Cho tới giờ mỗi khi nhắc lại và biết ơn nhất, tôi vẫn luôn nghĩ về thầy Tiêu Âm, người thầy đã dìu dắt tôi suốt những tháng năm cấp hai và cũng là người đã cổ vũ tôi rất nhiều khi tôi đến với nghề viết. Năm này, tôi có dịp quay lại trường xưa, ngôi trường Đống Đa cấp hai của tôi nép mình trong một con hẻm nhỏ, nằm bên cạnh Tháp Đôi cao lớn uy nghi, hùng vĩ, cũng là nơi thầy dạy tôi những bài học đầu đời.
Lúc tôi gặp lại thầy, thầy đã không còn nhận ra tôi nữa, thầy về lại trường nhân dịp Ngày Nhà giáo và trên ngực thầy cài một bông hồng đỏ thắm đại diện cho thầy cô cũ được mời về trường nhân ngày lễ. Mái tóc thầy đã điểm bạc, bước đi chậm rãi, duy có đôi mắt vẫn tinh anh như ngày nào. Thầy đang ngồi trên ghế đá, chờ tới khi trống trường điểm và buổi lễ bắt đầu, đôi mắt thầy chăm chú nhìn về hướng Tháp Đôi. Thấy tôi đang luống cuống không biết mở lời chào thầy thế nào, thầy nhẹ nhàng:
- Em cũng là học trò về lại trường à? – Thấy tôi nhẹ nhàng gật đầu, thầy vỗ vỗ xuống ghế bên cạnh thầy – Em ngồi đây này, cùng ngắm Tháp Đôi với thầy.
Lời thầy nói vẫn y hệt như non cả gần hai mươi năm về trước khi tôi hãy còn là một cô
Trò nhỏ mới chập chững bước vào cấp hai. Khi ấy tôi mới về thành phố này, mọi thứ hãy còn xa lạ, lên cấp mới, bạn mới, tôi cũng tự thu mình lại vì không có lấy một người bạn thân quen. Mỗi ngày đi học của tôi là đến lớp rồi về nhà, hoặc tự chôn mình nơi ghế đá, tập tành viết những câu văn, làm những bài thơ non nớt. Khi ấy, tôi nhớ mình thích học văn lắm, không chỉ viết những đề tài trong chương trình học tôi còn tự viết về cuộc sống, dù với những con chữ trẻ thơ như những trang nhật kí. Ngôi trường nhỏ của tôi nằm sát ngay cạnh Tháp Đôi, từ sân trường có thể thấy được rõ phần thân Tháp uy nghi sừng sững. Mỗi khi tan học về tôi vẫn thường hay ghé bộ, đi dạo cứ như bà cụ non rồi mới về nhà. Và những lúc đó tôi gặp thầy. Năm học đầu tiên thầy Tiêu Âm chưa dạy văn lớp tôi, khi ấy tôi cũng chỉ biết thầy là một trong những giáo viên văn của trường, thầy đang ngồi lặng im trên ghế đá trong khuôn viên Tháp, ngắm nhìn Tháp rất lâu. Đột nhiên thấy tôi, thầy cất tiếng, vẫn vỗ vỗ vào ghế bảo tôi ngồi cạnh.
- Thầy hay thấy em mỗi chiều về, sao em đi một mình vậy ? Không rủ bạn sang chơi?
- Em không có bạn… Em mới chuyển trường tới…
- Vậy là chưa, chứ sao lại không.
Rồi thầy kể cho tôi nghe như thế nào để kết bạn, cũng thấu hiểu khi tôi bắt đầu với một
Cuộc sống mới, một môi trường mới, thoát khỏi vỏ bọc thân quen sẽ khó khăn như thế nào. Rồi thầy chốt một câu :” Em thích văn đúng không? Thầy thấy em hay viết hí hoáy vào cuốn tập dày. Văn chương vốn là cảm xúc, nếu có gì tuôn trào hãy thử viết ra, sẽ thấy nhẹ lòng thêm.”
Lên lớp bảy thầy dạy văn lớp tôi, thầy trò chúng tôi tiếp xúc nhiều hơn, thầy cũng thường dành thời gian rảnh rỗi để uốn nắn câu chữ của tôi, lại thường đọc những bài thơ văn non trẻ tôi tự làm rồi chỉ ra điểm hay dở mà khắc phục. Có đôi khi, tôi quen đi theo lối mòn cuộc sống, mãi không chịu thay đổi cách viết của mình, không chấp nhận được có nhiều ý tưởng mới len lỏi vào những điều đã cũ. Thầy trầm ngâm rất lâu rồi chỉ về phía Tháp Đôi rồi hỏi tôi:
- Không cần những ý kiến quá chuyên môn, em thấy kiến trúc Tháp có đẹp không? – Khi nhìn thấy cái gật đầu tán thành từ tôi, thầy tiếp – Em có biết Tháp được xây dựng từ rất lâu rồi, có lẽ từ thế kỉ X đến XV, tháp vốn là tháp Chămpa nhưng vì sự giao lưu văn hóa với vương quốc Khmer nên kiến trúc Ăngkor ảnh hưởng phần nhiều đến vấn đề điêu khắc. Em hiểu thầy muốn nói gì không? Bản sắc của mỗi cá nhân là vốn có nhưng nếu biết tiếp thu nhiều hơn đến những văn hóa khác sẽ tạo ra một chỉnh thể hoàn hảo hơn và dễ tạo ra sự đa dạng hơn trong tác phẩm của mình.
Lời thầy nói vẫn luôn in sâu trong tôi từ bấy đến nay, ảnh hưởng rất nhiều đến những
Bài viết tôi đã viết sau này, tôi thường thích sự kết hợp và gắn bó những ý tưởng đột phá mới lạ tạo thành chỉnh thể thống nhất, và luôn cố gắng tự thay đổi mình hơn là đi theo một con đường cũ. Dù lúc ấy, với tâm trí trẻ thơ tôi chưa thực sự hiểu lắm về lời thầy nói nhưng tôi biết thầy muốn tôi tự thay đổi mình.
Tôi còn nhớ như in bài thơ đầu tiên tôi được đăng lên báo trường “ Thiên thần không cánh”, chỉ là một tờ báo trường nhưng đã làm tôi vui và khoe với thầy không biết bao nhiêu lần, cứ như thành quả và sự cố gắng của tôi được đón nhận vậy. Thầy cũng động viên tôi theo nghề viết nhưng cũng khuyên tôi vẫn nên cố gắng học hành vì những ham muốn nhất thời đừng để ảnh hưởng đến tương lai sau này. Nếu những sở thích ấy sau này thay đổi thì ít nhất vẫn còn kiến thức làm nền tảng cho lựa chọn mới.
Năm tôi tốt nghiệp thầy cũng là một trong những người ảnh hưởng đến quyết định của tôi khi tôi chọn học khối xã hội ở Quốc Học. Rồi sau đó việc học tập trở nên khó khăn hơn vì những năm cuối cấp quan trọng nên tôi cũng dần ít về trường. Sau khi lên Đại học tôi lại học xa nhà, đến tận khi tốt nghiệp mới về lại, có mấy lần về trường thì hay tin thầy đã nghỉ hưu, rồi lại vì công việc và cuộc sống ít neo lại lâu thành phố nhỏ nên ít khi tạt qua tìm nhà thầy ghé thăm được… Cứ thế đã ngót nghét hai mươi năm từ ngày gặp thầy.
Khi được biết tôi là một nhà văn, thầy mỉm cười, đôi gò má có phần hồng hào hơn và đầy hào hứng, dù mái tóc điểm bạc và cây gậy thay thế đôi chân làm người ta nhận ra thầy đã có tuổi. Thầy kể về ngày xưa thầy cũng có một cô học trò với mơ ước được làm nhà văn, yêu thích Tháp Đôi như thầy vậy, tập tành viết những câu chữ non nớt và không biết bây giờ đang lưu lạc ở đâu…
Tác giả : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định