Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác
    HomeĐời Sống Xã HộiTiếp sức người đi xe máy về quê

    Tiếp sức người đi xe máy về quê

    Trên đường về quê, hàng nghìn người từ Sài Gòn, Bình Dương… được người dân dọc đường tiếp sức bằng những suất ăn, hỗ trợ sửa xe hay tiền đổ xăng.

    Trưa 1/8, trung úy Nguyễn Văn Quỳnh, đội cảnh sát giao thông huyện Đăk R’Lấp, Đăk Nông nhận thông báo từ công an tỉnh Bình Phước cho biết, sắp có đoàn người di chuyển về hướng trạm kiểm soát Cai Chanh. Ngay lập tức, Quỳnh gọi điện cho những mạnh thường quân ở địa phương chuẩn bị các suất ăn mang đến chốt, sẵn sàng tiếp sức cho đoàn người về quê.

    Những ngày qua, người dân dọc theo quốc lộ 14 đã quen với hàng đoàn xe máy đông nghịt từ TP HCM, Bình Dương… về các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung. Đi qua tỉnh nào, họ đều được người dân và cảnh sát giao thông tỉnh đó hỗ trợ.

    Trạm Cai Chanh của trung úy Quỳnh là điểm “bàn giao” của cảnh sát giao thông tỉnh Bình Phước cho Đăk Nông. Sau khi dừng lại khai báo y tế xong, đoàn người tiếp tục được cảnh sát giao thông Đăk Nông dẫn đường đi tiếp cho đến địa phận tỉnh Đăk Lăk.

    Tại chốt kiểm soát Cai Chanh, Quỳnh chứng kiến nhiều gia đình chở theo trẻ nhỏ chỉ mới vài tháng tuổi hay những người dân tộc thiểu số dắt chiếc xe cà tàng bị hỏng hoặc hết xăng. Hỏi ra anh mới biết, họ đã vét hết tiền đi xét nghiệm Covid -19 để làm “giấy thông hành” về quê.

    - Advertisement -
    Các chiến sĩ trực chốt kiểm soát Cây Canh huyện Đắk RLấp tặng các phần ăn của các nhà hảo tâm cho người đi đường. Ảnh: Nguyễn Quỳnh.

    Các chiến sĩ trực chốt kiểm soát Cai Chanh huyện Đắk R’Lấp tặng các phần ăn của các nhà hảo tâm cho người đi đường. Ảnh: Nguyễn Quỳnh.

    Quỳnh đăng lên trang cá nhân và các hội nhóm ở địa phương để kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ. Rất nhanh sau đó, những phần ăn như bánh mì, xôi, nước…ùn ùn đổ về chốt Cai Chanh, “nhờ các anh công an” tặng cho người đi đường.

    Vậy là hơn một tuần nay, ngoài điều tiết giao thông, hướng dẫn di chuyển, Quỳnh còn thêm nhiệm vụ phân phát đồ tiếp sức cho bà con về quê. Cũng nhờ bài đăng của Quỳnh mà nhiều tiệm sửa xe, trạm xăng hai bên đường cũng “lập chốt dã chiến” để hỗ trợ miễn phí người đi đường.

    Nhìn đoàn người di chuyển trên quốc lộ giữa những ngày dịch bệnh căng thẳng, chị Huy Truyền, 36 tuổi ở huyện Đắk R’Lấp nhớ lại những ngày khó khăn, xa quê lên Sài Gòn làm ăn. Ban đầu, chị định nấu cơm chay 0 đồng cho những người về quê nhưng lại sợ tập trung đông, không đảm bảo giãn cách. Chưa biết nên giúp đỡ mọi người như thế nào thì một đêm, thấy trung úy Quỳnh chia sẻ những hình ảnh đoàn người ở chốt với những em bé đỏ hỏn ngủ thiếp trong chiếc địu vải theo ba mẹ về quê trong đêm mưa lại còn bị hỏng xe, chị Truyền cầm 5 triệu đồng chạy ra ngay chốt trạm.

    “Đêm đó Quỳnh đã chạy quanh để đổi tiền, giúp tôi tặng những người khó khăn mỗi người 100 nghìn cho họ đổ xăng. Quỳnh vừa làm nhiệm vụ của một cảnh sát, vừa để ý hỏi han mọi người rồi chia sẻ lên Facebook, nhờ thế tôi mới biết để chung tay”, chị Truyền nói.

    Để ý vào ban ngày, các phần ăn đã được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ đầy đủ, trong khi đoàn người về trong đêm lại hết phần. Tối hôm trước, chị Truyền đã đặt mua hơn 400 hộp xôi gửi tại chốt để tiếp sức cho họ. Ngoài ra, chị còn nấu bò kho, cháo vịt gửi tặng Quỳnh và các chiến sĩ trực chốt.

    Vì lượng người về đông nên cả tháng nay Quỳnh cùng các đồng đội phải ở lại chốt, không được về nhà. “Tôi biết họ không còn sức trụ lại thành phố mới bất chấp nguy hiểm để về quê. Hỗ trợ họ về an toàn cũng là cách mà tỉnh nhà chia sẻ với Sài Gòn trong lúc khó khăn này”, trung úy 26 tuổi chia sẻ.

    Trung úy Nguyễn Quỳnh cho biết những ngày gần đây, mỗi ngày có khoảng 3000 phần ăn các nhà hảo tâm mang đến chốt nhờ chuyển cho người đi đường. Ảnh: Nguyễn Quỳnh.

    Trung úy Nguyễn Quỳnh cho biết những ngày gần đây, mỗi ngày có khoảng 3000 phần ăn các nhà hảo tâm mang đến chốt nhờ chuyển cho người đi đường. Ảnh: Nguyễn Quỳnh.

    Cách trạm chốt Cai Chanh hơn 200 km, phía ngoài quốc lộ 1A, Thượng tọa Thích Quảng Cao, trụ trì chùa An Lạc, Bình Thuận cùng người dân địa phương đội nắng tiếp sức cho người về quê. Những phần cơm, nước, sữa… đặt dưới mái che bên vệ đường, ở ngã tư Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, được nhiều người ghé lấy rồi vội rời đi.

    Ngoài thức ăn, người về quê còn được tặng một phong bì, bên trong có 100 nghìn đồng để đổ xăng. Bốn ngày nay, mỗi ngày có khoảng hơn 50 người vào nhận quà. Những người về quê bằng xe hơi thường chỉ nhận đồ ăn, nước uống chứ không lấy tiền.

    “Giữa lúc dịch bệnh thế này tôi đoán người về chẳng dám ghé vào đâu để mua. Hơn nữa, quanh đây cũng chẳng ai bán buôn gì, có tiền chưa chắc đã mua được. Chúng tôi giúp họ mong đỡ được phần nào, vì tôi biết đường về quê còn gian nan lắm”, thầy Thích Quảng Cao nói.

    Cũng trên tuyến đường quốc lộ 1A, đoạn qua thị xã Sông Cầu, Phú Yên cũng có gần chục điểm tặng quà hỗ trợ người đi đường về quê. Chị Ngô Thị Bích Thuyền, một người dân địa phương gần một tuần nay đã kêu gọi bạn bè cùng nấu hơn 200 suất cơm mỗi ngày để tặng người đi đường.

    Chọn địa điểm ở gần cột đèn giao thông, nhóm của chị Thuyền túc trực từ 5h sáng đến tối. Ở đó, chị đặt một chiếc bàn bên trên những suất có cơm hộp. Thấy nhiều gia đình chở theo con cái, chị còn chuẩn bị tã, sữa và nước sôi để ba mẹ có thể pha cho con uống. Những chiếc khẩu trang cũng được chuẩn bị sẵn để họ thay đổi sau một chặng đường dài.

    Không dám đứng cạnh bàn cơm để tặng trực tiếp vì sợ có thể nhiễm bệnh, chị Thuyền thường đứng quan sát từ xa. Hễ thấy những chiếc xe máy chở người và nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, chị vẫy tay ra hiệu. Khi đoàn người tiến lại gần, chị lùi ra phía xa cách cả chục mét để người đi đường tự lấy những thứ mình cần.

    “Nếu mình để thức ăn ở đó mà không vẫy tay ra hiệu, người ta thấy không có ai thì sẽ ngại không dám vào”, chị Thuyền giải thích.

    Bàn thức ăn 0 đồng chị Thuyền đặt tại một ngã ba trên quốc lộ 1A ở địa phận thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Ảnh: Bích Thuyền.

    Bàn thức ăn 0 đồng chị Thuyền đặt tại một ngã ba trên quốc lộ 1A ở địa phận thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Ảnh: Bích Thuyền.

    Hôm qua, có một tài xế ô tô chờ người từ Sài Gòn ra Quy Nhơn. Khi quay đầu trở về, để ý thấy tấm bảng “0 đồng” của chị Thuyền rồi mới dám tấp xe vào. Người tài xế chia sẻ rằng suốt chặng đường hơn một ngày qua chỉ ăn bánh ngọt. Dù rất xót bụng, tay chân bủn rủn nhưng không dám vào tiệm mua cơm vì sợ tiếp xúc nhiều người. Nhận hộp cơm nóng lúc tờ mờ sáng, người đàn ông cảm kích rồi gửi lại chị Thuyền 100 nghìn để làm thức ăn tặng nhiều người khác rồi tiếp tục đi.

    “Lần đầu tiên tôi bắt gặp nhiều chiếc xe máy với những biển số lạ ở miền ngoài như thế. Chúng tôi không trách hay kỳ thị người về từ vùng dịch mà chỉ thấy thương họ thôi. Họ nhận đồ ăn rồi cúi đầu cám ơn khiến tôi rất xúc động”, chị Thuyền kể.

    Trước diễn biến ngày càng căng thẳng của dịch Covid-19, khoảng một tuần qua, hàng nghìn lao động các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã rời TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê để tránh dịch. Một số tỉnh đã tổ chức đón người dân về quê bằng tàu hỏa, máy bay nhưng hầu hết mọi người đều tự phát đi về bằng phương tiện sẵn có như xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ. Chính quyền các tỉnh trên lộ trình di chuyển đều đã có những biện pháp hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho người dân. Khi về đến tỉnh nhà, các lao động này được cách ly tập trung.

    (Diệp Phan- Vnexpress)

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều