Thứ Ba, Tháng Mười Hai 24, 2024
Khác
    HomeNghiên Cứu"Tất cả chúng sinh bản lai là Phật tính"(!)

    “Tất cả chúng sinh bản lai là Phật tính”(!)

    Bản lai được hiểu là : Vốn dĩ, nguyên là, xưa nay.
    “Bạch Ẩn Thiền sư tọa thiền hoà tán” (白隱禪師坐禪和讚, ja. hakuin zenji zazen wasan) là tên của một bài ca tụng tọa thiền (ja. zazen) của vị Thiền sư Nhật Bản nổi danh Bạch Ẩn Huệ Hạc, được tụng nhiều trong các Thiền viện tại Nhật. Bắt đầu bằng câu “Tất cả chúng sinh bản lai là Phật”, Sư tán tụng tọa thiền là phương pháp tối trọng để thức tỉnh, về đến chân lý của đạo Phật.
    Nguyên văn Tọa thiền hoà tán (Trúc Thiên dịch, trích từ Thiền luận quyển thượng của D.T. Suzuki):
    “Tất cả chúng sinh bản lai là Phật
    Cũng như băng với nước
    Ngoài nước, không đâu có băng
    Ngoài chúng sinh, tìm đâu ra Phật?
    Đạo gần bên mình mà chẳng biết
    Bao người tìm kiếm xa vời—Đáng thương!
    Đó cũng như người nằm trong nước
    Gào khát cổ xin được giải khát
    Đó cũng như con trai của trưởng giả
    Lang thang sống với phường nghèo khổ
    Nguyên do ta luân hồi trong sáu cõi
    Là tại ta chìm đắm trong vô minh
    Mãi lạc xa, xa mãi trong u minh
    Biết bao giờ thoát li sinh tử?
    Pháp môn tọa thiền của Đại thừa
    Ta không đủ lời để tán tụng
    Những pháp hạnh cao quý như bố thí và trì giới
    Như niệm hồng danh Phật, sám hối và khổ hạnh
    Và biết bao công đức khác
    Tất cả đều là kết quả của tọa thiền
    Thậm chí những người chỉ ngồi qua một lần
    Cũng diệt trừ được tất cả ác nghiệp
    Không đâu tìm thấy ác đạo nữa
    Mà Tịnh độ vẫn sát kề bên
    Xin hãy cung kính nghe nói cái thật ấy
    Dầu chỉ một lần
    Hãy tán thán, hãy hoan hỉ ôm choàng lấy
    Và sẽ được muôn vàn phúc huệ
    Ví như người tự mình phản tỉnh
    Chứng vào cái Thật của Tự tính
    Cái Thật của Tự tính là Vô tự tính
    Người ấy thật đã thoát ngoài điên đảo vọng tưởng
    Đã mở ra cánh cửa đồng nhất của nhân và quả
    Và thênh thang con đường pháp phi nhị phi tam
    Trụ nơi Bất dị giữa những cái dị
    Dầu tới dầu lui cũng không bao giờ động
    Nắm cái Vô niệm trong cái niệm
    Trong mọi thi vi đều nghe tiếng pháp
    Trời tam-muội lồng lộng vô biên
    Trăng Tứ trí sáng ngời viên mãn
    Ấy là lúc họ thiếu gì đâu?
    Đạo (chân lý) bản lai thanh tịnh hiện thành
    Thế giới này là thế giới của Liên hoa tạng
    Và thân này là Pháp thân của Phật”.
    (Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).
    Hãy đọc bài thơ “Nửa đêm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh-Thì chúng ta mới càng rõ hơn cái “Bản lai” của chúng ta -Với bốn câu thơ Đường luật “thất ngôn tứ tuyệt”, bài thơ “Nửa đêm” (trích trong tập thơ “Nhật ký trong tù″ – Hồ Chí Minh) là một tác phẩm văn học có tính triết lý sâu sắc, bởi ở đó bộc lộ thật rõ nhãn quan biện chứng cùng những chiêm nghiệm, những đúc kết của tác giả về con người và việc giáo dục con người .
    Phiên âm chữ Hán:
    “Dạ bán
    Thụy thì đô tượng thuần lương hán,
    Tỉnh hậu tài phân thiện, ác nhân;
    Thiện, ác nguyên lai vô định tính,
    Đa do giáo dục đích nguyên nhân.”
    Dịch thơ:
    “Nửa đêm
    Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
    Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền;
    Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,
    Phần nhiều do giáo dục mà nên.”
    (Nam Trân dịch)
    Trước hết, hai câu đầu bài thơ là một nhận xét có giá trị như một sự tổng kết những trải nghiệm về nhân cách con người:
    “Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
    Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền”
    Ở đây, Tác giả đã đúc kết sự thật thông qua một sự quan sát: Lúc ngủ, mọi người đều thuần hậu, hiền lành; tỉnh dậy mới phân biệt người thiện, kẻ ác.
    Chúng ta đều biết rằng, con người là một thực thể tự nhiên, nhưng con người cũng là một thực thể xã hội. Cái làm nên bản chất người chính là những Năng lực người. Năng lực ấy bao gồm năng lực ngôn ngữ, năng lực chế tác-sử dụng công cụ lao động và đặc biệt, năng lực biết “Lao động theo quy luật của cái đẹp” (K. Marx), năng lực thiết lập các mối quan hệ xã hội… Bản chất của năng lực người là sự kết tinh nền văn minh xã hội theo hai con đường: một mặt, con người hướng các tác động của mình ra bên ngoài (đây là quá trình “xuất tâm”), mặt khác, con người “nhập tâm” những giá trị của nền văn minh xã hội theo cơ chế chuyển cái “cách” hành động vật chất bên ngoài vào thành những hoạt động tâm lý tinh thần bên trong . Cả hai quá trình ấy, suy cho cùng đều thông qua con đường hoạt động và giao lưu. Cũng chính qua hoạt động và giao lưu, con người đã hình thành và phát triển các năng lực người, tạo nên cho mình một nhân cách riêng.
    “Bộ mặt nhân cách” ấy trong thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu đạt bằng các từ “hiền“, “dữ“, ”lương thiện“. Khi ta nói ai đó dữ hoặc hiền, đó là lúc ta muốn nói về tính tình, tính cách vốn là những đặc điểm riêng không lặp lại ở mỗi cá nhân. Những đặc điểm riêng ấy tạo nên sự phân biệt rõ ràng cá nhân này với cá nhân khác. Ta cũng lại thường dùng các từ “lương thiện”, bất lương”(Hai mặt đối lập) để chỉ phẩm chất, tính cách bên trong của một người nào đó. Những từ ngữ ấy được tâm lý học hội tụ trong khái niệm Nhân cách – “Tổ hợp những đặc điểm, thuộc tính tâm lý của một cá nhân, bộ mặt tâm lý của cá nhân đó cũng như giá trị xã hội của người đó“. Tính khoa học và biện chứng trong nhãn quan của tác giả thể hiện rất rõ ở chỗ: Người phân biệt một cách rõ ràng và chỉ ra thật tường minh các hình thái biểu hiện của các thuộc tính nhân cách. Hình thái thứ nhất là “Ngủ”. Đây là hình thái tồn tại thuần tuý sinh học của con người bởi con người khi ngủ chỉ bao gồm chủ yếu các vận động sinh học. Khi ấy, con người ở trạng thái vô thức. Không có hoạt động và giao lưu xã hội thì nhân cách không có cơ hội để bộc lộ. Do vậy, ở vào thời điểm ấy, tình trạng ấy, ai cũng như ai, một vị tu hành đức độ cũng như một tên tội phạm, tất thảy đều “lương thiện”, hiền lành…
    Trong triết lý phương Đông, người ta thường hay nói đến “hành tàng”(Hành vi chứa, trữ, giấu ) và “xuất xử”( Hành vi xuất hiện hay ẩn: “ra làm quan hoặc lui về ở ẩn”(nói khái quát) như là những trạng thái tồn tại rất cơ bản của con người. Đây là thể thống nhất của hai mặt đối lập, tĩnh và động, tiềm ẩn bên trong và hiện hữu bên ngoài…Hai trạng thái ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua hai từ “Thức” và “Ngủ”.
    Với những năng lực người vốn có của mình, con người tham gia vào các hoạt động và giao lưu trong hai trạng thái nói trên. Chính trong và qua các hoạt động giao lưu, nhân cách con người được bộc lộ rõ nét với những phẩm chất, năng lực phong phú và đa dạng. Bởi vậy, khi Tác giả viết:
     “Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền” là chỉ ra mối quan hệ qua lại rất biện chứng giữa hoạt động, giao lưu xã hội với việc hình thành và phát triển nhân cách. Thiện – ác, dữ – hiền được bộc lộ ra lúc thức, bằng những hành động cụ thể hàng ngày. Việc nhìn nhận, đánh giá, phân định con người cũng căn cứ ở hành động và hậu quả của những việc làm tốt xấu của chính con người đó. Câu thơ vì thế vừa có giá trị như một kết luận của tâm lý học hiện đại: hoạt động-giao lưu là phương thức tồn tại của con người, chỉ có trong hoạt động – giao lưu và bằng hoạt động- giao lưu, mỗi cá thể người tự sinh thành ra mình, tự tạo ra nhân cách cho chính mình; lại vừa có giá trị như một bài học giáo dục về việc nhìn nhận xem xét con người. Đồng thời, nó cũng phản ánh một vấn đề rất cơ bản của triết lý Phật : “Tri-Kiến-Ngộ”.
    Hai câu thơ sau thể hiện quan điểm “Từ-Bi-Hỷ-Xả” trong việc xem xét bản tính con người và nhận diện rõ xem yếu tố nào có vai trò chủ đạo trong việc hình thành và phát triển nhân cách:
    ” Hiền dữ phải đâu là tính sẵn,
    Phần nhiều do giáo dục mà nên.”
    Bản tính con người vốn tính thiện hay tính ác? Ác hay thiện có phải là tiền định và cố hữu? Vấn đề này, xưa đến nay, qua bao đời, bao thế hệ, từ người bình thường tới các bậc hiền triết, đã nhiều bàn cãi.
    Ở Trung Hoa, từ Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử…cho đến các thế hệ nho gia sau này, người thì cho rằng con người ta vốn tính thiện, kẻ thì bảo con người vốn tính ác…
    Chỉ duy nhất bậc giác ngộ Như Lai đã  “Tri-Kiến-Ngộ” để nói lên sự thật:
    “Bản lai tất cả chúng sinh đều là Phật”. Do vậy, tu để duy trì, để lấy lại cái vốn dĩ trong mỗi con người. Và tu cũng là để sửa chữa, uốn nắn những lệch lạc để thành người có Phật tính vốn dĩ…
    Nhà thơ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất rõ về thế giới quan, nhân sinh quan và phát tâm tứ vô lượng Từ -Bi -Hỷ-Xả để nói lên tất cả những điều đó bằng bài thơ Đường luật “Nửa đêm”nói trên: “TẤT CẢ CHÚNG SINH BẢN LAI LÀ PHẬT”.
    Lành thay!
    A di đà phật./.
    8/10/2020
    Luật gia TRẦN THÚC HOÀNG

     

     

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều