Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Khác
    HomeDu Lịch- Hành HươngTu viện và cung điện phải đến khi đi Tây Tạng

    Tu viện và cung điện phải đến khi đi Tây Tạng

    Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, có rất nhiều địa điểm thú vị cho khách tham quan. Trong đó, có 2 nơi bạn nhất định phải đến khi tới vùng đất được mệnh danh là mái nhà thế giới này. Đó là cung điện Potala và đại tu viện Sera.

    Có thể gọi Potala là cung điện cao nhất thế giới hay di sản văn hoá nhân loại duy nhất ở độ cao nhất thế giới, khi nó nằm ở độ cao 3.800m so với mực nước biển. Còn tu viện Sera được xem là 1 trong những tu viện lớn nhất của tông phái mũ vàng –Hoàng mạo giáo ở Tây Tạng. Cả hai nơi  này đều có từ lâu đời, rất rộng lớn và có những điểm nhấn riêng mà khách tham quan đến cứ phải nhớ mãi.

    Di sản thế giới ở độ cao 3.800m

    Cung điện Potala với vật liệu xây dựng gồm gỗ, đá, bùn… có tường rất dày, từ 1m đến 5m, nhằm chống lại thời tiết lạnh khắc nghiệt nơi này

    - Advertisement -

    Nằm trọn trên ngọn đồi duy nhất nằm giữa thành phố Lhasa, cung điện Potala ở vị trí tuyệt đẹp khi đứng bất cứ nơi đâu ở đây cũng có thể nhìn thấy. Không ngạc nhiên khi mỗi ngày nơi đây vẫn luôn nườm nượp du khách khắp nơi trên thế giới đổ về, bất chấp độ cao 3.800m so mặt nước biển khiến du khách say choáng độ cao đứ đừ, rồi còn phải đi bộ ngược lên đồi qua hàng trăm bậc tam cấp và những lối đi lát đá đã mòn nhẵn vì thời gian và dấu chân người.

    Ai không quen sẽ thấy nhức đầu, choáng váng, khó thở, bước chân mệt mỏi, nhưng bù lại mỗi bước chân leo dần lên cung điện linh thiêng ấy, lại mở ra những khung cảnh gợi nhớ một quá khứ vàng son và linh thiêng của Tây Tạng.

    Cung điện Potala có từ thời vua Tùng Tán Cán Bố, xây dựng năm 637. Sau nhiều biến động bắt đầu được tái  xây dựng năm 1645 thời kỳ Đạt La Lạt Ma thứ 5 Losang Gyatso và phải mất hơn 50 năm mới hình thành quy mô công trình như hiện nay

    Mặc dù được xây dựng từ thời vua Tùng Tán Cán Bố, nhưng đến thế kỷ 17 cung điện này mới được Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, Ngawang Lobsang Gyatso, tu tạo để có được cấu trúc như hiện nay. Cung điện Potala gồm 13 tầng lầu, với 1.000 phòng ốc, hơn 10.000 bàn thờ các chư Phật, 20.000 tượng tạc khắc đủ kiểu dạng… Cung điện gồm 3 bộ phận: Khu cung thành phía trước núi, khu cung thất trên đỉnh núi và khu hồ phía sau núi.

    Potala không chỉ đẹp, hoành tráng như nhiều cung điện nổi tiếng khác trên thế giới, mà Potala còn đẹp vì điều khác biệt lớn nhất, khi chứa ẩn tất cả sự huyền bí linh thiêng bên trong nó.

    Potala  từng là nơi ở của các đời Đạt Lai Lạt Ma cho đến Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.  Trong hình là phần Bạch Cung có tường làm bằng đá và đất sét trắng

    Mỗi ngày, cung điện Potala chỉ mở cửa từng đợt. Một đợt tham quan chỉ gói gọn trong vòng 1 tiếng kể từ khi bạn hoàn tất thủ tục kiểm tra an ninh gắp đến lần thứ 3. Thời gian xếp hàng chờ tới lượt được kiểm tra an ninh gắt gao cũng mất trung bình khoảng 1 tiếng nữa.

    Việc chụp hình cũng chỉ được phép ở các hành lang, khoảng sân bên ngoài các toà Hồng Cung và Bạch Cung. Việc này rất nghiêm, bạn có thể bị hỏi thăm bất cứ lúc nào nếu ngoan cố tìm cách chụp ảnh những nơi không được phép.

     Nằm ở độ cao 3.800mso với mực nước biển, Potala là cung điện cao nhất thế giới và là  di sản văn hoá nhân loại duy nhất ở độ cao nhất thế giới

    Một giờ đồng hồ không thể nào đủ để người ta có thể tham quan hết toàn bộ cung điện. Không thể nào đi hết 1.000 căn phòng được xây dựng và hoàn tất nó cách đây hơn sáu, bảy trăm năm.

    Hẳn nhiên, vì thời gian hạn hẹp và vì rất nhiều nơi không cho phép khách tham quan. Không thể nào đếm hết các hoạ tiết kiến trúc, các hoa văn trang trí tuyệt đẹp đậm màu sắc Tibet bên trong cung, trên từng bức tường, trần nhà, cột gỗ, bàn ghế, ban thờ…

    Cổng vào khu vườn tranh biện, nơi này dù nằm khuất nẻo nhất của tu viện Sera nhưng luôn là nơi khách tham quan tìm đến nhiều nhất.

    Xem các nhà sư tranh biện ở tu viện

    Cách Potala gần 3km là tu viện Sera. Đại tu viện này có 5 khu chính. Nếu có thời gian, bạn hãy đi hết đủ một vòng, nếu không, thì hãy đến nơi thu hút đông đảo du khách nhất là khu vườn của tu viện mà người ta hay gọi nôm na là vườn tranh biện hay tranh luận.

    Chỉ cần đến gần nơi mà bạn nghe được tiếng rì rào của những người đang trò chuyện với nhau giữa không gian rất yên tĩnh cùa tu viện, là biết đã tới khu vườn nổi tiếng ấy.

    Trong các khu chính của tu viện Sera, Tây Tạng, có “vườn tranh biện” là nơi hấp dẫn nhất với khách du lịch vì tới đây, du khách sẽ được chứng kiến cảnh các vị sư trẻ tuổi hăng say trao đổi kiến thức bằng nhiều tư thế, điệu bộ lạ mắt

    Giờ mở cửa của khu vườn này từ 3 đến 5 giờ chiều. Và đó cũng là lý do vì sao người ta hay tập trung đến tu viện tham quan vào buổi chiều. Khi những màu áo đỏ trước tòa nhà tu viện gam trầm và vàng, trên nền sỏi trắng và cây xanh, các nhà sư người đứng, người khom ,người ngồi, người nghe, kẻ say sưa nói, người trầm tư, kẻ ghi chép, kẻ đọc sách, hoặc tranh thủ ra góc vườn ngồi cạnh gốc cây tụng thành tiếng một cuốn sách kinh nào đó.

    Các nhà sư ở đây có lẽ cũng đã quá quen với các cặp mắt tò mò của du khách, nên chẳng bận tâm đến du khách lắm tò mò đang đi đứng ngồi nhìn say sưa họ.

    Một khu vườn xinh xắn được chia làm hai rải đầy sỏi và đây là phạm vị riêng dành cho các sư. Khách không được bước vào mà chỉ có thể đứng xem trên lối đi quanh vườn.

    Tôi chẳng  hiểu họ đang nói gì, nhưng ngắm những cử chỉ trên nét mặt, đôi tay cũng có thể mường tượng ra họ đang hang say tranh luận với nhau với tất cả khả năng biện luận của mình.

    Khu vườn đông người, lại có nhiều tiếng người nhưng không ồn ào, mà những âm thanh ấy lại nghe rất dễ chịu. Cũng “lời qua tiếng lại” mà sao chẳng thấy căng thẳng, trái lại nó còn làm hoàn chỉnh một bức tranh đẹp độc đáo của chốn tu hành tại tu viện Sera.

    Một góc khu vườn tranh biện. Khu vườn chỉ mở cửa cho khách tham quan vào buổi chiều, đến khoảng 17h.

    Thì ý nghĩa của việc này là tranh luận để đồng thuận mà, cũng là cách để trau dồi, đào sâu, hiểu kỹ hơn về những gì thuộc giáo lý nhà Phật, trên con đường tiến xa hơn trong tu học.

             LÊ MINH HẠ        

            

    + Hiện nay trong nước, đơn vị lữ hành tổ chức tour Tây Tạng không nhiều. Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý một chút kẻo tránh đi nhầm những tour shopping. Những tour như thế này thường có giá khá rẻ, tầm 30 triệu đồng/ khách/ tour 7,8 ngày và hẳn nhiên tham quan chủ yếu là… mua sắm. Hãy chọn những đơn vị lữ hành uy tín hoặc có thế mạnh khai thác tour Tây Tạng.

    Mức giá phổ biến hiện nay tour 9 ngày 9 đêm là 48,6 triệu/ khách. Đây là mức giá chấp nhận được so với thị trường.  Để đến được Tây Tạng bạn phải có giấy phép vào Tây Tạng, nên trường hợp tự khi sẽ khó khăn hơn. Thuận tiện nhất bạn nên đi theo tour.

    Tây Tạng thuộc Trung Quốc, vậy nên đến đây đương nhiên các bạn sẽ phải xin visa Trung Quốc. Các bạn có thể tự làm với phí đại sứ quán là 60$, hoặc làm dịch vụ tầm 85$. Tuy nhiên, đến mỗi một vùng khác nhau ở Tây Tạng, các bạn lại phải xin “permit” để vào được vùng đó.

    Ngôn ngữ và “permit” thực sự là một rào cản lớn. Nên cách tốt nhất là mua tour.

    Bạn đọc có thể tham khảo tại https://www.facebook.com/offtracktravel.vn/

    + Mùa nào đi hợp lý nhất: Từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Tây Tạng lạnh quanh năm, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh nhau khá nhiều nên cần lưu ý chuẩn bị đồ ấm cũng như tham khảo các thông tin về việc say độ cao trước khi đi.

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều