Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànBạn đọc- Góc nhìn"Vượt cạn"- một cách dùng từ nhân văn của người Việt

    “Vượt cạn”- một cách dùng từ nhân văn của người Việt

    “Vượt cạn”-là từ mà các cụ ta dùng cho người phụ nữ khi sinh nở. Vậy, xuất phát từ đâu mà các cụ ta ngàn đời nay dùng cái từ này “đắt” đến vậy?
    Hãy hình dung, trên một cánh đồng mùa đại hạn. Ruộng đồng khô cạn, đất đai nứt nẻ. Thảng hoặc, đâu đó có một vài vũng nước nho nhỏ- dấu vết của chân trâu- là đang còn tí nước.
    Cá chết phơi đầy đồng vì không còn nước. Duy nhất, chỉ còn vài vết chân trâu nước đọng lại là nơi còn một vài chú cá đang sống ngắc ngoải – và sẽ chết bất kỳ lúc nào. Bởi nước càng ngày càng bốc hơi vì sức nóng của mùa đại hạn. Theo bản năng sinh vật– những chú cá còn sót lại ở những vũng chân trâu đang còn bùn và nước, nếu đang còn mát– thì yên tâm trú ẩn đến cùng…
    Nếu sức nóng chịu không nổi– thì những chú kia này sẽ sử dụng tí sức tàn lực kiệt để dùng toàn bộ vi, vẩy, mang… nhích lên từng tí một ra khỏi vũng bùn chân trâu nóng bỏng…
    Nếu may mắn gần đó vũng chân trâu nào còn nước, chú cá này sẽ có cơ may tồn tại thêm…qua ngày!
    Nếu ‘đại may mắn’ –trời bỗng nhiên đổ mưa– thì những chú cá hiếm hoi của cánh đồng này sẽ được sống tiếp.
    Ngày xưa, khoa học chưa phát triển– khi người phụ nữ sinh đẻ- sự sống với cái chết trong gang tấc. Rủi ro đến mức đã từng có câu thành ngữ “Cứu giỏ bỏ cá – Cứu cá bỏ giỏ”! (cứu mẹ bỏ con– cứu con mất mẹ). Có khi không vượt qua được- thì cả sản phụ lẫn thai nhi đều chết trong vô vọng và đau đớn…
    Như vậy, việc các cụ ta ví người mẹ khi đẻ con như con cá vượt cạn trong mùa đại hạn đã nói trên…Quả là một sự ví von, đối chứng một cách sát thực và cụ thể như đã diễn ra trong cuộc đấu tranh sinh tồn trong tự nhiên.
    Sinh đẻ được gọi là ‘vượt cạn’. Có một ý nghĩa hết sức thiêng liêng, nhân văn và cao cả. Thuật ngữ này giáo dục cho mọi thế hệ hãy biết ơn Mẹ–đấng sinh thành, nuôi dưỡng, bảo bọc, cưu mang–thậm chí đánh đổi cả mạng sống để cho con mình tồn tại trên cõi đời…
    Ngày nay, khoa học đã phát triển. Rủi ro trong sinh nở tuy đã được hạn chế đến mức tối đa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp thương tâm xảy ra.
    Mỗi khi nhắc đến 2 từ “sinh đẻ”, “sinh nở” hoặc vượt cạn, chúng ta hãy biết đau nỗi đau của Mẹ. Hãy chia sẻ và tri ân sự hy sinh cao cả của tất cả các bà Mẹ trên thế gian này!
    Đức Phật dạy :
    ” Hiếu với Mẹ Cha tức là kính Phật .”
    Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo thờ cha mẹ. Khéo phụng thờ Cha mẹ như phụng thờ Phật vậy 
    (Kinh Đại Tập)
     
     Đức Phật dạy ân đức cha mẹ có 10 điều :
    a.Ân giữ gìn mang thai trong 9 tháng .
    b.Ân sinh sản khổ sở
    c.Ân sinh rồi quên lo
    d.Ân nuốt đắng nhổ ngọt
    e.Ân nhường khô nằm ướt
    g.Ân bú mớm nuôi nấng
    h.Ân tắm rửa chăm sóc
    i.Ân xa cách thương nhớ
    k.Ân vì con làm ác
    l.Ân thương mến trọn đời .
     (Kinh Báo Ân Cha Mẹ)
     
    “Vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, cắt da đến xương, nghiền xương thấu tuỷ, máu đổ thịt rơi cũng không đáp được công ơn cha mẹ.
    Giả như có ai gặp lúc đói khátphá hoại thân thểcung phụng cha mẹ cũng không đáp được công ơn cha mẹ . Vì cha mẹ mà trăm kiếp nghìn đời, đâm tròng con mắt, cắt hết tâm can, trăm nghìn dao sắc xuất nhập toàn thân cũng không trả nổi công ơn cha mẹ.
    Dù vì cha mẹ, đốt thân làm đèn cúng dường chư Phật cũng không đáp được công ơn cha mẹ.
     (Kinh Báo Ân Cha Mẹ).
     
    “Vui thay hiếu kính mẹ
    Vui thay hiếu kính cha
    Vui thay kính Sa môn
    Kính bậc thánh vui thay”
    (Kinh Pháp Cú)
    “Mẹ hiền còn sống là mặt trời giữa trưa chói sáng
    Mẹ hiền khuất bóng là mặt trời đã lặn
    Mẹ hiền còn sống là mặt trăng sáng tỏ
    Mẹ hiền khuất rồi là đêm tối âm u.” 
    (Kinh Tâm Địa Quán)
     
    Xin dành những dòng này cho tất cả những người mẹ trên khắp thế gian này. Đó cũng là cách thực hành kinh điển giáo dục đạo đức của bậc giác ngộ Như Lai vậy. Mong lắm thay!
     
      8/3/2020
    Luật gia Trần Thúc Hoàng
    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều