Thứ Bảy, Tháng Mười Một 23, 2024
Khác
    HomeVăn HóaTự viện- Kiến trúc‘Hẻm Phật’ giữa lòng Sài Gòn

    ‘Hẻm Phật’ giữa lòng Sài Gòn

    Ít ai ngờ ẩn trong con hẻm nhỏ thật xô bồ ở đường Lê Quang Định lại có đến bốn ngôi chùa. Những ngày hội lớn như Phật đản (rằm tháng Tư), Vu lan (rằm tháng Bảy)… con hẻm cũng rộn ràng hơn.

    Có lẽ không ở đâu như Sài Gòn những con hẻm lại “lắm chuyện” như thế. Rất nhiều người xa Sài Gòn nhớ về mảnh đất này không phải vì đèn hoa, phố thị mà lại nhớ những con hẻm nhỏ hai mùa nắng mưa. Và con hẻm 498 Lê Quang Định (phường 1, quận Gò Vấp) mang trong mình thật nhiều câu chuyện.

    Con hẻm 498 Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp.

    Con hẻm 498 Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp.

    Nó là con hẻm như bao hẻm nhỏ của Sài Gòn, lối vào không ngay ngắn, dân cư ở chen nhau và người – Phật cũng cạnh nhau. Đây có lẽ là con hẻm duy nhất ở Sài Gòn có bốn ngôi chùa: Chùa Già Lam (Quảng Hương Già Lam), chùa Châu An, chùa Huệ Đức và tịnh xá Ngọc Phương.

    Hẻm 498 Lê Quang Định nằm trong khu vực Xóm Gà ngày xưa, một xóm ngoại thành Sài Gòn với sự tập trung của người lao động bình dân. Và chính những ngôi chùa làm nên nét riêng của Xóm Gà.

    - Advertisement -
    Tịnh xá Ngọc Phương gắn với tên tuổi Ni trưởng sáng lập - Thích Nữ Huỳnh Liên. Tịnh xá tổ đình của Ni giới hệ phái Khất sĩ.

    Tịnh xá Ngọc Phương gắn với tên tuổi Ni trưởng sáng lập – Thích Nữ Huỳnh Liên. Tịnh xá tổ đình của Ni giới hệ phái Khất sĩ.

    Vừa vào hẻm sẽ bắt gặp ngay tịnh xá Ngọc Phương. Tịnh xá là tổ đình của Ni giới hệ phái Khất sĩ (nguyên là Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam) do ni sư Thích Nữ Huỳnh Liên (được đặt tên đường Ni Sư Huỳnh Liên) xây dựng vào năm 1957.

    Chùa Châu An là điểm đến của nhiều người nghèo, bệnh nhân ung bướu...

    Chùa Châu An là điểm đến của nhiều người nghèo, bệnh nhân ung bướu…

    Phía trái từ cổng chính tịnh xá Ngọc Phương sẽ là một lối rẽ dẫn vào chùa Châu An và chùa Huệ Đức. Chùa Châu An nổi tiếng với những hoạt động thiện nguyện tại chùa lẫn các chương trình ở tỉnh. Nổi bật trong đó là định kỳ hằng tháng chùa tặng quà, chăm sóc tinh thần cho khoảng 200 bệnh nhân của BV Ung bướu. Châu An cũng là ngôi chùa đầu tiên có mặt trong hẻm này khi được xây dựng từ năm 1952.

    Mái chùa cong lẩn khuất trong những khối nhà.

    Mái chùa cong lẩn khuất trong những khối nhà.

    Nằm cuối cùng của con hẻm là chùa Già Lam. Chùa với không gian thanh tịnh, mát mẻ mang lối kiến trúc chùa – vườn của các ngôi chùa miền Trung; chính vì thế đây là nơi rất nhiều văn nghệ sĩ lui tới. Nhà thơ Bùi Giáng từng viết về chùa Già Lam trong bài Ngoại ô (I): “Sài Gòn bất tận ngoại ô. Xóm Gà Bình Thạnh xóm mô Chuồng Bò. Ghé thăm Chuồng Ngựa quanh co – Chạy về thẳng tắp viếng chùa Già Lam”.

    Tam quan của chùa Già Lam.

    Tam quan của chùa Già Lam.

    Chùa Già Lam cũng là nơi đặt di cốt của nhạc sĩ Y Vân, nữ nghệ sĩ Kim Cúc, soạn giả Năm Châu… và rất nhiều những gương mặt của lịch sử miền Nam.

    Già Lam do Hòa thượng Thích Trí Thủ sáng lập năm 1960. Chùa là nơi tu học của nhiều tăng sinh miền Trung và miền Nam; nhờ đó ngoài khu chính điện, chùa còn có những dãy nhà của chư tăng và trai đường khá rộng.

    Chính điện chùa Già Lam được trùng tu vào năm 2015.

    Chính điện chùa Già Lam được trùng tu vào năm 2015.

    Trong bốn ngôi chùa ở hẻm 498 Lê Quang Định, có lẽ Già Lam là nơi phù hợp cho những ai muốn tìm sự yên tĩnh cho riêng mình. Ở đó có cội bồ đề thật lớn rì rào khi cơn gió qua; có những thảm cỏ ngập lá vàng để nhận ra rằng đâu đó ở Sài Gòn cũng có mùa thu, như câu hát của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư: “Rồi mùa thu cùng em đi lễ. Có con chim đậu dưới gác chuông. Hòa lời ca vào làn sương sớm. Gió heo may rụng hết lá vàng”.

    Cội bồ đề bên cạnh tượng Quan Âm.

    Cội bồ đề bên cạnh tượng Quan Âm.

    Sài Gòn ngày càng nhiều chùa mới, rộng lớn nhưng những ngôi chùa lẩn khuất trong các con hẻm lại mang đến một xúc cảm khác.

    Biết đâu đó trong con hẻm giữa Sài Gòn người ta sẽ nhận ra cùng đích tôn giáo sẽ không còn là giáo lý, giáo luật, chùa to, Phật lớn mà là niềm an ủi nhỏ bé cho mỗi người trước đời sống quá nhiều biến động…

    Nhà dân trong

    Nhà dân trong “hẻm Phật” mừng mùa Vu lan.

    Nguồn: Pháp luật Việt Nam

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều