Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Khác

    Tà mạng hay phương tiện?

    Tăng Ni có quyền công dân không? Nếu nói Tăng Ni có đầy đủ quyền của người công dân, thì tất nhiên Tăng Ni có quyền mua bán, trao đổi và sở hữu hợp pháp. Giáo luật là thuộc phạm vi đời sống tâm linh, tất nhiên không thể lấy đó mà hạn chế phạm vi hoạt động của công dân. Nên có những thứ Tăng Ni sai với luật Phật chế, chứ không sai với quyền cơ bản con người.

    Nhưng điều này, một số nơi đã trở nên rất nhập nhằng, nhằm hạn chế đời sống Tăng Ni, như nhiều địa phương từ chối kí giấy tờ đất đai đứng tên sở hữu của Tăng Ni. Vì cho rằng Tăng Ni không có quyền sở hữu. Vậy Tăng Ni có đủ quyền con người? Tại sao những việc tồn đọng như vậy, nhiều năm liền Báo Giác Ngộ không hề lên tiếng phản đối để bảo vệ Tăng Ni? Do Tăng Ni đứng ra mua đất tự lập thất, ở riêng, sống theo chế độ nông thiền vốn dĩ không có gì vi phạm pháp luật.
    Nếu như Luật Giáo Sản ra đời, những gì của Tăng Ni là của Giáo Hội, vậy thì ai đảm bảo quyền lợi sở hữu cá nhân của Tăng Ni như quyền được thừa kế, di chúc … như một công dân bình thường? Chẳng lẽ đi xuất gia rồi lại mất hết quyền Công Dân? Nếu tài sản của Tăng Ni là tài sản của Giáo Hội, vậy Tăng Ni là người của Giáo Hội, là những cá nhân và tập thể tạo ra tài sản đó có được bảo hộ, nuôi dưỡng và chu cấp về mặt đời sống như đi học, bệnh tật, viên tịch. Hay chỉ có tài sản của Tăng Ni là giáo sản, còn đời sống Tăng Ni phải hoàn toàn tự túc..?
    Đã hoàn toàn tự túc, thì buộc Tăng Ni phải có sinh kế, để bảo đảm đời sống, an tâm tu tập. Trừ khi Giáo Hội đứng ra xây chùa, vì đó là của Giáo Hội và Tăng Ni được chu cấp đầy đủ, vì là người của Giáo Hội, thì Tăng Ni không còn bận tâm về tài sản nữa. Có thể an tâm tu học. Tại sao những vấn đề liên quan thực tế đến đời sống Tăng Ni, đầy rủi ro, trăn trở như thế, lại không thấy một lần đề cập trên báo Giác Ngô.?
    Sự kiện Báo Giác Ngộ đặt ra Tăng Ni có nên kinh doanh không? Tuy nó không phải là vấn đề mới. Nhưng nếu không khéo sẽ gây bức xúc trong dư luận. Vì chạm đến đời sống của rất nhiều Tăng Ni trong toàn quốc.
    Trước hết, cần đặt ra vấn đề việc các chùa mở Phòng Phát Hành Kinh Sách để kinh doanh Kinh, Tượng có đúng giới luật không? Trong khi Bồ Tát Giới Phạm Võng Kinh, dạy “thấy người bán tượng Phật phải lo cứu chuộc”. Nên đây là việc làm không đúng với tinh thần giới luật. Tuy nhiên, nhiều chùa hoạt động bằng động cơ phổ truyền Phật Pháp, theo tinh thần phương tiện, nên hoàn toàn có thể thông cảm được. Ngay cả Báo Giác Ngộ, cũng in ra để bán, còn nhập nhằng quảng cáo, thì đâu thể nói đây không phải là một hình thức kinh doanh.? Thì tại sao, có thể đặt vấn đề Tăng Ni có được quyền kinh doanh hay không?
    Theo Luật Tỳ Kheo, tất nhiên là không. Tăng Ni không được nuôi thân bởi tứ tà mạng. Kinh Tạp A Hàm, 500, nói rõ, đệ tử xuất gia của Phật, cần tránh, đó là: “Cúi mặt xuống mà ăn (Làm nghề địa lý, phong thủy, trấn yểm, cuốc đất, trồng trọt …); Ngửa mặt lên mà ăn (làm nghề chiêm tinh, cúng sao, giải hạn…); xoay mặt bốn phương mà ăn (làm sứ giả, trung gian, mối lái…), xoay bốn góc mà ăn (làm thuốc, bốc thuốc, chữa bệnh…) để có thu nhập mà sinh sống thì đó là ‘kiếm ăn một cách tà mạng”.
    Tuy nhiên, những việc này do hoàn cảnh xã hội, đã trở thành phương tiện độ sanh của Phật giáo Bắc truyền. Từ việc coi ngày giờ, cúng sao, làm ruộng rẫy, kinh doanh nhang đèn, thực phẩm chay đến việc bốc thuốc chữa bệnh, đã được chư Tổ Sư vận dụng khéo léo để dắt người sơ cơ vào đạo. Nên không thể yêu cầu Tăng Ni, giữ đúng giới luật đoạn tuyệt tứ tà mạng, vì Đức Phật từng dạy:” Điều gì mà ngài chế ra, đi đến trú xứ khác không phù hợp, thì chư Tăng được quyền uyển chuyển lược bỏ”.
    Nói như thế, chẳng phải chúng tôi ủng hộ Tăng Sĩ kinh doanh. Nhưng Tổ Bá Trượng có dạy:” Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”. Thì chư Tăng Ni, dù chuyên tu, do hoàn cảnh nông thiền, thì việc bán bó rau để có tiền trang trải lo hương đèn cho Tam Bảo là việc bình thường. Vấn đề là chư Tăng Ni làm gì, để tránh làm tổn thương đến niềm tin của quần chúng Phật tử và sinh mệnh Phật giáo. Vì xưa nay, chẳng phải ai cũng đủ phước sống nhờ vào sự ủng hộ của cư sĩ, nhất là người mới xuất gia, chưa được nhiều người biết đến.
    Nay là thời đại 4.0, thay vì chế độ nông thiền, chư Tăng Ni tổ chức Tour du lịch, mở quán chay, hoặc làm những gì tạo ra kinh tế duy trì Phật sự, thì không thể cứng ngắc cấm đoán. Bởi tâm thí chủ cũng vô thường, nên không thể nào “dậu đổ bìm leo”. Tuy nhiên, cốt lõi của sự tu học vẫn là giải thoát giác ngộ.
    Cho đến hôm nay, đời sống Tăng Ni Việt Nam vẫn là tự túc. Dù chùa viện là tài sản của Giáo Hội, tuy nhiên Tăng Ni phải lo trang trải mọi thứ. Nếu cấm Tăng Ni làm kinh tế, chỉ lo chuyên tu, thì ai đảm bảo cho đời sống Tăng Ni, cho đến việc xây chùa? Trong khi các tôn giáo bạn, đời sống tu sĩ hoàn toàn được giáo hội chu cấp, xây dựng có giáo hội hỗ trợ vì đó là giáo sản của giáo hội. Nếu đảm bảo được như thế, thì liệu có Tăng Ni nào mất thời gian với cơm, áo, gạo, tiền và xây dựng chùa viện?
    Phải chăng Luật Giáo Sản, so với các tôn giáo khác, trong Phật giáo vẫn còn chưa thoả đáng! Xin đừng nhầm lẫn giữa Tà Mạng và Phương Tiện gây thêm khó khăn cho đời sống Tăng Ni.

    Trần Đại Sĩ

     

     

    - Advertisement -

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều