Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025
Khác
    HomePhật HọcỞ giữa niềm tin

    Ở giữa niềm tin

    Trong chuyến teambuilding với đồng nghiệp mấy năm trước có phần tham gia vào trò chơi zipline (tạm gọi là đu dây trên cao, ở phía dưới thấp là sông hồ, rừng núi…). Một đứa vốn hãi độ cao lẫn tốc độ, có cả vấn đề về tim mạch như tôi sớm lắc đầu trước trò chơi đó.
    Tuy nhiên tôi vẫn tháp tùng đoàn người, mang theo nhiệm vụ cầm máy ảnh chụp cho các bạn. Nhìn từng người, từng người móc dây trôi vun vút trên không, chỉ một loáng là qua bên kia bờ, tôi không khỏi tò mò, cộng thêm sự cổ động rủ rê xung quanh, dù miệng vẫn từ chối nhưng lòng có chút lung lay.
    botat 2.jpg
    Đoàn người lần lượt qua bên kia, chỉ còn lại tôi và anh hướng dẫn. Trên tay anh vẫn còn một bộ dây, anh hỏi lại tôi lần nữa: “Chị đi luôn không, không thì mình quay về”. Không biết vì ngại lội bộ quay lại đường mòn khá xa, hay vì tò mò muốn thách thức bản thân một chút mà tôi đồng ý đi trong tích tắc. Cảm giác thật khủng khiếp, bắt chước mọi người tôi cũng hét to lên (hy vọng sẽ đỡ sợ), nhưng rồi tôi nhận ra cơ thể mình đang run cầm cập. Chuyện chưa dừng ở đó. Đầu dây bên kia lẽ ra có một bạn hướng dẫn nắm tôi lại và đưa xuống, nhưng vì tôi là người đột ngột lên dây vào giờ chót, người hướng dẫn đầu bên kia không biết hoặc chưa nhận được tin báo, vì vậy không có người giữ tôi lại và đưa xuống. Không những vậy, tôi còn bị trả ngược lại ra giữa dòng, lơ lửng trên không, giữa rừng.
    Vì không chuẩn bị trước, tôi cũng không hình dung ra mình sẽ được mang vào bằng cách nào. Giữa cơn hoảng loạn, may sao tôi nhớ đến Ngài… Bồ-tát Quán Tự Tại… Bồ-tát Quán Thế Âm… và bắt đầu tận lực trì tụng lục đại minh chú của Ngài: Om mani padme hum.
    Tôi không biết mình lơ lửng ở đó bao lâu, chắc nhanh thôi, một lát sau các bạn hướng dẫn đã đu ra kéo tôi vào. Khoảng thời gian chờ được giải cứu là một trải nghiệm kỳ lạ. Không biết tôi hết run rẩy từ bao giờ và bắt đầu nhìn xuống lòng hồ xanh ngắt được bao bọc bởi rừng cây nhấp nhô cao thấp ngay bên dưới mình. Tim tôi không còn đánh trống nữa, nó dần lấy lại nhịp đập. Quả là một cảm giác đáng sợ. Dẫu sao lúc trở lại mặt đất, sắc diện của tôi đã trở lại gần như bình thường, bạn ghẹo: “Tưởng thảm lắm nhưng nhìn mặt bà thấy bình thường à, bà không hãi sao?”. Tôi trả lời hãi chứ, rất hãi nữa là khác, chỉ sợ đứng tim chết giữa hư không rồi lại làm mồi cho chim (haha), may thay, ngay đoạn đó tôi đã nhớ đến Bồ-tát Quán Thế Âm. Giờ nghĩ lại thì nên nói là quá may mắn mới đúng, vì tôi đã nhớ được Ngài, nhớ được từ rất lâu!
    Tôi nhớ, hồi còn nhỏ xíu, trên trang thờ nhà tôi là một bức tranh kiếng vẽ hình Bồ-tát Quán Thế Âm tay cầm cành dương liễu, theo sau là một cậu bé con xinh xắn. Tôi nhớ mình từng hỏi bà ngoại: “Người đi theo Phật Bà Quan Âm trong bức tranh kia là ai?”, ngoại trả lời “Thiện Tài đồng tử”. Sau này chuyển từ ngôi nhà tranh cũ kỹ sang nhà mới, mẹ tôi có ý thỉnh một tượng Quan Âm lớn hơn về thờ. Bà ngoại cản: “Mình ở đâu, Tam bảo ở đó. Đi đâu con phải mang theo không nên để lại”. Bức hình Bồ-tát Quán Thế Âm cùng Thiện Tài đồng tử vì vậy cũng cùng mẹ tôi lưu lạc mấy bận.
    Hồi đó, phương tiện giao thông, đường sá không dễ dàng như bây giờ, ba mẹ tôi chạy xe liên tỉnh, thành ra vắng nhà liên tục, nhanh lắm là 5 ngày, chậm thì 10 ngày, có khi cả nửa tháng, một tháng mới về. Mẹ lúc nào trước khi đi, bên cạnh mớ đồ ăn để lại và một ít tiền, là lời dặn dò mấy đứa con nhỏ: có bất kỳ điều gì nguy hiểm lo lắng, con cứ niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát. Gẫm lại, mẹ đã sớm gởi gắm chúng tôi “núp” dưới nhành dương liễu của Ngài. Những buổi đi học đạp xe trong mưa bão, tôi vừa đi vừa niệm Quán Thế Âm. Những đứa con miền Trung quen với cái lạnh cắt da, hay quen với cái cảnh mở mắt ra thấy quanh mình là nước, nồi niêu xoong chảo than củi trôi lềnh bềnh. Thậm chí cá rắn bơi ngay dưới chân giường. Không biết vì quá nhỏ để sợ hay vì niềm tin mình luôn được chở che mà hiếm khi thấy sợ, chỉ thấy một niềm thích thú.
    Nhiều hôm thức dậy ra vườn không hiểu sao cây cối nằm la liệt, chái bếp trống lốc, mái tranh dừng quanh làm tường bếp cũng bay mà mái lợp cũng bay đâu không biết. Chỉ có bầu trời là xanh, xanh ngắt một màu dị kỳ, mới hay đêm qua bão đến. Bão tan cũng là lúc chúng tôi có thể đi xuống xóm trên hay xóm dưới tìm mái nhà của mình, có khi đang… đậu trong vườn hay trên ngọn cây, mái bếp của hàng xóm. Những đêm thức khuya hay dậy sớm học bài, vườn rộng, cây nhiều, hình dáng cây trong đêm tối thẫm đã đáng sợ, lại thêm những câu chuyện, lời đồn thổi về những ngôi mộ xung quanh, trước và sau vườn, đứa trẻ nào không ớn. Má tôi trước mỗi chuyến đi đều cúng bông và trái cây trên xe, nhiều hôm bà quên mua, thế là 3 – 4 giờ sáng, tôi phải lãnh nhiệm vụ băng qua mấy cánh đồng, qua những ngôi mộ đi xuống nhà bác Năm Thành hoặc nhà bác Bảy Tâm mua bông mua chuối mang xuống bãi xe cho má.
    Đứa nhỏ không dám đi chỉ cắm đầu chạy, vừa chạy vừa niệm Quán Thế Âm, vừa thở hồng hộc. Lớn lên, ngày vào phòng mổ sinh con, má cũng dặn: “Niệm Quán Âm nghen con”. Rồi đến lượt mình, tôi cũng dặn mấy đứa nhỏ: “Bất cứ khi nào, bất cứ chuyện gì con phải nhớ gọi tên Ngài nghe không?”. Con tôi trưởng thành hơn tôi ngày đó. Bé đã biết can gián: “Thôi mẹ, phải khi nào thật cần thiết, thật hệ trọng hãy niệm chứ lúc nào chuyện nhỏ chuyện lớn gì cũng gọi Ngài, con thấy phiền cho Ngài quá”. Tôi phì cười, cảm ơn con đã biết nghĩ cho người khác. Nhưng Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát, hạnh nguyện lớn lao của Ngài là thấu biết hết mọi nỗi niềm đau khổ của nhân gian. Hạnh lắng nghe của Ngài là điều con luôn phải nhớ nghĩ.
    Tuy vậy Ngài cũng là Bồ-tát Quán Tự Tại, Ngài tự do trước mọi điều, không gì có thể ràng cột, ràng gánh nặng trên Ngài đâu. Vì vậy Ngài sẽ luôn lắng nghe, thấu hiểu, giúp đỡ, nhưng Ngài sẽ không thấy phiền đâu con nhỉ. Chỉ những người giới hạn, đầy định kiến, bám chấp như chúng ta mới thấy phiền. Vì vậy mẹ và con, chúng ta đều phải ngày ngày rèn luyện, không chỉ học hạnh yêu thương mà phải học hạnh tự tại của Ngài, mới hy vọng có thể giúp đỡ bản thân mình và người xung quanh được.
    Cô nhỏ không biết có hiểu ra được điều gì không mà thỉnh thoảng lại rủ rê: “Mẹ, ngồi theo kiểu Phật không mẹ!”. Ừ mỗi ngày một chút, tập ngồi xuống đi con, để học được tình yêu thương, lòng trắc ẩn, để nuôi một niềm tin ngày nào đó, kiếp nào đó ta có thể đủ tự do tự tại để nhận ra gương mặt của chính mình!

    Trần Lê Sơn ÝBáo Giác Ngộ

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều