Thứ Tư, Tháng Mười Một 13, 2024
Khác
    HomeVẻ Đẹp Người Xuất GiaNếp sống đạoTinh thần an cư mùa mưa trong Phật giáo Nam truyền

    Tinh thần an cư mùa mưa trong Phật giáo Nam truyền

    Sau ngày rằm tháng Sáu âm lịch, chư Tăng các nước Phật giáo Nam truyền như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào và chư Tăng Phật giáo Nam truyền Việt Nam bắt đầu thực hành an cư mùa mưa, từ ngày 16-6 âm lịch cho đến ngày 15-9 âm lịch.

    Khác biệt về thời gian an cư giữa Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền

    Theo lịch của Ấn Độ cổ đại, mùa mưa bắt đầu từ ngày trăng tròn tháng Āsāḷhā (Sk. Āṣāḍha) và kết thúc vào mùa mưa trăng tròn tháng Kattika (Sk. Kārttika).

    Ngài Huyền Trang ghi: “Theo Thánh giáo của Đức Như Lai thì một năm phân làm ba mùa: Từ ngày 16 tháng Giêng đến ngày 15 tháng Năm tức là mùa nóng. Từ ngày 16 tháng Năm đến ngày 15 tháng Chín là mùa mưa. Từ ngày 16 tháng Chín đến ngày 15 tháng Giêng (năm sau) là mùa lạnh… Nên chư Tăng ở Ấn Độ y theo Thánh giáo của Phật tọa an cư có hai mùa, hoặc ba tháng trước hoặc ba tháng sau. Ba tháng trước tức từ ngày 16 tháng Sáu đến ngày 15 tháng Chín”. (1)

    Tinh thần an cư mùa mưa trong Phật giáo Nam truyền ảnh 1

    Chư Tăng Phật giáo Nam truyền

    - Advertisement -

    Riêng ngài Pháp Hiển cho rằng: “Tiền an cư là ngày mùng một hắc ngoạt (2) tháng Năm” (3) (nhằm ngày 16 tháng Năm theo lịch Trung Hoa). Tuy nhiên, ở Trung Hoa, chư Tăng an cư ba tháng hạ lấy mốc thời gian bắt đầu vào ngày 15 tháng Tư. Điều này căn cứ vào kinh Vu lan bồn do ngài Trúc Pháp Hộ (226-303) dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán có nói: “Ngày rằm tháng Bảy là ngày Tự tứ của mười phương Tăng…”. (4) Theo đó, nếu ngày 15 tháng Bảy chư Tăng làm lễ Tự tứ thì ngày an cư phải bắt đầu vào ngày 15 tháng Tư. Các nước ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc đều lấy mốc thời gian này mà thực hành an cư. Chính vì vậy mới có sự sai biệt về thời gian an cư của Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền.

    Duyên khởi Phật chế pháp an cư

    Lúc Đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm), nơi nuôi dưỡng các con sóc. Bấy giờ, việc cư trú mùa mưa chưa được Đức Thế Tôn quy định cho các Tỳ-khưu nên các vị ấy du hành trong mùa mưa bị dân chúng chê bai. Các Tỳ-khưu nghe được những lời phê phán ấy đã trình sự việc lên Đức Thế Tôn. Nhân đó Đức Phật bảo các Tỳ-khưu rằng:

    – Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép vào mùa (an cư) mưa (vassaṃ). (5)

    Xứ Ấn Độ một năm có ba mùa, mùa mưa gồm bốn tháng nhưng Đức Phật cho phép Tăng chúng an cư mùa mưa ba tháng, còn một tháng cuối cùng của mùa mưa, Ngài cho phép vị Tỳ-khưu đã an cư ba tháng mùa mưa thành tựu viên mãn được nhận y Kaṭhina do thí chủ cúng dường và thọ hưởng năm quả báu của Kaṭhina.

    – Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép thành tựu Kaṭhina cho các Tỳ-khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa. Này các Tỳ-khưu, khi các ngươi có Kaṭhina đã được thành tựu, năm điều này sẽ trở thành được phép (đối với các ngươi): việc ra đi không phải báo, việc ra đi không mang theo (đủ cả ba y), sự thọ thực thành nhóm, (sử dụng được nhiều) y theo như nhu cầu, sự phát sanh về y tại nơi ấy sẽ là của các vị ấy. (6)

    Có hai thời điểm an cư được Đức Phật cho phép là tiền an cư và hậu an cư.

    – Này các Tỳ-khưu, đây là hai thời điểm vào mùa (an cư) mưa: thời điểm trước và thời điểm sau. Thời điểm trước thì nên vào ngày kế của (ngày trăng tròn) tháng Āsāḷha, thời điểm sau thì nên vào (ngày trăng tròn) tháng Āsāḷha đã trôi qua một tháng.

    Thời tiền an cư từ ngày 16 tháng Sáu đến 15 tháng Chín âm lịch. Thời hậu an cư ngày 16 tháng Bảy đến 15 tháng Mười âm lịch. Các Tỳ-khưu thường nhập hạ trong thời tiền an cư, chỉ khi nào có việc không kịp thời tiền an cư mới theo thời hậu an cư. Ðến thời kỳ an cư mà vị Tỳ-khưu nào cố ý không nhập hạ thì phạm tội Tác ác. Những vị Tỳ-khưu nhập hạ trong thời hậu an cư thì không được hưởng quả báu Kaṭhina.

    Phát nguyện an cư ba tháng mùa mưa

    Ðến ngày an cư, vị Tỳ-khưu phải tìm trú xứ thích hợp để nguyện an cư mùa mưa. Chỗ an cư có thể là một ngôi chùa, ngôi tịnh thất hoặc một liêu cốc riêng; muốn an cư mùa mưa ở đâu thì nguyện ở đó. Vào ngày hoặc đêm 16 tháng Sáu âm lịch (tiền an cư), hay 16 tháng Bảy âm lịch (hậu an cư), vị Tỳ-khưu nhập hạ phải phát nguyện một mình hoặc phát nguyện chung với các Tỳ-khưu khác cùng an cư mùa mưa chung tại trú xứ đó. Lời phát nguyện nhập hạ như sau: – Tôi nguyện an cư mùa mưa tại chùa này hết ba tháng. (7)

    Sau khi đã phát nguyện an cư mùa mưa, vị ấy phải nhập hạ tại nơi ấy trong ba tháng không được rời khỏi. Trong trường hợp đặc biệt như cha mẹ, thầy tổ bị đau bệnh hay viên tịch, hoặc có Tăng sự quan trọng, hoặc có thí chủ thỉnh mời làm những Phật sự cần thiết, thì vị Tỳ-khưu phải xin nguyện tạm thời rời trú xứ an cư nhưng không được quá bảy ngày, nghĩa là phải trở lại trú xứ trước lúc mặt trời mọc của ngày thứ bảy.

    Cách nguyện để ra đi, rời trú xứ an cư như sau: – Nếu không có sự trở ngại cho tôi, tôi sẽ trở về trong vòng bảy ngày. (8)

    Vị Tỳ-khưu ấy có thể nguyện trong tâm cũng được, nguyện ra lời hoặc đến trình báo mục đích chuyến ra đi của mình với một vị khác cũng tốt, nhưng phải ghi nhớ thời gian mình ra đi để quay về trong khoảng thời gian bảy ngày cho phép. Đến ngày an cư mùa mưa, các vị Tỳ-khưu đều phải phát nguyện nhập hạ, dù ở nơi đó có tổ chức trường hạ hay không. Thậm chí chỉ có một mình, Tỳ-khưu ấy cũng phải nguyện nhập hạ đúng phép.

    Ý nghĩa của an cư mùa mưa

    An cư mùa mưa là một truyền thống tốt đẹp của Phật giáo được Đức Phật ban hành và Tăng chúng truyền thừa đến ngày hôm nay. Tu tập trong xã hội hiện đại, hàng xuất gia khá bận rộn với nhiều Phật sự, thế sự đa đoan, nên an cư cũng là một dịp tốt để nhìn lại chính bản thân mình, tự mình gột rửa, trau giồi, rèn luyện thân-khẩu-ý thêm nữa, nỗ lực tu tập giới-định-tuệ.

    Tinh thần an cư mùa mưa trong Phật giáo Nam truyền ảnh 2

    Nghi thức thắp đèn hạ trong mùa An cư của Phật giáo Nam Tông

    Ngay cả với Đức Phật, vào thời an cư ba tháng mùa mưa, Ngài cũng muốn độc cư thiền tịnh.

    “Lúc Đức Thế Tôn đang trú tại Icchānaṅgala, một ngôi làng Bà-la-môn trong xứ Kosala. Ngài đã cho gọi các Tỳ-khưu đến và bảo:

    – Này các Tỳ-khưu, Ta muốn sống độc cư thiền tịnh trong ba tháng, không tiếp một ai, trừ một người đem đồ ăn lại.

    – Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

    Các Tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Như vậy, không một ai đến viếng Thế Tôn, trừ một người đem đồ ăn lại.

    Rồi Thế Tôn, sau khi ba tháng ấy đã mãn, từ chỗ thiền tịnh độc cư đứng dậy, gọi các Tỳ-khưu:

    – Này các Tỳ-khưu, nếu các du sĩ ngoại đạo đến hỏi các ông: ‘Với sự an trú nào, này chư Hiền, Sa-môn Gotama an trú nhiều trong mùa mưa?’. Ðược hỏi vậy, này các Tỳ-khưu, các ông hãy trả lời cho cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: Với định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này chư Hiền, Thế Tôn an trú nhiều trong các mùa mưa”. (9)

    Trong hai năm nay, dịch bệnh SARS-CoV-2 hoành hành khắp nơi. Mặc dù vậy, trên tinh thần của giới luật, chư Tăng vẫn thực hiện phận sự an cư, quay về sống với chính mình, chánh niệm và tỉnh giác. Dù xã hội có biến động ra sao, vị hành giả tu tập phải giữ vững niềm tin, chí nguyện và phận sự của mình. Mặc dù không theo trường hạ tập trung, không cúng dường lễ lộc như những năm không dịch bệnh, việc an cư mùa mưa là cơ hội để các vị Tỳ-khưu đặt xuống những lo toan thế sự, những trách nhiệm chức sự, cùng ngồi lại tu tập và rèn tâm luyện ý cho được tịnh thanh. Hy vọng rằng, với tâm niệm lành, với thân nghiệp thiện, cùng với hồng ân Tam bảo ba đời mười phương sẽ hộ trì cho chúng sinh được vô lượng an lành và cùng nhau vượt qua đại dịch, an toàn đồng đều nhau cả thảy.

    ———————————

    Linh Sơn pháp bảo Đại tạng kinh, tập 190, Đại Đường Tây vực ký, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn, Đài Bắc, tr.354-355.

    Một tháng chia làm hai thời kỳ: mùng 1 đến rằm là trăng lên, gọi là bạch ngoạt; 16 đến cuối tháng là trăng xuống, gọi là hắc ngoạt.

    3 Linh Sơn pháp bảo Đại tạng kinh, tập 199, Nam hải ký quy nội pháp truyện, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn, Đài Bắc, tr.698.

    4 Linh Sơn pháp bảo Đại tạng kinh, tập 65, Kinh Vu lan bồn, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn, Đài Bắc, tr.584.

    5 Vin.i.136. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 1, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr.347

    6 Vin.i.253. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr.111.

    Giác Giới (2002), Luật nghi tổng quát, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

    8 Giác Giới (2002), Luật nghi tổng quát, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

    Kinh Tương ưng bộ, tập 2, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.714.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều