Thứ Năm, Tháng Một 23, 2025
Khác
    HomeVăn Học Phật GiáoThơ- vănMười con nhạn trắng về tha

    Mười con nhạn trắng về tha

    Bài này được viết để nói chuyện về thơ và đạo. Người viết không có thẩm quyền về thơ lẫn đạo, do vậy chỉ làm một góp ý bên lề, để thêm ý thơ cho giấy mực. Phần chính là để vâng lời nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, một người đàn anh trong giới học Phật, dặn là “Hải cho một lời bình cõi văn chương nhe…” trong lời mời góp ý.

    Trong bài viết ngày 11.6.2021 nơi mục “Thư gởi bạn xa xôi” trên trang web riêng, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc viết, dẫn từ thơ Phạm Thiên Thư trong Động hoa vàng:

    Mười con nhạn trắng về tha
    Như lai thường trụ trên tà áo xuân
    Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
    Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm…

    Bạn hỏi mình tại sao nhạn trắng, tại sao mười con mà không phải tám chín con hay trăm con? Tại sao “về tha”? Tha ai? Tha cái gì? Tại sao tha? Rồi “Như lai thường trụ” là sao? Vô thường, vô ngã, “vô sở trụ” mà sao còn trụ?” (Trích từ: dohongngoc.com)

    - Advertisement -

    Thiệt sự là khó. Nhà thơ Phạm Thiên Thư bây giờ có tin là từ lâu đã ưa sống tịch cốc, không còn giao du với giang hồ. Các dòng thơ trên là những ngày sáng tạo sung mãn của họ Phạm. Cũng có thể là các dòng thơ đó đã viết trong khi Phạm Thiên Thư đang sống với giới luật của một nhà sư. Nhưng từ khi thơ được viết ra, hiển nhiên là thi sĩ không còn thẩm quyền gì nữa, vì mỗi độc giả từ các cặp mắt kính riêng, sẽ nhìn ra những thế giới tâm thức khác nhau.

    Nơi đây, thử dò lại những dòng Kinh Phật, để xem vì sao nhạn trắng, vì sao mười, vì sao tha, vì sao Như Lai thường trụ; vì sao vô thường, vô ngã, vô sở trụ mà sao còn trụ?

    Tại sao nhạn trắng? Nổi tiếng trong văn học Phật Giáo là chim Ca lăng tần già, tiếng Pali là loài chim Karavīka, sống ở núi rừng Ấn Độ, có tiếng hót, âm thanh trong trẻo, hòa nhã, vi diệu, tất cả những loài chim khác đều thua xa. Nhưng màu lông chim lại xám nhạt, có khi xám đậm, phía đuôi màu đen điểm trắng. Như thế là không phải. Vì màu trắng trong thơ ám chỉ giải thoát, đã xa lìa các pháp bất thiện, không ám chỉ âm thanh hay tiếng kêu, tiếng hót của chim.

    Đọc lại Kinh Pháp Cú, chúng ta nhìn thấy hình ảnh chim bay là tượng trưng cho sự giải thoát, vì là chim đã thoát lưới. Trong Pháp Cú, bài Kệ 91, hình ảnh người giải thoát ví như ngỗng trời rời ao, bay trên bầu trời, không vương vấn bất kỳ nơi ẩn trú nào (nơi ẩn trú, tượng trưng cho sắc thọ tưởng hành thức, tức là nơi ẩn trú của danh-sắc). Trong bài Kệ 92, Đức Phật nói rằng người giải thoát y hệt như chim bay giữa hư không, tâm thức giải thoát y hệt như không từ đâu (không còn từ nhân duyên nữa) và cũng không tới nơi nào (không trụ vào bất kỳ thức nào trong quá, hiện, vị lai). Trong bài Kệ 93, Đức Phật nói rằng người giải thoát như chim bay giữa hư không, không còn dấu chân nào để dò tìm. Trong bài Kệ 174, Đức Phật nói rằng người giải thoát như chim thoát lưới. Trích các bài Kệ vừa dẫn, bản dịch của Thầy Minh Châu, như sau.

    1. “Tự sách tấn, chánh niệm, Không thích cư xá nào, Như ngỗng trời rời ao, Bỏ sau mọi trú ẩn.”
      92. “Tài sản không chất chứa, Ăn uống biết liễu tri, Tự tại trong hành xứ, “Không vô tướng, giải thoát,” Như chim giữa hư không, Hướng chúng đi khó tìm.”
      93. “Ai lậu hoặc đoạn sạch, Ăn uống không tham đắm, Tự tại trong hành xứ, “Không, vô tướng giải thoát.” Như chim giữa hư không, Dấu chân thật khó tìm.”
      174. “Đời này thật mù quáng, Ít kẻ thấy rõ ràng. Như chim thoát khỏi lưới, Rất ít đi thiên giới.”

    Giấc mộng chim chuyển sang màu trắng. Trong khi đó, Kinh AN 5.196, Đức Phật kể về 5 giấc mộng lớn “Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác được giác ngộ, này các Tỷ-kheo, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, có năm mộng lớn hiện ra.” Trong đó, giấc mộng thứ tư là chim nhiều màu chuyển thành chim trắng. Tức là những chúng sanh được Đức Phật độ cho giải thoát.

    Bản dịch của Thầy Minh Châu, trích như sau: “Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy bốn con chim màu sắc khác nhau, từ bốn phương bay đến, rơi xuống chân Ngài và trở thành trắng toát. Bốn giai cấp này, này các Tỷ-kheo, Sát-đế-ly, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, các vị ấy chứng ngộ vô thượng giải thoát. Trong khi Ngài chánh giác ngộ, mộng lớn thứ tư này được hiện ra.”

    Tại sao mười? Con số mười thì không suy đoán được, vì pháp số có nhiều nghĩa dùng với số mười. Điển hình, Như Lai thập hiệu là mười đức hiệu tôn quý của chư Phật (Đó là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật-Thế Tôn). Hay, Như Lai thập lực là mười trí lực hay thần lực của Như Lai. Hay như Thập thiện, là mười việc thiện được thực hiện qua thân, khẩu và ý. Hay, như Thập địa là mười quả vị tu chứng của các vị Bồ Tát.

    Tuy nhiên, có lẽ nhà thơ họ Phạm muốn nói là Thập phương (mười phương) và nếu như thế “mười con nhạn trắng…” là tượng trưng cho 10 phương, nghĩa là, khắp tất cả các phương trời. Hình ảnh chim bay như thế mới đẹp, mới thơ mộng. Thêm nữa, nhiều kinh còn dùng chữ mười phương để nói về oai đức của Đức Phật. Như trong Kinh MA 59, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, trích:

    Này các Tỳ-kheo, Đại nhân thành tựu ba mươi hai tướng này, chắc chắn có hai trường hợp, chân thật không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là Pháp vương hành động theo chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe.”

    Tại sao về tha? Câu thơ “Mười con nhạn trắng về tha” có chữ “tha” có lẽ có nghĩa là chở đi hay chở tới, mang đi hay mang tới. Đây chỉ là suy đoán thôi, những người bình thơ khác sẽ có thể hiểu khác. Nhưng như thế, nói tha, thì tha cái gì? Đó là “Mười con nhạn trắng về tha, Như lai thường trụ trên tà áo xuân.” Có lẽ ý thơ Phạm Thiên Thư là, chim là cái được thấy, tha là hành vi chở đi, Như Lai là cái không được thấy. Cái cụ thể, cái thấy được, chở đi cái trừu tượng, cái không được thấy, hẳn mới thơ mộng. Tức là, cái Sắc (=chim) về tha cái Không (=Như Lai). Lại thêm, chỗ này cực kỳ phức tạp, vì nhà văn Đỗ Hồng Ngọc nêu câu hỏi là: Rồi “Như lai thường trụ” là sao? Vô thường, vô ngã, “vô sở trụ” mà sao còn trụ?

    Trước tiên, để nói chữ “Như Lai” – danh từ này trong tiếng Pali là Tathāgata, tiếng Anh hoặc có nghĩa là “one who has thus gone” (tathā-gata), hoặc có nghĩa “one who has thus come” (tathā-āgata), hay đôi khi có nghĩa “one who has thus not gone” (tathā-agata). Như thế, có 3 nghĩa: người đã ra đi như thế, người đã tới như thế, hay người đã như thị không rời đi. Ngắn gọn, Như Lai là người vượt ra ngoài ý nghĩa của đến và đi. Như thế, chữ Như Lai vượt ra ngoài mọi so sánh, nên có gọi là gì cũng chỉ là tạm dùng chữ.

     Trong Kinh AN 4.23, bản dịch của Thầy Minh Châu ghi lời Đức Phật giải thích về cách ngài tự gọi là Như Lai, trích: “Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy. Vì rằng nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy, nên được gọi là Như Lai. Này các Tỷ-kheo, trong toàn thể thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến đại tự tại, do vậy được gọi là Như Lai.”

    Còn chữ “vô sở trụ” là chữ thường dùng trong Kinh Kim Cang, nói rằng chớ nên trụ vào sắc thanh hương vị xúc pháp mà sanh tâm. Tức là, không trụ vào bất kỳ cái gì trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Trong nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời mà Đức Phật trong vài năm đầu hoằng pháp đã yêu cầu chư tăng tụng đọc hàng ngày, thường nói ý nghĩa “vô sở trụ” nhất. Như Kinh Sn 5.15, Đức Phật yêu cầu tỉnh thức và nhìn thấy cả nội xứ và ngoại xứ là Không, thì là giải thoát: “Hỡi Mogharaja, hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết.” Như thế, Như Lai = Tâm giải thoát = tâm vô sở trụ. Như Lai nơi đây không nên hiểu là Đức Phật sắc thân, chỉ nên hiểu là Tâm giải thoát của bất kỳ chúng sinh nào. Vì như thế, mới có chuyện mười con nhạn trắng về tha Như Lai thường trụ, không có nghĩa Như Lai là Đức Phật lịch sử.

    Lời dạy vô sở trụ còn được Đức Phật dạy qua Kinh Sn 4.6 trong nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, bản dịch của Nguyên Giác:

    811. Người trí không nương tựa vào bất kỳ gì, không thấy gì để trân quý hay ghét bỏ. Sầu khổ và tham đắm không dính vào người này, hệt như nước không dính vào chiếc lá.
    812. Như giọt nước trên lá sen, như nước không dính vào bông sen; những gì được thấy, nghe, nhận biết không dính mắc gì vào người trí.
    813. Người thanh tịnh không khởi niệm tư lường về những gì được thấy, nghe, nhận biết, cũng không muốn tìm thanh tịnh qua bất kỳ cách nào vì đã không còn gì để tham đắm hay ghét bỏ
    .”

    Tương tự, lời Đức Phật dạy giữ tâm vô sở trụ còn nằm trong Kinh Sn 5.10 cùng nhóm kinh, trích:

    1093. [Đức Phật] Với những người đứng giữa dòng nước, trong khi lũ lụt kinh hoàng dâng cao thêm – với những người bị già chết tràn ngập, hỡi Kappa, ta sẽ nói về một hòn đảo.
    1094. “Không sở hữu gì hết, không dính mắc gì hết” – đó là hòn đảo của pháp tối thượng, ta gọi đó là Niết Bàn, nơi đoạn diệt của già chết.
    1095. Hiểu được Pháp này, những người chánh niệm sẽ được giải thoát ngay trong đời này. Họ sẽ không bị ma kiểm soát, cũng không làm tôi tớ cho ma
    .”

    Lời dạy vô sở trụ trong cùng nhóm kinh trên ghi trong Kinh Sn 5.11 rằng hãy rời cả 3 thời quá, hiện, vị lai:

    1098. [Đức Phật] Hỡi Jatukanni, hãy gỡ bỏ lòng tham ái dục, hãy nhìn thấy an toàn trong hạnh xuất ly. Chớ để trong tâm khởi lên ý muốn nắm giữ hay xua đẩy gì.
    1099. Hãy để khô héo tất cả những gì của quá khứ, và chớ hề có chút gì dính tới tương lai. Nếu con không nắm giữ gì trong chặng giữa (hiện tại), con sẽ sống trong bình an.
    1100. Hỡi chàng trai Phạm chí, [bình an là] với người đã dứt bặt lòng tham về tâm và thân, khi lậu hoặc cũng không còn nữa, mà chính lậu hoặc này trước giờ đã đẩy người vào nơi Sự Chết kiểm soát.

    Nghĩa là, thức không còn chỗ sở duyên cho thức an trú, không dính vào bất kỳ ngũ uẩn nào trong ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai), cũng gọi là vô sở y. Khi hiểu Như Lai là Tâm giải thoát, sẽ hiểu rằng bất kỳ Tỳ kheo giải thoát nào cũng là Như Lai, nơi đây không gọi là có hay không, không gọi là thường hay vô thường, và hiển nhiên không nên hiểu là hư vô: do vậy, nếu hiểu Như Lai không thường trụ là một ngộ nhận rằng giải thoát là vào hư vô. Kinh MA 200, bản dịch Thầy Tuệ Sỹ, ghi lời Đức Phật nói rằng Như Lai (Tâm giải thoát) không phải là hư vô, và là nơi thức không còn chỗ sở y (nương tựa, dính vào), trích như sau:

    Thế nào là Tỳ-kheo băng hào? Hào vô minh đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được băng hào. Thế nào là Tỳ-kheo vượt hào? Hào hữu ái đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa, như vậy là Tỳ-kheo đã vượt hào. Thế nào là Tỳ-kheo phá đổ thành quách. Sanh tử vô cùng đã diệt tận, đã bến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo phá đổ thành quách. Thế nào là Tỳ-kheo không cửa? Năm hạ phần kết đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được không cửa. Thế nào là Tỳ-kheo được gương Thánh trí tuệ? Ngã mạn đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được gương Thánh trí tuệ. Đó gọi là Tỳ-kheo băng hào, vượt hào, phá đổ thành quách, không cửa, được gương Thánh trí tuệ.

    “Như Lai chánh giải thoát như vậy, dù Nhân-đà-la, dù Thiên Y-sa-na, dù Phạm Thiên và quyến thuộc, không ai có thể tìm thấy thức sở y của Như Lai. Như Lai là Phạm, Như Lai là Mát Lạnh, Như Lai là Không Phiền Nhiệt, Như Lai là Bất Dị. Ta nói như vậy. Nhưng các Sa-môn Bà-la-môn xuyên tạc Ta bằng những lời hư vọng không chân thật rằng, Sa-môn Cù-đàm chủ trương hư vô….”

    Như Lai là Tâm giải thoát, không thể gọi là hư vô, nhưng gọi thường trụ chỉ là tạm gọi, vì đây là chỗ không dùng ngôn ngữ thế gian để nói được cảnh giới xuất thế gian. Như Lai thường trụ còn có nghĩa là tâm thường định của bậc giải thoát.

    Chỗ này, Ma-nạp Ưu-đa-la đáp lời Bà-la-môn Phạm-ma trong Kinh MA 161, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, trích:

    Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc ra khỏi nhà, thân không cúi xuống, ngước lên; lúc ra khỏi nhà, thân không bao giờ cúi xuống. Lúc ở tại đường cái, ngõ hẻm, không cúi nhìn xuống, cũng không ngước lên, chỉ nhìn thẳng đằng trước, trong đó không có gì ngăn ngại đối với sự biết và sự thấy. Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm có các căn thường định. Vì sao? Vì nhờ thiện hành thuở trước…”

    Nghĩa là, thức có sanh có diệt, nhưng tâm giải thoát (và bản tâm khi đã nhận ra) không hề sanh diệt — [như nhãn thức] thấy có hình hiện ra và thấy có hình biến mất, [như nhĩ thức] nghe có tiếng khởi lên và nghe có tiếng biến mất, tương tự khắp các thức, nhưng khi thức sanh và khi thức diệt, không có nghĩa là tâm sanh hay tâm diệt, cũng y hệt như sóng có sinh có diệt nhưng nước không hề sinh diệt. Đó là nghĩa thường trụ của Như Lai. Hễ nhận ra bản tâm như thế, sẽ từ từ thấy rằng bản tâm vốn là thường định, y hệt như sóng sanh diệt, nhưng nước không sanh diệt, chỉ đồng nhất một vị mọi nơi.

    Trong Kinh SN 8.2, bản dịch của Thầy Minh Châu, nói về nghĩa Tâm tỉnh thức và thường định của bậc giải thoát, trích như sau (bài kệ sẽ viết theo văn xuôi cho dễ đọc):

    Tỷ-kheo không phiền não, Không nói lời ác ngữ, Sáng suốt, tâm thường định, Không dối trá, thận trọng, Thoát ly mọi tham ái. Vị Mâu-ni chứng đạt, Cảnh Niết-bàn tịch tịnh, Chờ đón thời mệnh chung, Với tâm tư vắng lặng, Thanh thoát nhập Niết-bàn.”

    Tương tự, ngài A Na Luật cũng tự kể về cảnh giới vĩnh hằng của Tâm thường định trong Niết Bàn (chứ không phải còn chao đảo, lúc tâm ở Niết bàn, lúc tâm rơi về cõi Ta Bà) trong Kinh MA 66, bản dịch Thầy Tuệ Sỹ, trích như sau:

    Bấy giờ Tôn giả A-na-luật, bậc Vô Sở Trước Chân Nhân, được chánh giải thoát, nói bài tụng rằng: Tôi nhớ, xưa nghèo nàn, Chỉ nhặt cỏ mà sống. Bớt phần, cúng Sa-môn. Vô Hoạn tối thượng đức. Nhân đó sanh dòng Thích, Tên là A-na-luật. Hiểu rành về ca vũ; Làm nhạc, thường hoan hỷ. Tôi được gặp Thế Tôn, Chánh giác, như cam lồ. Đã gặp, sanh tín tâm, Bỏ nhà đi học đạo. Tôi biết được đời trước, Biết chỗ sanh trước kia; Sanh Tam Thập Tam Thiên, Bảy lần trú ở đó. Đó bảy, đây cũng bảy; Thọ sanh mười bốn lần, Nhân gian và thiên thượng, Chưa từng đọa ác đạo. Nay biết rõ sanh tử, Nơi chúng sanh qua lại; Biết tâm người thị phi; Hiền thánh, năm lạc thú; Chứng năm chi thiền định, Thường định, tâm tĩnh mặc. Đã chứng đắc tịch tịnh. Liền đắc tịnh thiên nhãn.”

    Do vậy, pháp hữu vi là vô thường, có sinh có diệt. Nhưng Pháp vô vi (Giải thoát) là vĩnh viễn kết thúc tham sân si, là giải thoát thường trụ, là thường định. Kinh SA 890 bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng, trích:

    Thế nào là pháp Vô vi? Tham dục vĩnh viễn chấm dứt; sân nhuế, ngu si vĩnh viễn chấm dứt; tất cả phiền não vĩnh viễn chấm dứt. Đó gọi là pháp Vô vi.

    “Thế nào là Đạo tích vô vi? Tám Thánh đạo phần: Chánh kiến, chánh trí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là Đạo tích vô vi.”

    Đối với bậc giải thoát, hình ảnh chim bay trên hư không còn ẩn dụ cho thức không có nơi dựa vào, không nơi nào để dò. Kinh MN 22, bản dịch của Thầy Minh Châu viết về Tâm giải thoát đó, trích:

    Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã giải thoát như vậy, thì chư Thiên ở Ðế thích Thiên giới, Phạm thiên giới, Sanh chủ giới sẽ không tìm được dấu vết của Tỷ-kheo ấy, nếu nghĩ rằng: “Y ở đây, có thức của Như Lai”. Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, Ta nói ngay ở hiện tại, một Như Lai không thể tìm thấy dấu vết”. (Xuyên tạc Như Lai) Chư Tỷ-kheo, Ta nói như vậy, thuyết như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn xuyên tạc Ta một cách phi chơn, hồ đồ, hư vọng, không thực: “Sa-môn Gotama chủ trương chủ nghĩa hư vô, đề cao đoạn diệt, hủy diệt, sự tiêu diệt các hữu tình”. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta không là như vậy, Ta không nói như vậy, Ta không như các Sa-môn, Bà-la-môn ấy đã xuyên tạc một cách phi chơn, hồ đồ, hư vọng, không thật: “Sa-môn Gotama chủ trương chủ nghĩa hư vô, đề cao đoạn diệt, hủy diệt, sự tiêu diệt các hữu tình”.”

    Cảnh giới thể nhập của tâm giải thoát trong Niết Bàn thường trụ còn được ghi nhận qua Kinh SA 277, bản dịch hai Thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng, trích (ghi nhận: thức sinh diệt trong mọi cảnh, nhưng tâm vẫn thường trụ an vui và không nhiễm trước; nơi đây chúng ta tránh nói tới 8 thức của Duy Thức, vì sẽ dài dòng sang ý khác) như sau:

    Thế nào là luật nghi? Nếu nhãn căn được luật nghi thâu giữ; khi nhãn thức nhận thức sắc, tâm không nhiễm trước. Khi tâm đã không nhiễm trước thì thường trụ an vui. Vì tâm đã trụ trong an vui nên thường được nhất tâm. Vì đã nhất tâm nên thấy biết như thật. Vì đã thấy biết như thật nên lìa nghi hoặc. Vì đã lìa nghi hoặc nên không bị chúng làm mê lầm và thường trụ trong an vui. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là luật nghi.”

    Tà áo xuân trong câu thơ “Như Lai thường trụ trên tà áo xuân” có lẽ nhà thơ muốn nói rằng cảnh giới mới (xuân tượng trưng cho an vui, giải thoát). Nhưng tới đây mới nhức nhối: “Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền. Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm…” Câu trước thuần tả cảnh thôi. Nhưng câu sau, theo ngôn ngữ đời thường của dân mình, lạicó nghĩa gợi dục. Hễ ngó thấy trên làn da trắng như tuyết, có đôi gò đào nở… hiển nhiên là đời thường như chúng ta khó bình tâm vậy. Tại sao hai câu trên hàm ý giải thoát, mà câu thứ tư lại hàm ý gợi dục? Chúng ta là độc giả, không thể đoán đúng ý tác giả. Có phải, nhà thơ muốn cảnh báo rằng cần phải có pháp đối trị? Vậy thì, nên đối trị ra sao?

    Đối trị. Đây là chuyện gian nan vì đôi gò đào cứ tưởng là chuyện nhỏ, nhưng thực ra là nặng tới triệu ngàn cân, đã xô đẩy chúng ta trăm kiếp ngàn đời rồi. Trên nguyên tắc đối trị, có dao xài dao, có búa xài búa, có gậy xài gậy. Nghĩa là, tiện dụng mà xài nếu dao, búa, gậy đập bể được tham sân si. Nếu bạn có cơ duyên gặp Làng Mai, sẽ được khuyên là ngồi thở. Nếu gặp Thầy Tịnh Độ, sẽ được khuyên là niệm danh hiệu Phật. Và tương tự, nhiều cách khác nhau, tùy cơ duyên gặp. Đôi khi, bạn ra sân chạy một vòng cho đổ mồ hôi, hay nhào xuống sông tắm một trận là sẽ quên. Nhưng phải trị gốc rễ, chớ tạm quên thì cũng hỏng. Đức Phật đã dạy cho đệ tử nhiều phương tiện khác nhau.

    Sợ dục. Đó nên là điều trước tiên. Vì nếu không biết sợ dục, sẽ dễ dàng lơi lỏng. Nghĩa là, ý thức về Khổ đế, để biết sợ sinh tử luân hồi. Trong Kinh AN 5.76, bản dịch của Thầy Minh Châu viết:

    “Vị ấy ở đấy thấy nữ nhân ăn mặc không tề chỉnh, ăn mặc không kín đáo, tham dục tấn công vị ấy. Vị ấy với tham dục bị tấn công, nên thân bị thiêu cháy, tâm bị thiêu cháy. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta hãy đi đến khu vườn báo tin cho các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả, tôi bị tham dục tràn ngập, bị tham dục ám ảnh. Tôi không thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu hiện sự yếu kém trong học tập, tôi từ bỏ học pháp, sẽ trở về với đời sống thế tục”. Các vị đồng Phạm hạnh giáo giới, khuyên bảo như sau: “Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói: “Các dục vị ngọt ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như một khúc xương, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như miếng thịt, khổ nhiều, não nhiều, nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như bó đuốc bằng cỏ, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như một hố than hừng, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như một cơn mộng, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như vật dụng mượn dùng, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như quả của cây, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như lò thịt, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như cây gậy nhọn, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như đầu rắn, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn”. Tôn giả hãy tìm sự thoải mái trong Phạm hạnh! Tôn giả chớ biểu hiện sự yếu kém trong học tập, từ bỏ học pháp và trở lui đời sống thế tục”….”

     Trong Kinh AN 5.71, Đức Phật dạy rằng có 5 pháp để lìa thế gian này, trong đó chúng ta có thể chọn một pháp hay nhiều pháp thích nghi: (1) quán bất tịnh; (2) ghê tởm các món ăn (nên ghi chú: có 4 loại thức ăn, trong đó nguy nhất là loại thứ 4 là thức thực, tức món ăn ưa thích của thức, như nhãn thức ưa ngó cái đẹp, như nhĩ thức ưa nghe lời êm tai hay nhạc du dương, mũi… lưỡi… thân… rồi ý thức ưa ngâm thơ, viết văn…); (3) đừng hoan hỷ [nắm giữ] thế giới này; (4) quán vô thường; (5) niệm sự chết.

    Kinh AN 5.71, trích bản dịch của Thầy Minh Châu viết:

    Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tâm giải thoát quả, tâm giải thoát lợi ích, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát lợi ích. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tùy quán bất tịnh trên thân, với tưởng ghê tởm trong các món ăn, với tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tùy quán vô thường đối với tất cả hành, với tưởng về chết, vị ấy nội tâm khéo an trú.

    Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tâm giải thoát quả, tâm giải thoát lợi ích, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát lợi ích. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo có tâm giải thoát và có tuệ giải thoát, này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là Tỷ-kheo đã cất đi các vật chướng ngại, đã lấp các thông hào, đã nhổ lên cột trụ, đã mở tung các ổ khóa, là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy.”

    Đặc biệt, có trường hợp như ngài Nan Đà, vốn là một hoàng tử quen sống đời ngũ dục, nên rất khó khăn để tự vượt thắng, tâm lại nhớ cô gái Thích nữ Tôn Đà Lợi (Sundari). Đức Phật mới dùng thần thông đưa ngài Nan Đà đi tận rừng sâu (để nhìn thấy những cái xấu xí, bất tịnh), rồi lên thật cao các cõi trời (để nhìn thấy các thiên nữ, các niềm vui hứa hẹn), rồi đi tận cùng các địa ngục (để thấy có trăm ngàn khổ đang chờ nơi đây) để biết sợ mà tu. Đó là Kinh EA 18.7, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng.

    Vì kinh này quá dài, nên sẽ tóm lược ý như sau. Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Lúc đó, ngài Nan Đà muốn trở về đời. Đức Phật hỏi vì sao ngài Nan Đà muốn cởi pháp y để sống đời bạch y. Ngài Nan Đà thưa: “Dục tâm con hừng hực, không thể tự kiềm được!” Đức Phật mới rầy ngài Nan Đà: “Điều đó không thích hợp với ngươi, là thiện gia nam tử đã bỏ nhà xuất gia học đạo, tu hạnh thanh tịnh, sao lại bỏ chánh pháp mà muốn sống đời ô uế? Nan-đà nên biết, có hai pháp không biết chán đủ. Nếu có người nào sống theo hai pháp này thì không bao giờ biết chán đủ. Hai pháp gì? Dâm dục và uống rượu, đó gọi là hai pháp không biết chán đủ. Nếu người nào sống theo hai pháp này, thì không bao giờ biết chán đủ. Do bởi hành quả này mà không thể đạt đến chỗ vô vi. Cho nên, này Nan-đà, hãy ghi nhớ bỏ hai pháp này, sau nhất định sẽ thành tựu quả báo vô lậu. Nan-đà, nay ngươi khéo tu phạm hạnh; con đường dẫn đến quả đạo, không thể đều không do đây.”

    Thế rồi Thế Tôn liền dùng thần lực, tay nắm Nan-đà; trong khoảnh khắc giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, đem Nan-đà lên Hương sơn. Bấy giờ trên núi có một hang đá, lại có một con khỉ cái mù loà đang ở nơi đó. Thế Tôn, tay phải nắm Nan-đà, bảo: “Đằng nào xinh đẹp? Tôn-đà-lợi cô gái họ Thích xinh đẹp hay con khỉ cái mù lòa này xinh đẹp?”

    Ngài Nan Đà mới nói rằng con khỉ mù làm sao mà đẹp được: “Ở đây cũng như vậy, Thích nữ Tôn-đà-lợi, nếu đem con khỉ cái mù lòa để cùng so sánh, thì không thể làm thí dụ được. Giống như đống lửa lớn thiêu đốt sơn dã, còn dùng củi khô bỏ thêm vào thì lửa càng trở nên hừng hực. Ở đây cũng vậy, con nhớ cô gái họ Thích kia, không rời khỏi tâm được.

    Thế rồi, Đức Phật đưa ngài Nan Đà lên trời Tam thập tam thiên. Ngài Nan Đà nhìn thấy năm trăm thiên nữ, đang ca hát kỹ nhạc vui đùa với nhau. Ngài Nan Đà thấy toàn là thiên nữ, không có người nam, mới hỏi chuyện. Được một Thiên nữ đáp: “Chúng tôi có năm trăm người, tất cả đều thanh tịnh, không có phu chủ. Chúng tôi nghe Thế Tôn có đệ tử tên là Nan-đà, là con di mẫu của Phật. Ngài đang ở chỗ Như Lai tu phạm hạnh thanh tịnh, sau khi mạng chung sẽ sinh về cõi này làm phu chủ chúng tôi, cùng vui đùa với nhau.”

    Lúc ấy Tôn giả Nan-đà lòng rất vui mừng không thể tự chế, liền tự nghĩ: “Hiện tại ta là đệ tử Thế Tôn, lại là con di mẫu. Những thiên nữ này đều sẽ làm vợ cho ta.”

    Đức Phật mới nghĩ: “Nay Ta sẽ dùng lửa để diệt lửa Nan-đà.” Trong khoảnh khắc giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, Thế Tôn tay phải nắm cánh tay Nan-đà, dẫn đến trong địa ngục. Lúc này chúng sanh địa ngục đang chịu ngần ấy khổ não. Khi ấy trong địa ngục kia có một cái vạc lớn, trống không có người. Thấy vậy, Nan-đà sinh lòng sợ hãi, lông áo đều dựng đứng, đến trước Thế Tôn thưa: “Ở đây mọi chúng sanh đều chịu khổ đau, chỉ có độc nhất cái vạc này trống không có người!

    Thế Tôn bảo: “Đây gọi là địa ngục A-tỳ.

    Bấy giờ, Nan-đà lại càng sợ hãi hơn, bạch Thế Tôn: “Đây là địa ngục A-tỳ, mà sao có một chỗ trống không có tội nhân?”

    Đức Phật mới bảo ngài Nan Đà tới hỏi người cai ngục. Ngục tốt đáp: “Tỳ-kheo nên biết, đệ tử của Phật Thích-ca Văn tên là Nan-đà, ở chỗ Như Lai tu phạm hạnh thanh tịnh, sau khi thân hoại mạng chung sinh về chỗ lành trên trời. Ở đó, ông ta sống lâu nghìn tuổi, tự vui đùa khoái lạc, mạng chung ở đó lại sinh vào trong địa ngục A-tỳ này. Cái vạc trống này chính là nhà của ông ta.”

    Kinh hoàng, ngài Nan Đà mới trở lại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân bạch Thế Tôn: “Xin nhận sự sám hối tội của chính con, vì không lo tu phạm hạnh, lại còn xúc nhiễu Như Lai!”

    Tới đây, Kinh EA 18.7 ghi thêm:

    Bấy giờ, Thế Tôn trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, tay nắm Nan-đà biến khỏi địa ngục, trở về đến vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, thành Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Nan-đà: “Này Nan-đà, nay ngươi hãy tu hành hai pháp. Hai pháp gì? Chỉ và quán. Lại phải tu thêm hai pháp. Hai pháp gì? Sinh tử không đáng vui, biết Niết-bàn là an lạc. Đó là hai pháp. Lại tu thêm hai pháp. Hai pháp gì? Trí và biện.”

    Bấy giờ, Thế Tôn thuyết giảng cho Nan-đà bằng nhiều pháp khác nhau. Tôn giả Nan-đà sau khi thọ lãnh những lời dạy của Thế Tôn rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, rồi thối lui ra về; đi đến rừng An-đà. Ở đó, Tôn giả ngồi kiết già dưới một gốc cây, chánh thân, chánh ý, buộc niệm trước mặt, tư duy những lời dạy này của Như Lai. Bấy giờ Tôn giả Nan-đà ở nơi vắng vẻ, lúc nào cũng tư duy về những lời dạy của Như Lai không bỏ quên giây phút nào, vì mục đích gì mà thiện gia nam tử này, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, tu phạm hạnh vô thượng, cho đến biết như thật rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa. Lúc bấy giờ Tôn giả Nan-đà thành A-la-hán.”

    Nghĩa là, Đức Phật đã phương tiện, đưa ngài Nan Đà đi khắp các cõi, và rồi chỉ nơi địa ngục của người tham dục. Chúng ta thực sự không biết chính xác có phải Đức Phật dùng thần thông hóa hiện ra các cõi cho ngài Nan Đà sợ, hay là thực sự có các cõi như thế. Nhưng chuyện có hóa hiện các cõi hay không, đều không quan trọng. Cốt tủy là đưa ra 2 cõi: sinh tử và Niết Bàn. Biết sợ sinh tử, mới chịu tu hành. Nơi trên, có lẽ cần ghi chú về hai chữ “trí và biện.” Trí là trí tuệ. Còn Biện là biện tài nhạy bén, giải thông nghi trệ. Trường hợp đối trị này, Đức Phật đã dạy cho ngài Nan Đà biết sợ sinh tử, rồi dạy hai pháp Chỉ và Quán, rồi “thuyết giảng cho Nan-đà bằng nhiều pháp khác nhau.” Nghĩa là, cần tới nhiều phương tiện khác nhau, không thuần túy một pháp.

    Tóm lại, chúng ta bệnh nhiều, nên thuốc uống phải nhiều. Căn bản trước tiên, là tin nhân quả, nên mới sợ sinh tử. Sau nữa, Kinh Phật có nhiều pháp đối trị. Để rồi sau đó mới an vui với mười con nhạn trắng về bay giữa trời – và bầu trời hư không đây chính là Tâm giải thoát, là Như Lai thường trụ, thường định, thường lạc, và là nơi không một thức sở y nào vướng nữa. Trân trọng cảm ơn nhà văn Đỗ Hồng Ngọc đã mời góp ý.

    —- Viết trong những ngày đại dịch bùng phát tại VN. Rất mực thành kính, những dòng chữ chép kinh này xin hồi hướng cho mọi người ở quê nhà và khắp các cõi bình yên.

    California, 22/6/2021.

    Nguyên Giác

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều