Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 22, 2024
Khác
    HomePhật HọcKinh- luật- luậnÝ nghĩa chữ Kinh trong Phật giáo

    Ý nghĩa chữ Kinh trong Phật giáo

    Chữ Kinh trong Phật giáo được dùng để chỉ cho lời Phật dạy dưới hình thức văn tự hay truyền khẩu, có giá trị hướng thượng, phát triển đạo đức, nuôi lớn thiền định, phát sanh trí tuệ, giúp cho người đọc tụng đạt được an lạc và hạnh phúc.

    Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử Ngài, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, về sau mới được ghi chép lại thành dạng văn bản, gọi là Kinh.

    Các nhà Phật học truyền thống Trung Quốc giải thích rằng Kinh là “khế hợp.” Khế ở đây bao gồm hai phạm trù khế lý và khế cơ. Khế lý là nội dung ý nghĩa của những lời giảng dạy phải được đặt trên nền tảng Trung đạo, không thiên lệch vào sự chấp mắc nào. Khế cơ là sự thể hợp với từng căn cơ đối tượng. Khế lý và khế cơ có giá trị xuyên suốt thời gian và không gian. Theo nghĩa này, Kinh là chân lý siêu tuyệt của các chân lý mặc ước và công ước.

    Tác giả của Luận Phật Địa còn đi xa hơn, khi giải thích: “Khế là phù hợp với tinh thần giáo lý mầu nhiệm của các đức Phật trong ba thời, đồng thời còn đáp ứng một cách sát sao với sự lãnh hội của đương cơ tiếp nhận giáo pháp ấy.” Theo đó, sự khế lý mà thiếu khế cơ hay khế cơ mà không khế lý thì chẳng được gọi là Kinh.

    “Kinh” là một khái niệm bao quát, chỉ chung các lời dạy của Phật về đạo đức hay con đường tu tập và những phép tắc liên hệ đến đời sống của cộng đồng tu sĩ sống dưới sự bảo hộ và hướng dẫn của Phật.

    “Kinh” là một khái niệm bao quát, chỉ chung các lời dạy của Phật về đạo đức hay con đường tu tập và những phép tắc liên hệ đến đời sống của cộng đồng tu sĩ sống dưới sự bảo hộ và hướng dẫn của Phật.

    - Advertisement -

    Các nhà chú sớ Kinh điển của Trung Quốc không dừng lại tại đó, còn đi sâu vào việc khai thác sự đa dạng về ý nghĩa của Kinh. Theo các nhà sớ giải, Kinh gồm có năm nghĩa: (1) pháp bổn, (2) vi phát hay xuất sanh, (3) tuyền dũng, (4) thằng mặc, (5) kết man, (6) hiển thị. Các cách định nghĩa chữ Kinh như vừa nêu tuy có phần phong phú, đa dạng, nhưng đã đi quá ý nghĩa từ nguyên của chữ Kinh trong Phật giáo, thời kỳ nguyên thủy.

    Trong đạo Phật, ý nghĩa chữ Kinh ban đầu rất đơn giản. Kinh, tiếng Sanskrit viết là sūtra, và tiếng Pali viết là sutta, chỉ có nghĩa chính là những lời giảng dạy của đức Phật về đạo đức, chân lý và giải thoát. Nó liên hệ đến sự nghe, nghe những lời dạy của đức Phật. Nói cách khác, Kinh là những lời dạy của Phật hay của các vị Bồ-tát, A-la-hán. Trong ý nghĩa rộng hơn, chữ Kinh còn ám chỉ cho (1) các thể loại văn học Phật giáo, hay (2) Tạng Kinh (Sutta Piṭaka), hay chỉ chung cho (3) Ba kho tàng văn học Phật giáo (Kinh, Luật, Luận). Kinh là sách ghi chép những lời dạy về chánh pháp, những phương thức hành trì hay các pháp môn được đức Phật và các vị thánh đệ tử của ngài giảng dạy.

    Các vị thánh đệ tử đầu tiên của đức Phật là nhóm năm anh em Kiều-trần-như, mười vị đệ tử lớn và 1250 vị tỳ-kheo đều có nhiều cuộc đối đáp về đạo lý và con đường tu tập với các người theo Bà-la-môn giáo và các tôn giáo bấy giờ. Các pháp thoại mang tính cách xiển dương và truyền bá đạo pháp như vậy, có giá trị tương đương với lời Phật dạy trong nhiều trường hợp cụ thể. Nên các pháp thoại đó cũng được xem là kinh, tức một dạng khác của lời Phật dạy. Các bài Kinh loại này có mặt khắp trong các Kinh điển Phật giáo của Nguyên Thuỷ và Đại thừa.

    Chữ Kinh trong Phật giáo được dùng để chỉ cho lời Phật dạy dưới hình thức văn tự hay truyền khẩu

    Chữ Kinh trong Phật giáo được dùng để chỉ cho lời Phật dạy dưới hình thức văn tự hay truyền khẩu

    Như vậy, “Kinh” chỉ chung cho các lời dạy đạo lý hoặc là các pháp thoại do đức Phật nói cho các hàng đệ tử hoặc người khác, hoặc các pháp thoại của các vị thánh tăng đối đáp với nhau hay đối với người ngoại đạo. Ý nghĩa ban đầu của Kinh chỉ đơn giản có thế, dù dưới dạng truyền khẩu hay được biên tập thành văn bản về sau.

    Mặt khác, “Kinh” là một khái niệm bao quát, chỉ chung các lời dạy của Phật về đạo đức (dhamma) hay con đường tu tập và những phép tắc (vinaya) liên hệ đến đời sống của cộng đồng tu sĩ sống dưới sự bảo hộ và hướng dẫn của Phật. Nó hoàn toàn không mang các ý nghĩa như “pháp bổn,” “vi phát,” “dũng tuyền,” “kết man,” “xuất sanh,” ” hiển thị ” hay ý nghĩa “khế cơ” như các nhà sớ giải Trung Quốc đã phát triển về sau. Nói như vậy không có nghĩa phủ định tính chất khế cơ trong lời Phật dạy. Chỉ có con người ứng dụng kinh, giảng dạy Kinh có khế cơ hay không mà thôi. Nói cách khác tính khế cơ tùy thuộc rất nhiều vào vị pháp sư qua sự trình bày pháp thoại đến với quần chúng thính giả hơn là bản thân của pháp thoại đó được biểu hiện dưới hình thức lời nói hay văn tự.

    Văn tự hay ngôn ngữ có giới hạn, không thể làm chức năng xứng hợp như chính con người của đức Phật và các vị đệ tử thánh của Ngài. Ý nghĩa thâm sâu của Kinh nếu không được vị pháp sư trình bày một cách sáng sủa, chính xác và hợp đối tượng thì người nghe có thể rơi vào các tình trạng ngộ nhận, thoái thất đạo tâm và như vậy là mất hết khế cơ. Đặc tính khế cơ tùy thuộc rất nhiều vào người giảng đạo và người nghe. Thuyết giảng pháp thoại mà không nắm bắt được đối tượng nghe pháp sẽ có thể dẫn đến tình trạng làm suy thoái đức tin chánh pháp của người nghe. Ngược lại thuyết pháp phù hợp đối tượng, làm cho đối tượng thấm nhuần lợi ích và an lạc thì sự thuyết pháp đó đã thành tựu ý nghĩa khế cơ rồi. Như vậy lợi ích hay tác hại của một buổi pháp thoại đối với người nghe tùy thuộc rất nhiều vào phương tiện giảng dạy và phong cách trình bày của vị pháp sư, chứ không phải là bản thân của Kinh điển văn tự.

    “Kinh” chỉ chung cho các lời dạy đạo lý hoặc là các pháp thoại do đức Phật nói cho các hàng đệ tử hoặc người khác, hoặc các pháp thoại của các vị thánh tăng đối đáp với nhau hay đối với người ngoại đạo.

    Nói tóm lại, chữ Kinh trong Phật giáo được dùng để chỉ cho lời Phật dạy dưới hình thức văn tự hay truyền khẩu, có giá trị hướng thượng, phát triển đạo đức, nuôi lớn thiền định, phát sanh trí tuệ, giúp cho người đọc tụng đạt được an lạc và hạnh phúc. Kinh điển là ngón tay để chỉ cho chúng sanh thấy được mặt trăng, là chiếc bè để đưa người sang sông giải thoát. Bản thân Kinh điển không phải là mặt trăng và cũng không phải là bờ giải thoát. Mặt trăng ở đây ám chỉ cho chân tâm, Phật tánh và Niết-bàn. Người đọc tụng và thọ trì cần nương vào lời Kinh để nhận ra được chân tâm, Phật tánh của mình, cũng như nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng và nương vào thuyền để sang được bờ bên kia. Sau khi thấy được trăng cần phải biết quên ngón tay. Sau khi qua được bờ rồi, nên thả thuyền xuống sông để nó có thể giúp được nhiều người khác muốn sang sông. Đừng có thái độ chấp thủ và tôn thờ ngón tay đã giúp ta thấy được mặt trăng, cũng như chiếc bè đã giúp ta qua được bờ bên kia!

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều