Những chuyến xe ngày trở về, tấp nập người và khói bụi, tay xách nách mang nhưng sao chẳng thấy nặng nề. Người ta hay bảo cái không khí tết nó khác với không khí ngày thường lắm, cũng là thứ hít thở để tồn tại như mọi ngày, nhưng không khí tết nó mang trong mình hương vị đặc biệt đó là “Trở về”…
“Một năm sống bon chen, lặng lẽ
Con cũng thèm một cái Tết đoàn viên.”
Trở về với nơi “chôn rau cắt rốn”, về với gia đình với tổ tiên, về với biết bao kỷ niệm thuở ấu thơ… mà những người con xa quê xa xứ khao khát mỗi độ xuân về. Trở về “sống thật” với chính mình sau những năm tháng bôn ba rong ruổi vì guồng quay của cuộc sống mưu sinh. Về làm đứa trẻ “hậu đậu” bên gian bếp thơm mùi khói của mẹ, chăm chỉ kê lại cái chậu hoa trước nhà và có vụng về cũng chẳng sao khi cắm lại bình hoa cho tía. Ngày trở về là vậy, là sum vầy là đoàn tụ.
Nỗi nhớ nhà của mỗi người con xa quê có thể khác nhau, nhưng sự háo hức được trở về, được đoàn tụ với gia đình trong niềm vui và hạnh phúc của họ thì giống nhau. Quây quần bên mâm cơm ngày tết, ra rả chuyện vui năm mới, nhìn lại năm cũ với thái độ tích cực hơn. Và chắc hẳn trong niềm vui tình thân ngày tết người ta sẵn sàng gạt qua những buồn đau nuối tiếc mất mác của năm cũ. Ai rồi cũng khác, ai rồi cũng mở lòng, ai rồi cũng biết thứ tha và bao dung hơn, đặc biệt ai rồi cũng phải biết Tết là để trở về.
Với những người con Phật tử thì ngày Tết lại càng quan trọng hơn khi họ được trở về với mái chùa quê, được đảnh lễ ân sư tôn quý tỏ lòng tri ân và biết ân, vui mừng vô hạn khi đủ duyên lành phước báu được Thầy chỉ dạy dìu dắt trên bước đường lang thang của kiếp nhân sinh. Bởi lẽ “quy y” là trở về nương tựa, nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời, nương tựa Pháp – con đường của tình thương và sự hiểu biết, nương tựa Tăng để chúng con được thở cùng một bầu không khí với Tăng thân, tiếp nhận năng lượng của Tăng thân chúng con đồng cảm thấy yên ổn và hạnh phúc.
Như đứa trẻ nó tự biết quay đầu về với cảm giác an toàn, về với cha với mẹ, về với tất cả những sự tin tưởng, mà năng lực và sức mạnh của quy y là không thể nghĩ bàn. Đặc biệt là biết trở về với “hải đảo” của chính mình, nuôi dưỡng tâm mình sau những tháng ngày không cưỡng lại được sự rong ruổi. Thầy Thích Tánh Tuệ đã từng viết “Trở về soi rọi nội tâm và trân trọng giây phút hiện tại, chúng ta sẽ nhận ra rằng, chẳng có khoảng thời gian nào là lãng phí bởi chúng ta tìm được niềm an lạc trong bất cứ công việc gì mình đang làm”.
Rong ruổi thênh thang một kiếp người
Ta về nắm chặt bàn tay ba
Vỗ về thân thương ôm lấy mẹ
Bỗng thấy đất trời đã nở hoa!