Thông thường chúng ta nghe một cách rất hời hợt, vừa nghe lại vừa muốn nói. Cho nên giữa nội dung được nghe và động tác nói lẫn lộn với nhau, cuối cùng nghe không trọn vẹn mà nói cũng không rành rọt.
Hãy để người khác nói rành mạch đầu đuôi, sau đó chúng ta mới bắt đầu đối thoại. Sự nói và nghe phải được diễn ra trong thế tôn trọng lẫn nhau. Luôn đặt mình trong vị thế người nghe để người khác nói. Thực tế chúng ta thường rơi vào tình trạng cướp lời làm cho người đối diện cụt hứng. Nói và nghe như thế, cả hai bên trở nên căng thẳng, cho nên nghe sâu là nghe một cách có hiểu, và điều quan trọng là cần phải nói với nhau thay vì nói về nhau.
Giới từ “với” và “về” dựng ra những bối cảnh hoàn toàn khác. Nói về nhau trong trường hợp người đang được nói không có mặt. Lúc đó chúng ta trở thành người bình phẩm tốt, xấu, đúng sai, thuận nghịch đối với người đó. Còn khi nói với nhau là chúng ta đang đối diện trước mặt.
Nền văn hoá ứng xử Việt Nam vốn thấm nhuần chất Phật có câu:
“Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Theo mối quan hệ tối thiểu lịch sự, hãy cố gắng lựa lời nghiêm chỉnh, chừng mực để hai bên giao tiếp đạt mục đích. Nếu nghe không có niềm vui thì cũng không hề kéo theo bất kỳ một nỗi buồn nào, nhà Phật gọi là ái ngữ. Ái là tình thương, khác với sự thương cảm mang tính tội nghiệp. Ái ngữ mang chất liệu lòng từ bi, bao gồm hai yếu tố: a) Nhổ lên được nỗi đau của người, và b) Mang lại hạnh phúc cho người trong từng động tác của sự phát ngôn.
Khi nghe sâu, chúng ta sẽ thấy rất rõ nghe này là nghe của đối thoại trong sự hiểu biết tương kính giữa mình và người. Nghe sâu để biết nguyên nhân nào người ta phát biểu, nguyên nhân nào người ta trở nên cau có, giận dỗi, nguyên nhân nào người kia không có mối quan hệ thân thích hay thiện cảm với chúng ta. Cách nghe như vậy rất sâu sắc mà thậm chí người lãng tai vẫn có thể nghe sâu, bởi vì động tác của lời nói không nhất thiết bằng miệng mà nó còn thể hiện qua ánh mắt, nụ cười hay toàn bộ ngôn ngữ của cơ thể.
Chẳng hạn một người ngồi ngâm nga bài hát, anh vừa hát hay lại tròn vành rõ chữ. Niềm vui hớn hở, nụ cười ánh mắt anh rực sáng, nhìn vào các biểu hiện của sắc mặt, chúng ta biết anh đang rất vui. Hoặc khi chúng ta đưa tay vẫy chào với ánh mắt trìu mến, điều đó thể hiện sự lưu luyến và truyền thông tin với ngôn ngữ rằng chúng tôi xin chào tạm biệt các vị. Thể hiện của nói không nhất thiết bằng miệng do đó dù bị ngọng, câm, người ta vẫn thể hiện lời nói qua ngôn ngữ của cơ thể.
Cũng vậy, khi nghe sâu, không nhất thiết phải nghe bằng tai mà có thể nghe bằng mắt, bằng nhận thức, bằng sự giao tiếp của mình trong thế rất công tâm. Lúc đó chúng ta mới hiểu được người khác một cách rõ ràng, bằng không chúng ta dễ phản ứng mạnh khiến người kia buồn. Nếu rơi vào tình huống nỗi buồn giận trỗi dậy sau khi nghe thì nên thực tập câu thơ sau:
“Một đứa cọc cằn thêm đứa nữa
Thì hai đứa cọc cũng như nhau”.
Nhiều người do vô tình hay cố ý không tạo niềm vui cho sự nghe của tha nhân qua cơ quan phát ngôn của mình. Do vậy thay vì buồn, chúng ta phải biết rằng người đó đang là đối tượng cần được chăm sóc vì họ bị nỗi đau khống chế. Đã hiểu thấu, chúng ta sẽ không còn trách móc hờn dỗi mà thấy rõ người này không phải là kẻ thù của chúng ta, không phải là kẻ mang đến nỗi sầu đau ray rứt, người này cần sự chăm sóc và tháo gỡ gút oan trái.
Biết nhìn rộng dưới cái nhìn tâm lý học trị liệu của Phật giáo, chúng ta sẽ thấy con người không phải là kẻ thù của con người. Chính nỗi khổ niềm đau, lòng sân, lòng tham, sự mê muội mới là kẻ thù chung mà tất cả những ai muốn đạt được chân hạnh phúc cần nỗ lực kết nối tay nhau vượt qua. Hiểu như thế là hiểu thấu và kết quả là chúng ta có tâm lý phản ứng tích cực, thương nhiều.
Là người lớn tuổi, chúng ta luôn cần có con có cháu, cần có người thân, mái ấm hạnh phúc mang lại nụ cười niềm vui, nhưng thỉnh thoảng chúng ta phải nghe lời nói bất kính của thế hệ đi sau, lòng cảm thấy mặc cảm, tủi buồn, đau xót. Hãy nên hiểu rằng những điều đó không đáng lưu giữ trong lòng gây thương tổn trong tâm. Thay vì buồn, hãy thương yêu người bất kính và nỗ lực tìm phương pháp giúp người đó vượt qua thái độ cộc cằn, thiếu lễ độ với chúng ta.
Thương nhiều giúp cho tình thân được nối kết. Kinh Dược Sư được xem là bài kinh chỉ dạy về dược chất tâm linh trong các mối quan hệ, nhất là tìm kiếm những báu vật trong chính bản thân mình. Phần kết thúc bài kệ có câu “Giải kiết, giải kiết, giải oan kiết”, tức là mở gút, mở gút, mở gút oan. Tại sao bài kinh đề nghị chúng ta phải nỗ lực tháo mở tối thiểu đến ba lần mà trong nhân gian thường nói “nhất hóa tam”? Thực ra nếu là một áng văn xuôi thì động tác mở đây không phải chỉ ba lần mà có thể lên đến hàng trăm lần. Nói chung là nỗ lực mở đến lúc nào gút mắc giữa ta và người trong các mối quan hệ được khai thông không còn trở ngại, bằng không chúng ta vẫn còn trách nhiệm để làm trọn vẹn với người đó.
Mỗi lời phát ngôn có thể để lại gút mắc tạo nên vạn lý trường thành ngăn cách ta và người. Hiểu thương nhiều không chỉ là thương người khác, giúp người khác vượt qua khó khăn mà còn thương chính bản thân mình nếu ứng dụng thành công, bởi vì khi bế tắc diễn ra bằng gút mắc trong mối quan hệ giữa mình và người thì mỗi người trong mối quan hệ đó đang bị ghim vào tâm một mũi tên tẩm độc.
Trong kinh đức Phật nói có nhiều cách ứng xử trước tình huống bị tên bắn. Có người truy nguyên nhân, động cơ và tác giả bắn tên trước khi rút nó ra khỏi cơ thể. Nhưng theo đức Phật, người khôn ngoan sẽ không cần bận tâm nguyên nhân và tác giả mà điều quan trọng hàng đầu trong lúc này là làm thế nào để nhổ mũi tên ra một cách an toàn. Đầu mũi tên có hình chữ V ngược, nếu rút tên ra thì chữ V ngược này sẽ làm rách thêm từng làn da thớ thịt, nỗi đau sẽ thấu đến tận xương tủy.
Đức Phật dạy đừng nên rút tên bằng cách đó, mà hãy dùng tất cả sức mạnh, bản lĩnh để bẻ gãy mũi tên, lúc đó chúng ta mới thoát được nỗi khổ niềm đau. Còn sự tìm kiếm truy nguyên tác giả và động cơ sẽ làm cho ta chết trước khi vết thương được chữa trị. Mỗi phút oan trái trong mối quan hệ giữa ta và người cũng như mũi tên tẩm thuốc độc. Hãy cố gắng tháo gỡ nó và muốn như thế thì phải nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều.