Chủ Nhật, Tháng Mười Một 24, 2024
Khác
    HomeĐời Sống Xã HộiĐời sống quanh taMưu sinh trên mọi nẻo đường châu thổ

    Mưu sinh trên mọi nẻo đường châu thổ

    Anh Thạch Sên nói: “tui chưa bỏ nghề đâu. Đôi chân vẫn còn khỏe để đi bán khắp các tỉnh. Ở nhà buồn lắm. Về nghỉ vài hôm là cứ muốn tiếp tục đi bán thôi. Bây giờ người ta ít xài đồ tre, tầm vông lắm, thôi thì chừng nào người ta nghỉ mua thì mình nghỉ đi bán”, anh cười nhưng thật buồn.

    Có mặt trên mọi nẻo đường châu thổ

    Dừng chiếc xe “thồ” chất đầy thang, giường tre giữa buổi trưa nắng cháy da người để chuẩn bị đẩy xe lên dốc cầu khá cao trên quốc lộ 54, Anh Thạch Sên kể đứt quãng: “Tui 50 tuổi nhưng đã làm nghề nầy 32 năm rồi. Toàn đi bộ thôi. Hồi mới cưới, vợ tui cũng đi theo cho có bạn, được 3 tháng thì “bả” ở nhà vì đi hết “xiết”. Bình quân mỗi ngày tui kéo xe từ 30 đến 40 cây số là chuyện thường. Riết rồi quen. Làm nghề nầy nắng mưa cũng cực như nhau thôi. Cực nhưng có tiền lo cho con cái ăn học, ngày tết phải đi xa hơn để bán nhiều có tiền đón tết”.

    Anh Sên kể thêm: quê anh ở ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh, nơi đang có gần 100 hộ dân đeo bám với cái nghề “cha truyền con nối” này, trong đó có trên 95% hộ người Khmer.

    Ông Thạch Nhanh, nguyên bí thư kiêm trưởng ấp Trà Tro B, cho biết: “Nghề nầy có trên 70 năm rồi. Đại đa số người dân Khmer học vấn kém, không đất sản xuất, nhà nghèo, con đông nên “chăm bẳm” vào cái nghề truyền thống làm giường tre, thang tre để mưu sinh”.

    - Advertisement -
    Xe “cầm lô” trên quốc lộ 54

    Xe “cầm lô” trên quốc lộ 54

    Sản phẩm chủ yếu hiện nay tại ấp Trà Tro B là thang tre, giường tre hoặc tầm vông với nhiều mẫu mã, kích thước và giá cả cũng khác nhau. Bình quân giá bán hiện nay là 450.000 đồng/thang tre cao 3m; 500.000 đồng/thang 5m; 600.000 đồng/giường tre dài 1,7m x 1m; loại giường 1,4m x 2m có giá 950.000 đồng…Các loại sản phẩm này được tiêu thụ tại chỗ hoặc được các hộ dân bán dạo trên các xe kéo tay không gắn động cơ (gọi là xe “cầm lô”). Giá xe cầm lô từ 4 đến 5 triệu đồng/chiếc phụ thuộc chất lượng xe.

    Anh Kim Suôn Thon, người đã có trên 20 năm hành nghề bán thang, giường tre dạo kể: “Tuy cực nhưng thu nhập cũng tạm đủ sống, sau mỗi chuyến bán lưu động từ 7 đến 10 ngày, tui kiếm được từ 3 đến 3,5 triệu đồng, đủ nuôi sống gia đình nhưng “chua” lắm nhất là vào các ngày mưa bão…”.

    Thấy chúng tôi thắc mắc vì sao không chở thang, giường tre đi bán trên các phương tiện mô tô có thùng phía sau để đỡ vất vã. Anh Thon nói rất thật: mình lấy công làm lời, chớ đi bán bằng hon đa thì tốn xăng lắm. Đã vậy đây là những sản phẩm rất cồng kềnh, lỡ có gặp công an giao thông thì sẽ bị phạt rất nặng. Thôi thì kéo xe bằng tay cho chắc ăn.

    Theo nhiều người sản xuất “đặc sản” nầy, yếu tố quan trọng đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu tre gai già để đảm bảo độ bóng, bền, sử dụng được lâu dài từ 10 đến 20 năm. Tre gai già có màu đen xanh đậm, xanh đỏ… Để đánh giá độ tuổi của tre thì căn cứ vào các bụt măng, xung quanh bụi. Giá tre cây hiện nay từ 35.000 đến 40.000 đồng/cây. Việc đốn tre khá vất vả và phụ thuộc vào hợp đồng giữa người bán và người mua để xem ai là người thực hiện. Khó khăn trong nghề vẫn là khâu khoan, đục để bắt trụ giường, bắt thanh ngang của các cây thang vì tất cả đều thực hiện bằng phương pháp thủ công.

    Vất vả nhưng vẫn đeo bám với cái nghề truyền thống

    Một số công đoạn làm thang, giường tre ở xã Hàm Giang.

    Một số công đoạn làm thang, giường tre ở xã Hàm Giang.

    Ngoài đội quân báo dạo trên khắp nẻo đường hiện nay là nam giới, lực lượng lao động tại nhà đa phần là phụ nữ, người già, trẻ em, người tàn tật có nhiệm vụ sản xuất sản phẩm để các xe “cầm lô” hết hàng quay về có hàng “ quay vòng” đi ngay. Bình quân mỗi lao động tại chỗ có thu nhập từ 150.000 – 180.000 đồng/người/ngày phụ thuộc công việc dễ hay khó như: đốn tre, chẻ tre, vót thanh, lắp ráp… Số tiền tuy không quá lớn nhưng là chiếc phao cứu sinh bền vững cho hàng trăm lao động quanh năm.

    Cứ như thế hàng chục chiếc xe “cầm lô” độc nhất vô nhị của ĐBSCL lăn bánh trên khắp nẻo đường bất kể nắng, mưa, lũ, bão và họ chỉ vắng mặt trong những ngày tết Nguyên Đán hay tết cổ truyền của dân tộc Khmer. Chạnh lòng lắm khi bắt gặp lỉnh kỉnh chiếu, mùng để tá túc qua đêm tại một nơi nào đó; Chạnh lòng lắm khi bắt gặp những tài xế “ cầm lô” oằn mình đẩy xe lên những chiếc cầu cao thăm thẳm. Chạnh lòng khi bắt gặp những đôi chân vạn dặm rong ruổi khắp các tỉnh đồng bằng. Vậy mà họ vẫn cười, vẫn rất lạc quan với cái nghề đạm bạc vất vã của mình.

    Anh Thạch Sên nói chắc nịch: “tui chưa bỏ nghề đâu. Đôi chân vẫn còn khỏe để đi bán khắp các tỉnh. Ở nhà buồn lắm. Về nghỉ vài hôm là cứ muốn tiếp tục đi bán thôi. Bây giờ người ta ít xài đồ tre, tầm vông lắm, thôi thì chừng nào người ta nghỉ mua thì mình nghỉ đi bán”, anh cười nhưng thật buồn.

    Chia tay. Chúng tôi cứ đau đáu nhìn theo những chiếc “cầm lô” chất đầy sản phẩm lặng lẽ lên đường mang theo những nụ cười chân chất, tự tin rất lạ trong làn gió tết đang ầm ập kéo về.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều