Thứ Năm, Tháng Một 2, 2025
Khác
    HomeTuổi Trẻ- Khoá tuPhật giáo với tuổi trẻKhi người trẻ học Phật, chuyển hóa gia đình

    Khi người trẻ học Phật, chuyển hóa gia đình

     “Hồi xưa em giận ba em lắm. Nói đúng hơn là em sợ. Ba nóng tính, hay la má và con cái, nên em không dám gần ba”, Nguyễn Quốc Ý, nhân viên một tổ chức phi chính phủ ở Nông Sơn, Quảng Nam chia sẻ. Tuy vậy, 2-3 năm nay, tình trạng đã khác, Ý vui vẻ nói, đó là nhờ em biết Phật, học Phật và chuyển hóa…

    Chuyển hóa tự thân

    Chuyện của Ý là một trong rất nhiều câu chuyện chuyển hóa bản thân mà những ai có duyên thực tập lời Phật dạy chứng nghiệm được. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê, ngoài Ý, ba mẹ bạn còn có hai người con khác. Ba là công chức tại địa phương, mẹ nội trợ. Ai nhìn vào cũng thấy đó là gia đình kiểu mẫu, đẹp, nhưng với Ý, có những lúc bạn thấy rất buồn vì tính tình nóng nảy của ba. Khi chưa hiểu, chưa có sự thực tập, bạn có trách cứ ba, sợ, và có lúc ghét ba.

    “Em thấy khổ tâm khi đối diện với ba dù em rất thương ba. Em nghĩ ba cũng thương con, yêu gia đình nhưng ba chưa biết cách kiềm chế cơn nóng giận”, Ý bộc bạch.

    - Advertisement -

    Mọi chuyện cứ tiếp diễn cho đến khi tình cờ Ý biết được Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai. Tự nhận là người “cứng đầu”, khó tin vào ai đó, nhưng vì tiếng tăm của vị thầy tâm linh có ảnh hưởng toàn cầu nên Nguyễn Quốc Ý bắt đầu tìm hiểu. Càng tìm càng hiểu, Ý thấy phương pháp thực tập mà Thiền sư hướng dẫn có thể giúp ích cho bản thân, gia đình mình rất nhiều.

    Quốc Ý bắt đầu thực tập. Ban đầu cũng rất khó khăn khi thử lắng nghe nỗi khổ niềm đau của bản thân, của người khác. Nhiều thứ biểu hiện có vẻ vô lý, như một người thương mình sao lại hay nổi nóng, la rầy mình hoài… Nhưng càng lắng, Ý càng nghe được, người ba của mình có nhiều áp lực công việc, từng lớn lên trong hoàn cảnh có nhiều nỗi khổ nên muốn rèn con theo kiểu tạo áp lực.

    Bằng cách kết nối với nhóm những anh chị cùng chung pháp môn ở Đà Nẵng, Ý trở thành thành viên tích cực. Mỗi tuần, mỗi tháng bạn đều dành thời gian lặn lội 60km từ Nông Sơn ra Đà Nẵng để sinh hoạt. Sự thực tập thiền hành, thiền tọa, chánh niệm trong đời sống, giao tế, công việc, các mối quan hệ xung quanh… dần được Ý trải nghiệm. Đến lúc đủ duyên, năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, bạn cùng các anh chị sang Thái Lan dự một khóa tu do Làng Mai tổ chức. Trở về quê nhà, Ý cho biết, đã tập ứng xử với ba má, các em, tập làm việc có ý thức, chánh niệm và chế tác tình thương nhiều hơn. Những thay đổi từ bản thân Ý là rõ ràng nhất, bạn đã bớt lo lắng, bớt bất mãn, dần không còn thấy buồn ba mà trở nên thương ba nhiều hơn. “Ba dễ nổi nóng là ba còn khổ, mình phải giúp ba”, Quốc Ý nói. Từ đó, bạn nói chuyện, lắng nghe ba mình nhiều hơn.

    Ngoài cải thiện mối quan hệ gia đình, đặc biệt Quốc Ý còn “thắng” được nỗi sợ và mặc cảm về dị tật mắt phải của mình. “Đôi mắt không lành lặn từng khiến em thiếu tự tin, sợ hãi khi ai đó biết. Giờ thì em đã chấp nhận. ‘Ta có là ta thì ta mới đẹp’” – Ý tâm đắc nhắc lại thiền ngữ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Sự bình an nội tại, nụ cười vô ưu của Quốc Ý đã khiến bạn cảm nhận sự tươi mát, ai thấy cũng yên tâm.

    Khi người trẻ học Phật, chuyển hóa gia đình ảnh 1

    Quốc Ý (bìa phải) trong niềm vui kết nối với những vị thầy, anh chị cùngthực tập chuyển hóa

    Phật hóa gia đình

    Do ảnh hưởng của đại dịch, Ý lỡ hẹn với hai kỳ khóa tu với Tăng thân. Đó là hai lần Ý đã đặt vé đưa ba mẹ mình tham gia khóa tu ở Làng Mai (Thái Lan) dịp Tết 2020 và khóa tu ở chùa Từ Đức (Khánh Hòa) đầu xuân Tân Sửu này. Tuy nhiên, Ý không cảm thấy buồn vì hiểu “chưa đủ duyên”. Không sao, “em sẽ luôn giữ sự thực tập tinh tấn để ba má cảm nhận con đường học Phật, thực tập giúp mình chuyển hóa tích cực”, Ý chia sẻ.

    Từ chỗ không tin Phật, phụ huynh của Ý đã dần tin, hiểu. Tết rồi, sau khi căn nhà được sửa lại, ba mẹ bạn đã đồng ý thờ Phật; Ý cũng được có một góc an, là khu uống trà nhẹ nhàng gần phòng khách.

    Ở đó có một bàn trà xinh xinh, một ít sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và những tác giả khác mà bạn yêu thích. Chiếc chuông nhỏ được Nguyễn Quốc Ý thỉnh về dành để thực tập nghe chuông cũng được đặt ở đó. Bạn bè đến thăm nhà, ai cũng xuýt xoa với không gian tĩnh lặng, dù nhỏ, mà Ý dành cho mình, cho căn nhà đang ấm áp nhiều lên. “Từ nay đến nhà bạn Ý đã có một chỗ check-in thú vị rồi”, Vân Kiều và Duy Hoàng, hai người bạn của Ý vui vẻ nói.

    Riêng ba mẹ Ý, họ cũng tập nấu chay và ăn chay theo con. Họ thấy lòng hoan hỷ vì những chuyển hóa của con, tập sống buông xả những bất như ý thông qua quán chiếu nhân duyên; tập làm mới mình để trở nên nhẹ nhàng an-ổn hơn vì nghĩ đến vô thường. Không thương nhau lúc này, ngay bây giờ và ở đây, thì đợi khi nào mới thương nhau nữa? Và thương nhau, theo Nguyễn Quốc Ý chính là có thể chuyển hóa chính mình an vui hơn, từ đó giúp người thân của mình cùng chuyển hóa. Tâm niệm đó đã được bạn thực hiện, còn tiếp tục mỗi ngày, những mong và tin rằng, những yêu thương sẽ được tưới tắm bằng sự kiên trì, vững chãi…

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều