Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 21, 2024
Khác

    “Nhất thủy, nhì hỏa!”

    Nhất thuỷ, nhì hoả. Đó là thông điệp của tổ tiên nhắc nhở hậu duệ về tầm quan trọng mang tính sống còn của nước và lửa! Ở đâu có nước thì ở đó có sự sống. Nhưng khi không chế ngự được nước – Thì nước lại trở thành mối đe doạ cho muôn loài.

    Mới cách đây mấy tháng nạn hạn hán và xâm nhập mặn đe dọa cuộc sống của bà con các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hạn hán làm cho bà con các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung điêu đứng… Hạn hán bởi nắng liên miên, hạn hán bởi trời không mưa – dẫn tới thiếu nước và khô hạn…Vài tháng nay vào mùa mưa thì khắp nơi trên cả nước – Đặc biệt là các tỉnh miền Trung lại lâm vào cảnh… khổ vì nước (!)

    Mưa nhiều, mưa to, mưa liên tục -Nước không có chỗ thoát, và cũng không biết thoát đi đâu. Cứ thế mưa càng to càng nhiều, càng dai dẳng thì nước lại càng dâng lên – Đó là lụt. Nước ở vị trí cao hơn đổ về vị trí thấp hơn, lượng nước khổng lồ từ cao đổ về thấp…Đó là lũ. Nguy hiểm nhất là lũ cuốn, lũ ống và lũ xoáy.

    Lũ cuốn là nước mưa từ vùng rừng núi cao với một lượng cực lớn – đổ xuống vùng thấp hơn có thể cuốn trôi đi tất cả. Lũ ống là lượng nước mưa cực lớn trên 2 vị trí ở độ cao gần nhau cùng đổ về vị trí thấp hơn, tạo thành một’ ống’ nước khổng lồ, tạo ra một dòng nước chảy xiết cực mạnh.

    - Advertisement -

    Lũ xoáy –đó là cả lũ ống, lũ cuốn đổ về vùng thấp hơn nhưng lại vượt qua nhiều vật cản bởi những ngọn đồi, ngọn núi, những tảng đá to… Do vậy dòng nước khổng lồ bị vật cản tạo ra những dòng xoáy cực kỳ nguy hiểm. Có những dòng xoáy có thể… ‘xoáy’ tan và nuốt chửng cả cụm dân cư xóm làng(!)

    Thời điểm này, bà con Quảng Bình, Hà Tĩnh vừa trải qua nạn ‘lũ chồng trên lũ’. Nước đang rút dần. Mong bà con sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng, nước lại đang dân lên ở Quảng Ngãi… Mong rằng, theo quy luật tự nhiên ‘sau cơn mưa trời lại sáng’! Và theo quy luật tự nhiên – sau trận lũ lịch sử này, ngoài những thiệt hại của bà con miền Trung mà chúng ta đang chung tay góp sức cùng đồng bào vượt qua khó khăn – thì liên tiếp những năm sắp tới – bà con sẽ có những vụ mùa bội thu bởi một lượng phù sa màu mỡ do lũ mang về, bồi lắng cho đất đai. Lũ cũng đã cuốn trôi lũ sâu bọ và lũ chuột phá hoại mùa màng… Hy vọng rằng những ‘chiến lợi phẩm’ của thiên nhiên để lại – sẽ giúp cho bà con tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp theo xu hướng của nhân loại. Đó là việc hạn chế tối đa phân hóa học, thuốc trừ sâu. Không nên dùng kháng sinh cho vật nuôi, không phun thuốc hóa học cho cây trồng… Hướng tới mỗi năm chỉ cần canh tác 1 vụ – Song chất lượng và giá trị gấp 5 gấp 10 lần như chúng ta canh tác 2 – 3 vụ vì chạy theo số lượng như hiện nay…

    Nước thì như vậy, còn lửa thì sao?

    Theo ngũ hành Đông Phương thì Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là 5 nguyên tố cấu tạo nên vũ trụ. Chúng tương sinh và tương khắc với nhau nhưng không thể thiếu nhau được. Trở lại vấn đề về lửa. Lửa có vị trí hết sức quan trọng trong quá trình tiến hóa và phát triển của loài người. Để có loài người văn minh ngày nay, không thể không cám ơn… Lửa!

    Ngay từ thuở bình minh của loài người, khi phát hiện ra lửa – loài người đã có vũ khí và sức mạnh vô biên để chinh phục thiên nhiên – cũng như tạo niềm tin về tâm linh bởi sức mạnh diệu kỳ của lửa (!)Nếu nước là ngọn nguồn của cuộc sống – thì lửa là sức mạnh để con người chinh phục vạn vật, làm chủ bản thân, và là điều kiện để tồn tại và phát triển. Thế nhưng,qua những vụ cháy đau lòng vừa qua, đặc biệt là vụ cháy làm chết 12 người tại nhà hàng Karaoke Cầu Giấy – Hà Nội cách đây 2 ngày, nhắc nhở cho chúng ta về quy luật muôn đời. Đó là bất kỳ sự vật hiện tượng nào cũng có tính 2 mặt. Vấn đề còn lại là trong 1 xã hội văn minh – cần tận dụng và phát huy tối đa mặt tích cực. Hạn chế và khống chế tối đa mặt tiêu cực.

    Câu khẩu hiệu ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu của lực lượng phòng cháy chữa cháy nêu ra là “phòng cháy hơn chữa cháy”!

    Hỡi ôi, thế mà chúng ta lại cứ tái diễn câu chuyện ‘mất bò mới lo làm chuồng’! Xin chia buồn sâu sắc đến gia quyến của những người xấu số vì hỏa hoạn. Chúng ta cần biến đau thương, mất mát này bằng nhận thức, tư duy, nói và làm để đề phòng hậu quả!
    ‘Phòng cháy hơn chữa cháy’ – đó là mệnh lệnh của cuộc sống!

    Tp.Hồ Chí Minh ngày 03tháng 11 năm 2016
    Luật gia Trần Thúc Hoàng (Bộ Thông tin và Truyền thông)

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều