Thứ Tư, Tháng Mười Hai 11, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànBạn đọc- Góc nhìnCần xây Bệnh viện dã chiến Phật giáo và lực lượng tình...

    Cần xây Bệnh viện dã chiến Phật giáo và lực lượng tình nguyện Tăng-ni Phật giáo từ nơi tuyến đầu chống dịch tại các Tỉnh, Thành.

    Ngày 22/7/2021, hơn 600 Tăng Ni Phật tử tham gia vào tuyến đầu chống dịch, sau khi hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Trưởng ban Trị Sự Thành Hội Phật Giáo TP.HCM. Đây là niềm tự hào cho Phật giáo, nêu cao tấm gương vô ngã vị tha trong tinh thần: “Đạo Pháp, Dân tộc, Phụng sự”.

    Chắc chắn số lượng tình nguyện viên Phật giáo sẽ không dừng lại, nếu như Tổ Quốc cần, bởi hiện nay đại dịch đang lan rộng ra khắp các tỉnh thành. Như vậy Tăng Ni Phật tử sẽ dấn thân phụng sự, không chỉ ở lực lượng hậu cần, đóng góp lương thực, thực phẩm mà còn sẵn sàng lăn xả vào cuộc chiến chống dịch Covid, nếu như Ban Trị Sự Phật Giáo khắp các tỉnh thành đồng loạt lên tiếng hiệu triệu.

    Hình ảnh Tăng Ni Phật tử lúc này, rất cần có mặt nơi tuyến đầu chống dịch, không chỉ riêng tâm dịch TP.HCM mà bất kỳ nơi nào cần lực lượng tình nguyện viên Phật giáo. Đây là cơ hội thực hiện chí nguyện lợi sanh của những ai mạng hoài bão xả thân vì đạo theo hạnh nguyện Bồ tát Phổ Hiền đem năng lực vô uý đi vào những nơi tối tăm, cùng cực đau khổ và tuyệt vọng. Nhất là đối với các bệnh nhân Covid đang bị cách ly hay chực chờ cái chết.

    Cho nên, tuyến đầu chống dịch không chỉ cần có chư tôn Đức Tăng Ni Phật Tử có kỹ năng y tế để chăm sóc bệnh nhân, mà còn rất cần quý Tăng Ni Phật Tử tiếp sức trên những lĩnh vực khác, tuỳ theo khả năng cống hiến. Song song với việc hộ niệm cho những bệnh nhân Covid là Phật tử đã qua đời. Cho nên, rất mong các Ban Trị Sự Phật Giáo linh hoạt lên tiếng kêu gọi Tăng Ni Phật tử cùng phát tâm hỗ trợ lực lượng tình nguyện viên chống dịch ở khắp các tỉnh thành.

    - Advertisement -

    Vì đại dịch diễn biến phức tạp, nên ai cũng có khả năng trở thành F0, nhất là với các tình nguyện viên Phật giáo. Do đời sống sinh hoạt đặc thù của Tăng Ni, không thể lẫn lộn với người thế tục. Theo Báo Giác Ngộ, ngày 22/7/2021, Thành Hội Phật giáo TP.HCM đã đề nghị dùng Việt Nam Quốc Tự, chùa Phổ Quang làm bệnh viện dã chiến làm khu cách ly cho Tăng Ni. Đây là 2 cơ sở tự viện do Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Thành phố trực tiếp quản lý, điều hành. Vì Phật giáo đủ nguồn lực về kinh tế, cũng như cơ sở vật chất và nhân lực để chia sẻ với đất nước trong lúc khó khăn này.

    Cần xây Bệnh viện dã chiến Phật giáo và lực lượng tình nguyện Tăng-ni Phật giáo từ nơi tuyến đầu chống dịch tại các Tỉnh, Thành.

    Đây là hành động thiết thực nhằm đảm bảo duy trì đời sống Tăng đoàn cho quý Tăng Ni Phật Tử là tình nguyện viên, cũng như chẳng may bị mắc Covid cần khu cách ly phù hợp để sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh trong thời gian điều trị hoặc an lành trước khi qua đời.

    Nếu như các Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh thành đồng kiến nghị sử dụng các ngôi chùa lớn làm khu cách ly, thì sẽ giảm tải cho nhà nước rất nhiều về mặt chi phí xây dựng bệnh viện dã chiến, cũng như trang trải hậu cần. Bên cạnh đó, khi các tỉnh có những ngôi chùa tận dụng làm khu cách ly cho Tăng Ni Phật tử thì chắc chắn sẽ có lượng tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tích cực. Tốt nhất nên lấy các cơ sở tổ chức Đại Giới Đàn làm khu cách ly, sẽ đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của đại chúng, tuy nhiên, về phần y tế vẫn cần nhà nước hỗ trợ. Ngoài ra, đối với ca nhiễm F0, F1 không triệu chứng nên yêu cầu chư Tăng Ni cách ly tại chùa riêng, để giảm tải cho các khu vực cách ly.

    Vì đại dịch sẽ còn kéo dài, không chỉ riêng tâm dịch ở TP.HCM mà hiện nay tại các tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai … đều có nguy cơ bùng dịch. Trước đó, tháng 6/2021, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bắc Giang đã chọn chùa Ích Minh, thôn Đồng Ích, xã Hương Mai, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang làm khu cách ly tập trung. Ngày 17/7/2021, theo Báo Giác Ngộ, Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương đã đề nghị lấy Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Bình Dương làm Khu Cách Ly cho Tăng Ni. Nhằm đảm bảo đời sống tu học, vừa cách ly, vừa duy trì được các thời khóa hành trì và được sự ổn định về sức khỏe.

    Thiết nghĩ, đây là công tác Phật sự thiết yếu cần lan tỏa. Nhất là không thể để Tăng Ni mắc bệnh, đi cách ly phải sống chung với hoàn cảnh thế tục, thiếu người chăm sóc và viên tịch trong hiu quạnh. Trong khi các tự viện Phật giáo đầy đủ điều kiện làm bệnh viện dã chiến để chăm sóc cho Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà.

    Có thể nói, đây là cuộc chiến sanh tử đối với Tăng Ni Phật tử tham gia nơi tuyến đầu chống dịch. Chấp nhận ra đi chống dịch là chấp nhận hy sinh thân thể. Do đó bệnh viện dã chiến Phật giáo là một phần nào báo đáp sự hy sinh hùng tráng ấy, khi các người con của Đức Phật lặng lẽ trở về cách ly sau chiến dịch để hồi sức, hoặc nhiễm bệnh hoặc ra đi.

    Để tri ân những người đã hy sinh trong trận chiến vì phụng sự Đạo Pháp và Dân Tộc, nếu như chẳng may nhiễm bệnh qua đời, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cần phải truy phong các Tăng Ni Phật tử ấy là “Thánh Tử Đạo” để tiếp tục viết thêm vào trang Phật giáo sử đã có những vị Thánh Tử Đạo nối tiếp ngọn lửa thiêng bất khuất của Bồ tát Thích Quảng Đức và chư liệt vị Thánh Tử Đạo trong Pháp Nạn Phật Giáo 1963.

    Còn nếu, họ trở về bị tổn hại về sức khỏe rất mong Giáo Hội quan tâm đúng mức. Bởi đó là sự hi sinh vì Đạo Pháp cao quý hơn bao giờ hết. Được như vậy, cũng là cổ vũ cho tinh thần của những Tình Nguyện Viên Phật giáo khác tiếp tục lên đường. Vì đạo, vì non sông, nghĩa đồng bào, sẵn sàng hy sinh tất cả.

    Đứng trước đại dịch đang có nguy cơ lan rộng, thiết nghĩ đề xuất xây dựng bệnh viện dã chiến và tình nguyện viên Phật giáo kịp thời là cứu nguy cho Dân tộc. Vì Phật giáo luôn đồng hành cùng Dân tộc trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong khi các bệnh viện dã chiến đang quá tải, chính quyền địa phương đang cần sự hỗ trợ, người dân đang cần sự giúp đỡ, để có điều kiện sinh hoạt trị bệnh tốt hơn, không phân biệt lương giáo, thì rất cần các Ban Trị Sự Phật Giáo các tỉnh thành chủ động lên tiếng như Thành Hội Phật giáo TP. HCM và Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Bình Dương. Không chỉ tạo điều kiện cách ly tốt cho Tăng Ni, hỗ trợ quần chúng Phật tử tu tập, vượt qua bệnh tật mà còn giúp họ vãng sanh về cõi Phật.

    Bên cạnh đó, còn giúp cho xã hội nhìn nhận giá trị thiết thực của những ngôi chùa che chở hồn Dân tộc không những trong thời chiến loạn mà cả lúc dịch bệnh hoành hành. Đó là tinh thần nhập thế của Phật giáo khi tổ quốc đang cần!

    Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát.

    Lý Diện Bích

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều