Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 22, 2024
Khác
    HomeLịch Sử- Tư LiệuGiáo hội Phật giáo Việt Nam: 39 năm một chặng đường

    Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 39 năm một chặng đường

    Audio Bài viết:

    Sau khi thống nhất đất nước, toàn dân tộc tập trung nguồn lực vào công cuộc tái thiết đất nước, các lĩnh vực quan trọng trong đời sống cũng được Nhà nước quan tâm, trong đó có sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, một tôn giáo có quá trình đồng hành, gắn bó sắc son với dân tộc.

    Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam

    Để có được một ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam huy hoàng, xán lạn như ngày hôm nay, không thể không nói đến tinh thần đoàn kết, hòa hợp trên dưới một lòng của chư Tôn đức, cùng toàn thể Tăng, Ni, Phật tử. Bên cạnh đó là nhờ vào lòng yêu nước nồng nàn vốn là truyền thống của Phật giáo Việt Nam, thể hiện qua tinh thần trách nhiệm cao cả đối với đạo pháp và dân tộc của chư Tôn đức các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước. Đặc biệt nhất là qua 9 lần vận động, một Ban vận động thống nhất Phật giáo được thành lập với sự tham gia của 9 tổ chức Giáo hội, tổ chức hội, hệ phái, đã tận tâm làm việc không quản ngại gian nan thử thách, nhằm đáp ứng nguyện vọng thiết tha bao đời của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam là hướng đến sự thống nhất Phật giáo Việt Nam.

    Trong buổi giao thời, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành đã ra đời nhằm kết nối các tổ chức Giáo hội và các hệ phái Phật giáo.

    - Advertisement -

    Ngày 07/08/1975, tại chùa Xá Lợi, một Hội nghị Phật giáo với sự tham gia của chư Tôn đức các tổ chức Giáo hội và hệ phái đã tiến hành thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; Hòa thượng Thích Hiển Pháp Tổng Thư ký Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh và Hòa thượng Bửu Ý, Viện Trưởng Viện Hoằng Đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đồng làm Phó Chủ tịch. Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh  và chư Tôn đức trong thành phần trong Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh, trụ sở ban đầu đặt tại chùa Xá Lợi, một năm sau được dời về chùa Vĩnh Nghiêm.

    Chùa Quán Sứ - Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

    Chùa Quán Sứ – Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

    Gánh trên vai sứ mạng lịch sử, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh ra đời nhằm mục đích đoàn kết rộng rãi các tổ chức Phật giáo để tiến đến một chương trình hành động thống nhất Phật giáo thành một mối duy nhất, ngoài ra do yêu cầu thực tế, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh còn tập trung vào nhiệm vụ phát huy truyền thống yêu nước của Phật tử Việt Nam, xóa bỏ tàn tích văn hóa độc hại, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

    Tuy nhiên nhiệm vụ tập trung và trước mắt của Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là tạo mối liên lạc, siết chặt tình đoàn kết trong các Giáo hội Phật giáo và giữa các Giáo hội, tổ chức Hội, hệ phái với chính quyền cách mạng, từ đó đi đến những nhiệm vụ cụ thể hơn trong công tác vận động hiệp thương thống nhất Phật giáo.

    Nhờ tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ, sau 5 năm hình thành và hoạt động, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh đã làm tròn vai trò lịch sử của mình khi tạo được mối liên thông đồng cảm sâu sắc giữa chư Tôn đức các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước và nhất là kết nối được những tư tưởng lớn của chư vị tôn túc có vai trò lãnh đạo cao nhất thời bấy giờ như Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh; Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (miền Bắc). Đây được xem là 3 vị Hòa thượng giáo phẩm tôn túc đầu tiên trong số các Hòa thượng đại diện các hệ phái đặt nền móng cho công cuộc thống nhất Phật giáo cả nước, bên cạnh đó phải kể đến quý Hòa thượng Thích Trí Độ, Hoà thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Bửu Ý… cũng chính nhờ vậy mà trong hai ngày 12 và 13 tháng 02 năm 1980, đã diễn ra một cuộc họp mặt lịch sử của Phật giáo Việt Nam tính từ sau ngày miền Nam giải phóng đến thời điểm đó.

    Để có được một ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam huy hoàng, xán lạn như ngày hôm nay, không thể không nói đến tinh thần đoàn kết, hòa hợp trên dưới một lòng của chư Tôn đức, cùng toàn thể Tăng, Ni, Phật tử.

    Để có được một ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam huy hoàng, xán lạn như ngày hôm nay, không thể không nói đến tinh thần đoàn kết, hòa hợp trên dưới một lòng của chư Tôn đức, cùng toàn thể Tăng, Ni, Phật tử.

    Quá trình thành lập Ban Vận động

    Vào ngày 12 và 13/02/1980, chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước đã có cuộc gặp gỡ tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện diện trong cuộc gặp lịch sử này có các vị cao tăng như Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh; Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh; Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh; Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Thượng tọa Thích Giác Toàn, Thường trực Trung ương Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; Ni sư Huỳnh Liên, Ni trưởng Ni giới Khất sĩ Việt Nam; Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, Cư sĩ Võ Đình Cường và Cư sĩ Tống Hồ Cầm.

    Phiên họp có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ông Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương và ông Phạm Quang Hiệu, Ban Tôn giáo Chính phủ.

    Trong cuộc trao đổi, ông Nguyễn Văn Linh đã dành phần lớn thời gian để trình bày về quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Phật giáo và nói về nhiệm vụ của Phật giáo đối với dân tộc. Ông nói: “Lịch sử giao phó cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo dân tộc, với sứ mạng đó, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng các vị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam và đồng bào Phật tử sẽ phát huy truyền thống yêu nước của mình, tiếp tục đi theo con đường cách mạng, để góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”.

    Ban Vận động được thành lập gồm các giáo phẩm chức sắc như: Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thế Long đồng Phó Trưởng ban; Hòa thượng Thích Thiện Hào là Ủy viên Thường trực; Thượng tọa Thích Minh Châu làm Chánh Thư ký, Thượng tọa Thích Từ Hạnh và Thích Thanh Tứ đồng Phó Thư ký; cùng với các Ủy viên như: Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa thượng Thích Đạt Hảo, Hòa thượng Châu Mum, Thượng tọa Thích Thanh Trí, Thượng tọa Thích Chánh Trực, Thượng tọa Thích Giác Toàn, Ni sư Huỳnh Liên, Cư sĩ Nguyễn Văn Chế, Cư sĩ Võ Đình Cường và Cư sĩ Tống Hồ Cầm. Văn phòng Ban Vận động được đặt tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, Chùa Xá Lợi – Thành phố Hồ Chí Minh.

    39 năm một chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt nam đã đem lại nhiều thành quả đáng trân trọng trong nhiều lãnh vực.

    39 năm một chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt nam đã đem lại nhiều thành quả đáng trân trọng trong nhiều lãnh vực.

    Các hoạt động của Ban Vận động sau khi ra đời

    Sau khi được chính thức thành lập, Ban Vận động đã ra mắt tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) vào ngày 09/4/1980, ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15/5/1980 và ở Huế ngày 23-24/5/1980.

    Sau khi lễ ra mắt thành công tốt đẹp, trung tuần tháng 8 năm 1980, Ban Vận động đã có cuộc mạn đàm với 140 đại biểu nhân sĩ, trí thức, Phật tử thuộc nhiều giáo phái tại chùa Vĩnh Nghiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) do Hòa thượng Thích Trí Thủ chủ trì. Nội dung cuộc gặp xoay quanh vấn đề thống nhất Phật giáo Việt Nam, ghi nhận những tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp, các hệ phái đa số khi họ nói lên những suy nghĩ chân tình trước tình hình thống nhất Phật giáo, cùng những băn khoăn như chương trình tu học của Tăng Ni, tính biệt truyền của hệ phái; vấn đề hệ thống và cơ cấu tổ chức của Phật giáo Việt Nam sau khi thống nhất, vấn đề quản lý chùa chiền, quản lý Tăng, Ni…

    Từ ngày 15 đến 24/03/1981, Ban Vận động lần lượt đến thăm và tiếp xúc 9 hệ phái gồm: Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán tông; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh; Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ. Các cuộc tiếp xúc đã diễn ra trong bầu không khí cởi mở, chân tình và thẳng thắn. Tâm tư nguyện vọng mọi người đều nhìn về một hướng chung, đó là thống nhất Phật giáo Việt Nam, xem đó là lựa chọn duy nhất và phù hợp nhất trong bối cảnh nước nhà thống nhất. Những ưu tư thứ yếu sẽ được đồng nhất hoặc cởi bỏ cho phù hợp với tình hình chung và trên tinh thần thống nhất ý chí.

    Được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhất là sự tích cực làm việc không ngừng nghỉ của chư Tôn đức trong Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, tâm huyết và sự nỗ lực của chư Tôn đức trong 9 Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo đương thời, đã dẫn đến một sự kiện quan trọng, đó là Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc được tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ – (Hà Nội) từ ngày 04 đến ngày 07/11/1981.

    Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc mở ra trang sử mới của Phật giáo nước nhà khi tất cả Tăng Ni, tín đồ đều hội tụ dưới một mái nhà của tinh thần đoàn kết, hòa hợp. Đại hội đã quy tụ 165 đại biểu của 9 tổ chức Giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước, gồm có:

    1. Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam.

    2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

    3. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

    4. Ban liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh.

    5. Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

    6. Giáo hội Thiên Thai giáo quán tông.

    7. Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam.

    8. Hội đoàn kết sư sãi Yêu nước miền Tây Nam Bộ.

    9. Hội Phật học Nam Việt.

    Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức và hoạt động. Ảnh minh họa.

    Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức và hoạt động. Ảnh minh họa.

     

    Trong diễn văn khai mạc, Hòa thượng Thích Trí Thủ – Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, nêu lên ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội: “Hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam, chúng ta có được một Đại hội gồm đủ đại biểu của các tổ chức, Giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước…Với sức mạnh đoàn kết đó, chúng ta tin chắc rằng sứ mệnh phụng sự đạo pháp và dân tộc, công cuộc đóng góp cho Hòa bình thế giới và hạnh phúc nhân loại sẽ được nhiều hiệu quả hơn”.

    Ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với vận mệnh và tiền đồ của Phật giáo Việt Nam và với Tổ quốc, toàn thể 165 đại biểu thành tâm đem hết trí tuệ đóng góp cho đại hội. Đại hội đã diễn tiến hài hòa trong tinh thần đồng đạo và đạt được thành quả lớn lao:

    – Thông qua bản Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với nội dung đoàn kết và thống nhất thực sự, thể hiện tinh thần dân chủ, vô ngã, vị tha và lục hòa của Phật giáo.

    – Suy tôn Hội đồng Chứng minh và suy cử Hội đồng Trị sự Trung ương.

    – Thảo luận và biểu quyết thông qua bản Đại cương chương trình hoạt động của Giáo hội.

    Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ: “Lý tưởng giác ngộ chân lý hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh là lập trường và mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước; Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

    Tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Đại hội đã cung nghinh suy tôn Hội đồng Chứng minh có 50 vị Hoà thượng tiêu biểu của các tổ chức Giáo hội và Hệ phái, cung thỉnh Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm Phó Pháp chủ kiêm Giám luật; cùng quý Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Ấn Lâm, Hòa thượng Maha Saray, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Huệ Thành đồng làm Phó Pháp chủ và Hòa thượng Thích Nguyên Sinh làm Chánh Thư ký. Đại hội suy cử Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 49 vị Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức, Cư sĩ tiêu biểu của các Giáo hội và hệ phái, trong đó Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có: Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch; cùng với 9 vị Phó Chủ tịch; trong đó nhị vị Hòa thượng Thích Thế Long và Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Phó Chủ tịch Thường trực; Hòa thượng Thích Thiện Hào; Hòa thượng Thích Thanh Chân, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Giác Nhu, Hòa thượng Thích Châu Mum đồng là Phó Chủ tịch; và Hòa thượng Thích Minh Châu là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thượng toạ Thích Thanh Tứ Phó tổng Thư ký, chánh Văn phòng 1; Thượng toạ Thích Từ Hạnh Phó tổng Thư ký, Chánh Văn phòng 2. Trong cơ chế tổ chức Giáo hội có hai văn phòng đặt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

    Về cơ cấu tổ chức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong Nhiệm kỳ I (1981-1987) có các ban và chuyên ngành cụ thể như sau:

    Ban Tăng sự Trung ương, Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Hướng dẫn Nam nữ cư sĩ, Phật tử, Ban Hoằng pháp, Ban Nghi lễ, Ban Văn hóa. Ngoài ra, còn có tiểu ban Tài Chính, Thủ quỹ, Kiểm soát.

    Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trong điều kiện đất nước hòa bình, kinh tế xã hội phát triển, tình hình an ninh chính trị ổn định.

    Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trong điều kiện đất nước hòa bình, kinh tế xã hội phát triển, tình hình an ninh chính trị ổn định.

    Kể từ ngày bộ máy Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, đứng đầu là Hội đồng Trị sự Giáo hội, đã hướng đến mục tiêu xác lập việc thống nhất quản lý và điều hành Phật sự trên phạm vi toàn quốc. Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trở thành kim chỉ nam lèo lái con thuyền Giáo hội vượt qua mọi khó khăn, giúp Phật giáo Việt Nam thành tựu mỹ mãn và không ngừng đem lại lợi lạc cho mọi người.

    Trong buổi tiếp đại biểu Đại hội tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng và đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh đã thống nhất về ba nguyện vọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam:

    1. Phật giáo Việt Nam được thống nhất.

    2. Phật tử được tự do tín ngưỡng, dễ dàng xuất gia học đạo.

    3. Được mở mang trường Đại học Phật giáo ở 3 thanh phố lớn: Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh. Các tỉnh thành được mở lớp gia giáo và Phật học viện để đào tạo Tăng tài.

    Từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay, Giáo hội được dìu dắt ba vị Đức Pháp chủ: Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (Đệ nhất Pháp chủ: 1981-1993), Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịnh (Đệ nhị Pháp chủ: 1997-2005), Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (Đệ tam Pháp chủ: 2007-nay). Ngoài ra, Giáo hội còn nhận được sự lãnh đạo điều hành Phật sự của ba vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Trí Thủ (1981-1984), Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1984-2014), Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (2014-nay).

    Các đại biểu chụp hình lưu niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II, nhiệm kỳ 1987-1992. Ảnh: Võ Văn Tường

    Các đại biểu chụp hình lưu niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II, nhiệm kỳ 1987-1992. Ảnh: Võ Văn Tường

    Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trở thành sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo nước ta, đã thể hiện trọn vẹn sứ mệnh thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước, đánh dấu bước khởi đầu công cuộc phát triển Giáo hội trong thời kỳ cả nước hòa bình và thống nhất.

    Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hình thành tiếng nói chung của tất cả các tổ chức Giáo hội, tổ chức hội thuộc ba hệ phái lớn Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ của Phật giáo Việt Nam, đó là “Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội” và “Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”.

    Sự thống nhất 9 tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam không chỉ xóa đi khoảng các giữa các hệ phái Phật giáo tại Việt Nam mà còn gắn kết chặt chẽ các hệ phái Phật giáo thành một khối thống nhất đoàn kết hòa hợp, tạo sự liên thông Phật giáo giữa các vùng miền.

    Đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam với phương châm, định hướng: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, giúp cho Phật giáo đồ Việt Nam ý thức trách nhiệm cao cả của mình đối với vận mệnh đất nước trên bước đường đồng hành cùng dân tộc, định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni, Phật tử đóng góp công sức trí tuệ cho sự hưng thịnh của đạo pháp và sự trường tồn của dân tộc.

    Nhân kỷ niệm 39 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xin ghi nhận một số giới hạn của các cuộc thống nhất của Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, qua đó nêu lên sự thành công một cách trọn vẹn trong công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam vào năm 1981.

    Công cuộc thống nhất trọn vẹn, mỹ mãn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

    Công cuộc thống nhất Phật giáo vào năm 1981 diễn ra trong bối cảnh đất nước thống nhất, nên Phật giáo có điều kiện tập hợp đầy đủ các tổ chức hệ phái, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, cụm từ “Phật giáo thống nhất một cách trọn vẹn” trở nên đúng nghĩa, vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tập hợp đầy đủ các tổ chức Giáo hội, tổ chức hội cả ba hệ phái Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, mà trước đây, thời nhà Trần, Phật giáo chỉ thống nhất trong nội bộ thiền phái Trúc Lâm; còn trong năm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam chỉ thống nhất trong nội bộ hệ phái Bắc tông và chỉ có 6 tập đoàn Tăng già và Cư sĩ; còn đối với các cuộc thống nhất khác do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, như việc thành lập Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam vào năm 1958 hay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vào năm 1964, chỉ diễn ra trong phạm vi ở miền Nam và miền Bắc, chứ không thể nói là thống nhất Phật giáo trong cả nước, hơn nữa còn nhiều tổ chức Giáo hội lúc bấy giờ không tham gia.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp đại lễ Phật đản 2019.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp đại lễ Phật đản 2019.

    Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trong điều kiện đất nước hòa bình, kinh tế xã hội phát triển, tình hình an ninh chính trị ổn định, lại được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển trên nhiều phương diện (tổ chức điều hành) và nhiều lĩnh vực (Tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, nghi lễ, văn hóa, Quốc tế, từ thiện xã hội…). Trong khi đó, Phật giáo thời nhà Trần, dù tình hình đất nước thái bình thịnh trị, dù được các vua Trần và triều đình hết lòng ủng hộ, nhưng do bối cảnh xã hội thời phong kiến, lại thêm Giáo hội Trúc Lâm chỉ đóng khung trong nội bộ thiền phái Trúc Lâm, nên không mở rộng tầm hoạt động trên nhiều phương diện như Phật giáo thời nay; còn so với công cuộc thống nhất Phật giáo năm 1951, do bối cảnh xã hội lúc bấy giờ đang trong thời kỳ chiến tranh, chư Tăng và cơ quan Giáo hội bị phân tán thành hai vùng tạm chiếm và vùng giải phóng, do yếu tố không tập trung, cộng thêm tình hình kinh tế văn hóa xã hội thời bấy giờ còn nhiều khó khăn giới hạn, nên không có nhiều điều kiện phát triển như Phật giáo thời nay.

    Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt 39 năm qua, đây là giai đoạn Giáo hội Phật giáo Việt Nam vô cùng ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu của sự phát triển bền vững. Chính sự thống nhất trọn vẹn này đã tạo nên sức mạnh nội lực vô biên cho Phật giáo Việt Nan, mang lại những thành quả to lớn và là nền tảng vững chắc để Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng đến những mục tiêu cao cả, đáp ứng yêu cầu phát triển Giáo hội thời hội nhập, theo chủ đề: “Trí tuệ, Kỷ cương, Hội nhập và Phát triển”.

    Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức và hoạt động, góp phần động viên quần chúng tín đồ Phật giáo thực hiện những giá trị đạo đức, bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Với truyền thống yêu nước, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã tạo điều kiện để Tăng Ni, Phật tử trong nước và ngoài nước hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; vận động quần chúng tín đồ tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nâng cao vị thế của mình trong nước cũng như trên trường quốc tế, được Phật giáo các nước đánh giá cao; thành quả của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự kết tinh, chắt lọc những nỗ lực và tâm huyết của hai ngàn năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc… Với tinh thần nhập thế tích cực, ngày nay trên rất nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang động viên, khuyến khích Tăng Ni, Phật tử tham gia, đặc biệt là việc xã hội hóa công tác giáo dục, y tế và từ thiện xã hội cũng như nhiều hoạt động xã hội khác.

    Đại biểu quốc tế tham dự Đại lễ Vesak 2019 đến từ 120 quốc gia và vùng lãnh thổ chụp ảnh lưu niệm tại chủa Tam chúc, tỉnh Hà Nam.

    Đại biểu quốc tế tham dự Đại lễ Vesak 2019 đến từ 120 quốc gia và vùng lãnh thổ chụp ảnh lưu niệm tại chủa Tam chúc, tỉnh Hà Nam.

    Trong những năm gần đây, trước xu thế hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công nhiều sự kiện Phật giáo quốc tế quan trọng như ba kỳ Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc trong năm 2008, 2014, 2019 và tổ chức cũng như tham gia nhiều hội nghị và sự kiện mang tầm quốc tế, góp phần quảng bá về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam và Phật giáo Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới, đập tan những âm mưu lợi dụng Phật giáo để gây chia rẽ, mất đoàn kết, phá hoại sự nghiệp xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng của nhân dân ta.

    39 năm một chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đem lại nhiều thành quả đáng trân trọng trong nhiều lãnh vực. Lịch sử cũng đã cho chúng ta xác tín rằng, dưới ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tinh thần “Lục hòa vô ngã” với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, thì người con Phật trên đất nước Việt Nam thân yêu sẽ cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung đó ngày càng hưng thịnh và điều đó đã chứng minh một cách thuyết phục với những gì mà Phật giáo Việt Nam đã gặt hái và đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc trong suốt 39 năm qua.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều