Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác
    HomePhật HọcLời Phật dạyPhật dạy lãng phí thức ăn nước uống là tạo nghiệp lớn

    Phật dạy lãng phí thức ăn nước uống là tạo nghiệp lớn

    Với Chánh biến tri – Thế gian giải, từ việc lớn đến việc nhỏ, không có điều gì mà Đức Phật không dạy chúng ta. Với việc lớn, khi chúng sinh muốn thoát khỏi Tam đồ khổ, Phật dạy giữ giới cùng pháp (phương tiện) để chấm dứt dọa lạc.

    Tại sao không được lãng phí thức ăn nước uống?
    Còn ai muốn thoát ra khỏi Tam giới, Phật dạy pháp Nhất tự thiền và tạo công đức để về Phật giới. Người muốn vãng sinh Tịnh độ, Phật dạy niệm A Di Đà…Tất cả mọi con đường giác ngộ – giải thoát đặt ra, dù ở tầng bậc nào dẫu khác nhau, nhưng điều căn bản Phật dạy con người và mọi loài đó là cần phải có lòng bi mẫn và trí tuệ thì mới thấu tỏ được vạn vật, khi lòng từ và trí tuệ phát khởi thì chúng ta mới cảm nhận được chân như pháp Phật dạy qua các mối liên hệ nhân quả – luân hồi trong thế giới vạn hữu này.

    Lý luận thì dài dòng như thế, nhưng bài viết nhỏ này, chúng ta chỉ cùng nhau suy ngẫm một câu Phật dạy giản đơn đó là việc không được để lãng phí thức ăn và nước uống hằng ngày. Chủ đề này, trong bài viết “Lãng phí một hạt gạo, một ly nước là giảm một phần phúc phận” của tác giả Như Nhiên – Thích Tánh Tuệ đã đề cập trên trang Sen Trắng. Đây là một vấn đề ai cũng cho rằng đó là chuyện bình thường và đơn giản trong đời sống. Nhưng với cái nhìn nhân quả, đặc biệt là sự lãng phí ở thời (vật chất sung mãn) như hiện nay, thì vấn đề nêu trên không còn là vấn đề nhỏ bé, khiến không ít người có lương tâm thao thức. Bởi sự lãng phí vật chất vô độ sẽ đem đến hậu quả nhãn tiền khó tránh khỏi về sự thiếu đói nếu chúng ta không thay đổi lối sống về vấn đề sản xuất và tiêu thụ trong thế giới này.

    Như chúng ta đã biết, với sự gia tăng về sản xuất tiêu thụ đã dẫn đến sự lãng phí kinh khủng (cụ thể về điều này các tổ chức thế giới liên quan đã có số liệu điều tra) bài viết này xin không nêu ra ở đây. Nhưng điều này, chúng ta thấy từ hơn hai ngàn năm trước, trong kinh điển đức Phật đã dạy câu như thế này: “Phật quan nhất lạp mễ, đại như Tu Di sơn; nhược nhân bất liễu đạo, phi mao đái giác hoàn” nghĩa là sự lãng phí thức ăn là một trong những nguyên nhân tạo nghiệp lớn của con người mà chúng ta không hề hay biết về luật nhân quả này.

    - Advertisement -

    Mỗi hạt cơm chúng ta ăn được tạo ra từ biết bao mồ hôi công sức…

    Xin dẫn ra đây một trường hợp, đó là vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước, tôi có quen biết gia đình ông bà Huân. Ông bà là chủ một cơ sở sản xuất sơn giầu có của khu phố tôi ở. Khi đó, cả khu phố hoàn cảnh gia đình nhà nào cũng thiếu thốn; riêng gia đình ông bà Huân đã có nhà lầu hai ba tầng. Ông bà có 3 người con trai, đứa nào cũng đều có nghề nghiệp làm ăn khá giả. Cơ sở sản xuất sơn của ông bà phát triển rất nhanh và sớm trở thành gia chủ giàu có nhất vùng. Khi cái giàu phất lên, ông bà Huân và các con đã bắt đầu học lối ăn chơi trưởng giả. Những người làm công (bây giờ gọi là làm thuê) cho gia đình ông bà Huân chứng kiến sự giàu có của gia đình khiến ai cũng thèm khát và ca thán: “Đúng là người ăn chả hết kẻ lần chẳng ra”. Nhà ông bà chủ Sơn Huân cơm trắng suốt bát, ăn uống giò chả, thịt cá chẳng thiếu thức gì, suốt ngày đãi đằng khách khứa, ăn không hết thì đổ bỏ chẳng chịu cho ai; thức ăn thừa thãi mà họ chẳng động tâm…tất cả đều vô thùng rác! giàu có thật vô cùng…”

    Bận công việc làm ăn, tôi phải (xa phố một thời) sau hơn 30 năm trở lại khu phố cũ, bỗng nghe người dân khu phố kể: “Ông bà sơn Huân làm ăn phá sản đi rồi, con cái mỗi đưa một nơi. Gồng gánh đi đâu chẳng rõ”. Câu chuyện này, đương nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng thiết nghĩ cũng không ngoài nguyên nhân lãng phí thức ăn và thái độ sống bản ngã của kẻ giàu đã dẫn đến báo ứng phá sản bại gia.

    Nhân đề cập về sự lãng phí, bỗng nhớ đến câu tổ thày thường nói: bất luận một điều gị (thuộc về vật chất) phục vụ cho đời sống con người nếu người ta buông tuồng làm tổn hao lãng phí thì đều dẫn đến tổn phước. Đọc kinh điển chúng ta thấy, ngay lúc còn tại thế đức Thế Tôn đã dạy các Tỳ kheo khi hưởng dụng sự cúng dường cũng phải chừng mực; và Ngài dạy các môn đồ, nếu người tu nhận sự cúng dường của thí chủ dù chỉ một hạt cơm, nhưng không làm được lợi ích cho họ thì Tỳ kheo ấy phải nghĩ đến bản thân, bởi một hạt cơm cúng dường của đàn na thí chủ nặng như núi Tu Di.

    Trong cuộc sống hiện thực có rất nhiều người không hề biết quý một cái bánh mỳ, một bát cơm, một tờ giấy hay một ly nước. Họ nghĩ rằng bỏ đi một chút thức ăn, một ly nước uống cũng chỉ là chuyện nhỏ nhặt. Nhưng hôm nay ta lãng phí một chút, ngày mai lãng phí một chút, cả một đời tích cóp lại sẽ là bao nhiêu? Cổ nhân nói, cái miệng chỉ bằng vỏ ron, vỏ hến (miệng ăn núi lở); vậy, nếu cộng lại con số không hề nhỏ.

    Nếu như ai bỏ mứa đồ ăn, chính là đang tạo tội nghiệp rất lớn, đang mắc nợ mà không biết…

    Có người vì muốn thể hiện ta đây giàu có, tùy tiện tiêu xài, kiếp sau chắc chắn họ sẽ là một người phá sản hay nghèo khó như câu chuyện mà người viết đã đề cập trên. Nhìn thấy cảnh mọi người lãng phí, người có chút lương tâm suy xét, quả thực sốt ruột lo lắng thay cho những ai không hiểu luật nhân quả này.

    Con người sống trên đời, nếu hàng ngày đều lãng phí những thứ mình có, thì dẫu chỉ một hạt gạo cũng bị cắt giảm một chút phúc thọ của bản thân. Cả đời một con người có thể ăn, có thể dùng bao nhiêu cũng đều có định số cả, không phải như ai nghĩ có tiền thì có thể chi tiêu tùy tiện, hoang phí vật dụng được đâu. Con người hễ khởi tâm động niệm đều sẽ có nhân quả, huống chi là việc lãng phí.

    Lãng phí thức ăn nước uống là đang tạo nghiệp gì?
    Nếu là người tin sâu lĩnh vực tâm linh thì sẽ thấy “trên đầu ba tấc có thần linh”. Hành vi và suy nghĩ hàng ngày của chúng ta đều được thần linh ghi chép lại. Chúng ta không nên tự cho mình là thông minh mà chẳng tin nhân quả. Những lời Phật, Bồ tát nói ra hết thảy đều chân thực. Có điều chúng ta chỉ mải (phóng dật, hý luận) mà chẳng chịu lắng nghe và làm theo nên nhân quả đắp đổi lần lần mà không biết. Ở đây xin được đề cập (luật nhân quả không phải là của Phật giáo, mà là luật tự nhiên. Đức Phật chỉ là người phát hiện ra sự vận hành của quy luật này).

    Thực tế trong cuộc sống ở thời kỳ hiên đại này luôn diễn ra một hiện tượng rất đáng sợ, đó là ăn uống bằng ‘tiền chùa’. Kiểu ăn uống ‘trưởng giả’ này, khiến thức ăn dư thừa ở hầu khắp các bàn tiệc thịnh soạn bị đổ bỏ thật lãng phí vô cùng. Như vậy, mỗi người tham gia ăn uống đều phải gánh chịu nghiệp quả lãng phí đồ ăn. Thử nghĩ xem, sự lãng phí mà những người thường xuyên tham gia những bữa tiệc tùng như vậy tích cóp lại chẳng đáng sợ lắm sao? Như vậy kiếp sống kế tiếp của họ sẽ thế nào, chúng ta có thể ngẫm mà thấy được.

    Cổ đức nói, người lãng phí thì (tổn phước) hay phúc đức sẽ tiêu biến rất nhanh. Thấm nhuần đạo lý này, ta thấy trong một số chùa có những người tu hành chân chính khi ăn cơm không dám lãng phí dẫu chỉ là một hạt gạo. Sau khi ăn xong, họ đều dùng rẻ lau sạch chiếc bát hóa duyên; bởi họ nhận sự cũng dường của thí chủ mười phương, nên lãng phí một hạt gạo thì tội chồng chất như núi. Hậu quả thật đáng sợ biết bao! Lẽ nào con người lãng phí ở (nhà mình) lại không phạm nhân quả? Thực tế về sự tiêu giảm phúc báo là không khác.

    Nhân đây xin dẫn thêm lời Kinh nguyện trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa đức Thế Tôn dạy các Tỳ kheo, cư sĩ trước khi thọ dụng bữa cơm phải biết đọc lời kinh nguyện dưới đây (xin được lược trích):

    “- Nam mô Mười phương chư Phật.

    – Kính trình các Ngài.

    – Đây là thức ăn thanh tịnh của con / Trước khi con hưởng dụng / Kinh xin các Ngài hưởng dụng và chứng minh cho con: Trước hết, xin hồi hướng công đức, phước đức của con từ vô lượng kiếp đến nay về quả Phật của con. Sau xin sám hối lỗi lầm mà từ ngàn xưa đến nay con đã gây ra ở thế giới này.

    – Cám ơn cốc loại (các loại gạo ngũ cốc) đã hút khí trời khắp trong hành tinh này để có hình thể nuôi con / Cám ơn những người thương mại, gieo trồng và nấu nướng cho con hưởng dụng. Con xin hồi hướng công đức, phước đức cho những vị ấy…”

    Qua lời Kỉnh nguyện đủ thấy, một hạt gạo, một miếng cơm trước khi thọ dụng chúng ta cần phải nâng niu trân quý và hồi hướng như thế nào? Thế nên cơm gạo người xưa coi là “ngọc thực” thì nay sử dụng tùy tiện và đổ bỏ như một thứ bất hảo.

    Cổ nhân thường nói, tiết kiệm cũng là lo cho phúc phận, không lãng phí cũng là đang tích đức cho bản thân.

    Người thường lãng phí thì đức sẽ tiêu biến nhanh chóng.

    Theo Liên Hợp Quốc, một phần ba số lương thực trên thế giới bị bỏ đi mỗi ngày. Con số tổng trong một năm có thể đủ để nuôi 2 tỷ người và gây thiệt hại về kinh tế xấp xỉ 750 tỷ USD/năm.

    Xin dẫn thêm một trường hợp, đó là người bạn cùng làng với tôi khi ấy chúng tôi ở độ tuổi khoảng 30. Tôi và người bạn có tên là T. cùng dời làng quê ra thành phố làm (công nhân viên chức) sau đó T. bỏ công nhân làm nghề kinh doanh thực phẩm. Chỉ trong vòng gần chục năm, người bạn đã làm ăn phất lên nhanh chóng. Khi ấy, nhiều người còn ở tập thể, thì vợ chồng T. đã xây được nhà ba tầng, sắm xe máy đời sang đắt tiền. Bẵng đi một thời gian ngắn, không hiểu vì sao cửa hàng của vợ chồng T. trước đó đang làm ăn phát đạt; con cái đang ăn học bình thường thì đột nhiên đâm ra đổ đốn, và làm ăn kinh tế của vợ chồng T. lần lần sa sút. Nhìn thói quen sinh hoạt hàng ngày của người bạn, tôi mới nhận ra một điều rằng, anh ấy là người bị tồn phước vì khi làm được bát ăn thì người bạn tôi huênh hoang, lãng phí và coi ai cũng dưới tầm con mắt của mình chẳng coi ai ra gì.

    Phải chăng anh ta không hiểu nhân quả báo ứng do lãng phí đồ ăn, nên tất cả những thức ăn dở, dẫu có thể còn sử dụng được, nhưng anh đều chê bai và đổ đi không chút xa xót. Cùng với đồ ăn lãng phí, đồ dùng trong nhà anh tôi thấy cũng thường thay đổi luôn luôn; nhất là quần áo vợ con anh mặc thì luôn thay đổi theo mốt. Anh còn có thói quen xả nước và dùng điện “thả phanh” quá trời. Anh nói, “Mùa hè bật điều hòa, đắp chăn ngủ vùi mới thú!”. Biết thói quen của anh là không ổn (khi đất nước còn thiếu điện cho sản xuất), không chỉ riêng tôi, mà nhiều lần người thân quen tham gia góp ý đừng có lãng phí như thế, bởi chẳng ai nắm tay lâu ngày đến tối. Nói vậy, mà T. vẫn không hiểu còn đối đáp lại: “Không có tiền thì làm sao có thể lãng phí!…”

    Sống trên đời phải biết tiết kiệm phúc báu

    Sống ở thời kỳ hiện đại phát triển, nói đến tiết kiệm – lãng phí chắc không ít người cho rằng, sao phải khổ vậy! Thời buổi này là thời buổi nào rồi?

    Nhân chuyện này, người viết cũng xin thưa: các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy…đây là những nước có nền công nghiệp phát triển rất sớm, đời sống người dân nơi đây có chỉ số hạnh phúc rất cao; điều này không chỉ so với các nước khu vực mà so với cả các nước phương Tây nữa. Nhưng họ sống rất giản dị (nội tâm) không phô trương hình thức. Ở Thụy Điển, luật nhà nước này không cho phép xây nhà cao quá 4 tầng. Được biết,người dân ở các nước Bắc Âu họ tôn trọng môi trường và tự nhiên đúng theo cách tiếp cận Phật giáo đối với giáo dục toàn cầu về đạo đức – nhằm giải phóng con người khỏi tự ngã và khổ đau. Với cách tiếp cận về Phật giáo và tiêu thụ có trách nhiệm cho phát triển bền vững; đó là đạo lý duyên khởi – vạn vật nương tựa lẫn nhau sinh tồn để bảo đảm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên và sự hòa hợp giữa con người với thế giới tự nhiên. Đó là tinh thần của Vesak – Liên Hợp Quốc.

    Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều