Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànDiễn đàn- thảo luậnPhân biệt sự khác nhau giữa cúng dường, công đức và quyên...

    Phân biệt sự khác nhau giữa cúng dường, công đức và quyên góp, đóng góp, tài trợ

    Gần đây, có ý kiến cho rằng, tại sao trong nhà chùa không dùng từ quyên góp, đóng góp hay tài trợ mà lại dùng từ “cúng dường, công đức”? Sở dĩ có thuật ngữ đó vì nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau, nên không thể tuỳ tiện thay đổi. Muốn thay đổi danh từ Phật học, phải có sự căn cứ trong kinh Phật, còn không thì đó là cải biên kinh điển, điều này sẽ làm mai một giáo nghĩa.

    Trước hết, chúng ta cần phải nắm được quan điểm thông thường, là “cúng dường hay công đức” là đem tài sản, sức lực cũng như công phu tu tập của mình dâng lên Tam Bảo. Đối tượng thọ nhận duy nhất của các từ này là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Nên nếu một đối tượng thọ nhận khác ngoài Tam Bảo can thiệp là phi pháp, trái với luật Phật. Trong giới luật Phật, điều này thuộc về tội “trộm của thường trụ”, tất sẽ đoạ địa ngục. Kinh Đại Bi nói: “Dù ngàn Phật ra đời cũng không thể cứu được”.

    Theo Từ Điển Tiếng Việt:

    – Quyên góp là: góp tiền để làm việc nghĩa.

    - Advertisement -

    – Đóng góp là: góp tiền bạc hay công sức của mình vào công việc nói chung.

    – Tài Trợ là: giúp đỡ, hỗ trợ về mặt tài chánh.

    Hành động “Quyên Góp, Đóng Góp, Tài Trợ” tuy cũng là dùng tài sản của cá nhân hay tập thể đem ra cho một đối tượng khác, nhưng nó rộng hơn, thuộc về phạm vi thế gian, không dành cho đối tượng là Tam Bảo. Như gây quỹ từ thiện, cứu trợ thiên tai, lũ lụt, ủng hộ các chương trình phụng sự xã hội v.v..

    Nên chẳng ai nói “Tài trợ cho chư Tăng Ni tu học” mà phải nói là “cúng dường chư Tăng Ni tu học” ngay cả tài vật được cung tiến cho Tam Bảo đều được gọi là Cúng Dường hay Công Đức. Nếu dùng sai từ, thì ý nghĩa cũng sai lệch. Như chư Tăng đi làm từ thiện, thì chẳng thể nói là “nhà chùa cúng dường cho nhân dân”. Nên sử dụng ngôn ngữ chính xác cũng là biểu hiện trình độ văn hoá.

    Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt, Tr 302 (Tp HCM: Nxb Khoa Học Xã Hội, 2004)

    – Công Đức: Công là công năng phúc lợi. Công năng này là thiện hành, nên gọi là công đức. Thêm nữa, đức còn có nghĩa là đắc. Công phu tu hành có chỗ sở đắc, nên gọi là công đức.

    Phật Quang Đại Từ Điển, q1, Tr 1076 ( Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản, 2000) ghi:

    – Công Đức tiếng phạn gọi là Guna. Dịch âm: Cụ Nẵng, Ngu nẵng, Cầu na. Hàm ý công năng phúc đức. Cũng nói về quả báo do làm việc thiện mà được.

    Trong khi các từ “quyên góp, đóng góp, tài trợ” chỉ nhấn mạnh hành động mà không nói đến kết quả do việc lành đó đem lại nên nghĩa của chúng rất cạn. Còn trong các từ “cúng dường hay công đức” đã có hành động, đối tượng, kết quả, mục đích cụ thể nên nghĩa rất thâm sâu.

    Sao gọi là công đức? Quy Sơn Cảnh Sách dạy: “Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tránh chi đức”. Nghĩa là bên trong chuyên cần khắc niệm gọi là công, ngoài thì vô tránh gọi là đức. Đây là nghĩa bản thể, trong khi nghĩa của các từ kia chỉ dừng lại hiện tượng.

    Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, q3, chép: “Vua Lương Võ Đế hỏi tổ Bồ Đề Đạt Ma:

    – Trẫm từ khi mới lên ngôi đến nay cất chùa, độ tăng, viết kinh, được bao nhiêu công đức?

    Tổ đáp:

    – Toàn không công đức”

    Theo Pháp Bảo Đàn Kinh Lục Tổ dạy, những việc vua làm là phước đức, chứ chẳng phải công đức. Vì đó chỉ là cái nhân gieo trồng phước báo hữu lậu ở cõi trời, cõi người. Còn công đức tức là bản tâm thanh tịnh nơi hành giả.

    Sở dĩ, Tổ nói như vậy, để phá cái chấp “có” của nhà vua. Vì trong Vãng Sanh Luận Chú quyển thượng có nói rõ hai thứ công đức hư dối và chân thật. Do vua Lương Võ Đế cầu cái công đức hư dối, nên Tổ trình bày cái công đức chân thật vô trụ, vô chấp mà vua thiếu duyên nên không thấy được.

    Kinh Thắng Man nói: “Ác diệt sạch gọi là công, thiện tròn đầy gọi là đức”. Như vậy, người bỏ tiền ra quyên góp, đóng góp, tài trợ, chỉ là việc lành nhỏ nhoi, tâm chưa thanh tịnh, thì không thể gọi là công đức. Nên các từ “quyên góp, đóng góp, tài trợ” để thế cho Công Đức là hoàn toàn không thể. Điều ấy, thí như lấy tay che mặt trời hoặc lấy thúng úp hư không, hoàn toàn vô lý.

    – Còn Dâng Cúng là: Cúng Dường. Theo Phật Quang Đại Từ Điển, q1, Tr. 1115:

    Cúng Dường: Pali: Pujana, Phạn gọi là Cung, Cung Thí, Cung Cấp, Đả Cung. Nghĩa là dâng các thức ăn uống, quần áo…gọi là cúng dường. Theo Di Giáo Kinh Luận, thì thức ăn, quần áo, thuốc thang, thuộc thân phần cúng dường. Tâm cúng dường là hơn hết, tâm cúng dường không nhàm chán, tâm cúng dường bình đẳng, thuộc tâm phần cúng dường. Nên các từ “Quyên Góp, Đóng Góp,Tài Trợ” chỉ biểu đạt được hành động của thân mà không biểu đạt được tâm lượng của người cho.

    Người ta có thể quyên góp vì từ thiện, đóng góp vì nghĩa vụ, tài trợ vì nghĩa hiệp nhưng không thể xem các hành động đó là “Công Đức, Cúng Dường, Dâng Cúng”, xét về mặt thuật ngữ là sai hoàn toàn, huống chi đặt vào ngữ cảnh để phân tích. Như anh A, chị B đóng thuế cho nhà nước vì nghĩa vụ công dân thì không thể gọi là cúng dường.

    Huống chi ngay từ thời Phật tại thế, đã xác định sự dâng cúng cho Phật, chùa tháp và Tăng chúng là của Tam Bảo. Người ta cúng dường để cầu công đức, mà công đức tối hậu là chứng Thánh quả. Nên không chỉ có tứ sự cúng dường mà còn có Nhị Chủng Cúng Dường, Tam Chủng Cúng Dường, Tam Nghiệp Cúng Dường, Thập Chủng Cúng Dường tuỳ theo lý sự sai khác.

    Theo Pháp Hoa Văn Cú: Ý Nghiệp Cúng Dường là chánh tâm quán tưởng thân tướng trang nghiêm của chư Phật, Bồ Tát, thì ở đây có dính dấp gì đến tiền bạc, tài sản đâu mà chỉnh sửa danh từ trở thành “quyên góp, đóng góp, tài trợ”?

    Nên không ai có quyền cải biên kinh Phật, bóp méo ý nghĩa thuật ngữ Phật giáo, vì không khả thi, thể hiện tính thiếu chuyên môn của người sử dụng ngôn ngữ, làm ảnh hưởng đến giáo nghĩa chân chính của đạo Phật.

    Thậm chí muốn vậy, cần phải có sự thẩm định của hội đồng các nhà khoa học, chuyên ngành ngôn ngữ học hay cộng đồng Tăng Già trên toàn thế giới vì liên quan đến sự kết tập và dịch thuật kinh điển.

    Theo luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo, Điều 3, Công Dân có quyền theo hay không theo một tôn giáo nào ghi:

    “Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”.

    Nghĩa là Tăng Ni Phật tử có quyền thực hành lễ cúng dường, công đức, đúng với tôn chỉ của Phật giáo đúng với tinh thần Kinh Nguyên Thủy cho đến Đại Thừa. Có quyền sử dụng đúng thuật ngữ chuyên môn của tôn giáo mình mà không cần sửa đổi, cũng như bảo vệ kinh tế tài sản Phật giáo như giới luật quy định, qua thực hành Tăng Sự và các Yết Ma, ngoài Tam Bảo ra không ai có quyền can thiệp.

    Nếu yêu cầu chỉnh sửa thuật ngữ “Công Đức, Cúng Dường, Dâng Cúng” ra thành “Quyên Góp, Đóng Góp Tài Trợ” không những sai về mặt luật pháp mà còn thiếu chuyên môn. Vì các danh từ đó không dính dáng gì đến nghĩa gốc trong kinh Phật. Làm tối nghĩa và thiển cận hơn trong hành động, mục đích, đối tượng, cách thức, kết quả của từ gốc. Nên chủ trương đó là hoàn toàn không phù hợp.

    Còn tài sản cúng dường công đức, thuộc quyền cho, tặng, sở hữu của công dân được pháp luật bảo hộ trừ khi có hành động phi pháp hoặc khiếu nại mới cần sự can thiệp, Tăng Ni, Phật tử là công dân nên phải có những quyền lợi chính đáng như vậy. Ngay cả khi được ủng hộ, quyên góp, tài trợ cũng cần được pháp luật tôn trọng.

    Do đó cần phải phân biệt rõ ý nghĩa của các từ “Công Đức, Cúng Dường, Dâng Cúng” khác với “Quyên Góp, Đóng Góp, Tài Trợ” để tránh sử dụng nhầm lẫn.

    Trần Đại Sĩ

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều