Vào ngày 27/11/2019, tại tỉnh Pursat, Campuchia đã phát hiện một “kho báu thất lạc” đó là bức chạm khắc tượng Phật dài 6 mét nằm ở chân đồi Kangva.
Được biết, sự phát hiện này được một cư dân địa phương là ông Bun Sopheap đã bất chợt nhìn thấy bức tượng Phật được chạm khắc tinh xảo, khi đang giằng co với 4 người phụ nữ trong làng vì tranh giành khu đồi đầy đá này.
Khi mới phát hiện, bức tượng khi đó chỉ lộ ra một nửa, cho thấy Đức Phật nằm quay mặt về hướng Nam và tượng đã dầu mưa dãi nắng từ rất lâu. Sau đó, một nhóm nhà sư trẻ tu tại chùa địa phương sau đó đào hết đất đá xung quanh, để lộ toàn bộ tượng Phật nằm có chiều dài 6m và cao 2,5m.
Hay tin về phát hiện mới này, ông Eng Kunthea (người đứng đầu đảng Nhân dân Campuchia tại huyện Krakor, tỉnh Pursat và cũng là cố vấn cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng) đánh giá đây là một tiềm năng quý giá có thể giúp thúc đẩy phát triển ngành du lịch tỉnh Pursat bởi bức tượng Phật này là một “viên ngọc văn hoá” mang dấu ấn lịch sử.
“Dựa và điều kiện và cách chạm khắc, có thể đoán tượng được chạm khắc vào khoảng thời gian từ thế kỷ 4-7” – ông Eng Kunthea nói và lý giải thêm rằng tượng Phật này khác với các bức tượng Phật được chạm khắc sau đó, ví dụ như dưới thời Oydong (thế kỷ 17-19).
Từ phía Bộ Văn hoá và Mỹ thuật Campuchia, các giới chức cho biết: Theo những gì họ còn nhớ thì những tác phẩm chạm khắc mang tính lịch sử Phật giáo có thể được tìm thấy tại nhiều địa điểm trên khắp Campuchia. Nhưng tượng Phật tại Pursat với kích thước lớn như vậy là lần đầu tiên được phát hiện, mà thường thì những bức tượng Phật lớn đã được thờ cúng trong nhiều thế kỷ qua chứ không hề bị quên lãng.
“Bộ không chắc chắn về niên đại của tượng Phật này, nhưng sau khi kiểm tra các đồ vật cũng được tìm thấy quanh đó cùng cách chạm khắc, tôi nghĩ tượng được chạm để tôn vinh một sự kiện quân sự hoặc một nhân vật quan trọng nào đó thời Oundong” – ông Heng Kamsan – Vụ trưởng Vụ Khảo cổ Bộ Văn hoá và Mỹ thuật nhận xét.