Thứ Năm, Tháng Một 2, 2025
Khác
    HomeVẻ Đẹp Người Xuất GiaChuyện cửa thiềnNgười xuất gia cần chọn môi trường tu học như thế nào?

    Người xuất gia cần chọn môi trường tu học như thế nào?

    Trong quá trình cần cầu “vô thượng an ổn khỏi các khổ ách”- Niết-bàn, người xuất gia thường khi cần phải xét đến việc tìm kiếm một nơi chốn tu học tương đối thích hợp và thuận lợi cho mục tiêu tiến bộ tâm linh của mình.

    Kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanasutta) mô tả rằng ngay sau khi chia tay năm người bạn đồng tu khổ hạnh, Đức Gotama tuần tự du hành đến tụ lạc Uruvela ở Gayà. Tại đây, Ngài thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Ngài tự nhủ: “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn” (1). Và Ngài quyết định dừng lại ở đây để tinh tấn tu hành. Về sau, vùng đất này trở thành Thánh địa của đạo Phật với tên gọi Boddhgayà, một địa danh nổi tiếng đánh dấu chỗ Đức Phật quyết định dừng chân tu tập và chứng đạo.

    Thông tin trên cho hay Đức Phật đã tìm thấy một nơi chốn được xem là “lý tưởng” cho sự tu tập của mình. Đó là một môi trường tương đối hội đủ các điều kiện thuận lợi đưa đến sự thành công của Ngài về phương diện tu tiến tâm linh. Tại đây, có làng mạc bao bọc chung quanh rất tiện cho Ngài đi khất thực mỗi ngày, lại có cảnh quan thiên nhiên thích hợp cho việc tu thiền, hai yếu tố ngoại duyên được xem là căn bản và cần thiết cho sự thực hành đạo giải thoát. Cố nhiên, Ngài đã lưu trú tại đó để tinh tấn tu thiền trong thời gian 49 ngày và sau cùng thì chứng đắc đạo quả giác ngộ.

    moi-truong-tu-hoc-cua-nguoi-xuat-gia_phatgiao.org.vn 1

    Xuất phát từ kinh nghiệm tu chứng của bản thân, Đức Phật mong sao cho các học trò mình có được một môi trường thuận lợi cho sự nghiệp tu học đạo lý giác ngộ. Theo kinh nghiệm của Ngài thì một môi trường tu học thuận lợi không chỉ là sự thoải mái tiện ích về đời sống vật chất mà quan trọng hơn là phải đáp ứng yêu cầu tiến triển về đạo đức và giải thoát tâm linh cho con người trong khi sinh hoạt ở đó. Vì vậy, bên cạnh việc nỗ lực kiến tạo các môi trường tu học có các điều kiện sinh hoạt thuận tiện như thiết lập các tinh xá có khoảng cách không xa các thị trấn hay thôn làng, Đức Phật quan tâm rất nhiều đến công tác giảng dạy và xây dựng chương trình tu học cho các Tỷ-kheo ở trong các cơ sở như vậy. Phật chủ trương kiến tạo môi trường thực nghiệm tâm linh cho nhân thế bằng cách khai sáng giới đức, tâm đức, tuệ đức ở trong lòng mọi người, nhấn mạnh rằng ở đâu có giới-định-tuệ chói sáng thì ở đó có hiểu biết, có tình thương, có tự do, giải thoát, có hạnh phúc và an lạc. Ngài đánh giá cao một môi trường tu học có đầy đủ giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến, nghĩa là nơi nào có các Thánh giả giác ngộ lưu trú hành đạo (2); vì ở đấy những ai chưa đầy đủ giới hạnh sẽ được học tập đầy đủ giới hạnh; chưa đầy đủ thiền định sẽ được học tập đầy đủ thiền định; chưa đầy đủ trí tuệ sẽ được học tập đầy đủ trí tuệ; chưa đầy đủ giải thoát sẽ được học tập đầy đủ giải thoát; chưa đầy đủ giải thoát tri kiến sẽ được học tập đầy đủ giải thoát tri kiến (3). Do tính chất hạn chế nhất định của các pháp ở thế gian (người, vật, môi trường…), Ngài cho phép các Tỷ-kheo tự tìm kiếm nơi cư trú tu học thích hợp của riêng mình nhưng nhắc nhở họ phải biết xem xét cân nhắc cho thật kỹ các điều kiện ở trong đó để có sự lựa chọn thích đáng. Ngài nêu ra bốn môi trường tu học có các điều kiện khác nhau:

    1. Một môi trường vừa thiếu thốn về vật chất vừa không thuận lợi cho sự tu tiến tâm linh.

    - Advertisement -

    2. Một môi trường đầy đủ về vật chất nhưng không thuận lợi cho sự tu tiến tâm linh.

    3. Một môi trường thiếu thốn về vật chất nhưng thuận lợi cho sự tu tiến tâm linh.

    4. Một môi trường vừa đầy đủ về vật chất vừa thuận lợi cho sự tu tiến tâm linh.

    Người xuất gia nên suy xét cân nhắc như thế nào về bốn môi trường vừa nêu để có sự quyết định xác đáng về nơi chốn tu học của mình? Sau đây là các phân tích mang tính gợi ý của Đức Phật:

    “Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ: “Ta sống tại khu rừng này; khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một vị xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải từ bỏ ngôi rừng ấy, không được ở lại, ngay lúc ban ngày hay lúc ban đêm.

    Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách không khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: “Ta sống tại khu rừng này. Khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú… những vật dụng này kiếm được một cách không khó khăn. Nhưng không phải vì y phục mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, không phải vì đồ ăn khất thực… không phải vì sàng tọa… không phải vì dược phẩm trị bệnh mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng trong khi ta ở tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú… vô thượng an ổn, khỏi các ách phược không được chứng đạt”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy chỉ với suy tính này, phải từ bỏ ngôi rừng ấy, không được ở lại.

    moi-truong-tu-hoc-cua-nguoi-xuat-gia_phatgiao.org.vn 2

    Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, nhưng những vật dụng cần thiết cho đời sống một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật này kiếm được một cách khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: “Ta sống tại khu rừng này. Khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú… vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt… những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn. Nhưng không phải vì y phục mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không phải vì món ăn khất thực… không phải vì sàng tọa… không phải vì dược phẩm trị bệnh mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng trong khi ta ở tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú… vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy chỉ với suy tính này, phải ở lại khu rừng ấy, không được bỏ đi.

    Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm chưa được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết… kiếm được một cách không khó khăn. Chư Tỷ- kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: “Ta sống tại khu rừng này. Khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú… vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt, và những vật dụng này cần thiết… kiếm được một cách không khó khăn”. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải ở lại khu rừng cho đến trọn đời, không được rời bỏ”. (4)

    Nhìn chung, các phân tích ở trên cho thấy người xuất gia có quyền chọn cho mình một nơi chốn tu học nhưng cần phải phân biệt rõ loại môi trường nào không thích hợp với lý tưởng tu học của người xuất gia và loại môi trường nào là thật sự cần thiết cho mục tiêu tu học của mình. Hai môi trường đầu hẳn nhiên là không thích hợp cho người xuất gia lưu trú tu học, vì chúng không giúp cho người xuất gia thăng tiến về tâm đức và tuệ đức (các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh), không giúp cho người xuất gia đoạn trừ lậu hoặc, chứng đắc Niết-bàn (vô thượng an ổn khỏi các khổ ách). Chỉ có hai môi trường sau mới thật sự thích hợp và cần thiết cho người xuất gia lưu trú, vì chúng đáp ứng mục tiêu tu học của người xuất gia, nghĩa là có khả năng giúp cho người xuất gia phát triển chánh niệm, chánh định, hướng đến đoạn trừ lậu hoặc, chứng đắc Niết-bàn, nếu sống tu học ở đó.

    moi-truong-tu-hoc-cua-nguoi-xuat-gia_phatgiao.org.vn 3

    Điều đáng chú ý là trong việc lựa chọn môi trường hay nơi chốn tu học, người xuất gia phải luôn luôn ý thức rõ về lý tưởng tu học của mình và phải đặt mục tiêu giải thoát lên hàng đầu. Lẽ tất nhiên, người xuất gia không phải vì mục đích của cải vật chất mà xuất gia học đạo; do đó, một môi trường tu học đầy đủ hoặc thiếu thốn về vật chất không phải là điều đáng bận tâm nhiều đối với vị ấy. Đức Phật cũng từng khuyên nhắc các Tỷ-kheo phải thừa tự Pháp của Ngài, chớ có thừa tự tài vật (5).

    Chính vì vậy mà yếu tố đáng cân nhắc nhiều nhất là xem môi trường đó có thực sự giúp cho người xuất gia thăng tiến về giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức hay không. Nếu một môi trường mà hội đủ cả hai yếu tố, nghĩa là vừa thoải mái về mặt vật chất vừa có khả năng giúp cho người xuất gia phát triển về giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức, thì đó là môi trường tối ưu mà theo lời Phật thì người xuất gia phải sống ở đó mà tu học cho đến trọn đời, không được bỏ đi, dầu có bị xua đuổi. (6) Giả sử một môi trường có khả năng giúp cho người xuất gia tiến triển về giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức nhưng lại khó khăn thiếu thốn về vật chất thì người xuất gia cần phải kham nhẫn ở lại đó mà tu học, không nên rời bỏ; vì mục đích tu học của người xuất gia là tăng trưởng giới đức, tâm đức, tuệ đức, thực chứng giải thoát và giải thoát tri kiến đức, chứ không phải vì lý do sinh sống hàng ngày.

    Chú thích:

    1. Kinh Thánh cầu, Trung Bộ.

    2. Kinh Pháp cú, kệ số 98, ghi nhận: “Làng mạc hay rừng núi, thung lũng hay đồi cao; La-hán trú chỗ nào, đất ấy thật khả ái”.

    3. Kinh Hạnh phúc cho ai, Tăng Chi Bộ.

    4. Kinh Khu rừng, Trung Bộ.

    5. Kinh Thừa tự Pháp, Trung Bộ.

    6. Kinh Khu rừng, Trung Bộ. •

    Tạp chí Văn Hoá Phật giáo 156

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều