Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 21, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànBạn đọc- Góc nhìnCấm treo cờ Phật đản- một thực trạng còn đang tiếp diễn

    Cấm treo cờ Phật đản- một thực trạng còn đang tiếp diễn

    Mùa Phật Đản PL 2561- DL 2017, tại Tp.HCM và Tỉnh Gia Lai, đã xảy ra tình trạng cấm treo cờ Phật Giáo và lễ đài Phật đản ngoài khuôn viên chùa, ở vài địa phương. Điều này được dư luận quan tâm và phản đối. Tuy nhiên thực trạng ấy vẫn âm thầm diễn tiến ở vài địa phương khác, dẫn đến hiện trạng cấm treo cờ Phật giáo và tổ chức Phật Đản ở các cơ sở am thất chưa được hợp thức hoá, trong khi văn bản của Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hướng dẫn quý Phật tử thiết bàn thờ Đản Sanh và treo cờ tại tư gia. Như vậy, tại sao chư Tăng Ni là thành viên của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đang lưu trú tại các am cốc lại không được tổ chức lễ Phật Đản?
    Đáng lý, bất kỳ ai là tín đồ của Phật giáo thì có quyền tổ chức lễ mừng kỷ niệm ngày Phật Đản Sanh vì đó là quyền tự do tín ngưỡng của công dân. Hơn nữa, ngày Phật Đản Sanh là ngày của “Hòa Bình Thế Giới”, cho nên cờ Phật giáo được quyền treo bất kỳ nơi nào trên thế giới, không ai có quyền ngăn cấm.
    Điều đáng nói ở đây là có một số nơi, chính quyền địa phương làm khó Tăng Ni tu tập, hành đạo ở các am cốc chưa được hợp thức hóa, hoặc các tư gia Phật tử treo cờ Phật giáo mừng lễ Đản Sanh, đây là vấn đề được dư luận quan tâm và bức xúc.
    Cũng thế, việc đòi hỏi người có tín ngưỡng Phật Giáo khi đi làm Căn Cước Công Dân phải có giấy Chứng Nhận Phật Tử là không cần thiết. Vì không thể áp đặt điều ấy riêng đối với Phật giáo còn các tôn giáo khác thì không. Do đó, Ban Tôn Giáo TP. HCM đã ra văn bản hướng dẫn về mục khai tôn giáo không cần bất kỳ giấy chứng nhận nào, đó là việc làm thích đáng.
    Tuy nhiên, việc gây khó khăn, cấm đoán thiết lập bàn thờ Phật Đản Sanh và treo cờ Phật Giáo tại nơi am cốc (chưa hợp thức hóa) hay tại tư gia của Phật tử là việc cần lên tiếng. Vì sao đến ngày Noel, các giáo dân, giáo họ, được tự do tổ chức trang hoàng hang đá, cây thông noel bất cứ nơi đâu theo ý họ muốn. Còn đối với ngày Phật Đản Sanh của Phật Giáo, lại bị một số quan chức địa phương sách nhiễu? Thí như Noel năm 2020, tại Giáo Họ Hoà Phát, Tp. Biên Hoà, Đồng Nai, người dân tập trung đi xem lễ với cây thông được làm từ 2.340 chiếc Nón Lá một cách công khai, trong khi đây là điểm sinh hoạt tôn giáo chưa được hợp thức.
    Còn đến ngày Phật Đản, sở dĩ Tăng Ni Phật tử thụ động trong việc đón mừng Phật Đản vì ngại chính quyền địa phương làm khó dễ. Dù Phật giáo được xem là đạo của Dân Tộc Việt Nam, với bề dày định hướng và đồng hành cùng Dân Tộc hơn 2000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Biết bao xương máu chư lịch đại Tổ Sư, Tăng Ni Phật tử đã đổ xuống vì sự nghiệp phụng sự cho Đạo pháp và Dân tộc, để được hoà bình và độc lập như ngày nay, chẳng lẽ lại bị lãng quên theo ký ức?
    Biến cố lịch sử trong phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963, cũng bắt đầu từ sự phân biệt kỳ thị tôn giáo, ngầm ủng hộ Ki Tô, đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm, ngọn lửa đã được nhen nhóm bằng lệnh cấm treo cờ Phật giáo nơi công cộng trong dịp lễ Phật Đản tại Huế, cuối cùng đã làm sụp đổ chế độ nhà Ngô đến tận nền móng không hồi cứu vãn. Cho nên, sức mạnh của Phật giáo chính là Bi – Trí – Dũng.
    Theo công văn của chính quyền xã Bà Điểm, Hóc Môn, lý do treo cờ là gây mất mỹ quan đô thị, đó có phải là câu trả lời hợp lý khi xem biểu tượng của Phật Giáo là phi văn hoá? Vậy tại sao những năm gần đây, khi lễ Noel được đưa vào trường học, đã vi phạm nghiêm trọng luật giáo dục 2016 và tín ngưỡng tôn giáo lại được chính quyền âm thầm ủng hộ? Thậm chí, có nơi còn đưa lễ Noel thành chương trình tập huấn chuyên đề cho giáo viên tiểu học. Đó là chạy theo tinh thần Tây hoá hay ngộ nhận văn hoá và nối giáo cho dấu giày của quân xâm lược?
    Là Phật tử, chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần của các địa phương đã cởi mở cho tín đồ Phật giáo có quyền tự do bày tỏ quan điểm đức tin của mình qua thủ tục làm Căn Cước Công Dân như những tôn giáo khác mà không cần chứng từ gì. Tuy nhiên không thể chấp nhận việc Lễ Noel được tự do đem vào Công sở, Trường học, Báo chí, Đài Truyền hình còn lễ Phật Đản thì từ việc treo cờ cho đến thiết bàn thờ Phật đản sanh hay đưa vào trường học, công sở lại bị chính quyền địa phương làm khó. Tại sao một đất nước gắn liền với Phật giáo hơn 2000 năm lịch sử, đã gầy dựng nên một nền văn hoá được phôi thai từ Phật giáo lại bị cấm thể hiện cảm tình Phật Giáo trong khi chúng tôi là Phật tử?
    Sắp đến mùa Phật Đản Sanh – Phật lịch: 2565 – Dương Lịch: 2021, chúng tôi rất mong Giáo Hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho tất cả Tăng Ni Phật tử và những người có niềm tin Phật giáo được quyền bày tỏ đức tin của mình trọn vẹn nhất. Dù trường hợp Tăng Ni ở am cốc (chưa được hợp thức hóa) vẫn phải được hưởng quyền bình đẳng, không được xâm phạm, hoặc gây khó khăn cho chúng tôi.
    Kính chúc Chư Tôn Đức Tăng Ni Mùa Đản Sanh An Lành – Tâm Vô Quái Ngại.
    Điều Ngự Tử
    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều