Thứ Năm, Tháng Mười Một 21, 2024
Khác
    HomeVẻ Đẹp Người Xuất GiaNếp sống đạoVài nét về Đạo Phật Khất Sĩ

    Vài nét về Đạo Phật Khất Sĩ

    Đạo Phật Khất Sĩ chính thức ra đời vào năm 1947 trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cụ thể là xuất phát tại Mỹ Tho, trong một môi trường ở đó các tôn giáo chính đã có cơ sở vững vàng, bên cạnh những hình thái tôn giáo khác cũng đang tích cực phổ biến giáo lý, thu hút tín đồ.

    Mặc dù xuất hiện khá muộn, nhưng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam vẫn phát triển và hiện nay đã trở thành một hệ phái Phật giáo có tầm vóc không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra có mặt ở hải ngoại.

    Sơ lược tiểu sử ngài Minh Đăng Quang

    Sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ ở Việt Nam là ngài Minh Đăng Quang, được nguời đời sau tôn xưng là Tổ sư Minh Đăng Quang. Ngài có thế danh là Nguyễn Thành Đạt, sanh năm 1923 tại quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, con út của cụ Nguyễn Tồn Hiếu (1894-1968) và cụ bà Phạm Th�� Tỵ tự Nhàn (1982-1924). Từ nhỏ, ngài đã sớm biết chuyên tâm niệm hương cúng Phật hàng ngày và ăn chay mỗi tháng mười ngày theo gương cha.

    Khi đi học, ngài lấy tên Lý Hườn. Tốt nghiệp bằng Sơ học của Pháp năm 13 tuổi, ngài không muốn học tiếp mà xin gia đình cho đi tu nhưng không được chấp thuận. Năm 1937, ngài tự ý rời nhà tìm thầy học đạo trên đất Campuchia. Ở đó, ngài được giới thiệu đến các chùa theo Phật giáo Nguyên thủy để học tiếng Khmer và đọc kinh Phật. Cuối năm 1941, ngài trở về Vĩnh Long rồi lên Sài Gòn làm việc. Ngài lập gia đình vào năm 1942, có được một người con gái, nhưng cả người bạn đời và con gái ngài đều bị bệnh và sớm qua đời.

    - Advertisement -

    Vào năm 1943, ngài quyết chí lên vùng núi Thất Sơn ẩn tu. Trong năm 1944, ngài đến Mũi Nai ở Hà Tiên nhập định miên mật trong bảy ngày đêm và ngộ đạo tại nơi đây.

    Tổ sư Minh Đăng Quang.

    Tổ sư Minh Đăng Quang.

    Việc mở mang mối đạo (khai sơn phá thạch)

    Trong hai năm, từ 1944 đến 1946, ngài được một thiện nam thỉnh về ẩn tu tại chùa Linh Bửu ở làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho.

    Sau mùa an cư đầu tiên, ngài bắt đầu hướng dẫn các đệ tử hành đạo quanh vùng. Ngài thu nhận đệ tử rất chọn lọc. Trong năm 1947, ngài chỉ thu nhận bốn vị Tăng, sáu vị Ni và một chú điệu khoảng 10 tuổi. Từ năm 1948 trở đi, ngài thu nhận thêm nhiều người xuất gia; chư Tăng được ngài giáo huấn rất kỹ càng. Trong năm 1948, ngài hướng dẫn một đoàn khất sĩ du hành về Sài Gòn, tạo một dấu ấn nơi thủ phủ miền Nam lúc bấy giờ, rồi lại quay về hành đạo trong khu vực giữa hai nhánh sông Cửu Long, đẩy mạnh việc phát triển nền đạo.

    Để mở rộng việc truyền bá tư tưởng, ngài soạn bộ Chơn Lý gồm 69 tập, mở ra nhà in Pháp Ấn đặt tại Tịnh xá Ngọc Viên ở Vĩnh Long chuyên in các tập Chơn Lý do chính ngài sáng tác.

    Giáo lý của Đức Phật Thích ca trong Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam

    Với phương châm “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Tổ sư Minh Đăng Quang gìn giữ truyền thống mà Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã vạch. Ngài dung hợp mọi tinh hoa của Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông. Ngài đã thành tựu và lưu truyền cho hậu thế một dòng truyền thừa với ba pháp yếu quan trọng sau đây:

    1. Tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia;

    2. Sự tinh tấn trong tu tập;

    3. Tinh thần hoằng hóa độ sinh.

    Như mọi con sông đều đổ về biển cả, giáo lý của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam cùng hội nhập tư tưởng của mọi tổ chức Phật giáo khác trong vùng đều hòa vào biển Phật pháp nhiệm mầu mà Đức Thế Tôn đã khai sáng cách đây hơn 25 thế kỷ.

    Như mọi con sông đều đổ về biển cả, giáo lý của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam cùng hội nhập tư tưởng của mọi tổ chức Phật giáo khác trong vùng đều hòa vào biển Phật pháp nhiệm mầu mà Đức Thế Tôn đã khai sáng cách đây hơn 25 thế kỷ.

    Giáo pháp Khất Sĩ nêu cao việc quay về với cội nguồn tâm linh, quyết tâm thực hành Giới-Định-Tuệ. Đối với đời sống cộng đồng, người Khất sĩ cộng trú tu học trong những ngôi già-lam tịnh xá. Tổ sư nêu lên phương châm: Nên tập sống chung tu học: Cái SỐNG là phải sống chung; cái BIẾT là phải học chung, cái LINH là phải tu chung.

    Khi chọn Hoa sen và Ngọn đèn Chơn lý làm biểu tượng cho dòng pháp “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, Tổ sư Minh đăng Quang đã bày tỏ ý hướng đem Chánh pháp thanh tịnh như hoa sen của chư Phật để soi đường dẫn lối cho người hữu duyên bằng ngọn đèn chơn lý.

    Bằng những hình ảnh ẩn dụ, trong tập Chơn lý “Trên Mặt Nước”, Tổ sư Minh Đăng Quang nói đến lá sen, hoa sen và gương sen đều có chân gốc trong bùn nhưng đã vươn lên khỏi mặt nước và không hề dính bùn. Bùn nặng nề, dơ bẩn, rã rời nên chìm xuống đáy, tượng trưng cho sự xấu ác tội lỗi của con người vị kỷ. Nước trôi chảy, tượng trưng cho xã hội thanh thoát tùy duyên. Sen vượt lên cao tượng trưng bậc xuất gia, người Khất sĩ… có hành động như lá sen, có lời nói như hoa sen, có tư tưởng như gương sen. Gốc sen còn ở trong bùn, tượng trưng người tu còn phải nương nhờ trần thế, xin ăn xin mặc để nuôi thân tu học, nhưng tâm trí đã vượt lên trên sự xấu ác. Sen nhờ bùn nuôi dưỡng, sen cũng trả ơn bằng cách hứng chịu nắng mưa sương gió che chở cho nước và đất trước những động chạm từ bên ngoài. Người tu cũng đền trả cho đời bằng sự hiền lương trong lời nói thuần hòa, việc làm hiền thiện, tư tưởng trong sạch; đóng góp vào việc tạo nên nền tảng đạo đức cho xã hội.

    Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã kế thừa truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Bắc tông và Nam tông, tâm nguyện là một cành nhánh lan tỏa từ ánh đạo vàng của Đức Bổn sư.

    Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã kế thừa truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Bắc tông và Nam tông, tâm nguyện là một cành nhánh lan tỏa từ ánh đạo vàng của Đức Bổn sư.

    Biểu tượng Hoa sen và Ngọn đèn Chơn lý chính là lý tưởng của Tổ sư về một quốc độ có một cuộc sống an vui thuần thiện của tất cả mọi người; trong đó người tu phải thể hiện một đời sống nghiêm tịnh thanh thoát, thắp lên ngọn đèn chơn lý phụng hiến cho đời.

    Tổ sư Minh Đăng Quang còn nêu lên một điều rất đặc biệt mà ít người lưu ý, rằng “Việt Nam đạo Phật không có phân thừa”. Chính vì thế, giáo pháp của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam thể hiện rõ tư tưởng Đại thừa trong khi xiển dương việc thực hành một phần công hạnh của Phật giáo Nguyên thủy. Khác với Phật giáo Nam tông, thay vì dùng Tam tịnh nhục, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam chủ trương ăn chay, mở rộng tinh thần từ bi và sử dụng kinh điển Đại thừa như kinh Kim cương, Hoa nghiêm, Bát-nhã, Pháp hoa, Địa Tạng… trong việc truyền bá giáo lý của Đức Phật.

    Xuất thân ở Nam Bộ, ngài Minh Đăng Quang có phương pháp truyền đạo phù hợp với tâm lý người Nam Bộ, thuyết giảng Phật pháp bằng những hình ảnh sống động, sử dụng ngôn từ dễ hiểu, đi thẳng vào lòng người. Tuy sử dụng ngôn ngữ bình dân, ngài vẫn có những lập luận sâu sắc, thể hiện một trình độ chứng ngộ cao vời, khiến ngay cả những vị trí thức lớn tuổi cũng tâm cảm đón nhận quy kính.

    Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã kế thừa truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Bắc tông và Nam tông, tâm nguyện là một cành nhánh lan tỏa từ ánh đạo vàng của Đức Bổn sư. Như mọi con sông đều đổ về biển cả, giáo lý của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam cùng hội nhập tư tưởng của mọi tổ chức Phật giáo khác trong vùng đều hòa vào biển Phật pháp nhiệm mầu mà Đức Thế Tôn đã khai sáng cách đây hơn 25 thế kỷ.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều