Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 22, 2024
Khác

    Thiền Phong Cảnh Tỉnh

    Này ông chủ!
    Đã bao lần lặn hụp cửa Không, đắm mình nơi dòng sông danh lợi, bỏ mất lý tưởng xuất trần, trí trá tự nhận mình vượt bờ kia sanh tử mà chân vẫn lấm bùn dơ. Kìa Đạt Ma thả một bè lau qua sông không ướt dép. Họa ấy, tủi nhục vô cùng, tệ hơn Thần Tú phập phồng lo sợ ngày đêm, trình kệ cho Ngũ Tổ trên vách tường mờ mịt ánh Lăng Già.
    Thương cho đám học trò Thần Tú, cắm đầu rượt theo Huệ Năng giành y bát cho thầy mình mà chẳng thấy mày mặt xưa nay. Đó chính là rọ bẫy của ái kiến, kết bè chống trái lẫn nhau trong chốn thiền môn. Chẳng sợ cái họa Khẩu Đầu Thiền nơi địa ngục, mãi lo tranh giành ảnh hưởng, dối gạt bạch y. Để họa phá kiến khôn lường cho hậu học. Đã không thống thiết lo việc lớn sanh tử lại chẳng tự phản quan. Trực tâm đã không, thì làm sao hổ thẹn!
    Than ôi! Nếu Đức Thích Tôn còn trụ thế, chắc cũng phải ngán ngẫm thở dài thương hàng Thích Tử thời chánh pháp cuối cùng. Dù Tổ Đạt Ma có trừng mắt, rụng cả lông mi, thì hạng Ố Đạo Sa Môn như thế cũng chẳng hội được gì. Huống chi, ngàn Phật có ra đời tuyên dương công đức pháp môn niệm Phật, thì ích gì với những kẻ bụng trống lòng cao. Bởi chỉ lo tranh chấp hơn thua, nuốt đàm giải cổ nhân, uốn lưỡi đàm huyền, ngông nghênh tự đắc.
    Hỡi ôi! Căn nhà tối ngàn năm, chỉ cần khêu ngọn bấc thiền tỏ rạng. Chỉ cần một ngọn đèn tâm bừng sáng là Chánh pháp hiển hưng. Đạo ở ngay nơi bình thường, nào nhọc chi đốn tiệm. Mọi sai khác tuỳ theo thứ lớp căn cơ giả lập, chứ muôn pháp về không, chơn như thường trụ, đâu thể luận bàn phân biệt thấp cao. Đã suốt bản tâm, thì vạn pháp xưa nay đồng thể. Cho nên, Chánh pháp vốn thường trụ, chỉ ngại lòng người bất minh, nên mới phân chia Chánh pháp, Tượng pháp, Mạt pháp mà thôi.
    Tiếc thay! Con thuyền Bát nhã chông chênh chịu ngàn sóng gió, đâu thể cậy vào tuồng danh lợi, chỉ mượn đạo tạo đời, vun vén ngã nhân. Làm sao vững tay chèo, để tránh khỏi họa suy vi? Chỉ thương tứ chúng đấm ngực kêu than rủi sanh nhằm thời mạt pháp. Đó là bổn phận của ai khi “Đại Phật Tuyên Dương”, “Kế vãng khai lai, báo Phật ân đức?”.
    Chẳng lẽ, đã phát đạo tâm xuất gia, rốt trở lại thành trùng trên thân sư tử..? Khác nào bọn dòi bọ hả hê trên đóng phân nhơ, tự lấy đó làm vui mà chẳng màng chuyện thịnh suy Chánh pháp?
    Các ông ăn cơm, mặc áo, nằm ngồi trên đất của ai? Nếu chẳng có trọng ân của Tam Bảo chở che, mẹ cha sanh dưỡng và đàn na hộ trì, thì liệu có thoả chí trượng phu, mang danh Thích tử? Tủi thay! Hạt cơm tín thí còn dính kẽ răng, nước sông Trường Giang chẳng thể một hơi hớp cạn, quỷ vô thường còn lăm le chụp bắt, há quên chí nguyện ban đầu?
    Đã cắt ái từ thân, mẹ cha chưa phụng dưỡng; xuống tóc xuất trần, nợ nước nặng trên vai; thọ nhận ba y một bát, lấy phụng sự chúng sanh làm lẽ sống. Sao có thể dễ duôi quên chí nguyện thượng thừa, hoặc lầm theo ái kiến, kẹt bẫy lợi danh, chẳng thể tự tại như cánh chim Bằng lộng gió, liệng giữa trời không!
    Kính khuyên, bậc Sa môn hình dung thoát tục, biết đủ làm vui, tận độ chúng sanh làm bản hoài, chớ để sát na phóng dật! Thân này còn không giữ được, huống chi danh lợi vô thường? Nếu mãi lo suy tính thiệt hơn, lần lựa tháng ngày trôi qua vô ích, há chẳng lãng phí một đời tu ư? Đến khi đoạ xuống A Tỳ, lại khóc than tiếc thay chưa lần nếm mùi Pháp vị!
    Nếu chẳng phải bậc đại sĩ xuất sanh trong chốn tòng lâm, quả Bồ đề chưa chín, đừng viện chi nghịch hạnh. Nên chất trực nhìn thẳng lòng mình. Hằng thiết tha ngừa lỗi. Tuy “vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Chân lý Tứ Diệu Đế được thiết lập trên nền tảng nhân quả bất di, bất dịch ấy. Dù chư Phật có ra đời hay không, chân lý khổ, không, vô thường, vô ngã vẫn luôn hiển hiện. Nếu chẳng khế hợp với chân lý, không lo bỏ ác, làm lành, tự tịnh tâm mình, trái lại tạo thêm nghiệp chướng, há chẳng tiếc ư? Ô hô! Xót thay! Khổ thay! Dù Sa Môn Thích Tử, vốn dĩ là bậc thầy của Nhơn Thiên mà chưa trọn đạo làm người!
    Này ông chủ! Đừng làm vương bụi cửa thiền..!
    Lý Diện Bích
    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều