Thứ Ba, Tháng Mười Hai 3, 2024
Khác
    HomeVăn Học Phật GiáoKý sự- Tùy bútTết về những nỗi niềm xưa...

    Tết về những nỗi niềm xưa…

    Tết lại về trong con xóm nhỏ và lòng của cô gái bắt đầu rộn ràng một nỗi niềm của không khí nửa chừng xuân. Tôi còn nhớ hương Tết mà mỗi khi bé tôi hay “ngửi” đậm đà lắm, có gì đó của vui tươi và rộn rã, lại có cảm giác như thôi thúc chính mình, tựa như chỉ cần chậm lại một phút thôi thì xuân kia cũng sẽ tan biến. Không khí thanh tân ấy không cho phép tôi dừng lại, thôi thúc tôi phải bay nhảy như lũ én liệng nơi phia cuối chân trời để đưa tay với theo một chiếc bong bóng đang bay trên bầu trời chứa đầy những nỗi hân hoan.

    Bầu trời tết mà tôi vẫn hay đưa tay ra với cứ như bức tranh của một chàng họa sĩ vô tình đánh rơi một nỗi buồn trên đó. Chúng man mác một màu mận đỏ mỗi khi hoàng hôn buông xuống và bắt đầu có những tia sáng đầu ngày xé ngang trời như ai đó đang vùng mình dậy. Ngày và đêm khác nhau rõ ràng nhưng rồi vì tết mà bỗng chốc giao hoan. Những cơn mưa phùn sẽ rơi nhẹ nhàng, chỉ đủ để điểm sương lên mái tóc của những cô cậu học trò nhỏ, và để những tình nhân vờ kéo manh áo lạnh để đan tay vào nhau khỏi ngượng ngùng. Tết không thể nào thiếu những cơn mưa như thế. Người ta sẽ dỗi hờn trách trời sao nỡ mưa khi bắt đầu những cuộc chơi nhưng khi trưa về, khi mát mẻ dần xuất hiện khiến người ta quên mất đây là thời điểm nắng chói, người ta lại quên đi sự hiện diện của thời gian, mà chỉ nhớ vỏn vẹn đây là ngày của Tết.

    Bàn tiếp khách Tết của nhà tôi luôn không thiếu các loại bánh mứt: mâm ngủ quã mà mẹ chưng bao giờ cũng sẽ có một khoanh dừa tròn như một đóa hoa nép mình ở giữa, và bao xung quanh đóa hoa đó là đủ loại bánh kẹo đủ màu sắc được đựng trong một cái khay hoa lớn. Mẹ vẫn hay bảo tôi thích tự làm mọi món ăn Tết. Trên bàn sẽ không thiếu các hũ nhỏ đựng đủ loại mứt: mứt táo tàu, mứt gừng, mứt dừa, lại cả chùm ruột,toàn là đồ tự mẹ làm.

    Tôi cũng thích khoảnh khắc buổi đêm khi cùng ba canh nồi bánh chưng tết, cái nồi đã được dùng để nấu bánh từ khi tôi còn nhỏ cho đến khi bây giờ tôi đã trưởng thành cao đến vai ba. Khi phố thị xô bồ và những guồng quay bận rộn của công việc có thể khiến người ta thu dần thời gian lại bằng việc ra chợ mua vài chiếc bánh chưng, dăm đòn bánh tét, thì ở nhà tôi vẫn dành thời gian để cùng nhau quây quần canh lửa nấu bánh. Ngọn lửa khi ấy không bao giờ tắt suốt đêm cho tới sáng ngày, bóng dáng trẻ con của tôi từ hào hứng lãnh phần trách nhiệm sẽ thay ba canh bếp đến khi đổ rạp ngủ vùi trên săn chắc vai ba. Để rồi khi tỉnh dậy đã thấy cuộn tròn trong chăn lúc nào không biết…

    - Advertisement -

    Tết cũng là những chuyến đi dài, khi mọi người trở về với nơi chốn sinh ra. Ông bà tôi không chạy khỏi bàn tay của thời gian, chúng nỡ phủ lên tóc người những màu bàng bạc. Quê tôi vẫn còn nguyên phong vị Tết: những câu đối đỏ treo trước cửa nhà, những câu liễn được treo cao trên những khóm tre, bụi trúc và cây nêu ở nhà trưởng làng bao giờ cũng là nơi tập trung đông đúc thanh niên quây quần vui chơi. Tết là mùa sum họp, là khoảng thời gian được đặc quyền cho mùa của yêu thương. Nhà ngoại tôi đông con cháu nên lúc nào chúng tôi cũng xếp thành hàng để “diễu hành” qua các người lớn trong nhà nhận lì xì, sau đó sẽ cùng nhau mỗi đứa một lời chúc gửi đến ông bà, và nhận phong bao đỏ chót tượng trưng từ ông bà mà mừng quýnh. Tôi nhớ khoảng thời gian cùng các anh chị em họ chơi đánh bài quỳ hay bôi nhọ nồi lên mặt, lúc nào cũng vận áo đỏ chót để lấy hên. Tôi nhớ tiếng chúc tết rôm rả khắp xóm làng và nhà nhà chào nhau bằng những cảm tình chân thật, rộn rã tiếng cười.

    Một mùa Tết lại về bao trùm khắp mọi nẻo nhỏ, cô gái mang trọn trong mình những nỗi niềm rất to…

    Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân

    Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều