Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 27, 2024
Khác
    HomePhật HọcXuất xứ và ý nghĩa của cây phất trần

    Xuất xứ và ý nghĩa của cây phất trần

    HỎITôi là Phật tử thuần thành nên thường xuyên đi chùa tụng kinh, nghe pháp. Mỗi lần vào tổ đường hoặc tham dự lễ tang, nhìn lên di ảnh chư Tổ sư và chư vị Hòa thượng đã viên tịch, thấy có một số vị đầu đội mão Quan Âm, tay cầm cây phất trần. Xin hỏi cây phất trần trong Phật giáo xuất xứ từ đâu? Và có liên hệ gì với cây phất trần của các đạo sĩ cũng như cây phất trần của quan thái giám trong các triều đại phong kiến Trung Hoa?
    (NGUYÊN MINH, tanhthuan195…@gmail.com)
    PHAT TRAN.jpgTrưởng lão HT.Thích Thiện Duyên, Phó Pháp chủ HĐCM thực hiện nghi thức phất trần – Ảnh: Quảng Điền
    ĐÁP:
    Bạn Nguyên Minh thân mến!
    Phất trần, Phạn ngữ Vyajana, Hán ngữ dịch là Phất tử, nguyên là dụng cụ để phủi bụi, đuổi muỗi mòng, là một trong những vật tùy thân của các Tỳ-kheo ở Ấn Độ. Đức Phật thiết định giới luật cho phép các Tỳ- kheo mang theo phất trần bên mình để xua đuổi sự quấy nhiễu của côn trùng (Từ điển Phật học Huệ Quang). Không chỉ các Tỳ-kheo mà dân chúng cũng sử dụng phất trần, riêng các bậc trưởng giả ở Ấn Độ thì sử dụng phất trần sang trọng hơn làm từ lông ngựa trắng hay lông đuôi của trâu trắng (bạch phất).
    Trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền, các Tỳ-kheo sử dụng phất trần với hình thức của bạch phất và mang ý nghĩa như một pháp khí. Chư vị Bồ-tát (Quan Âm, Phổ Hiền) thường có tạo hình tay cầm bạch phất, biểu trưng cho việc tẩy trừ phiền não và xua tan các chướng nạn. Các thiền sư Trung Quốc về sau rất chuộng dùng bạch phất làm vật trang nghiêm. Khi thượng đường thuyết pháp, xử lý công việc trong chùa viện, trong nghi thức tang lễ…, các thiền sư, phương trượng, trụ trì hay chức sự thường cầm phất trần.
    Như vậy, phất trần là vật dụng của chư Tăng ở Ấn Độ, với chức năng như một vật tùy thân cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho đời sống du hành. Khi Phật giáo truyền sang Trung Quốc, phất trần trở thành pháp khí, mang ý nghĩa biểu trưng cho sự tu tập đoạn trừ phiền não, xua tan chướng nạn, đồng thời là vật trang nghiêm của các bậc cao tăng.
    Các đạo sĩ Đạo giáo tại Trung Quốc từ xa xưa cũng sử dụng phất trần với mục đích phủi bụi và xua đuổi côn trùng đồng thời cũng biểu trưng cho ý nghĩa phủi sạch hồng trần để thân tâm an tịnh và thanh khiết. Về sau các tiên nhân, đạo sĩ, pháp sư, thuật sĩ đều sử dụng phất trần làm bảo vật để tự trang nghiêm. Người ta tin rằng, nhờ vào năng lực tu luyện, gia trì mà phất trần có anh linh, huyền công mầu nhiệm có thể khử độc, trừ tà, xua tan chướng nạn, tịnh hóa thân tâm… và trở thành pháp khí, pháp bảo của Đạo gia. Các vị tiên nhơn như Thái Thượng Lão Quân, Lã Động Tân… đều sử dụng pháp khí phất trần trong tu luyện cũng như trừ yêu, diệt bạo.
    Những vị thái giám trong các triều đình phong kiến Trung Quốc ban đầu cũng sử dụng phất trần để phủi bụi long sàng, tẩy trần long bào của vua chúa tránh xúc phạm long thể. Theo thời gian, phất trần được sử dụng như là “vũ khí” của thái giám. Bấy giờ, phất trần được chế tác với hình thức cầu kỳ, chất liệu quý giá (bạch phất) thể hiện đẳng cấp và quyền uy, tin tưởng phất trần có công năng trừ tà, mang lại may mắn cho các thái giám.
    Có thể thấy, phất trần ban đầu chỉ là những vật dụng thông thường trong cuộc sống của mọi người, mọi giới, phổ biến cả Ấn Độ và Trung Hoa. Người nghèo khó thì phất trần làm bằng sợi vải, giẻ lau, nhánh cây, còn người giàu sang thì phất trần làm bằng lông thú quý hiếm nhằm phủi bụi và xua đuổi côn trùng. Về sau, phất trần không còn là vật dụng thông thường nữa mà được nâng tầm thành pháp khí, biểu tượng cho sự ly trần và tịnh hóa trong Phật gia và Đạo gia Trung Quốc.
    Một số vị Tổ sư, Hòa thượng của Phật giáo Việt Nam sử dụng phất trần (bạch phất) làm pháp khí để trang nghiêm khi thừa đương Phật sự là do ảnh hưởng và thừa tiếp truyền thống cầm phất trần của các cao tăng Phật giáo Trung Quốc.
    Chúc bạn tinh tấn!
    Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ
    ([email protected])
    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều