Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác
    HomeVăn Học Phật GiáoKý sự- Tùy bútCó duyên… thì được gặp

    Có duyên… thì được gặp

    Ở thời công nghệ “bốn chấm không”, người ta có thể kết nối với bất kỳ ai vào mọi thời gian qua rất nhiều ứng dụng: điện thoại, Zalo, Facebook… Ấy vậy mà, muốn phỏng vấn một bậc cao tăng lại không có số điện thoại.

    Liên lạc với đệ tử của ngài, mong đợi về ngày giờ và nơi hẹn rõ ràng, chỉ nhận được câu trả lời: “Có duyên… thì gặp”. Cảm giác của bạn sẽ thế nào với tình huống ấy?

    Đã gần 5 năm trôi qua, kể từ ngày người viết được cơ duyên hiếm hoi phỏng vấn Đức Pháp chủ – Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Trong quá trình viết báo về đề tài Phật giáo, tôi có cơ duyên được gặp và thỉnh giáo với một số chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo nước nhà, nhưng đây là lần đầu tiên đi thỉnh vấn Đức Pháp chủ theo yêu cầu từ tòa soạn cho số đặc biệt Giác Ngộ xuân Ất Mùi (2015), năm ấy ngài ở ngưỡng sắp tròn trăm tuổi. Cũng không phải đó là lần đầu tiên tôi được tận mắt chiêm bái ngài.

    Nhớ lại vào năm 2005, khi mới bắt đầu cộng tác viết bài cho báo Giác Ngộ chưa lâu và mở đầu quá trình tìm hiểu về Phật giáo, tôi tìm đến chùa Mỗ Lao để phỏng vấn Đại đức Thích Tiến Đạt, Thành viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây (cũ). Ngày ấy, chùa Mỗ Lao là trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây, đồng thời cũng là Trường Trung cấp Phật học tỉnh. Dạo bước trên sân chùa, tôi gặp một nhà sư già, bèn hỏi xin gặp Đại đức Tiến Đạt. Nhà sư già bảo: Vị ấy đang giảng bài trong lớp học kia, con chờ một lát, hết tiết dạy, vị ấy sẽ ra. Hai năm sau, tôi được tham gia tác nghiệp tại Đại hội Phật giáo toàn quốc năm 2007. Khi Đại hội suy tôn xướng tên Pháp chủ mới của Giáo hội, Tăng đoàn mời Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ lên ngồi ở vị trí trang trọng nhất. Từ dưới khán đài, tôi được chiêm bái Hòa thượng Pháp chủ, và nhận ra ngay ngài chính là nhà sư già giản dị, mộc mạc tôi đã gặp ở chùa Mỗ Lao. Gần 20 năm qua, người viết được tác nghiệp tại nhiều sự kiện lớn của Phật giáo, nhờ đó được nhiều lần chiêm bái Đức Pháp chủ.

    - Advertisement -

    Cuối mùa đông năm Ất Mùi (2015), Thượng tọa Thích Tâm Hải ở báo Giác Ngộ điện thoại cho người viết, đặt bài phỏng vấn Trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ để đăng số báo Tết Bính Thân. Dĩ nhiên ngài không dùng điện thoại nên thầy Tâm Hải không có số điện thoại của ngài để cung cấp. Người viết liên lạc Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN) và nhiều chư Tăng để hỏi, ai cũng trả lời rằng không có số điện thoại của Trưởng lão Hòa thượng.

    Người viết tìm đến tổ đình Giáng (dân gian quen gọi là chùa Ráng, tên chữ Viên Minh tự). Từ Hà Nội xuôi Quốc lộ 1A về phía Nam chừng 35 km là đến thị trấn Phú Xuyên. Hỏi đường đến chùa “Ráng”, người dân nói rẽ phải đi qua cây đa Giời ơi chừng 7 km là tới. Quả nhiên, trên đường sừng sững cây đa di sản mấy trăm năm tuổi, với muôn trùng rễ thụ chọc thẳng xuống đất. Đi đến tận bờ đê sông Hồng, mới thấy chùa Giáng hiện lên giữa cánh đồng lúa rộng mênh mông trơ gốc rạ. Cảm giác ngỡ ngàng thoắt hiện, bởi khi chưa đến, người viết cứ hình dung bậc Hòa thượng ở ngôi cao nhất của Giáo hội thì sẽ trụ trì ngôi chùa hoành tráng, có thể nhìn thấy từ rất xa hàng cây số. Nào ngờ tổ đình Giáng lại giản dị và khiêm nhường đến vậy. Bước qua cổng chùa, được đi giữa khu vườn rộng miên man những hàng khoai tây thẳng tắp, những luống cải bẹ, rau muống, su hào đang bén lá xanh non… gợi cho người viết hình ảnh đầu tiên về cuộc sống thanh bạch của bậc chân tu.

    Vào chùa hỏi, được gặp Đại đức Thích Nguyên Quang – một trong những đệ tử của Đức Pháp chủ cho hay: Hôm nay, Hòa thượng tịnh tu trong cốc, không tiếp ai. Đi xa hàng chục cây số trong mưa rét, mà không được gặp Đức Pháp chủ, đành tự nhủ có lẽ chư Phật, chư Tổ thử thách sự kiên nhẫn của mình đây. Muốn xin số điện thoại di động của Đức Pháp chủ để chủ động liên lạc hẹn trước cho lần sau đến. Nhưng được trả lời rằng, Hòa thượng Pháp chủ không dùng điện thoại. Xin Đại đức Nguyên Quang sắp xếp cho một cuộc hẹn phỏng vấn Pháp chủ với thời gian và địa điểm cụ thể. Nào ngờ, Đại đức ôn tồn: “Hôm khác cứ đến, nếu có duyên thì sẽ gặp được thôi!”. Tôi đành xin số điện thoại của Đại đức Nguyên Quang, rồi về.

    Có duyên… thì được gặp ảnh 1

    Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN – Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

    Biết rằng lúc mình đến, Trưởng lão Hòa thượng ở chùa, nhưng không được gặp, nên ngờ… có lẽ họ không muốn cho mình phỏng vấn ngài chăng? Tôi điện thoại cho thầy Tâm Hải nhờ thầy nói giúp với thầy Nguyên Quang, với niềm tin: Có lời nói của đại diện Ban Biên tập Báo Giác Ngộ tác động, các đệ tử của Đức Pháp chủ sẽ “nể” và không nỡ chối từ.

    Tuần sau, tôi điện thoại cho Đại đức Nguyên Quang, nhắc lại đề nghị xin phỏng vấn Pháp chủ, hỏi nhà chùa và Trưởng lão Hòa thượng có thể tiếp được vào thời gian nào để tôi đến. Vẫn một câu trả lời: “Không thể hẹn trước được. Có duyên… thì gặp!”.

    Cũng nhớ lại, vào năm 2008, tôi tìm đến chùa Quán Sứ, muốn xin phỏng vấn Hòa thượng Thích Thanh Tứ (lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN) về công tác chuẩn bị Đại lễ Phật đản (Vesak) Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Nhiều lần đến chùa, Hòa thượng Thanh Tứ đều đi vắng, gặp vị hộ tự xin số điện thoại của Hòa thượng, được cho hay Hòa thượng không dùng điện thoại di động. Hỏi rằng: “Hòa thượng thường ở chùa vào lúc nào”, cũng không nhận được câu trả lời. Nhờ vị hộ tự “bẩm báo” với Hòa thượng, xin số điện thoại của vị hộ tự để tiện liên lạc hẹn trước sắp xếp cho cuộc phỏng vấn, cũng không được. Tôi đâm ra bối rối, buột miệng: “Truyền thông về Phật sự là việc làm hữu ích cho Giáo hội, làm thế nào gặp phỏng vấn Hòa thượng bây giờ?”. Nào ngờ, vị hộ tự trả lời: “Có duyên thì sẽ gặp được”. Rồi tôi cũng phỏng vấn được Hòa thượng Thích Thanh Tứ. Ấy là sau nhiều lần đến mà chẳng gặp, tôi lại tiếp tục đến và được vị hộ tự thông báo: Hôm nay Hòa thượng ở chùa đấy, vừa về đến đây!

    Trở lại chuyện tìm gặp phỏng vấn Trưởng lão Hòa thượng Đệ tam Pháp chủ, thật may mắn, người viết được diện kiến Đức Pháp chủ khi lần thứ hai đến chùa Giáng.

    Tôi đến chùa từ 6 giờ sáng, với ý nghĩ: Đến thật sớm mới có cơ may được gặp; nếu đến muộn, e rằng Thầy lại đi đâu đó. Nhưng chùa vắng lặng, chỉ một vãi già đang tưới rau trong vườn chùa. Vãi cho biết: Hòa thượng đi đâu đó từ sớm, nhưng lát nữa sẽ về đấy! Tôi tha thẩn ở vườn chùa, chờ đến 3 tiếng đồng hồ trong tâm trạng phấp phỏng. Rồi Đức Pháp chủ cũng về. Phải hôm trời rét đậm, gió bấc hun hút, Hòa thượng khoác chiếc áo dạ cũ không che hết được chiếc áo nâu sồng giản dị bên trong. Trông vị sư già như một lão nông. Trong dáng khô gầy, khắc khổ của một lão tăng đã ở tuổi bách niên, đôi mắt ngài vẫn lộ rõ vẻ tinh anh và nụ cười hiền hậu, thanh thoát, bước đi nhàn nhã khoan thai, một phong thái mà không dễ ai, ngót trăm tuổi còn giữ được.

    Thỉnh vấn Đức Pháp chủ, lúc bấy giờ đã 99 tuổi, ngài trả lời rành rọt, khúc chiết từng câu, thể hiện sự minh mẫn như một người trung niên, càng làm người viết ngỡ ngàng trước trí tuệ lớn lao của một bậc cao tăng thạc đức. Nói câu nào, Đức Pháp chủ cũng cười rất tươi. Từ gương mặt đến giọng nói đều toát lên một vẻ từ bi, hỷ xả.

    Thực hiện xong cuộc phỏng vấn Đức Pháp chủ, trên đường trở về đến địa phận huyện Thanh Trì, nhìn thấy cổng chùa Yên Phú rực rỡ sắc màu cờ Phật, cùng với tấm pano giới thiệu về triển lãm nhiếp ảnh, cổ vật và trang phục Phật giáo. Tôi ghé vào thưởng lãm, thì được biết triển lãm vừa mới khai mạc vào đầu giờ sáng hôm đó, có sự hiện diện chứng minh của Đức Pháp chủ. Bất giác chặc lưỡi nghĩ thầm, nếu chư Tăng đệ tử của ngài cho biết trước sáng hôm ấy, ngài đến đây, thì người viết sẽ đến thỉnh phỏng vấn ngay tại chùa Yên Phú cho gần, việc chi phải đi xa thêm gần 30 cây số nữa, rồi đợi ngài từ Yên Phú trở về chùa. Nhưng điều băn khoăn đó chỉ thoáng qua, bởi sở nguyện là được phỏng vấn ngài đã thực hiện xong, cớ chi phải nuối tiếc?

    Cách đây gần 2 năm, trong một chuyến đi công tác, đoàn đi gồm nhiều đồng nghiệp, trong đó có một phóng viên của Đài truyền hình VTV1. Buổi tối ngồi quán cà-phê, khi có người giới thiệu tôi là phóng viên chuyên viết về lĩnh vực nông nghiệp nhưng có nhiều bài viết về Phật giáo, thì đồng nghiệp ở VTV vốn chuyên tác nghiệp ở lĩnh vực văn hóa hỏi tôi: “Đã được gặp và phỏng vấn nhiều lãnh đạo Giáo hội Phật giáo chưa?”. Rồi cũng chẳng đợi tôi trả lời, đồng nghiệp chia sẻ: “Năm năm nay, không nhà báo nào được gặp để được phỏng vấn trực tiếp Đức Pháp chủ. Tôi nhiều lần gửi công văn đến Giáo hội liên hệ xin gặp Pháp chủ, nhưng đến nay vẫn chưa một lần được gặp ngài”.

    Thông tin của đồng nghiệp nêu ra khiến người viết rất ngỡ ngàng, bởi chưa từng nghĩ việc gặp được Đức Pháp chủ biệt lệ đến thế như lời đồng nghiệp nhận định. Tự nghĩ, chắc có lẽ cũng từng có nhiều người gặp và phỏng vấn trực tiếp Trưởng lão Hòa thượng như mình. Tôi đáp lại lời đồng nghiệp: “Mình gặp trực tiếp cụ để phỏng vấn rồi, mới khoảng 3 năm thôi!”. Đồng nghiệp sốt sắng: “Gặp thật không? Hay chỉ bốc phét? Nhẽ là phỏng vấn bằng công văn, văn bản gửi đi, rồi cũng nhận được trả lời phỏng vấn bằng văn bản chứ gì? Báo viết các cậu chấp nhận cách ấy, nhưng truyền hình chúng tớ thì không, phải gặp trực tiếp mới là phỏng vấn”. Người viết trả lời: “Mình gặp trực tiếp, phỏng vấn trực tiếp Cụ Pháp chủ!”. Đồng nghiệp đón lời: “Gặp trực tiếp, có chụp ảnh với Cụ không? Những năm trước đây, có trào lưu ai gặp được Trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ cũng xin Cụ xoa đầu cho và chụp ảnh in ra đem về nhà treo, rồi khoe khắp bàn dân thiên hạ. Người tín niệm tin rằng, được Cụ Pháp chủ xoa đầu thì sẽ tràn đầy sức khỏe, công thành danh toại!”. Tôi từ tốn đáp: “Hôm đó, Đức Pháp chủ không cho mình chụp ảnh. Đến chân dung Cụ đăng kèm bài phỏng vấn cũng là do Báo Giác Ngộ tìm trong hình ảnh tư liệu. Mình sao dám xin Cụ xoa đầu!”. “Không được chụp ảnh hả? Vậy thì chả tin là được gặp trực tiếp. Chắc lại phỏng vấn giấy tờ, văn bản thôi!” – đồng nghiệp phán một câu xanh rờn.

    Đến nước này thì… nếu nói nữa sẽ có nguy cơ trở thành cuộc tranh luận không hay. Chợt nhớ câu: “Có duyên… thì gặp”, rồi thầm nghĩ: có lẽ do mình có phước duyên nên mới được gặp và phỏng vấn Đức Pháp chủ chăng. Không phải ai trong đời cũng có duyên để gặp. Vậy mình là người may mắn hơn rất nhiều người khác… Vậy im lặng để giữ lại điều may mắn đó trong lòng, không tranh biện nữa.

    Trước khi kết thúc bài viết lan man này, người viết muốn nói thêm một điều khác nữa. Ấy là, sau khi báo Giác Ngộ số Tết Bính Thân phát hành được vài ngày, người viết nhận được điện thoại từ Đại đức Thích Nguyên Quang, cho hay chùa Giáng nhận được giai phẩm xuân báo Giác Ngộ từ tòa soạn ở TP.HCM gửi đến tặng.

    Đại đức nói: “Các Tăng ở chùa, người dân ở xóm làng xung quanh đọc bài báo, ai cũng vui, cũng mừng. Các thầy gửi lời cảm ơn báo Giác Ngộ. Tuy vậy, vẫn có chút băn khoăn, rằng, hôm ấy phỏng vấn, anh có đề cập đến việc Đức Pháp chủ sắp một trăm tuổi… Nói thật, nhà chùa e ngại chữ “trăm tuổi”. Đọc báo Giác Ngộ, thấy câu hỏi phỏng vấn đã viết né đi rằng… “Bạch Hòa thượng, người xưa nói, thất thập cổ lai hy, nhưng ngài năm nay nữa sẽ tròn trăm…” và trang bìa nổi bật dòng chữ “Xuân Đại Thọ”, thì rất mừng… Nhưng nếu năm tới… chỉ băn khoăn một chút thôi!”. Những câu nói ấy của Đại đức Nguyên Quang, khiến người viết lo lắng cả năm sau đó. Một ý nghĩ cứ dằn lên trong đầu, nếu năm này… Trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ… Biết đâu, người ta sẽ nghĩ không hay cho báo, trong có tác giả cũng liên quan. Nhưng rồi, một năm, hai năm, ba năm trôi qua. Năm nay nữa, đã là 5 năm từ lần phỏng vấn ấy. Người viết đã có thể thở phào, và tin những con số sẽ tiếp tục tăng, tăng nhiều nữa…

    Nhà báo Chu Minh Khôi

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều