Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác
    HomeVăn HóaTruyền thống- Lễ hộiTái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu”

    Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu”

     Sáng 4-2 (tức 23 tháng Chạp), tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức Lễ “Tiến Xuân ngưu” và lễ dựng cây nêu đón tết Tân Sửu.

    Nguồn gốc lễ hội

    Nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” nghĩa là dâng con trâu mùa Xuân lên nhà vua còn có một tên gọi khác là “Đả Xuân ngưu” (tức đánh roi vào con trâu mùa Xuân) là nghi thức của văn hóa cung đình xưa.

    Xuất phát từ một nghi lễ trong cung đình, dần dần lễ “Tiến xuân ngưu” lan ra toàn bộ kinh thành, thu hút sự tham gia của toàn dân kinh kỳ, trở thành một lễ thức quan trọng trong các triều đại Lê, Lý, Trần, được tiến hành vào mỗi dịp lập Xuân.

    Vào dịp Tết Nguyên đán, trong cung đình Thăng Long xưa thường diễn ra một số các nghi lễ như lễ dựng nêu, lễ phất thức, lễ hạ nêu , khai ấn… Trong đó lễ tiến xuân ngưu là một nghi lễ quan trọng được triều đình chuẩn bị công phu, tiến hành vào ngày Lập xuân với mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và cầu mong một mùa xuân no ấm, đủ đầy.

    Nhằm giúp du khách tìm hiểu về các nghi lễ trong cung đình xưa kia và bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã tập trung nghiên cứu, từng bước tái hiện các nghi lễ cung đình. Lễ tiến Xuân ngưu được tái hiện vào dịp xuân Tân Sửu năm nay là một sự thể nghiệm dựa trên kết quả nghiên cứu về nghi lễ cung đình, với mong muốn lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống cho công chúng và thế hệ trẻ, đồng thời cũng là một hoạt động đặc sắc để thu hút du khách trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

    - Advertisement -
    Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” ảnh 1

    Theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, nghi lễ tiến xuân ngưu có từ thời Lý, Trần và đến thời Lê Trung hưng cũng được triều đình cử hành long trọng. Lịch triều hiến chương loại chí và Lê Triều hội điển đều cho biết: Cứ đến tháng 11 hàng năm, Tư thiên giám xem ngày tháng tiết Lập xuân và kê khai cách thức làm xuân ngưu, dâng trình kiểu mẫu để triều đình giao cho Bộ công đốc suất cục Thường ban làm. Cụ thể là 1 trâu đất lớn, 1 thần câu mang lớn và 1.215 trâu nhỏ và tượng thần câu mang nhỏ. Sau tiết Đông chí, gặp ngày Thìn, Thường ban cục lấy đất và nước ở phương thần tuế đức, dùng gỗ dâu làm khung xương để làm thần câu mang và xuân ngưu. Thần câu mang thân cao 3 thước 6 tấc 5 phân tượng trưng cho 365 ngày, roi của thần dài 2 thước, 4 tấc tượng trưng cho 24 tiết khí trong năm. Xuân ngưu thân cao 4 thước tượng trưng cho 4 mùa (xuân, hạ, thu, đông), từ đầu đến đuôi dài 8 thước tượng trưng cho 8 tiết, đuôi dài 1 thước, 2 tấc tượng trưng cho 12 tháng.

    Sau khi hoàn thành mô hình Xuân ngưu và thần Câu mang, triều đình tổ chức tiến hành tế thần mùa xuân ở đàn tế. Theo thông lệ, đàn tế được dựng ở phường Đông Hà – phía đông kinh thành Thăng Long ứng với hướng của mùa xuân.

    Vào buổi chiều trước ngày Lập xuân, thần Câu mang và Xuân ngưu được rước đến đàn tế. Đến nửa đêm, quan Phủ doãn phủ Phụng Thiên cùng hai quan huyện úy huyện Thọ Xương, Quảng Đức và dân các phường buôn bán rước Mang thần và trâu đến đền Bạch Mã. Tới đền, trâu để ở ngoài, rước Mang thần vào giữa tiền đường, khoảng từ 4-5 giờ sáng, các quan làm lễ. Lễ xong, Mang thần được quấn trong một chiếc chiếu và mang chôn ở nơi đất sạch đã được thầy địa lý xem.

    Lễ tế thần kết thúc, tượng trâu được kính cẩn đặt lên ngai để quan và dân các phường trong kinh thành rước về điện Kính thiên để tiến vua. Đoàn rước đi tới đâu thì dân ở hai bên phường mang pháo ra đốt chào đón trâu. Thỉnh thoảng các quan cầm cành dâu lần lượt quất lên mình trâu mấy cái, tỏ ý trừ bỏ những điều không may và khuyến khích việc cày cấy.

    Dân chúng trong kinh thành theo lệ, hàng năm cứ đến ngày này đều nô nức rủ nhau đi dự đám rước thần. Đây thực sự là một ngày hội lớn của Thăng Long. Đến cửa Đông Hoa của Hoàng thành, đoàn người dừng lại, chỉ có quan Phủ doãn cùng binh lính tùy tùng làm nhiệm vụ tiếp tục rước trâu vào sân điện để tiến vua.

    Sáng sớm ngày Lập xuân, sân điện Kính thiên được dàn bày nghi trượng, cờ xí, nhã nhạc theo đúng qui định. Khi tiếng chuông trống nổi lên, các quan văn, võ đầy đủ phẩm phục trang nghiêm từ cửa Đoan Môn tiến vào sân điện dự lễ. Quan văn võ đứng theo phẩm trật phía đông tây sân rồng, vua ngự trên ngai tại chính giữa cửa điện Kính Thiên. Sau khi các quan hành lễ trước vua theo đúng nghi thức thiết triều, quan Phủ doãn đến giữa ngự đạo quỳ trước án xuân ngưu làm nhiệm vụ tiến xuân. Quan đại trí từ tâu: “Đầu xuân thời tiết tốt, lễ nên chúc mừng” rồi lui về vị trí của mình. Các quan văn, võ dưới sân điện cùng quỳ lạy, lễ xong, vua trở về cung.

    Lễ tiến xuân kết thúc, quan Công khoa phụng lĩnh hàng nghìn tượng trâu nhỏ và thần Câu mang nhỏ (được đặt trên mâm gỗ sơn son thếp vàng, mỗi mâm 5 con, phủ lụa màu vàng chanh) kính ban cho các quan dự lễ trước, số còn lại theo qui định mà ban phát cho các bộ, các cung, miếu trong kinh thành Thăng Long.

    Nghi thức vua Ban xuân ngưu cho các quan là nghi thức duy nhất chỉ có dưới triều Lê với ngụ ý “tống tiễn khí lạnh mùa đông”, mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

    Lễ hội trong tinh thần chống dịch Covid-19

    Lễ tiến xuân ngưu được tái hiện vào dịp xuân Tân Sửu năm nay là một hoạt động đặc sắc tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long phục vụ khách tham quan và góp phần gìn giữ các nét đẹp văn hóa của dân tộc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động đã được Trung tâm giảm bớt quy mô, không tập trung đông người, chỉ giữ lại các nghi thức chính. Buổi lễ bao gồm các nghi thức diễn ra tại sân điện Kính Thiên như: rước Xuân ngưu (rước trâu Xuân từ Đoan Môn), tiến Xuân ngưu (dâng trâu Xuân – trâu đất nhỏ lên vua), ban Xuân ngưu (vua ban lại trâu đất nhỏ giống như ban lộc cho các quan) và đả Xuân ngưu (đánh trâu Xuân).

    Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, từ trước đến nay chúng ta bảo tồn và lưu giữ rất tốt các nghi lễ dân gian, nhưng các nghi lễ cung đình thì chưa được tái hiện nhiều. Gần đây mới có một vài đơn vị nghiên cứu, phục dựng và tái hiện một số nghi lễ cung đình và lễ Tiến Xuân ngưu là một trong số đó. Đây là điều đáng mừng bởi nó bổ sung cho những hiểu biết của chúng ta về đời sống của ông cha trong xã hội xưa.

    Ngay sau lễ Tiến Xuân ngưu là nghi thức cúng Táo quân, thả cá chép và dựng câu nêu đã được diễn ra tại phía trước cổng Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long. Cây nêu được trồng giữa vườn hoa đào nở rộ tươi sắc thắm.

    Trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, biểu diễn múa rối nước phục vụ người dân đến tham quan, thưởng tết.

    Hình ảnh tại buổi lễ:

    Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” ảnh 2
    Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” ảnh 3
    Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” ảnh 4
    Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” ảnh 5
    Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” ảnh 6
    Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” ảnh 7
    Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” ảnh 8
    Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” ảnh 9
    Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” ảnh 10
    Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” ảnh 11
    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều