Thứ Hai, Tháng Mười Hai 23, 2024
Khác
    HomeTin TứcLừa đảo cả chốn linh thiêng

    Lừa đảo cả chốn linh thiêng

    Theo thông tin điều tra từ phía cơ quan công an, trong thời gian vừa qua xuất hiện một số đường dây tội phạm chuyên thực hiện các hành vi lừa đảo mà đối tượng chúng hướng tới là các nơi thờ tự, đình đền, chùa.
    Theo thông tin điều tra từ phía cơ quan công an, trong thời gian vừa qua xuất hiện một số đường dây tội phạm chuyên thực hiện các hành vi lừa đảo mà đối tượng chúng hướng tới là các nơi thờ tự, đình đền, chùa. Với lời hứa sẽ hỗ trợ công tác xây dựng trùng tu các hạng mục công trình tại những nơi này và để triển khai các dự án, ban quản lý các khu di tích, đền, đình chùa phải chuyển một số tiền nhất định vào tài khoản của chúng để “bôi trơn” quá trình giải ngân gói hỗ trợ!?

    Miếu không tha, chùa… không thương

    Vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH – Công an TP. Cần Thơ cho biết, đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 4 đối tượng gồm: Lê Minh Hiệp, Lê Minh Tuấn (cùng ngụ ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang); Nguyễn Thị Ngọc Lai (ngụ tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) và Nguyễn Văn Hoàng (cư ngụ ở huyện Củ Chi, TP.HCM). Trong đó, Hiệp và Tuấn là 2 cha con.
    Qua điều tra ban đầu, các đối tượng khai nhận do cần tiền tiêu xài, chúng lợi dụng các cơ sở thờ tự, chùa chiền đang trong giai đoạn xây cất, trùng tu để lừa đảo. Kịch bản của chúng là điện thoại đến các cơ sở thờ tự, giả danh là lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương, các mạnh thường quân… cho biết sẽ hỗ trợ một số tiền lớn cho những nơi này. Đổi lại, nếu muốn nhận được số tiền trên, Ban quản lý các cơ sở thờ tự phải chuyển trước cho chúng 30 triệu đồng để quyên góp làm từ thiện, chạy lo thủ tục nhận tiền…

     Cơ quan công an đang lấy lời khai từ 1 trụ trì chùa bị “nhà tài trợ” giả lừa tiền.

    Tuy nhiên, khi tiền đã chuyển vào tài khoản ngân hàng, tất cả các số điện thoại di động từng liên lạc của đầu mối hứa tặng tiền đều bị khóa. Với kịch bản này, các đối tượng trên đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo tại rất nhiều cơ sở thờ tự, chùa chiền ở ĐBSCL như Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai…, chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng.

    Cùng thời gian trên, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện Nhà Bè (TP.HCM) xác nhận đã bắt Nguyễn Hồng Phong (dùng tên giả là Nguyễn Quốc Cường, tạm trú quận Gò Vấp) và Nguyễn Văn Giang (dùng tên giả là Đặng Văn Trung, tạm trú quận Tân Bình) để điều tra về hành vi lừa đảo. Bước đầu, Công an huyện Nhà Bè đã làm rõ thủ đoạn cả hai lừa đảo nhà sư trụ trì chùa Huyền Trang (còn gọi là chùa Lá, thuộc thị trấn Nhà Bè).
    Giang khai nhận: qua theo dõi, tìm hiểu về Hòa thượng Thích Truyền Tứ (trụ trì chùa Huyền Trang), biết hòa thượng thường nhận nuôi trẻ mồ côi, xây nhà tình thương giúp người nghèo, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, Giang gọi điện đến chùa Huyền Trang, xưng tên là Đặng Văn Trung, làm việc tại một cơ quan nhà nước và nói rằng đang có dự án từ thiện với số tiền 2,7 triệu USD do Nga tài trợ không hoàn lại. Giang gợi ý sẽ hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục xin gói viện trợ 800.000 USD nếu trụ trì đồng ý thì phải chi tiền bồi dưỡng 200 triệu đồng. Do nghi ngờ, Hòa thượng Thích Truyền Tứ đã báo công an. Hành vi của Giang sau đó nhanh chóng bị cơ quan công an lật tẩy. Cũng thủ đoạn tương tự, đối tượng Phạm Tú Uyên (33 tuổi, quê Nam Định, trú tại P. Tăng Nhơn Phú, Q.9, TP.HCM) đã lừa đảo tại chùa Phật Bửu Tự (Long Hải, Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).

    Cần xử lý nghiêm những hành vi trên

    Qua vụ bắt giữ nhóm đối tượng (4 tên) chuyên thực hiện hành vi lừa đảo tại các chùa nêu trên, Trung úy Trần Văn Thủy – Phòng CSĐT tội phạm về TTXH – Công an TP. Cần Thơ cho biết: Nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà chùa, những nhóm đối tượng này thường sử dụng các giấy tờ, con dấu giả mạo của các tổ chức cơ quan Nhà nước nhằm tạo lòng tin với nhà chùa. Chúng cũng không trực tiếp nhận tiền mặt mà thường giao dịch qua tài khoản.
    Các đối tượng chủ yếu là sử dụng sim điện thoại giả, giấy chứng minh giả để rút tiền nên gây khó khăn trong việc xác minh chủ thẻ để phá án. Theo Trung úy Thủy, ban quản lý các khu di tích đền, đình, chùa khi nhận được những lời mời chào như trên cần rất thận trọng. Nên kiểm tra tính xác thực của thông tin, kiểm tra danh tính của các đối tượng trên, không thực hiện việc chuyển tiền khi chưa nắm được thông tin và hoạt động của các cá nhân, tổ chức muốn tài trợ trong việc trùng tu, xây dựng chùa.
    Theo luật sư Vũ Tiến Minh – Đoàn luật sư Hà Nội: Những hành vi trên cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 của Bộ luật Hình sự. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 5 trăm nghìn đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
    Bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu: chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 5 trăm triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Quan điểm của luật sư Vũ Tiến Minh trước hành vi lừa đảo nhằm vào các di tích đình, đền, chùa cho rằng: cần phải sử dụng tình tiết tăng nặng đối với những đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền từ các nhà chùa. Ban quản lý các khu di tích đình, đền, chùa cũng cần cảnh giác khi thực hiện hợp tác đối với các tổ chức cá nhân có nhã ý góp tiền để trùng tu, xây dựng đền, chùa.

    Viễn Phương – Hỏa Long

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều