Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác
    HomeDu Lịch- Hành HươngVùng đất thiền định của các vị chân tu

    Vùng đất thiền định của các vị chân tu

    Làng Daba nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Hoàng Bảo

    Lữ khách đã có duyên được đặt chân đến Kham – vùng đất thiền định của các vị chân tu để kể một câu chuyện đầy xúc động về nó

    Kham trước đây là một vùng đất rộng lớn bao gồm cả phía Đông ngày nay của khu tự trị Tây Tạng, cũng như các khu vực lân cận sinh sống của người Tạng ở tỉnh Thanh Hải, Tứ Xuyên và một phần phía Bắc của tỉnh Vân Nam. Tín ngưỡng, tôn giáo hay cuộc sống nơi đây luôn chất chứa nhiều tâm tưởng xa xưa và đó là căn nguyên để vùng đất này tồn tại nguyên bản giữa nhiều biến chuyển của một thế giới đang dần thay đổi. Tôi gọi đây là vùng đất của những vị chân tu vì chúng luôn ẩn chứa vô vàn những chuyện huyền bí, tâm linh gây tò mò cho khách lữ hành.

    Cuộc sống miên trường theo những vòng kinh chuyển luân

    - Advertisement -

    Tôi xuất phát từ Thành Đô để bắt đầu hành trình đến Kham, chủ yếu trên địa phận của tỉnh Tứ Xuyên, qua ngôi làng Đan Ba, huyện Cam Tư, học viện dành cho nữ tu Yarchen Gar để cuối cùng dừng chân ở xưởng kinh Phật cổ nhất thế giới ở Đức Cách.
    Bác tài xế bảo rằng, khu vực Kham giờ đây có cơ sở hạ tầng phát triển rất nhiều so với khoảng 10 năm trước.

    Đường sá không còn ngăn cách bởi những dãy núi tuyết, những con sông nước chảy cuồn cuộn men theo những vách đá cao ngất ngưởng. Đường vẫn còn len lỏi qua núi nhưng rộng hơn nhiều, những chiếc cầu 4 làn xe bắc qua những rãnh núi giờ không còn hiếm, thậm chí có cả hầm dài hàng chục cây số khoét sâu vào những quả núi khổng lồ.

    Vung dat thien dinh cua cac vi chan tu

    Người Tạng hành hương đến Yarchen Gar

    Để đến Đức Cách, du khách thường phải đến huyện Cam Tư để từ đó rẽ ra 2 nhánh, một xuôi xuống khu vực Yarchen Gar, một hướng lên phía Tây Bắc để đến Đức Cách, một trong những khu vực từng bị ngăn sông cấm chợ với những người mộ đạo hành hương vì đường đi quá hiểm trở, cheo leo. Bác tài bảo rằng nếu tôi đi vào mùa xuân, các thung lũng nở đầy hoa đào bên những con suối róc rách từ những đỉnh tuyết sơn đã bắt đầu tan băng. Bò yak nơi đây được nuôi nhiều vô số kể nhằm cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong nước lẫn nước ngoài.

    Người Tạng vùng Kham bây giờ khấm khá bởi những đàn bò lên đến hàng trăm con béo tốt bên những cánh đồng cỏ bao la không thua gì thảo nguyên Mông Cổ. Đời sống khấm khá, những ngôi làng Tạng khang trang hơn và tất nhiên lòng hướng về Phật pháp cũng dễ dàng hơn. Tôi bắt đầu thấy những ngôi chùa Tạng bề thế ở những thị trấn nhỏ ven đường, thậm chí còn có những ngôi chùa được xây cất cheo leo trên lưng chừng núi.

    Tôi đến Đan Ba một buổi chiều muộn, khi phố núi bắt đầu lên đèn. Thị trấn tuy nhỏ nhưng góc phố trung tâm đã xuất hiện những ngôi nhà cao tầng được xây dựng theo phong cách của người Tạng. Đèn điện nhiều màu giờ đây không còn đặc trưng riêng của những thành phố lớn ở Trung Quốc nữa mà còn nhấp nháy ở những phố núi như Đan Ba. Tôi quyết định rời xa khu đô thị để tìm đến ngôi làng Tạng Đan Ba được mệnh danh đẹp nhất Trung Quốc nhờ sự pha trộn giữa đồng ruộng yên ả và bản làng dân tộc Tạng tươi đẹp bên những dãy núi cao.

    Xe bắt đầu lên núi ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển, qua những con đường quanh co khúc khuỷu để rồi dừng lại ở một ngôi nhà Tạng mà tài xế bảo họ có thể đón những lữ khách nước ngoài. Trời đầu đông bắt đầu chuyển rét, những ngọn đèn hắt ra chiếu lên chuỗi ngô ánh vàng treo trước hiên nhà. Một bếp than hồng được đốt lên giữa sân mà theo lời tài xế, đêm nay tôi sẽ được thưởng thức món gà nướng cùng với đặc sản bò yak xông khói mà gia chủ đã gác bếp cả năm qua. Họ là đôi vợ chồng trẻ đã ở đây từ rất lâu. Ngoài việc chăn thả gia súc như những gia đình khác, họ còn làm thêm du lịch. Hai vợ chồng luống cuống chuẩn bị bữa ăn trong bếp trong những tiếng kinh Tạng vang lên đâu đó ở một góc làng.

    Thế giới của những vị chân tu ở Yarchen Gar

    Tôi chạm ngõ Yarchen Gar lần này một phần muốn tường lãm một trong những khu vực tâm linh của người Tạng sống ở Kham. Tọa lạc trong một thung lũng cô lập nằm ở độ cao hơn 4.000m so với mực nước biển, Yarchen Gar là một thế giới tu tập dành riêng cho phái Nyingma, được xây dựng vào năm 1985.

    Hiện nay, tu viện này có hơn 10.000 thành viên tăng đoàn, là nơi tập trung lớn nhất của chư tăng, chư ni trên thế giới về đây hành hương, tu tập và cầu nguyện. Vì là nam giới, tôi không được phép vào sâu khu vực bên trong, nơi sinh sống của các chư ni nên chỉ loanh quanh với chiếc máy ảnh để khắc họa nên cuộc sống của các vị chư tăng nơi này. Một thế giới tâm linh vĩnh hằng dường như chỉ dành riêng cho họ dần được hiện lên.

    Vung dat thien dinh cua cac vi chan tu

    Một ngôi chùa Tạng ở khu vực Tứ Cô Nương thuộc vùng Kham

    Yarchen Gar có rất nhiều tu viện để các tăng ni cầu nguyện. Họ đến từ những thị trấn trong khu vực Kham, Amdo hay từ khu vực Tây Tạng. Trước khi nhập thiền, các tăng ni thực hiện hành động khấu đầu. Họ giơ tay lên cao 3 lần để cầu nguyện, bước 2 bước và sau đó cúi đầu, trán chạm vào mặt đất. Họ sẽ làm như vậy trên quãng đường dài hơn 1km trước khi đến Yarchen Gar.

    Họ thực hiện việc đi vòng quanh kinh chuyển luân vừa cầu nguyện vừa xoay bánh xe mani vừa tụng chân ngôn Om Ma Ni Pad Me Hum, nhằm ca tụng chư Phật trước khi bước vào bên trong khu học viện nằm dưới một thung lũng rộng lớn. Mùa đông cũng là mùa hành hương khi hằng ngày có đến hàng trăm lượt người từ những nơi khác về đây tu tập. Họ đến đây ngồi thiền, đọc kinh, lĩnh hội những tư tưởng Phật pháp có khi đến mùa xuân năm sau.

    Tôi đã theo gót người phụ nữ Tạng leo lên ngọn đồi cao, sau khi bà đi vòng quanh tu viện và xoay kinh luân 3 vòng lớn. Bà lên ngọn đồi tiếp tục đọc kinh cầu nguyện, nơi ngự trị bức tượng vàng cao lớn của Padmasambhava, còn được biết đến với tên gọi Guru Rinpoche, một đại sư Phật giáo Ấn Độ. Ngoài Larung Gar thì nơi đây là điểm hành hương lớn thứ 2 của người Tạng ở khu vực Kham này. Tôi tần ngần trước một đại cảnh của Yarchen Gar rộng lớn được ôm trọn bởi con sông Kim Sa được khơi dòng từ những ngọn núi tuyết bao quanh.

    Trên sườn đồi dẫn xuống thung lũng là hàng trăm túp lều nhỏ là nơi thiền định của các vị chư ni trong quá trình tu tập. Bên dưới thung lũng là hàng ngàn ngôi nhà lô nhô được xây dựng bằng cách chắp vá từ các tấm ván, kim loại mỏng hay đơn giản là đất sét với việc sử dụng thường xuyên các tấm bạt che bằng nhựa dùng làm mái nhà hoặc tường. Những làn gió nhẹ thường thổi qua những kẽ hở. Phụ thuộc vào việc có gió hay không, không khí có thể bị nặng mùi nước cống không có lối thoát. Những ngôi nhà nhỏ bé là cả một thế giới tu tập, ngủ nghỉ của những tăng ni.

    Suolang Cuomu, một sư cô rất trẻ, nói với tôi rằng: “Đây là thế giới riêng của chúng tôi. Ngoài núi tuyết, gió lạnh thì nơi đây chỉ hiện diện những tấm lòng thuần thiên về Phật pháp”.

    Xưởng in kinh Phật cổ nhất thế giới

    Tôi tiếp tục hành trình đến Đức Cách vào chiều muộn và chờ đợi sáng tinh mơ hành hương đến xưởng in kinh nằm trên một ngọn đồi ở trung tâm phố thị. Hàng trăm người Tạng đi theo chiều kim đồng hồ xung quanh ngôi chùa, vừa bước, vừa đọc những câu kinh Phật, tay thì xoay kinh chuyển luân liên hồi. Chỉ đứng được dăm phút, tôi đã bị cuốn theo dòng người hành hương di chuyển quanh ngôi chùa lúc nào không hay. Xưởng in kinh Phật thật ra là một tu viện 3 tầng bề thế với kiến trúc Tạng đặc trưng của vùng Kham.

    Xưởng in này gồm một nhóm Phật tử Tây Tạng chuyên biệt hiện hoạt động với một tinh thần tận hiến cần mẫn để bảo tồn một trong những truyền thống cổ xưa của Tây Tạng: in kinh sách thủ công bằng cách sử dụng mộc bản được làm từ các nguyên vật liệu có nguồn gốc địa phương.

    Vung dat thien dinh cua cac vi chan tuĐây là nơi lưu giữ vô số di vật văn hóa và tôn giáo như bích họa, tranh vẽ và tác phẩm điêu khắc được bảo quản trong phòng in kinh sách; nhiều loại nhạc cụ, tranh thangka cổ và một bộ sưu tập lớn các bản kinh sách đã được in ra, bao gồm một số lượng lớn các loại văn bản Tây Tạng cổ thuộc nhiều trường phái Phật giáo Tây Tạng khác nhau. Giá trị nhất là bộ sưu tập 320.000 mộc bản, hầu hết trong số này có tuổi đời vài thế kỷ. Bất chấp thời gian, nhiều trong số những mộc bản này vẫn được sử dụng trong việc in ấn hằng ngày của xưởng in.

    Với bộ sưu tập đồ sộ như vậy nên xưởng in không cho du khách quay phim hay chụp ảnh bằng máy để tránh gây ảnh hưởng đến các hiện vật bên trong. Tôi gửi hết các thiết bị ghi hình bên ngoài và bắt đầu khám phá mọi ngóc ngách theo quy trình in ấn hoặc vào các gian phòng để xem những khuôn in nguyên bản có từ xa xưa được lưu trữ rất khoa học. Hiện nay, tu viện in ấn này có hơn 50 nhân công, mỗi ngày in ra khoảng 2.500 bản kinh 2 mặt bằng cách sử dụng kỹ thuật in mộc bản truyền thống, thậm chí họ còn tự tạo ra mực in và giấy in từ nguyên vật liệu có nguồn gốc địa phương.

    Ở xưởng kinh, ngoài việc bảo tồn các mộc bản có tuổi đời hàng thế kỷ, nơi đây cũng đồng thời chế tác những mộc bản mới do những thư pháp gia nổi tiếng nhất của Đức Cách thực hiện. Các mộc bản đã bắt đầu cuộc đời của chúng từ những mảnh gỗ thông đỏ ở vùng này, sau đó được ngâm hợp chất trong 6 tháng trước khi được nhuộm, hong lửa, luộc, nung và cuối cùng là thiết kế và khắc tỉa.

    Một bác công nhân già người Tạng giải thích rằng toàn bộ quá trình tạo ra một mộc bản mới được chia thành 13 bước và mỗi mộc bản phải được đọc kiểm duyệt nhiều lần trước khi được sử dụng. Khi đến thời gian in, những người thợ in được chia thành các cặp và ngồi đối diện nhau, cúi người xuống những tấm mộc bản.

    Một trong hai người sẽ phủ mực đỏ hoặc đen lên tấm gỗ khắc, sau đó người còn lại đặt một tấm giấy mỏng lên trên mộc bản, ấn mạnh cho đến khi đảm bảo miếng giấy đã ăn vào tấm gỗ khắc. Bản in hoàn chỉnh sau đó được lấy ra và đem phơi khô. Lần này, tôi lại may mắn hơn các du khách nữ là được ngồi trực tiếp vào một khâu áp mực vào khung in vì những công việc như thế này không dành cho nữ giới.

    Vào thời cao điểm, nhà in này có đến hơn 500 nhà sư từ ngôi chùa Gonchen ở gần đó đến tham gia làm việc. Tuy nhiên hiện nay, tất cả những nhân công ở đây đều không phải là những nhà tu hành, họ làm việc chăm chỉ như những con ong thợ. Cô hướng dẫn người Tạng ở xưởng in cho du khách giải thích rằng “đó là sự tận hiến”, tức miêu tả hành động cúi người của thợ in trước những tờ giấy trắng chính là hành động bày tỏ tôn kính đối với Đức Phật.

    Vung dat thien dinh cua cac vi chan tuCô ấy nói thêm: “Đó chính là đức tin trong trái tim của họ. Tất nhiên, cúng dường cho Đức Phật bằng tiền bạc cũng tốt nhưng sẽ còn có ý nghĩa hơn nếu sự cúng dường đó được thực hiện bằng chính thân thể và suy nghĩ của bạn”. Tôi thấy những trang kinh còn tươi màu mực đang chuẩn bị đóng gói  để mang chúng đến tay những vị chân tu ở Yarchen Gar, Larung Gar ở nơi nào đó của Kham hay đến tận vùng Tây Tạng, Thanh Hải xa xôi…

    Quả thật, đến được vùng đất này là một chuyện, buông bỏ những mặc niệm và đắm mình trong những dòng chảy âm hưởng Phật giáo cuồn cuộn tại đây lại là một trải nghiệm khác, chỉ dành cho những kẻ dành hết tâm khảm hướng về những giá trị tâm linh quý giá còn lại từ ngàn xưa. Sẵn sàng bỏ lại những điều trần tục ở phần kia của thế giới, một lòng hướng về sự thanh tịnh nơi cửa Phật, ở một vùng đất với sắc vóc và độ cao không khác gì xứ bồng lai tiên cảnh duy nhất còn lại của thế gian.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều