước một ngày có thể bưng chiếc bình bát, lê đôi chân trần dẫm đạp lên mặt đất dơ bẩn của một khu chợ để đi khất thực. Khi nhận từng miếng ăn bố thí từ bá tánh, liệu cái bản ngã cứng đầu của cá nhân có còn ngoan cố? Ông kể rằng, một người học trò của mình từng trải nghiệm cảm giác này tại đất nước Sri Lanka và cậu ta thực sự đã xúc động mãnh liệt trong giây phút ấy.

    Tưởng Huân nói thêm rằng, “cái tôi” là một thứ ương bướng, khó trị nhất. Nó ví như “kim cương bất hoại”, đặc biệt với những “cái tôi” của người có học thức, bậc trưởng giả, đằng sau nó ẩn chứa rất nhiều vỏ bọc vô hình vây hãm, bám riết một cách khéo léo, từ “tự cao”, “kiêu ngạo” cho tới biểu hiện nhún mình, khiêm nhường. Đối với người có học, dù trải qua tu dưỡng, biết thực hành bài học về luân lý, thói khiêm cung nhưng bản chất vẫn tự cho mình thanh cao, ở trên kẻ khác. Đằng sau mọi hành vi là một “cái tôi” ương bướng, khó tánh, khó đoạn.

    Với người trì bình khất thực. Việc đón nhận sự bố thí để tạo nên cơ hội hành thiện cũng là một điều thiện.

    Với người trì bình khất thực. Việc đón nhận sự bố thí để tạo nên cơ hội hành thiện cũng là một điều thiện.

    Kinh Kim cang được coi là một trong những bộ kinh quan trọng, đóng vai trò khai ngộ cũng xuất phát bởi mục tiêu nhắm thẳng vào bản tính, bản ngã của con người. Bằng biện pháp “hóa duyên”, thực hành các bước “đoạn trừ” cái tôi, hành giả vừa nhận thí thực, vừa bố thí pháp cho bá tánh.

    Kinh Kim cương đặt ra mục tiêu “đoạn trừ” cái tôi như một sứ mệnh tối hậu. Có lẽ vì thế mà mở đầu buổi thuyết kinh này, Thế Tôn đã dạy đệ tử, cùng những người tu sau này đến với bài học thực hành văn hóa ăn, mặc, vô cùng giản dị, minh triết.Khi đưa văn hóa“ăn, mặc”vào nếp sống kỷ luật của tăng đoàn để mở đầu kinh Kim cang đồng nghĩa với việc đưa chúng ta trở về nếp sống, kỷ luật thời Chánh pháp, đồng thời tiếp cận chân lý một cách trực tiếp, giản dị.Theo đó, trước khi bắt đầu buổi giảng pháp, Phật Đà cũng giống như đệ tử của mình khoác áo, bưng bát ghé từng nhà khất thực. Ở đây cần nhấn mạnh chi tiết Thế Tôn ghé từng nhà. Nếu một người có đầu óc “thực dụng”, muốn đạt mục đích nhanh chóng, họ chỉ cần ghé những nhà hảo tâm, rồi về dùng chay, chứ đằng này, Thế Tôn “gõ cửa” từng nhà, theo đó còn bố thí pháp cho họ. Cùng một lúc, Thế Tôn dạy chúng ta hai cách thức “năng đoạn kim cương”, nhận thí thực và bố thí pháp.

    Việc làm trên của Thế Tôn, ngoài nhằm vào mục đích thực hành Chánh pháp, còn tạo ra quy củ không thể bỏ qua. Vì thế, cử chỉ đắp y (khoác tấm choàng lên người) và bưng bình bát đi khất thực trở thành bài học vượt ra ngoài hành động thông thường mà cũng chính là hoạt động bình thường của người tu.

    Sau khi Thế Tôn “về Tịnh Xá, dùng cơm, cất y bát, rồi rửa chân, trải tòa ra ngồi” thì vị trưởng lão Tu Bồ Đề mới đưa ra yêu cầu, nội dung buổi giảng pháp. Theo đó,“Tu Bồ Đề ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chệch áo bên vai hữu, gối bên hữu quỳ sát đất, cung kính chắp tay mà bạch cúng Đức Phật rằng:

    “Hy hữu thay Đức Thế Tôn, Đức Như Lai khéo hay hộ niệm các vị Bồ Tát và khéo thay phó chúc cho các vị Bồ Tát!

    Với người cúng dường bố thí thì khi tác niệm sẽ đem đến sự an lạc vui khỏe.

    Với người cúng dường bố thí thì khi tác niệm sẽ đem đến sự an lạc vui khỏe.

    Bạch Đức Thế Tôn! Trang thiện nam, người thiện nữ, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thời phải trụ tâm như thế nào, nên hàng phục tâm mình như thế nào?”.

    Tuy không phải là một nội dung nằm trong chủ đề bài viết này, nhưng xét thấy tầm quan trọng của nó, đặc biệt liên quan đến hoạt động thuyết pháp, giáo dục Tăng đoàn, giới cư sĩ thời Đức Phật, nên lạm bàn ở đây.

    Việc giáo huấn bấy giờ đã dựa trên nền tảng, người học đề xuất nhu cầu, người dạy triển khai nội dung (trên cơ sở đáp ứng nhu cầu người học). Phương pháp giáo dục này đã được triển khai từ thời Đức Phật. Chứng cứ của nó vẫn còn nằm nguyên trên đoạn văn mở đầu kinh Kim cang. Như vậy, việc dạy nhằm đáp ứng nhu cầu học, xuất phát từ thực tiễn chính là một đặc điểm trong giáo dục Phật giáo.

    Bên cạnh đó, ăn mặc là hai trong bốn nhu cầu căn bản trong đời sống, cùng với ở và đi lại. Khi ăn mặc được thực hành với kỷ luật tập trung thì chúng trở thành biện pháp tu tập trên con đường tìm kiếm chân lý.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều