Con có biết tại sao thầy chưa từng hỏi con câu đó? Đó là thầy đang chờ tinh thần tự giác ý thức trách nhiệm của các con. Đôi khi thầy rất buồn, nhiều đứa ở sát bên chùa, nhưng tới Phật đản cứ trơ lì, tưởng như “thiền sư thứ thiệt”. Không một chút quan tâm chùa hôm nay cần gì, lễ lượt ra sao, chứ đừng nói là tự thiết bàn hương án mừng Phật Đản Sanh tại tư gia.
Đã là Phật tử, mà không ý thức được ngày trọng đại của đạo mình thì có còn là con Phật nữa hay không? Có đứa viện lý do bận việc này, lo việc kia, nhưng đến ngày Noel các con đâu có viện lý do nào để từ chối? Đồng ý, sự tham dự vào ngày lễ Noel hiện nay, là kỳ nghỉ của phương tây, nhưng các con không thể chối bỏ được ngày đó gắn liền với sự kiện trọng đại của tôn giáo bạn, là mừng Chúa giáng sinh, không phải bổn phận của mình, hoá ra, cứ quen thói ”ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” mà chẳng hề hổ thẹn.
Điều đáng nói ở đây là các con theo thầy để học đạo, nghĩa là đang chấp nhận bỏ bớt những đam mê vật dục tầm thường, để trở về sống trọn vẹn với tâm Phật bản nhiên, đã vậy sao vì một hai chuyện vui ở ngoài thế gian lại không về chùa tham dự lễ Phật đản? Nhiều đứa ở xa, các con có thể tham dự lễ Tắm Phật ở các nơi khác cũng được, vì quy y Tam Bảo, trong đó quy y Tăng tức là nương tựa vào tất cả các quý thầy, quý sư cô chân chính, chứ không nhất thiết phải là thầy.
Nhưng nếu các con gần thầy, mà không có trách nhiệm, liệu các con có còn là đệ tử của thầy không? Tất nhiên các con về chùa hay không, thầy cũng không cần, các con có lo lắng hay không, nội tự mình xưa nay vẫn thế, một nếp sống giản dị bình thường. Đã vậy sao thầy còn nhắc con phải về chùa lễ Phật? Vì các con là đệ tử Phật, các con học đạo lý làm người, mà lẽ nào lại quên đạo lý căn bản “Uống nước nhớ nguồn”?
Những gì các con đang thừa hưởng hôm nay, chẳng phải là của thầy, đó là do ân lớn của đức Phật khai sáng. Chính thầy cũng như các con, được hưởng trọn niềm an lạc từ suối nguồn tâm linh bất diệt ấy, nên thầy trò mình phải có bổn phận tri ân. Còn trách nhiệm cá nhân của thầy là không muốn nhìn thấy các con hư đốn như vậy.
Là Phật tử phải lấy hạnh tri ân làm gốc. Nhờ tri ân, các con mới chấm dứt mọi sự đau khổ, nhất là đối với những trái ngang, nghịch cảnh trên dòng đời. Nhưng có cái ân nào lớn hơn ân đức Phật, đã chỉ rõ tâm Phật bất sanh, như chính tôn giả A Nan từng khẳng định: “Ân cha mẹ tuy lớn, nhưng không lớn bằng thâm ân của đức Phật, vì cha mẹ chỉ cho ta tấm thân sanh tử, còn Đức Phật chỉ bày cho ra Pháp Thân ra khỏi luân hồi”. Ân cha mẹ các con còn lo trả, lẽ nào lại phóng túng vong ân đức Thế Tôn? Có lẽ thầy thiếu đức, không đủ khả năng để giáo hoá các con, nên trong đạo tràng vẫn còn những đứa thờ ơ đến vậy. Đó cũng là cái tệ chung trong cộng đồng Phật giáo, tuy ”mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”, nhưng những ai lưu tâm đến sự tồn vong của Phật giáo càng nghĩ, càng thấy đau lòng.
Nhiều người nói, đó chỉ là việc hình thức bề ngoài, tu Phật là lo gạn lọc nội tâm, bởi “tứ đại giai không, ngũ uẩn vô ngã” thì Đức Phật đâu cần mình tắm. Nói thế, liệu trên đường đời các con có cần phước báo không, khi chúng ta chỉ là những chúng sanh phàm tình không hơn không kém? Vin vào kiến giải để biện bác nào có ích gì, trong khi cấu uế nơi lòng mình chưa dứt trừ. Học đạo, phải giữ gìn cái miệng của mình lên meo như cây quạt mùa đông, đừng vội nói ra một điều gì vì cái biết của chúng ta chỉ là hạt muối bỏ biển. Chưa hề lìa bỏ sở tri, huống chi vừa mở miệng hé môi, liền sanh nhân tạo tác quả báo kề bên, há không đáng sợ ư?
Nếu các con không cần tắm Phật thì dứt khoát, hãy trả lời giúp thầy điều này. Tại sao trong kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật nói: ”Không có Bồ Tát Thiện Huệ nào nhập thai Thánh Mẫu Ma Gia, Không có thái tử Tất Đạt Đa đản sanh, cũng như không có các sự kiện Bồ Tát Tất Đạt Đa xuất gia, thành đạo, nhập Niết Bàn”. Nếu các con chưa rõ công án này, hãy ôm lấy nó như giữ một gáo nước tắm mát tâm hồn mình cho đến khi không cần nó nữa.
Thầy trông tin các con!
Thích Như Dũng