Với lối chia sẻ chân tình cùng cách kể chuyện dung dị và không kém phần hài hước, chị Nguyên Giáng khiến người nghe không khỏi bật cười, cười xong rồi lại gật gù, vì thấm đượm được ý vị Phật pháp.
Đó là buổi chia sẻ của chị về việc thực hành 5 giới cấm trong một khóa tu tại chùa Từ Đức (Khánh Hòa). Những lần tiếp xúc với chị trong các cuộc trò chuyện hay trong các khóa tu, người viết vẫn nhận ra cái duyên rất đỗi đặc biệt của chị.
Vào đời từ tuổi lên 6
Là con út trong gia đình có đến 6 chị em gái ở một xóm lao động nghèo tại quận 3 (TP.HCM), cũng như các chị, Nguyên Giáng khổ cực từ nhỏ, 6 tuổi đã phải đi bán báo để phụ gia đình, học đến lớp 5 thì buộc phải nghỉ.
Nhưng, không như nhiều người khác, Nguyên Giáng không đầu hàng số phận, không để cho bóng đêm của nghèo khó, thiếu học chôn vùi. Chị như một “sinh vật lạ trong nhà, trong xóm, vì chị biết và thích… đi chùa”. Nhờ cái sự “khác người” đó mà chị có thể đưa bản thân và gia đình bước qua bóng tối của cuộc đời.
Chị Nguyên Giáng: “Hạnh phúc nảy sinh từ khổ đau, nghịch cảnh” – Ảnh: NVCC
Chị kể: “Nhà tôi cứ như một xã hội thu nhỏ phức tạp. Ba tôi mê cờ bạc từ trẻ, đến 70 tuổi vẫn còn mê. Nhiều lần ba hăm he bán nhà vì đánh bài. Các chị tôi lập gia đình, có người xây được tổ ấm, có người hôn nhân đổ vỡ, có người cũng mê mệt bài bạc như ba,… đủ hết cả thành phần”.
Nhìn cảnh nhà, chị khổ tâm lắm. Vì vậy, sau khi tham gia các khóa tu và học được giáo lý Phật dạy, cảm nhận được lợi ích và an lạc, chị quyết mang Phật pháp chia sẻ cho các thành viên trong gia đình.
Với ba, chị thực hiện ái ngữ, học hạnh lắng nghe. Có lần ba khóc vì mắc nợ, than buồn vì bị mọi người xa lánh; để gỡ bớt nỗi khổ cho ba, chị đành mượn tiền để trả giúp các khoản nợ cờ bạc. Chị kể, phải kiên trì và thương lắm mới có thể đi cùng ba được, vì ba vẫn “ngựa quen đường cũ”, cứ trả hết nợ rồi ba lại “gầy nợ” tiếp, sau đó dần dần mới bớt đi.
Với các chị, Nguyên Giáng cũng dốc hết lòng, lấy lời Phật dạy, lời quý thầy khuyên, và lấy sự tu tập trải nghiệm của bản thân để thuyết phục, tỉ tê khuyên nhủ. Trong quá trình thực tập lời Phật dạy, các thành viên trong gia đình đã nhận ra, “có những hạt giống của ba mẹ truyền lại, không biết chánh niệm nhận ra hạt giống nào tốt, hạt nào xấu… nên nhận hết”. Vì vậy mà tùy thuận nhân duyên, hiểu nhân quả, một số anh chị của Nguyên Giáng đã tự mình chuyển đổi, siêng tạo phước lành, từ đó có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Niềm hạnh phúc lớn nhất có lẽ là tất cả các chị em đồng thuận giúp ba thoát khỏi “vũng lầy” của nghiệp cờ bạc. Chị Nguyên Giáng hóm hỉnh kể: “Có lần cả nhà dụ đưa ba đi quy y, nói sau khi chết sẽ có chùa lo, rồi cho ba tiền. Dụ vậy ba mới chịu đi, là để cho ba gieo duyên với Phật pháp, nhờ đó bản thân tự sửa đổi, ngày càng bớt những thói quen xấu, tăng trưởng những điều lành”.
Làm mẹ đơn thân ở tuổi 17
Trong câu chuyện của Nguyên Giáng, người viết bất ngờ khi biết chị làm mẹ đơn thân khi tuổi đời khá trẻ. Ở cái tuổi chênh vênh, còn ham chơi và nhiều áp lực cuộc sống, nhưng nhờ lý trí và tình thương dẫn đường, chị đã nuôi dưỡng con đầy trách nhiệm. Giọng chị vui hẳn lên khi nói về Tuấn Anh, con chị. Chị tự hào vì mấy năm nay có nhiều thời gian thong dong đi tu tập các nơi, bởi con chị đang học năm cuối đại học, vừa làm vừa học, tự lo đóng học phí, rồi thỉnh thoảng còn cho chị tiền tiêu vặt. Nhiều người đi khóa tu thấy chị “nhoi nhoi” vui tính, có con lớn và ngoan, hỏi chị bao nhiêu tuổi, nói 40 mọi người đều ngạc nhiên.
“Tôi chỉ áp dụng cách nuôi dạy con như trong kinh sách; luôn trong tư thế chơi với con, xem con như bạn, sẵn sàng rủ nhau đi ăn chè, ăn bắp xào, đi coi phim… và luôn bên con mọi lúc con cần”, chị bật mí. Nhờ sự tinh tế, mở lòng và biết lắng nghe như thế, nên khi con có những bế tắc, có những nỗi khổ niềm đau, con đều mạnh dạn chia sẻ với chị. Chị cũng trở thành người mẹ lý tưởng khi hiểu con muốn gì, cần gì và đang vướng bận điều gì, để cho con điểm tựa, nâng đỡ con đúng lúc, đúng nghĩa.
“Bản thân mình cũng phải là tấm gương nữa. Có lẽ thấy mẹ đi chùa, đi giúp hết người này tới người kia, nên con biết cần phải tự học, tự lo cho mình. Trước giờ con không đi học thêm, nhưng vẫn luôn đạt học sinh giỏi, thấy cũng hay, vì mẹ đâu có được học đâu mà dạy cho con”, chị chia sẻ. Thỉnh thoảng chị cũng rủ con đi tham gia khóa tu, nhưng đa phần chị để con tự giác, không ép. Và mỗi lần được đi cùng mẹ, Tuấn Anh đều vui thích.
Học Phật, bước qua thăng trầm
Cuộc đời Nguyên Giáng có quá nhiều thăng trầm. Thông qua cách chị kể, người viết như cảm nhận được tình thương và sự hiểu biết chính là chất liệu để chị kiến tạo nên hạnh phúc cho bản thân, cho người thân và cho con. Sự hiểu biết đúng đắn ấy được vun đắp, dung nạp từ giáo lý, từ những câu chuyện đạo và đời. Mỗi lần đến chùa tham gia khóa tu hay tụng kinh, học Phật pháp, với chị, là niềm vui bất tận, là năng lượng lành để chế tác hạnh phúc. “Đến với khóa tu, cứ như thể tới nơi có nhiều kho báu để mình lượm. Học Phật càng nhiều, thấy lòng mình càng mở ra và tâm có thể dung chứa được nhiều hơn, biết chấp nhận những gì đang xảy ra và hạnh phúc với hiện tại”, chị cho biết.
Trước đây, khi nói chuyện với những người có địa vị, có học thức cao, chị luôn mang cảm giác mặc cảm, tự ti. Nhưng sau này, khi thực tập và áp dụng giáo lý Phật dạy vào đời sống, chữa lành vết thương tâm hồn, chị không còn cảm giác đó nữa, không còn phân biệt hơn thua cao thấp, mà chú trọng vào việc làm chủ chính mình, chế tác chất liệu thiện lành và tích cực cho cuộc sống. Đó cũng là lý do khi tham dự khóa tu, chị hay chia sẻ kinh nghiệm thực tập của mình, để mọi người cùng mở lòng, thêm phấn khởi tu học.
Hiện tại, mỗi ngày chị có hai thời khóa ngồi thiền. Nhưng theo chị, không phải cứ hễ ngồi yên mới thiền, mới tu, mà khi làm việc “nhớ và ý thức được thì đó cũng là tu”. Chị tin, cuộc sống mỗi người có một số phận khác nhau nhưng bất cứ ai cũng xứng đáng có được sự hạnh phúc, bình an, miễn cần biết chế tác và chuyển hóa khổ đau.
Nghe chị trải lòng, người viết không khỏi ngạc nhiên về cách chị tu tập, chuyển hóa, trông cứ nhẹ tênh mà thật vững chãi. Chị trải nghiệm cuộc đời đầy lạc quan song vẫn không kém phần sâu sắc.
“Nhờ trải qua một cuộc sống với nhiều cung bậc, nhiều nghịch duyên và lắm điều không trọn vẹn nên tôi có được tinh thần và ý chí vững chãi. Có những biến cố xảy đến, người khác có thể sẽ bị trầm cảm hay phó mặc, thậm chí từ bỏ cuộc sống, nhưng với tôi, đó chỉ là chuyện nhỏ; nhiệm vụ của tôi đơn giản là đối diện với nó, sau đó nhẹ nhàng xử lý, rồi bước qua. Khi hiểu luật nhân quả và áp dụng giáo lý vào cuộc sống, tôi thấy cái khổ không là gì hết. Với tôi, chất liệu dệt nên cuộc sống này là khổ đau, và hạnh phúc cũng được tìm thấy từ đó”, chị Nguyên Giáng chia sẻ.
Nhã An / Báo Giác Ngộ
- Advertisement -