Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác

    Bà già đốt am

    “Phật thuyết Pháp Hoa gồm bảy quyển.

    Chỉ trong ngọn lửa của bà già…”

    Nhắc đến câu chuyện bà già đốt am, người ta thường hay nghĩ ngay tính cách độc đáo của nó thông qua sự kỳ đặc của bà già. Sự khai thị táo bạo của bà già khác nào hiện thân của đức Phật Thích Ca quyết định phá luôn cả Hóa Thành khi chỉ điểm con đường trở về Bảo Sở. Tình huống hấp dẫn đầy kịch tính trong giai thoại, giữa tiến trình tu chứng của vị Thiền sư với thái độ hộ thất của bà lão tạo nên bước đột phá lớn trong cửa thiền. Bà lão đã thay Phật thuyết kinh Pháp Hoa một cách đầy đủ nhất.

    Chuyện kể về bà lão nọ phát tâm hộ thất cho một thiền sư, về sau muốn rõ vị ấy tu đến mức nào mới kêu con gái mình lại thử. Lần đầu, sau khi đem cơm trưa đến cúng dường như thường lệ, ả ta vội vàng chồm tới ôm và hỏi ngài thế nào? Nhà sư vẫn ngồi yên bất động đáp rằng: “khô mộc ỷ hàn nham”, nghĩa là: như cây khô tựa đá lạnh, chẳng còn chút rung động nào. Nghe thế, nàng về nhà thưa sự tình với mẹ, bà lão tức tưởi đến đốt quách am tranh, đuổi sư đi. Bà mắng: “uổng công ta nuôi một ông thầy ăn bám”.

    - Advertisement -

    Sư không ngờ, tu đến độ khi đối diện với sắc dục thì tâm bình thản như cây khô tựa đá lạnh thế mà vẫn chưa vừa lòng bà lão.

    Thiền sư lang thang khắp chốn, đi tìm nơi ẩn tu. Một thời gian sau, ngài quyết tâm quay trở lại, xin bà cất một cái am tranh khác để ẩn tu. Đâu ngờ bà lão vẫn không tha, như lần trước bà lại đem con gái mình ra thử tiếp.

    Khi ấy, nhà sư chẳng còn giữ thái độ từ chối mãnh liệt như trước. Ngài đáp lại cô gái bằng một lời nói khẽ: “chỉ có cô biết, tôi biết, đừng cho bà già ấy biết”. Nghe sư nói như thế, bà lão đắc chí vỗ tay cười.

    Từ đó, trong nhà thiền không ngớt truyền nhau công án “bà lão đốt am”. Cũng có người bằng lòng với kết thúc trong câu chuyện xung quanh sự chối bỏ cô gái của vị thiền sư, ít ai nói đến bà già, như chính con người thật của bà, chỉ biết đây là lão bà có cỡ!

    Rõ là, ai cũng đặt ra nghi vấn sao bà lão lại đốt am? Chẳng lẽ bà ta dám cả gan chấp nhận cho con gái của mình làm con chốt thí sao?

    Chung quy cũng tại vì cái tội “khô mộc ỷ hàn nham” của sư!

    Chẳng đuổi kẻ trầm không trệ tịch ấy đi, thì làm sao khiến gã nhảy qua đầu sào trăm trượng thong dong tự tại nhập vào Ma giới kia chứ? Ông thiền sư này, đích thực còn rung động trước con gái của bà, chẳng phải rung động vì tình tứ lăng xăng mà còn ôm tâm chấp trước vào cảnh định chết chìm của ông. Nếu chẳng gặp bà lão đốt am này, chắc gã thành “cây, đá” mất! Còn không có bà thì thiền sư này khác nào năm trăm vị A La Hán tự tin mình đã đủ đạo Vô Thượng, bỏ ra khỏi hội chúng khi Phật tuyên bố chỉ có Nhất Thừa. Cảnh giới an trú của bậc thánh giả A La Hán chẳng qua cũng chỉ là Hóa Thành. Phật bỏ Hóa Thành, bà lão đốt am đuổi vị sư đi, đấy cũng chỉ là một phương tiện đánh thức kẻ rơi vào chỗ nước chết không chứa được rồng.

    Như vậy, Như Lai vạch ra Bảo Sở, còn bà già?

    Cười ha hả khi đứa con gái về thưa “Sư nói chỉ có tôi biết, cô biết, đừng cho bà già ấy biết”. Chẳng phải trải qua một phen đốt am, làm sao bà lão nắm chắc được tràng cười ngày hôm nay?

    Để sống, để tu, nhà sư phải tập từ chối một cô gái, khi đã từ chối được cô gái, sư được bà lão đại thiện tri thức, khéo chỉ cho cách tiếp nhận một cô gái, để rồi ngay khi tiếp nhận cũng chính là đang từ chối đối phương. Chỉ có cô gái là ngây ngô chưa biết, chứ đừng bảo bà già không biết!

    Bà lão chỉ đốt am khi thiền sư mạnh dạn chối từ con gái của bà. Chính khi ấy, nơi Sư giới tướng đã thành tựu, cảnh định đã vững vàng. Bà chỉ muốn đốt tan cái mê muội về sở đắc của ngài. Cũng như đức Phật, chỉ nói lý Nhất Thừa sau khi thính chúng đã thành tựu pháp tu của Nhị Thừa. Thoạt nhiên, thiền sư chỉ cần mạnh dạn tung người ra nhảy thêm một bước nữa là vượt khỏi đầu sào!

    Đâu như người ngày nay, dẫu tu hành chưa đạt đến cảnh định cây khô, đá lạnh như ngài cũng toan học cách đốt am của bà. Lại tốn lửa, hao củi, phí sức, hoài công. Một niệm tình chưa khô, lửa dục chưa tắt, làm sao nói chuyện giải thoát với tay cự phách như bà, có chăng tự mình lấy vải thưa che mắt thánh, cố ý gạt người, dối mình lẽ nào thấu triệt chơn tâm ư?

    Kinh Viên Giác nói: “chưa ra khỏi luân hồi mà lạm bàn về tánh Viên Giác, thì tánh viên kia đồng với lưu chuyển”. Nhìn lại, người nay lắm kẻ mãi rong chơi quên khuấy chí nguyện ban đầu, Hóa Thành cũng chẳng quan tâm chứ đừng nói đến việc tìm về Bảo Sở. Cũng là đốt am, nhưng hai hình ảnh bà lão và chúng ta ngày nay sao trái ngược nhau hoàn toàn. Điều này há chẳng đáng để chúng ta suy gẫm ư? Rất may, bà lão tinh ý, lúc ra tay đã không chọn lầm người.

    Chính tinh thần cầu học của thiền sư trong giai thoại, mới là vốn quý đưa đến sự giải thoát chân thật của ngài. Giả sử, nếu người nay bị một bà lão cư sĩ như thế đánh đuổi, đốt phá chỗ ở sẽ phản ứng ra sao? Liệu có quay trở lại xin tá túc thêm một lần nữa như thiền sư hay sanh tâm oán trách thống thiết?

    Cho nên, chúng ta khác nào cô gái kia, hai lần ôm lấy vị thiền sư, hai lần đều ngơ ngác. Làm sao thấu được ngay chỗ: “chỉ có tôi biết, cô biết, không cho bà già ấy biết” nếu dùng tâm phàm phu phan duyên phân biệt suy lường. Hình ảnh ấy gợi lên trong ta dáng dấp một bậc thầy của đồng tử Thiện Tài trong Kinh Hoa Nghiêm, đó là dâm nữ Tu Mật Đa. Khi Thiện Tài hỏi đạo, nàng khai thị:

    “Thân nắm, tay ôm, môi xúc chạm.

    Răng kề, lưỡi đụng, ý châu viên”.

    Thế nên mới có câu chuyện bà lão nọ bắt con gái mình lên cúng dường cho thầy mình, vì khi nãy ngài đòi mà cô ta không chịu. Đâu ngờ khi lên tới nơi, thiền sư lại chối từ.

    Sâu xa hơn, lòng ngài chẳng hề vương sắc dục, chỉ vì muốn cứu người bạn sắp thọ sanh vào bụng ngựa nên phải làm liều. Đâu ngờ nghiệp lực của vị sư bạn ngài quá nặng, nên khiến cho cô gái chẳng thuận tình. Nhưng ngay cái biết của những bậc cao Tăng, chắc rằng các ngài không hề có ý biết gì về một cô gái.

    Biết là biết!

    Chẳng chối từ, chẳng đam mê. Giữ vững một lập trường trung đạo, siêu nhiên ngoài vòng đối đãi. Hạng phàm phu khi chưa chứng Thánh, chẳng thể để tâm nghi ngờ hoặc xem thường. Vì theo luật Bồ Tát, chư Phật chỉ khai cho Bồ Tát Quả, chứ chẳng khuyến khích việc này. Cho nên, cứ y như lời Tỳ Kheo Ni Thâu La Nan Đà nói với thầy Ưu Đà Di: “giữ cho mình tức là giữ cho người”, thì quý biết dường nào.

    Kẻ đốt am như bà lão, rõ là đã khéo thay Phật thuyết kinh Pháp Hoa. Hành động của bà là tái hiện lại màn kịch của Duy Ma. Nhưng rất tiếc, sau đó người ta chẳng còn được nghe ngóng thêm gì về câu chuyện của bà, nên bút giả đành viết tiếp:

    …Mừng rỡ, bà vội chạy ra đảnh lễ thiền sư, nhưng ngài đã châm lửa đốt cháy cái am tranh của bà.

    Nhắc lại, khi Như Lai thuyết kinh Pháp Hoa đến phẩm Tùng Địa Dũng Xuất, Bồ Tát từ trong lòng đất vọt lên rất nhiều. Vọng vang trên hư không tiếng của Phật Đa Bảo mời đức Phật Thích Ca lên ngồi cùng trong Bảo Tháp, thì ở đây bà lão nắm tay vị thiền sư cùng nhảy múa. Hai lần đốt cháy am tranh, lần trước bà đóng vai Phật Thích Ca phá Hóa Thành, còn lần này bà đã thỉnh được thiền sư lên ngồi cùng một tòa!

    Lửa cháy ngất trời, hai mái tranh đơn sơ đều giả lập, nhà sư nhìn bà lão mỉm cười, Bảo Sở có, nên có Hóa Thành, và tất cả chỉ làm tạm trú. Ngài vẫy chào từ biệt ra đi. Bà lão thách:

    – Nam nữ thọ thọ bất tương thân, sư đã để cho con gái lão chạm vào người, như vậy thì phải để nó theo sư suốt đời!

    – “Phu xướng phụ tùy”, nay ta bảo cô ấy ở lại chăm sóc mẹ già chắc cô ấy cũng thuận tình.

    Nhìn sang cô gái, ngài nói tiếp:

    Còn nữa, nàng ở lại ráng tụng kinh, niệm Phật, bao giờ tháp Phật Đa Bảo hiện thì nàng sẽ ở cùng ta.

    Bà lão đưa con gái ra tiễn ngài một đoạn. Cả hai cùng quỳ mọp xuống đảnh lễ thiền sư cho đến khi bóng ngài khuất dần. Nắng chiều nhảy múa trên đường về, càng về đêm càng tắt dần. Bà lão nhìn con không nói, cần gì đến cõi Tây Phương, nơi đâu chẳng có tháp Phật Đa Bảo hiện tiền.

    Xa xa, tiếng lũ nhỏ đùa vui vọng lại, ca rằng:

    Lão đốt thất.

    Thiền sư đốt thất.

    Am tranh xưa tạm lập hai lần.

    Nắm tay cùng nhảy múa tung tăng.

    Những đóm lửa trong hư không rồi sẽ tắt.

    Suốt bốn mươi chín năm ròng thuyết pháp.

    Đức Như Lai chưa từng hé miệng.

    Ô hay!

    Bảo sở, Hóa thành

    Hỏi đến từ đâu?

    Không chú rể, chẳng cô dâu.

    Ngay trên mọi cảnh hãy xoay đầu.

    Trần trần sát sát chư Phật hiện.

    Tánh mình thâu lại ắt hữu duyên.

    Chống tích trượng.

    Ấy đạo tràng.

    Ba y, một bát bước dọc ngang.

    Phật Ma phải trái không màng tới.

    Non nước trời mây hiện dáng nàng.

    Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.

    Thích Như Dũng

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều