Đức Phật nhấn mạnh rằng, giống như người chồng, người vợ cũng phải giữ lòng thủy chung. Thực hiện nguyên tắc này có nghĩa là tránh những mối liên hệ ngoài hôn nhân, để làm tốt hơn mối quan hệ giữa hai vợ chồng.
Thể hiện sự yêu quý, kính trọng chồng
Điều thứ nhất, người vợ luôn luôn thể hiện sự yêu quý, kính trọng đối với chồng, thường niềm nở, tươi tắn đón chờ chồng khi chồng đi xa về.
Khi các con yêu nhau, anh mới đến từ xa mình đã nở nụ cười thật tươi. Nhưng sau khi cưới rồi, thấy chồng về là không cười nữa mà nhăn nhó, càu nhàu “ Sao hôm nay anh về muộn thế? Sao giờ này anh mới về? Anh lại đi với cô nào rồi phải không?,…” Từ nụ cười biến thành cái nhăn nhó. Ngày nào mình cũng như thế thì chồng sẽ chán, không muốn về nhà. Thật tế, Thầy đã chứng kiến có nhiều các chú nam giới đến thưa Thầy rằng “Con cứ tan giờ ở cơ quan về nhà đến ngõ con không muốn vào nhà nữa.” Vì cô vợ suốt ngày nhăn nhó, cau có. Điều đó tạo ra sự bức xúc, biến ngôi nhà không còn là một tổ ấm yên bình nữa. Vậy nên làm vợ phải nhớ cười thật tươi mà đón chồng, “Một nụ cười là mười thang thuốc bổ” mà. Hơn nữa, vợ còn là bông hoa trong nhà, chẳng tội gì mình làm hoa héo, hãy cứ tươi lên. Đây cũng là sự tương kính của hai vợ chồng để góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình.
Biết chu toàn việc nội trợ trong nhà
Điều thứ hai, vợ phải biết chu toàn việc nội trợ trong nhà.
Đấy là thiên chức của người phụ nữ, cũng giống như việc sinh nở là người nữ phải mang, đàn ông không phải mang việc sinh nở. Người phụ nữ thường là tay hòm chìa khóa nội trợ ở trong nhà, nấu cơm, nấu canh để cơm dẻo canh ngọt chồng về ăn. Thầy khuyên các con nên duy trì bữa cơm gia đình, đừng bao giờ bỏ, ít nhất một ngày phải có một bữa cơm mà vợ chồng, con cái ăn cơm với nhau. Còn nếu cứ suốt ngày ra ăn cơm quán, cơm hàng thì sẽ không có hạnh phúc gia đình đâu. Bữa cơm gia đình rất quý! Dù thời đại công nghiệp hiện đại, các con cũng đừng bỏ bữa cơm gia đình. Thầy thấy nhiều gia đình cứ đi làm về là rủ nhau ra tiệm ăn. Ngày nào cũng thế sẽ khiến mất đi không khí hạnh phúc gia đình.
Khi được chồng giao tài sản cho vợ cất giữ thì vợ cũng không được giữ tài sản riêng tư
Chồng đã tin tưởng giao tài sản cho mình, thì mình cũng một lòng tin tưởng chồng. Khi không có gì riêng tư như vậy, thì hai vợ chồng mới là một.
Biết lắng nghe
Khi chồng dạy là phải biết lắng nghe, không được hờn trách và tỏ vẻ bất bình.
Trong gia đình, thường người chồng đóng vai trò như người cha, người anh. Cho nên người chồng thường hay giáo dưỡng cho vợ. Đấy là lẽ thường. Khi chồng nói, chồng dạy, vợ phải lắng nghe, không nên thể hiện sự bất bình hay là đôi co ngay. Chồng nói phải có người nghe, gọi là “trong nhà chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng nghe”. Như thế thì gia đình rất hạnh phúc. Nhất là khi mà chồng đang bức xúc, bực lên thì mình phải nhịn. Vợ chồng trao nhẫn cho nhau. Cái nhẫn đấy là tu đức nhẫn nhục, nhẫn nhịn của cả vợ và chồng. Các cụ ngày xưa dạy: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa đời nào cơm khê.” Hai vợ chồng phải nhớ như thế thì gia đình mới êm ấm được. Trong nhà hai người đều có nhẫn nhịn nhau, chữ “nhẫn” ấy đáng giá nghìn vàng. Nó không phải là cái vàng bạc châu báu mà cái vàng ấy là “vàng của hạnh phúc”. Nhẫn được thì sẽ có “hạnh phúc vàng”.
Chung thủy với chồng
Điều thứ năm, người vợ phải nhớ trọn lòng chung thủy với chồng, không bao giờ có ý ngoại tình với ai dù là trong tư tưởng.
Bây giờ con đã chọn anh ấy là người chồng, là người đi suốt cuộc đời với mình rồi, thì con chỉ có một lòng chung thủy mà thôi. Nhớ câu các cụ dạy: “Chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người.” Ngày xưa, người phụ nữ thường một lòng như thế nên gia đình được hạnh phúc. Người vợ mà yêu chồng như thế thì chẳng bao giờ gia đình xảy ra to tiếng cả, hạnh phúc gia đình chắc chắn là sẽ vững bền.