Trong cuộc đời, ai cũng có ít nhất một Người Thầy: Thầy dạy ta tri thức, Thầy cho ta những bài học ứng xử nhân sinh, Thầy giúp ta vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh…
Thầy của tôi – người Thầy mà mười năm trước là thần tượng của giới trẻ và ngay cả tôi, thời ấy cũng thích gọi Người là “Sư Cô Idol”. Như người Mẹ hiền từ luôn nâng đỡ, sẻ chia với những tâm sự bồng bột, thơ dại, có phần ích kỷ của tuổi trẻ. Chính Thầy – Ni sư Thích nữ Hương Nhũ là người đã giúp chúng tôi có được trạng thái tâm bình ổn nhất để đối diện với những khó khăn mà tưởng chừng không thể vượt qua.
Còn nhớ những năm 2012, 2013, lần đầu tiên được nghe Thầy giảng trong khóa tu mùa hè tại chùa Cự Linh (Hải Dương) về những câu chuyện nhân quả, được nghe câu chuyện Thầy ngày xưa còn bé thầy từng phát nguyện ăn chay để cầu nguyện thi đỗ Đại học. Một cô bé 17 tuổi như tôi khi ấy tự nhiên muốn phát tâm trường chay y như vậy. Nhìn Thầy, tự dưng con cảm nhận một sự gần gũi thân thiết không sao diễn tả…Rồi khi chiếc xe chuyển bánh đưa vị giảng sư ấy ra phi trường về miền Nam xa xôi, tôi và các bạn trẻ trong khóa tu cùng lao ra sân chùa níu kéo người chẳng muốn lìa xa. Đến khi Thầy lên xe rồi, thì bọn trẻ chúng con lại ra sức níu chiếc xe lại bằng cách lôi hai cái kính chiếu hậu và kết quả là gẫy luôn một bên kính xe…Chúng tôi đành chào tạm biệt vị Thầy trẻ hiền hậu trong những giọt nước mắt thương nhớ của tuổi thơ.
Khi chập chững bước chân vào Khoa Luật – Trường Đại học Luật Hà Nội, tôi hoang mang với biển kiến thức bao la, hoang mang giữa thế giới quan duy vật, các phép biện chứng của Karl Max và hệ thống triết học Phật giáo thậm thâm vi diệu thì chính Thầy là người đã giải đáp những thắc mắc trong tôi, Thầy đã dạy tôi tập nhìn thế giới với đôi mắt khách quan và từ ái.
Giữa xã hội dầy dẫy bon chen, những đứa trẻ như tôi đã lớn lên, xa vòng tay cha mẹ và lao vào cuộc sống với những hoài bão riêng, có khi vấp ngã thì Thầy luôn kiên nhẫn lắng nghe để thấu hiểu, giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn cuộc sống bằng những pháp thoại chân tình, ý nghĩa.
Khi tôi quyết định xuất gia, từ miền Bắc quê hương vào miền Nam xa xôi, thì Thầy chính là Bổn sư thế độ của đời tôi. Khi trở thành sinh viên Học viện Phật giáo TP.HCM, Khoa đào tạo từ xa, tôi lại được học với Thầy trong những giảng đường của Đại học Phật giáo. Mỗi chặng đường cuộc đời tôi đều hiện diện tình yêu thương, và lời dạy bảo của Thầy. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được niềm hạnh phúc trong tôi. Tiếng sư cô idol, rồi gọi Thầy gọi Sư và giờ đây là Sư phụ quá đỗi trìu mến thiêng liêng. Cái chữ Duyên sao quá đỗi tuyệt vời!
Giờ đây được nương bóng thầy trong chốn thiền môn thì tôi lại chứng kiến Thầy chẳng quản nắng mưa sương gió, lặn lội cả ba miền từ Bắc – Trung – Nam. Có lẽ nơi nào cũng in lại dấu chân của Thầy trên con đường Hoằng pháp. Thầy tận tâm tận lực giảng dạy Phật pháp cho biết bao thế hệ và nhiều tầng lớp trong xã hội: doanh nhân, hoa hậu, cán bộ, công nhân viên chức, người khiếm thị, kẻ tật nguyền, sinh viên, học sinh…Thầy đã cống hiến nhiệt huyết và tuổi thanh xuân của mình để đem đạo vào đời, cho chúng sanh hữu duyên con đường tu tập để an lạc tự tâm. Để rồi khi đêm về Người lại miệt mài bên trang Giáo án, với tâm nguyện truyền trao tri thức và kinh nghiệm tu tập cho thế hệ Tăng Ni trẻ đi tiếp con đường “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm nay là một ngày đặc biệt để con được kính dâng lên Thầy – Người mẹ hiền thứ hai – “Sư Cô Idol” – Vị Thầy Bổn Sư thế độ của con đóa hoa tâm tươi thắm nhất. Tôi cũng xin thành kính gửi đến tất cả những người Thầy trên khắp mọi miền đất nước, những vị Giáo thọ sư đang từng ngày truyền trao Chánh pháp luôn được pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, trụ thế dài lâu. Với tôi, nhà giáo là công việc đẹp nhất trên thế gian!
Nguyễn Ngọc Hà – Pháp danh: Hương Yên