Hương vị của trà đã thấm sâu vào trong cuộc sống thường nhật, vị chát rồi ngọt của trà đã đi vào tâm thức của bao lớp người trong kiếp nhân sinh. Rồi trà như cam lộ nhuận thắm cửa thiền sâu lắng, gợi lên khúc đại từ sắc sắc không không.
Không biết từ khi nào mà trả trở thành một trong những thứ không thể thiếu trong các gia đình của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Như câu nói sau đây: “Quan môn thất kiện sự, sài, mễ, du, diêm, tương, thố, trà”. Nghĩa là trong nhà lúc nào cũng phải có 7 thứ là: củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà. Uống trà không chỉ là thói quen “Ăn xong uống một chén trà” mà còn là một truyền thống, một nét văn hóa “khách đến chơi nhà nhất định phải pha trà tiếp đãi” đã có từ lâu đời của người Việt ta. Và nhất là vào những dịp lễ quan trọng đến thì trà càng không thể thiếu trong mỗi câu chuyện hàn huyên.
Với nhiều dân tộc trên thế giới thì từ lâu trà đã trở thành một trong những thứ đồ uống rất phổ biến. Đặc biệt với những người dân Châu Á thì uống trà đã được nâng lên thành một nghệ thuật thưởng thức sành điệu mang đậm chất thơ và màu sắc tôn giáo. Những quốc gia có nền văn hóa trà nổi bật phải kể đến như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Nhật Bản và Trung Quốc có trà đạo nhưng Việt Nam thì giữ trà ở vị trí nghệ thuật.
Tích Phật giáo tương truyền lại, có một lần trong khi đang ngồi thiền, Tổ Bồ Đề Đạt Ma bỗng ngủ gục. Ngài bực quá liền cắt mí mắt cho tỉnh ngủ. Mí mắt ấy rơi xuống đất và mọc lên thành cây được gọi là trà. Lá của cây ấy có tác dụng chống buồn ngủ, làm cho tinh thần tỉnh táo. Từ đó những người ngồi thiền thường hái lá trà uống để được tỉnh táo khi ngồi thiền. Có lẽ đây chỉ là truyền thuyết để giải thích tính “tỉnh thức” của cây trà chứ các nhà khảo cổ học phát hiện trà đã có hàng ngàn năm trước rồi, ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thiền là nghệ thuật đưa tâm trở lại với chính mình, các Thiền sư mượn chén trà để đưa tâm trở lại với chính mình. Tâm chúng ta hàng ngày sôi động quên đi giây phút thực tại thì chính nhờ những giây phút lắng đọng này, chúng ta được trở về với thực tại và thực tại thì bao giờ cũng rất đẹp, rất an lạc và rất nhiệm màu.
Sau những thăng trầm, xao động của cuộc sống, buổi thiền trà chính là giây phút để con người mượn chén trà đưa tâm trở lại với chính mình. Trong giây phút này, con người hoàn toàn sống trong hiện tại, hưởng trọn vẹn cảm giác thoải mái, an lạc và hạnh phúc.
Hương vị của Trà hàm chứa đầy đủ các chất liệu hương vị của cuộc đời, chén trà ngọt ngào như tương lai và mơ ước của những người trẻ tuổi, trầm ngâm pha trà như suy ngẫm lại mọi xúc cảm thăng trầm vinh nhục, được mất của cuộc đời, và ngồi thưởng thức một chén trà lại chính là cơ hội để ôn lại chuyện xưa, để người đi xa nhắc về những kỷ niệm, để bao cuộc đời bể dâu, thăng trầm trôi nổi nói lại duyên xưa. Pha trà và thưởng trà cũng quy trình tu học để đạt tới trạng thái giác ngộ trong Phật giáo. Phải chăng sự trùng hợp này là nguyên nhân cốt yếu của mối thâm duyên giữa trà và Phật. Khi người ta thẩm thấu qua được vị chát cũng chính là lúc con người hưởng được vị ngọt, hương thơm của cuộc đời, Phật tử ngộ ra cảnh giới hạnh phúc.
Trà pha với nước chính như người với cuộc đời, khi thả trà vào nước lá trà lúc nào cũng trôi nổi bềnh bồng, chẳng khác gì con người khi bước vào đường đời nổi trôi chưa có nơi cố định, hoặc giả công việc thời thế chưa đến lúc hanh thông. Rồi màu của trà vị của trà, dần dần đậm lại, như màu sắc cuộc đời trãi qua những thăng trầm thêm kinh nghiệm sống trong ta, vị trà đắng rồi lại ngọt, mách bảo cho ta hương vị của cuộc đời không bao giờ đắng mãi và cũng không có ngọt bùi khi không có sự nổ lực của chính tự thân.
Lượng trà và nước pha trà vô cùng quan trọng. Nó quyết định trà có đến độ “đắc đạo”, “giải thoát” hay không. Lượng nước và lượng trà vừa đủ sẽ tạo ra một ấm trà ngon.
Trong lá trà có chứa hàm lượng caffeine rất cao nên giúp cho người uống trà có được đầu óc tỉnh táo, tâm trí sáng suốt, câu chuyện trên được viết ra với hàm ý nói về công dụng “thức tỉnh” của cây trà, cũng như mối liên hệ giữa trà và thiền hơn là sự thật. Trà làm cho ta tỉnh táo và thiền làm cho ta tỉnh thức, và cả hai có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tuy hai mà một.
Có lẽ vì vậy mà người Nhật và một số nước có nền văn hóa trà đạo hay cả Phật giáo đều coi thiền và trà là một. Ngày nay các nhà khoa học đã chứng minh chất theanine là một amino acid chỉ tìm thấy trong cây trà. Chất theanine kích thích hoạt động của alpha sóng não. Làn sóng alpha này xảy ra khi chúng ta tỉnh táo và thư giãn. Và thật thú vị là người ta cũng thấy ở những người có kinh nghiệm về thiền cũng có hiện tượng làn sóng alpha này ở trong não.
Khi uống trà lòng phải tỉnh, tinh thần phải thư thái, từ từ cảm nhận hương vị của chén trà để đưa lòng mình hòa vào cái tĩnh lặng, bình yên của vũ trụ bao la. Thiền và trà đều chung một mục đích, đó là tìm đến sự thăng hoa, thuần khiết và nhất là sự tỉnh thức của tâm hồn. Giữa cuộc sống xô bồ ngày nay, tỉnh thức là vô cùng cần thiết. Sống tỉnh thức là duy trì ý thức trong từng giây phút hiện tại trên mỗi công việc mà mình đang làm, không để tâm bận bịu với quá khứ, viển vông mơ tưởng đến tương lai. Tỉnh thức để biết rõ những gì đang diễn ra với mình và cuộc sống quanh mình. Tỉnh thức để tâm ý được minh mẩn để có được những quyết định sáng suốt để thành công và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Tỉnh thức để không bị cám dỗ bởi vị ngọt của ngũ dục, lục trần vậy.
“Ai hay trong một tách trà
Có hồ sen ngát mượt mà đưa hương”.
Và dĩ nhiên là phải có bản thân người đang thưởng thức trà là ta đây nữa. Ta là một phần của vũ trụ cũng như vũ trụ chứa đựng trong ta. Thấy được điều này ta thấy yêu thương đất trời, yêu thương mọi người và vạn vật hơn.
Trong nhà Phật, thiền trà còn nhắc nhở mỗi con người cần phải khắc ghi “Tứ trọng ân”. Nhấp ngụm trà thứ nhất ta uống cho cha mẹ của mình bởi ta là chính là sự tiếp nối của cha mẹ. Nhấp ngụm trà thứ hai, ta uống cho niềm tin nơi Tam Bảo, nơi có Phật – Pháp – Tăng. Nhấp ngụm trà thứ ba ta uống cho những người đã đến với cuộc sống của ta, thầy cô, bạn bè những người cho ta hạnh phúc và cả những người mang ta khổ đau. Chúng ta hãy cảm ơn tất cả mọi người cảm ơn những ân tình, những khổ đau đã cho ta trưởng thành. Thưởng thức ngụm trà thứ tư, ta uống cho trời đất, cho cây cỏ hoa lá, những tặng phẩm đã giúp ta có được chén trà.
Thiền trà có thể giúp ta nhận rõ chính mình rõ ràng hơn và kiên kết với đời sống tâm linh sâu sắc. Trong yên lặng chúng ta có thể soi rọi nội tâm, để thấy những cảm thọ ẩn khuất của bản thân, bằng cách chia sẽ những trải nghiệm tâm linh với người đối ẩm có hoàn cảnh văn hoá khác nhau, chúng ta có thể kết nối với họ, một cách thân ái nhất, vượt lên trên sự ngăn cách của tự ngã, và biên giới do con người tạo ra. Vì vậy thiền trà là một phương tiện giao tiếp giữa các cộng đồng khác biệt văn hoá và giải quyết xung đột.