Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác
    HomeVăn HóaTự viện- Kiến trúcKỳ lạ chuyện quanh pho tượng 'bất chấp' chất nổ trong chùa...

    Kỳ lạ chuyện quanh pho tượng ‘bất chấp’ chất nổ trong chùa Một Cột

    Ðến cuối năm 1954 khi thi hành hiệp định Genève, quân Pháp sửa soạn rút lui khỏi Hà Nội và miền Bắc thì có kẻ lạ mặt đặt thuốc nổ phá hủy chùa Một Cột ngày 11/9/1954 (rằm tháng Tám âm lịch). Liên Hoa Ðài bị phá hủy từ mặt sàn trở lên vì chất nổ được giấu ở dưới bát nhang.

    Tuy nhiên, pho tượng Quan Âm nơi đây, vẫn ngồi y nguyên ở gần ngay đấy, chỉ bị rời mấy cánh tay gỗ chắp.

    Hình chùa Một Cột chụp năm 1938

    Hình chùa Một Cột chụp năm 1938

    Chùa Một Cột ở Hà Nội hiện nay là tên quen thuộc của Liên Hoa Ðài dựng trong khuôn viên của một quần thể kiến trúc chùa, gồm chính điện thờ Tam Bảo, nhà Tổ, nhà khách… được gọi chung là chùa Diên Hựu (lấy tên đầu của Liên Hoa Ðài).

    Chùa Một cột nổi danh vì kiến trúc độc đáo là một lầu gỗ hình vuông đặt trên một cột đá trồng giữa một hồ nước. Lầu được củng cố bằng một hệ thống con sơn xóc nách bằng gỗ. Tất cả tượng hình cho một bông sen vươn lên khỏi mặt nước, do đó mà có tên là Liên Hoa Ðài.

    - Advertisement -

    Khát vọng “diên hựu”

    Liên Hoa Ðài theo sử biên niên đã được dựng vào thời Lý năm 1049. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi:

    “Mùa đông tháng 10 âm lịch, dựng chùa Diên Hựu ở vườn Tây cấm (bên phía Tây cấm thành Thăng Long). Trước đấy vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) chiêm bao thấy Ðức Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Khi vua tỉnh dậy, vua đem việc đó nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành.

    Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm tòa sen của Phật Quan Âm đặt trên cột trụ như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng lượn chung quanh tụng kinh, cầu cho vua trường thọ”. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu (kéo dài tuổi thọ).

    Năm 1105 vua Lý Nhân Tông lại cho sửa sang, tô điểm Liên Hoa Ðài, đào thêm hồ, xây tháp báu ở phía trước. Văn bia tháp Sùng thiện Diên Linh trên núi Ðọi (tỉnh Hà Nam) có đoạn ghi tả chùa Diên Hựu (Một Cột) ở Thăng Long như sau:

    “Ðảo ao thơm Linh Chiểu, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột đá hoa sen nghìn cánh xòe ra. Trên hoa dựng một ngôi đền đỏ sẫm, trong đền đặt một pho tượng Quan Âm sắc vàng. Vòng quanh ao có dãy hành lang trang trí bằng những hình vẽ bao bọc. Ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, mỗi phía đều bắc cầu cong để đi lại. – sân trước mặt, hai bên tả hữu xây tháp báu lưu ly…”.

    Hai tháp báu này xây bằng gạch nung đất trắng, một cạnh gạch có chạm rồng (kiểu rồng thời Lý) ngoài cũng phủ men trắng mà khoảng năm 1954 đã được tìm thấy trong khuôn viên chùa Diên Hựu. Thiền sư Huyền Quang, đệ tam tổ phái Trúc Lâm thời Trần có làm thơ vịnh cảnh Diên Hựu Tự dưới trăng thu, có đề cập đến những ngọn tháp này:

    “Phương trượng đêm thu vẳng tiếng chuông,

    Lá bàng đỏ sẫm ánh trăng suông,

    Gương hồ in ngược chim đầu nóc,

    Một đôi tháp ngọc nhọn đầu vươn”.

    Vua Lý Nhân Tông còn cho xây thêm một gác chuông bằng đá cao mấy trượng và đúc một quả chuông thật lớn định để treo lên, nhưng chuông rè, không kêu nên để bỏ ở thửa ruộng bên chùa. Ruộng trũng nhiều rùa, nên được gọi là chuông Qui điền. Chuông này sau Vương Thông nhà Minh bị Bình Ðịnh Vương vây hãm, phá đi để lấy đồng đúc khí giới.

    Vào những ngày sóc (mồng một), ngày vọng (rằm) mỗi tháng nhà vua thường đến lễ chùa và hàng năm đến ngày Phật Ðản (mồng 8 tháng Tư âm lịch) vua đều đến dự lễ tắm Phật. Ðó là thời cực thịnh của chùa Diên Hựu. Từ đó đến nay, chùa cùng với đất nước trải qua bao cuộc thịnh suy nhưng vẫn tồn tại và đã được tu sửa nhiều lần.

    Ý niệm xây dựng chùa Một Cột có lẽ đã phát xuất từ thời Ðinh Lê, bằng chứng là ở Hoa Lư cũng có di tích của một chùa Một Cột.

    Nghệ nhân thêu Phan Văn Khoan vẽ hình Chùa Một Cột năm 1898

    Nghệ nhân thêu Phan Văn Khoan vẽ hình Chùa Một Cột năm 1898

    Những hình ảnh xưa nhất của Liên Hoa Ðài, được ghi lại là những tấm hình chụp về cuối thế kỷ 19, cho ta thấy chùa Một Cột bấy giờ trông tương tự như bây giờ, nhưng tình trạng bắt đầu hư nát và quang cảnh xung quanh khá hoang tàn.

    Ðến năm 1923 chùa Một Cột được trường Viễn Ðông Bác Cổ xây cất lại và xây bao lan bọc quanh bốn phía hồ. Nhưng cuộc trùng tu này vì thiếu kinh nghiệm nên kết quả không được mỹ mãn lắm. Kích thước thì nhỏ hẹp đi, mái cũng thấp hơn, quang cảnh có gọn gàng phong quang hơn nhưng đường nét cũng khô khan hơn.

    Bức tượng Phật thuốc nổ không thể phá hủy

    Tuy nhiên từ đây trở đi nhờ phương tiện truyền thông, sách vở, báo chí hình ảnh, chùa Một Cột được phổ biến, thậm chí nha bưu điện Ðông Dương cũng dã mấy lần phát hành tem chùa, nên càng ngày kiến trúc này càng được biết đến, không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Ðến cuối năm 1954 khi thi hành hiệp định Genève, quân Pháp sửa soạn rút lui khỏi Hà Nội và miền Bắc thì có kẻ lạ mặt đặt thuốc nổ phá hủy chùa Một Cột ngày 11/9/1954 (rằm tháng Tám âm lịch).

    Liên Hoa Ðài bị phá hủy từ mặt sàn trở lên vì chất nổ được giấu ở dưới bát nhang. Tuy nhiên, pho tượng Quan Âm nơi đây, vẫn ngồi y nguyên ở gần ngay đấy, chỉ bị rời mấy cánh tay gỗ chắp. Sau khi tiếp quản Hà Nội, được mấy tháng thì chính quyền tiếp quản quyết định phục hồi lại chùa và ủy nhiệm cho chuyên viên Sở Bảo tồn Cổ tích Nguyễn Bá Lăng, nghiên cứu họa đồ và điều khiển công trường.

    Họa đồ đã được nghiên cứu căn cứ theo một ảnh chụp cũ khoảng cuối thế kỷ XIX của trường Viễn Ðông Bác Cổ. Vì là ảnh chụp lập diện (géométral) nên những kích thước cũ, chiều rộng, chiều cao, độ dốc mái kể cả chi tiết tầu đao, lan can được phục nguyên một cách chính xác. Cột đá đường kính 1m20 và bộ con sơn xóc nách bên dưới vẫn được giữ nguyên, còn bên trên bình đồ vuông được phục nguyên mỗi mặt rộng 4m20, chiều cao từ sàn đến diềm mái là 2m20.

    Chi tiết trang trí trên nóc mái là đôi rồng ngoảnh cổ lại chầu mặt nguyệt, là đặc điểm trang trí từ thời cuối Lê sang Nguyễn được đắp lại như cũ. Bốn góc mái đao được làm cong hớt lên hơn trước một ít. Những hình đắp trang trí trên bốn góc đao trong hình chụp không rõ vì đã hư mòn thì được đắp lại theo hình đầu rồng lá lật như kiểu cuối thời Lê, còn thấy khá phổ thông ở các kiểu kiến trúc cổ tại miền Bắc.

    Hình chụp chùa Một Cột năm 1896

    Hình chụp chùa Một Cột năm 1896

    Vách gỗ bao quanh cung thờ được làm theo kỹ thuật cổ truyền là vách nong đố gỗ. Lan can được làm con tiện và cái “vỉ ruồi” trang trí ở hai đầu hồi thì được chạm theo kiểu chép ở nhà thủy tạ chùa Tam Sơn, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.

    Bên trong, phía sau bên trên bàn thờ Ðức Quan Thế Âm, được trang trí bằng một dải ván thượng diệp chạm lưỡng long chầu nguyệt dập theo một kiểu chạm gỗ ở đình làng Ðình Bảng (Bắc Ninh). Cũng ở đây bên trên giáp mái treo tấm bảng chữ Hán “Liên Hoa Ðài”.

    Và gần 1000 năm đã qua, trong tâm tưởng mỗi người Việt Nam, ai cũng biết đến hình ảnh chùa Một Cột, công trình văn hóa lịch sử đích thực kiến trúc Việt Nam.

    Nguồn: Báo Pháp Luật

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều