Nhà tôi dọn về nơi ở mới. Vợ tôi thu dọn tất cả vật dụng không còn sử dụng hay đã cũ kỹ để bán “ve chai”, trong đó có chiếc bàn máy may đạp chân hiệu “singer” của mẹ tôi cách nay đã trên 50 năm.
‘Bụt’ giữa đời thường: Cha mẹ của hàng trăm trẻ bụi đời
Tôi chợt giật mình vì đã lâu không quan tâm đến mọi thứ trong nhà và cố nài nỉ vợ tôi giữ lại chiếc bàn máy với nhiều kỷ niệm tuổi thơ của tôi gắn với cuộc đời cơ cực của mẹ.
Hồi đó, nhà nghèo, mẹ tôi thường lãnh may quần áo quanh xóm ở quê. Nhiều nhất là quần tây ống “loa”; áo sơ mi, đồ bộ, quần áo học trò, áo bà ba…Mỗi ngày từ mờ sáng tôi đã nghe tiếng máy may kêu rè rè theo nhịp chân đạp của mẹ rất êm tai. Thỉnh thoảng tôi lại được mẹ nhờ “ xỏ chỉ” qua các mũi kim vì mắt mẹ rất kém. Lâu lâu sợi dây” cua roa” nóng lên vì quá tải lại rơi ra guồng máy, có lúc lại bị đứt hẳn. Những lúc ấy, cha tôi lại “nối lại” sợi dây bị đứt hay lắp dây vào lại hệ thống. Những lúc hàng nhiều nhất là vào dịp tết. mẹ ngồi may đến gần sáng với đôi mắt thâm quầng. Mẹ nói “…ráng cực một chút để có tiền mua sắm quà tết cho các con và có cái để cúng kiến ông bà ngày tết…”. Những lúc đó, anh em chúng tôi thường trãi chiếu nằm xung quanh chiếc máy may để nghe mẹ kể chuyện đời xưa rất hay như “Công Dã Tràng”; “Lâm Sanh – Xuân Nương”; “Mục Liên – Thanh Đề” rồi ngủ quên lúc nào không rõ…
Ảnh minh họa.
Hồi đó nhà tôi nghèo, rất nghèo nữa là đàng khác. Mỗi ngày mẹ tôi phải chèo chiếc ghe cũ kỹ, mục nát đi bán hàng bông quanh xóm để nuôi các con ăn học nên người. Cũng chiếc ghe ấy, mỗi ngày mẹ tôi thức dậy rất sớm để đi ra chợ huyện mua thịt, cá, rau cải, bánh ngọt, than đước, dầu ăn, xà bông, nước chấm… để bán lại cho chòm xóm sống dọc hai bên bờ sông. Tôi là người thường sửa lại chiếc kèn nhựa có chiếc bầu phía sau mỗi khi bóp sẽ phát ra những tiếng kêu bí bo, bí bo để báo hiệu sự có mặt của chiếc ghe “hàng bông”. Mỗi khi chiều về mẹ thường mua cho anh em tôi khi thì những bịch chè “trôi nước”, lúc mớ bắp luộc lại có khi là những trái cam, trái bưởi. Lúc đó anh em tôi ao ước có tiền để mua cho mẹ cái máy Kô Le để mẹ đỡ vất vã nhưng có được đâu. Những ngày giáp tết, mẹ đi sớm và về trễ hơn. Ngày bán “chạy” mẹ cười rất tươi; những ngày bán chậm mẹ rất buồn và thường thắp nhang van vái vong linh ba tôi về hộ độ để mẹ nuôi các chu đáo, đủ đầy.
Tâm thư gửi mẹ
Hơn ba mươi năm qua đi, anh em chúng tôi người nhiều nhất cũng đã sáu mươi lăm, người ít nhất cũng đã năm mươi hai và sinh sống khắp nơi. Cứ mỗi lần về quê dự giỗ ba tôi, chuyện chiếc ghe “hàng bông” luôn là đề tài để chúng tôi bàn bạc, để nhớ về kỷ niệm tuổi thơ, nhớ về mẹ tôi trong những ngày gian nan để lo toan cơm, áo, gạo, tiền. Mẹ đã thôi chèo chống đã hơn bốn mươi năm. Cũng thời gian ấy, chiếc ghe “hàng bông” nằm im lìm trong cái “chái lá” sau nhà mẹ dưới quê. Thằng em út kể lại: mỗi chiều mẹ thường ra đây nhìn đăm đăm chiếc ghe, ngồi bên cạnh nó thì thầm như đang tâm sự nhỏ to những gì có vẽ bí ẩn lắm; đôi tay mẹ cứ xoa xoa lên chiếc ghe như đang vỗ về giấc ngủ của những đứa con mình.
Cách nay, vài tháng lũ con của mẹ đề nghị phá bỏ chiếc ghe vì chật chội, vì không còn xử dụng và đã bị hư hõng khá nhiều. Mẹ im lặng không nói một lời. Sau đó, thằng Út nhắn tin : mẹ bệnh, không ăn uống được. Mỗi chiều mẹ ra nhìn chiếc ghe rồi bật khóc. Hôm nay mẹ đã cười. Cười rất tươi bên lũ con đang loay hoay “tân trang” lại chiếc ghe “hàng bông” của mẹ.
Ảnh minh họa.
Mẹ tôi mất bất ngờ. Gia đình tôi quyết định giữ lại chiếc máy may và chiếc ghe hàng bông của mẹ để làm kỷ niệm. Thời buổi hiện đại, những chiếc máy may đạp chân đã trở nên lạc hậu, thay vào đó là các loại máy may bằng “mô tơ” điện. Áo quần giờ được may đồng loạt bằng máy móc công nghiệp vừa rẽ, vừa rẽ tiền. Những chiếc máy may “cổ lổ xỉ” giờ chỉ còn ở các vùng nông thôn sâu hay xuất hiện trong những thước phim tư liệu, những bộ phim ngày xửa, ngày xưa. Riêng chuyện mua bán trên sông giờ đã bằng ghe máy hiện đại mà cũng ít dần bởi đâu đâu cung có đường giao thông, cũng có chợ trên bờ.
Hôm nay, bất chợt nhìn lại chiếc máy may, chiếc ghe xưa, lòng tôi chợt nhớ mẹ vô cùng, nhớ những tiếng đạp máy may kêu rè rè của mẹ cùng những câu chuyện cổ tích giữa đêm thanh vắng trong ánh trăng huyền hoặc xuyên qua khung cửa mái tranh quê. Nhớ tiếng rao khan đục trên sông “ai mua rau cải, hàng bông hôn…”
Mẹ ơi!
Lời muộn màng con thương gửi mẹ
Song Anh