Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Khác
    HomeLịch Sử- Tư LiệuGiáo dục Phật giáo Ni chúng ở miền Nam đầu thế kỷ...

    Giáo dục Phật giáo Ni chúng ở miền Nam đầu thế kỷ 20.

    Giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển con người, trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 đều thế kỷ 20. Tăng ni thất học dẫn đến nhiều vấn nạn trong Phật giáo thời bấy giờ, không thể ngồi yên chờ đợi, các nhà tâm huyết đã đứng lên chấn hưng giáo dục Phật giáo và cuộc chấn hưng đã diễn ra hơn nữa thế kỷ qua.

    1. Hình thành và phát triển giáo dục Ni chúng thời chấn hưng

    Với tâm huyết và mong mỏi Ni chúng cũng được học hành đến nơi đến chốn như Tăng chúng, trải qua bao gian lao vất vả, cuối cùng lớp học Ni đầu tiên tại miền Nam được tổ chức tại chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu vào năm 1927. Ban tổ chức đã cung thỉnh được hòa thượng Khánh Anh làm đốc giáo, đồng thời cũng cung thỉnh được các bậc tôn túc trưởng thượng vào ban giáo thọ như: Hòa thượng Chân Niêm, Hòa thượng Vạn Ân và Hòa thượng Vạn Pháp.v.v.

     Sau khi đi hoạt động được 9 năm, với những thành công bước đầu lớp học Ni thứ hai được tổ chức vào năm 1936 do ni sư Diệu Tịnh tổ chức tại ni viện Hải Ấn ở Bà Quẹo. Rồi tuần tự như thế năm 1939 một lớp khác được tổ chức tại chùa Vạn An ở Sa Đéc cung thỉnh được thiền sư Mật Hiển từ Huế vào giảng dạy. Sau đó các ni sư Diệu Tánh và Diệu Tấn lại mở trường ni học tại chùa Kim Sơn ở Phú Nhuận.

    Ảnh minh họa: Internet

    Không chỉ quan tâm đào tạo chư Tăng mà tại Phật học đường Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh, năm 1936, một lớp Ni cũng được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Minh Tịnh từ Quảng Ngãi vào. Hòa thượng Khánh Hòa sau đó đã vận động mở thêm một lớp học Ni tại chùa Vĩnh Bửu ở Bến Tre. Ni học đường này sau đó được giao cho ni sư Diệu Ninh coi sóc. Thiền sư Chánh Quả trụ trì chùa Kim Huê ở Sa Đéc cũng đã lập một Ni viện tại chùa Phước Huệ trong cùng một tỉnh.

    Năm 1946, Hòa thượng Hành Trụ cũng lập ni viện Tăng Già ở Khánh Hội – Sài Gòn và Ni viện Chánh Giác tại Đồng Ông Cố – Gia Định. Năm 1950, Ni sư Như Chí mở một lớp ni học tại chùa Từ Quang ở Sa Đéc.

    - Advertisement -

    Ni viện Dược Sư ở Gia Định được hình thành năm 1936 nhưng mãi đến năm 1954 mới trở thành một cơ sở lớn. Mãi đến năm 1957, Ni Bộ Nam Việt được thành lập và được đặt trụ sở tại đây. Ni Sư Diệu Tánh, trước đây làm trụ trì chùa Hội Sơn và Ni viện Huê Lâm, được bầu lên trách vụ Ni trưởng[1]. Năm 1959, Ni viện Từ Nghiêm được thành lập. Trụ sở Ni Bộ được dời về đây. Ni viện Từ Nghiêm đã trở thành một cơ sở lớn của Ni chúng sau khi việc xây cất hoàn thành vào năm 1962. Năm 1965 Ni bộ đã cho trường Thanh Niên phụng sự xã hội mượn một giảng đường lớn và một văn phòng trong khi trường này đang xây dựng tại Phú Thọ Hòa. Trong số những vị Ni sư đầu tiên được xem là các danh ni, ta có thể kể các Ni sư Diệu Tánh, Diệu Tịnh, Diệu Tấn, Diệu Ninh, Diệu Kim và Hồng Chí.

    1. Tiểu sử hai vị Ni trưởng có công nhất với ni chúng thời bấy giờ

    Ni sư Diệu Tịnh có thể được xem như là bó đuốc đầu tiên của Ni giới miền Nam. Ni sư có thế danh Phạm Đại Thọ, sinh năm 1910 ở Gò Công. Ni sư tập sự xuất gia năm 15 tuổi tại chùa Tân Lâm – Gia Định. Năm 18 tuổi Ni sư được theo học lớp Ni học đầu tiên tại chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu. Ni sư thọ giới tỳ kheo ni vào năm 1930 tại giới đàn ở núi Điện Bà do Thiền sư Giác Hải làm đàn đầu Hòa thượng. Năm 1931 trở đi Ni sư bắt đầu dịch một số kinh điển chữ Hán ra chữ quốc ngữ.

    Trên báo Từ Bi Âm số 27, Ni sư viết lời kêu gọi nữ giới hợp tác mở mang Ni giới. Năm 1933 Ni sư được mời làm Thủ chúng trong ba tháng an cư kiết hạ tại giới đàn thuộc chùa Giác Hoàng ở Bà Điểm do thiền sư Thái Thượng làm Thiền chủ. Năm 1934, Ni sư về trú trì chùa Thiên Bửu, mở một lớp Ni học tại đây và mời Hòa thượng Khánh Thuyên về làm giáo thọ. Sau đó Ni sư trở về chùa Tân Lâm. Nhận lời mời của hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Ni sư đi thuyết kinh giảng đạo tại nhiều nơi miền Lục Tỉnh. Năm 1935 Ni sư khai sơn chùa Từ Hóa ở làng Tân Sơn Nhất – tỉnh Gia Định, có sự tham dự của các Ni sư Diệu Tánh, Diệu Tấn và Diệu Thuận. Năm sau Ni sư đã đổi hiệu chùa là Hải Ấn Ni Tự, Ni chúng quy tụ về để tu học khá đông. Năm 1937 Ni sư ra nhận chức trú trì chùa Bình Quang ở Phan Thiết và giao cho các đệ tử là: Huyền Tông và Huyền Học ở lại trú trì và hành đạo tại đây.

    Năm 1938, Ni sư ra Bắc nghiên cứu thêm về Luật tạng, vì lúc này Ngoài bắc vẫn còn những bậc trì luật nỗi tiếng cả nước như Luật sư Tuệ Tạng .v.v. Trên đường về Nam, Ni sư được Khôn Nghi Xương hoàng Thái hậu mời vào cung để dạy đạo cho bà và cung nữ tại Hoàng cung. Ni sư ở lại trong hoàng  cung hai tháng và giảng xong bộ Phạm Võng Lược Sớ cho Thái hậu và cung nữ xong. Cũng vì uyên thâm giáo lý và giới luật nên Ni sư được vua ban sắc tứ cho chùa Bình Quang ở Phan Thiết sau đó. Trở về chùa Hải Ấn, Ni sư lại lên tiếng trên Từ Bi Âm kêu gọi nữ giới đứng dậy tự lập và xiển dương chánh pháp. Năm 1939, Ni sư tổ chức ni học viện tại chùa Giác Linh ở Sa Đéc. Ni chúng đông đến gần 100 vị. Ni sư đã cung thỉnh được thiền sư Mật Hiển và Ni trưởng Diệu Không cùng Ni sư chăm lo việc giảng dạy cho Ni chúng tại đây. Ni học viện sau này cũng  được dời về chùa Vạn An sau đó.

    Năm 1940 Ni sư khai giảng trường Ni học ở chùa Linh Phước và mời các thiền sư Chánh Quang và Giác Tâm về làm giáo thọ. Vì phải lo lắng cho các trường Ni học, vừa về vật chất vừa về tinh thần, cho nên sức khỏe Ni sư hao mòn rất chóng. Ni sư tịch năm 1942 tại chùa Hải Ấn, thọ 33 tuổi.

    Ni sư Hồng Chí thế danh là Đặng Thị Mười, sinh năm 1913 ở Sa Đéc. Ni sư xuất gia năm 1928 tại chùa Từ Ân, Mỹ Tho, dưới sự hướng dẫn của thiền sư Huệ Mạn ban cho pháp danh là Chí Kiên, pháp tự là Như Chí. Ni sư thọ đại giới Tỳ kheo ni vào năm 1938. Ni sư đã từng theo học tại Ni viện Hải Ấn do Ni sư Diệu Tịnh làm giám đốc và tại Ni viện Diệu Đức ở Huế. Năm 1940, Ni sư lập ni viện Tập Thành ở Sa Đéc, thu nhận 40 ni sinh. Năm 1949 Ni sư làm quản lý Ni viện Tăng Già ở Khánh Hội – Sài Gòn. Cũng năm đó Ni sư làm hòa thượng cho giới đàn truyền giới tỳ kheo ni tại chùa Tăng Già. Năm 1950, Ni sư về Sa Đéc mở Ni viện Từ Quang và đến năm 1955. Ni sư chọn 20 vị học Ni xuất sắc cho lên nhập học ở Ni viện Dược Sư – Gia Định. Năm 1951 Ni sư làm hòa thượng cho giới đàn chùa Kim Huê vào năm 1954 làm hòa thượng truyền giới cho giới đàn Ni viện Dược Sư. Năm 1965 Ni sư được mời làm giám đốc Ni học viện Từ Nghiêm. Số Ni sinh của viện năm này lên tới 92 vị. Năm 1975, Ni sư kế thừa Ni trưởng Như Thanh làm vụ trưởng Ni bộ Bắc Tông. Năm 1977 Ni sư làm hòa thượng của giới đàn Kiều Đàm tại Ni viện Tử Nghiêm cho 350 giới tử. Ni sư Hồng Chi có viết nhiều bài trong các tập san Phật học trong nước như Hoa Sen, Hoằng Pháp, Hoa Đàm và làm nhiêu thơ.

    Phật sự coi như đã viên mãn, huyễn thân tứ đại đã hỏng, ngày 29 tháng 2 năm Đinh hợi (nhằm ngày 16 tháng 4 năm 2007) Ni Trưởng đã an nhiên thị tịch trụ thế 95 năm với 75 hạ lạp.

    Ni sư Diệu Ninh là một người có khuynh hướng cứu tế xã hội. Ni sư sinh năm 1914 tại Trà Vinh. Thế danh là Vương Thị Kiến. Ni sư xuất gia năm 1930 tại chùa Thành Xuân – tỉnh Châu Đốc dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Như Nhiêu. Ni sư đã được học Phật với các thiền sư Từ Phong, Hòa thượng Khánh Hòa và Khánh Anh. Ni sư đã theo học trường Lưỡng Xuyên do Hòa thượng Khánh Hòa làm hòa thượng đàn đầu. Năm 1938 Ni sư về học tại ni viện Vĩnh Bửu ở Bến Tre. Từ năm 1940 trở đi Ni sư được trao cho nhiệm vụ trù trì Ni viện này. Năm 1945 vì tình hình Bến Tre bất an, Ni sư về an cư tại Ni viện Huê Lâm ở Sài Gòn. Năm 1957 khi Ni bộ được thành lập, Ni sư đảm nhiệm trách vụ phó Ni trưởng và đồng thời quản lý ni viện Dược Sư. Năm 1959 Ni sư về Ni viện Tử Nghiêm làm quản lý và lo việc kiến thiết Ni viện này. Năm 1966 Ni sư làm Trưởng ban cứu trợ nạn nhân bão lụt và đích thân đem gạo muối đến tận những miền lụt lội ở Châu Đốc, Long Xuyên và Đồng Tháp để cứu giúp hàng ngàn gia đình nạn nhân. Năm 1969 Ni sư sang Nhật Bản để tu nghiệp về Thiền tại tu viện Tổng Trì. Về nước 1971 Ni sư trùng tu chùa Vĩnh Bửu và chùa Thiền Đức. Năm 1972 Ni sư mở Ký Nhi Viện Huệ Quang, tổ chức cứu lụt ở Quảng Nam. Năm 1974 Ni sư nhận chức giám viện Ni viện Dược Sư…

    Năm 1983, sau khi trùng tu Tổ đình Vĩnh Bửu, đến ngày 9 tháng 1 năm Giáp Tý (1984) sức khoẻ yếu dần. Ni trưởng an nhiên thâu thần viên tịch vào lúc 21 giờ tại chùa Từ Nghiêm, trụ thế 71 tuổi, hạ lạp 49 năm.

    Phạm Thanh Tuấn

    ( Chùa Khánh Ngọc – Khánh Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh)

    Tài liệu Tham Khảo

    1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn Học, 2014.
    2. Việt Nam Thời Báo.( http://www.vietnamthoibao.org/)
    3. Trần Trọng Kim, Việt Nam Phật giáo sử lược. Nxb Đà Nẵng, 2003.
    4. Đặc san Hoa Đàm.( http://dacsanhoadam.com/)
    5. Cơ sở dữ liệu số GHPHVN. (https://vbgh.vn/index.)
    6. Kinh sách Phật giáo điện tử: (http://www.vnbet.vn/)
    7. Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa – Trần Hồng Liên, Những Ngôi chùa ở Nam Bộ. Nxb TP.Hồ Chí Minh. 1994.

    8.( https://thuvienhoasen.org)

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều