Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác
    HomePhật HọcLời Phật dạyNgười nóng giận cũng như rắn độc

    Người nóng giận cũng như rắn độc

    Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, gọi các Tỷ kheo: Có bốn loại rắn, này các Tỷ kheo. Thế nào là bốn? Loại rắn có nọc độc nhưng không ác độc; loại rắn ác độc nhưng không có nọc độc; loại rắn có nọc độc và ác độc; loại rắn không có nọc độc, không có ác độc.

    Tâm sân hận của một người được nuôi dưỡng không phải chỉ bằng các thức ăn mà còn bằng những gì ta tiêu thụ qua mắt, tai, và ý thức.

    Tâm sân hận của một người được nuôi dưỡng không phải chỉ bằng các thức ăn mà còn bằng những gì ta tiêu thụ qua mắt, tai, và ý thức.

    Cũng vậy, này các Tỷ kheo, có bốn hạng người được ví dụ như bốn loại rắn này có mặt ở đời. Thế nào là bốn?

    Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Ví như loại rắn có nọc độc nhưng không ác độc.

    Này các Tỷ kheo, có hạng người không mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ tồn tại lâu dài. Như là loại rắn ác độc nhưng không có nọc độc.

    - Advertisement -

    Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ tồn tại lâu dài. Ví như loại rắn có nọc độc và ác độc.

    Này các Tỷ kheo, có hạng người không mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Như là loại rắn không có nọc độc, không có ác độc.

    Có bốn hạng người này, này các Tỷ kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

    (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Mây mưa, phần Các con rắn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.23)

     

    Lời bàn:

    Tâm sân hận của con người thường được ví như hình ảnh ngọn lửa tàn phá những khu rừng hạn hán, thiêu đốt tất cả những gì tốt đẹp mà chính họ đã tạo dựng. Cơn giận bùng phát ra bên ngoài thường hung hãn như ngọn lửa lớn. Tuy nhiên, khi giận dữ được nén vào trong lòng thì nó ẩn tàng hiểm họa như nọc độc của rắn độc.

    Nóng giận nhanh mà nguội lạnh nhanh, hạng người này bộc trực, ngay thẳng, không để bụng, điều gì không vừa ý thì nói ngay, nói rồi thôi. Xem ra nếu hiểu thì cũng dễ dàng thông cảm và sống chung với họ. Tuy vậy, hạng người này thường mang lại những tổn thương, tự ái cho nhiều người. Như loại rắn độc thường phun nọc độc nhưng dùng để tự vệ hơn là tấn công nhằm giết hại đối phương.

    Để tiêu thụ tâm sân hận, quý Phật tử nên ý thức được thân, khẩu, ý và thực hành thiền định....

    Để tiêu thụ tâm sân hận, quý Phật tử nên ý thức được thân, khẩu, ý và thực hành thiền định….

    Hạng người khác ít nóng giận hơn hoặc có giận thì thường dồn nén mà không biểu hiện ra. Tuy họ có vẻ thoải mái, dễ chịu nhưng một khi đã ghim gút thì giận lâu, khó tháo gỡ. Như loại rắn không có nọc độc nhưng tâm tính ác độc. Ít giận nhưng một khi đã giận ai thì giận dai, không hỉ xả cũng là một tâm tính ác cần phải đoạn trừ.

    Nguy hiểm nhất là hạng người dễ giận và giận lâu. Hiểm họa thật khó lường luôn chờ đón những người sống chung và chính bản thân của người ấy. Nếu không đủ tuệ giác và từ bi để dung nhiếp thì cần phải tránh xa hạng người này. Bởi cầm đuốc đi ngược gió thì sẽ có ngày cháy tay, gần rắn độc và hung dữ thì khó tránh khỏi tai họa.

    Không sân hận hay nếu có thì nhanh chóng hỉ xả là một trong những đặc điểm lý tưởng để sống chung an hòa. Hạng người này hiếm có trên đời, phải nỗ lực tu tập trong thời gian dài mới mong thành tựu. Do vậy, nuôi dưỡng và phát triển từ bi, trí tuệ từng phút giây trong đời sống hàng ngày là điều cần yếu và quan trọng của mỗi người.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều