Muốn yêu thương phải hiểu, từ bi gắn liền với trí tuệ, không hiểu không thể yêu thương sâu sắc và đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình yêu thương hay nền tảng của từ bi hỉ xả. Mỗi người có những nỗi niềm, khổ đau và bức xúc riêng.
Chúng ta có thể giúp người khác an vui qua thân khẩu ý của mình. Suy nghĩ được biểu lộ ở lời nói và hành động có thể làm vơi nỗi buồn và tăng hạnh phúc cho người khác. Cách học thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho họ. Thấu hiểu hay thông cảm là tên gọi khác của yêu thương. Nếu chúng ta không thấu hiểu thì làm sao chúng ta có thể yêu thương. Cho nên, hiểu và thương là hai yếu tố tâm linh cần thiết và có liên đới nhau. Hiểu biết là trí sáng và thương yêu là lòng từ. Trong kinh Phật có câu: “Bi trí đầy đủ gọi là Phật” nghĩa là ai có đủ hai cội nguồn của tình thương và trí tuệ, vị đó là bậc thánh thiện siêu xuất thế gian dù đang sống giữa thế giới này.
Ở ngoài xã hội cũng vậy, chúng ta không sống một mình tự lực hết mọi mặt mà phải sống liên đới kết hợp với người khác trong một gia đình hay một tập thể. Mỗi người mỗi tánh, “trăm người ngàn ý” nên phải hiểu (có trí tuệ) vàphải quan tâm (lòng từ) lẫn nhau thì mới nhẫn chịu và thương nhau. Không hiểu không thương thì gia đình, xã hộivà đất nước càng gây khó chịu, đau khổ, não loạn hay chiến tranh lẫn nhau mà thôi.
Sư ông Nhất Hạnh dạy rằng: Thức dậy vào mỗi buổi sáng, ngay khi mới thức dậy, bạn có thể mỉm cười liền lập tức, nụ cười này mang tính giác ngộ; bạn ý thức là một ngày mới được bắt đầu và hăm bốn giờ tinh khôi là món quà mà sự sống đang hiến tặng cho bạn, hãy cùng yêu thương nhau. Đó là tặng phẩm quý giá nhất:
Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Mỗi sáng thức dậy, chúng ta mỉm cười. Hai mươi bốn giờ mới mẻ đang ở trước mắt, chúng ta nguyện sống trọn cho từng giây phút và xem xét mọi thứ bằng ánh mắt hiểu và thương. Chúng ta hứa với lòng mình rằng sẽ vui sống với từng phút giây mà đời ban cho mình. Nếu chúng ta bình an và đầy tình thương thì chúng ta sẽ hạnh phúc, sẽ mỉm cười và mọi người trong gia đình, chùa chiền, công sở và xã hội có thể hưởng niềm vui chính từ sự bình an và tràn trề tình thương của chúng ta.
Cội nguồn của tình yêu nằm sâu trong sự thấu hiểu của mỗi chúng ta, chúng ta có thể giúp người khác hạnh phúc. Một lời nói, một hành động, một suy nghĩ cũng đóng vai trò cần thiết trong việc làm vơi nỗi buồn và tăng hạnh phúc cho người khác.
Chuyện có một thanh niên nọ rất đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu, tốt nghiệp trường đại học nổi tiếng, lấy một cô gái bình thường, không cao, không trắng trẻo xinh đẹp, trong khi biết bao cô gái giàu có, trí thức, trẻ trung tươi như hoa theo đuổi yêu thương chàng. Mẹ hỏi vì sao? Chàng trả lời rằng, vì mỗi lần chàng làm thơ và đọc cho nghe thì cô gái nọ chăm chú lắng nghe, nhận xét sâu sắc thấu hiểu tâm tư của chàng, hai tâm hồn như giao nhau, hiểu nhau. Như vậy, chàng chọn vợ không phải vì sắc đẹp bề ngoài mà bởi sự lắng nghe và thấu hiểu bên trong lẫn nhau.
Do vậy, Đức Phật dạy “có hiểu mới có thương”, tình yêu phải xây dựng từ sự hiểu biết, giống như từ bi phải gắn liền với trí tuệ. Nếu chúng ta không thể nhìn rõ hoàn cảnh thì chẳng thể yêu thương. Đôi khi niềm vui mang tới nụ cười, nhưng cũng đôi khi chính nụ cười mang tới niềm vui.
Do đó, đạo Phật dạy “Có hiểu mới có thương, tình yêu phải làm bằng sự hiểu biết.” Vì vậy, muốn yêu thương phải hiểu, từ bi gắn liền với trí tuệ, không hiểu không thể yêu thương sâu sắc và đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình yêu thương hay nền tảng của từ bi hỉ xả. Mỗi người có những nỗi niềm, khổ đau và bức xúc riêng. Nếu không hiểu sẽ không thương thì sẽ có giận hờn trách móc. Không hiểu, không thương, chúng ta sẽ làm cho người khác ngột ngạt, khổ đau và nhiều khi phải chịu đựng đến suốt đời. Được hiểu, được thương vốn là một nghệ thuật sống muôn đời của chúng ta.