Thứ Hai, Tháng Mười Hai 23, 2024
Khác
    HomeTuổi Trẻ- Khoá tuKhóa tuNgày tu an lạc tháng 8 năm Canh Tý tại chùa Bằng-...

    Ngày tu an lạc tháng 8 năm Canh Tý tại chùa Bằng- Hà Nội

    Ngày 04 tháng 10 năm 2020, nhằm ngày 18 tháng 08 năm Canh Tý, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên tự) – số 63 phố Bằng Liệt – phường Hoàng Liệt – quận Hoàng Mai – thành phố Hà Nội ngay từ sáng sớm để tham dự ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng.

    Đúng 7h30′ sáng, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã làm lễ niêm hương bạch Phật và đăng đàn truyền giới cho các hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này.

    - Advertisement -

    Sau đó, toàn thể đại chúng đã trang nghiêm lắng nghe thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng trụ trì với chủ đề “Mười điều nhẫn của Bồ Tát trong Kinh Hoa Nghiêm“, nằm trong phẩm Thập Nhẫn thứ 29 của kinh. Trong phẩm này, Đức Phật đã dạy cho Ngài Phổ Hiền về chữ Nhẫn mà Bồ Tát Phổ Hiền đã tu tập được, từ đó đã phổ rộng cho các vị Bồ Tát để tất cả cùng tu tập.

    Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Hiền bảo các Bồ Tát rằng :

    Chư Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ nhẫn, nếu nhẫn được thời được đến nơi vô ngại, nhẫn địa của tất cả Bồ Tát, tất cả Phật pháp, vô ngại vô tận.

    Những gì là mười? Đó là : Âm nhẫn, thuận nhẫn, vô sinh nhẫn, huyễn nhẫn, diệm nhẫn, mộng nhẫn, hưởng nhẫn, ảnh nhẫn, hoá nhẫn, không nhẫn.

    Hòa thượng giảng sư chia sẻ “Mười điều nhẫn này còn cao rộng hơn nhiều so với chữ Nhẫn ở thế gian, đòi hỏi người Phật tử phải gắng sức hơn để tu tập“.

    Âm nhẫn nghĩa là âm thanh, chúng ta nghe người ta chửi, mắng, nói xấu mà vẫn nhẫn được thì đó chính là điều đáng quý, đáng trân trọng trong cuộc sống. Nhưng âm thanh nhẫn mà Đức Bồ Tát Phổ Hiền chỉ dạy, chính là “khi nghe pháp của chư Phật nói, chẳng kinh chẳng hãi, chẳng sợ, thâm tín ngộ giải, chuyên tâm ghi nhớ, tu tập an trụ”. Ở đây, chúng ta học được rằng khi nghe pháp của Phật, mỗi người đều có một sự chú tâm tu tập riêng và lãnh thụ được điều giải thoát ở nơi giáo pháp Phật. Nhưng nếu chúng ta tin, nhất tâm, thì chúng ta sẽ lãnh thụ được tất thảy. Thay vì nghe câu chuyện thị phi ở bên ngoài, chúng ta hãy quán tưởng “đã biết thế gian này là giả, có chi mà tranh nhã tranh nhân”, mình không để tâm tới chuyện đó, phải hiểu đó chính là muôn mặt của đời thường, đó chính là xã hội. Nếu hiểu được như vậy, mình sẽ liễu ngộ và không bị đắm chìm vào câu chuyện đó. Học tu “âm thanh nhẫn” này, ta bỏ tất cả những âm thanh đó đi, những chuyện thị phi đó đi, lấy thời gian quý báu của mình để tập trung nghe các bài giảng pháp của chư Tôn đức, chuyên tâm ghi nhớ, chuyên tâm tu tập, an trụ, không vội vàng, luôn bình tĩnh học – tu để chuyển hóa cuộc sống.

    Vô sinh pháp nhẫn nghĩa là chẳng thấy có chút pháp nào sinh, chẳng thấy có chút pháp nào diệt. Nếu không sinh thì không diệt, nếu không diệt thì không cùng tận. Nếu không cùng tận thì lìa cấu bẩn. Nếu lìa cấu bẩn thì không có sự sai biệt. Nếu không có sự sai biệt, thì không xứ sở. Nếu không xứ sở thì tịch tĩnh. Nếu tịch tĩnh thì lìa dục. Nếu lìa dục thì không tạo tác. Nếu không tạo tác thì không có nguyện. Nếu không có nguyện thì không chỗ trụ. Nếu không chỗ trụ thì không đến không đi. Vạn vật đều có luân hồi, vạn pháp tùy duyên. Vô sinh pháp nhẫn giúp cho hành giả tu tập liễu ngộ, tự tại trước cảnh vô thường, tự tin trong cuộc sống, vững chãi thảnh thơi trước mọi biến thiên của đời.

    Thứ ba là huyễn nhẫn. Là biết tất cả các pháp, đều như huyễn như hoá, do nhân duyên sinh khởi. Ở trong một thứ pháp, thấu hiểu được nhiều thứ pháp; ở trong nhiều thứ pháp, thấu hiểu được một thứ pháp. Biết các pháp như huyễn rồi, thấu đạt cõi nước, thấu đạt chúng sinh, thấu đạt pháp giới, thấu đạt thế gian bình đẳng, thấu đạt Phật xuất hiện bình đẳng, thấu đạt ba đời bình đẳng, thành tựu đủ thứ thần thông biến hoá. Giấc chiêm bao không có thật, tất cả các pháp nhìn nhận trong cuộc sống này cũng vậy. Không có niềm vui nào vĩnh viễn, không có nỗi buồn nào mãi mãi. Đặc biệt trong pháp tu đoạn trừ phiền não, Đức Phật dạy “hãy quán tưởng phiền não này không chân thật, phiền não là khách trần“. Đã là khách thì có đến có đi, không chân thật, vì vậy đừng chấp khổ đau, đừng giữ phiền não trong lòng. Có sân giận, bực tức thì hãy mau chóng bỏ qua. Nếu ta quán chiếu và tự tại được thì sẽ không có khổ đau. Thế giới thành trụ hoại không, vạn vật sinh trụ dị diệt, con người sinh lão bệnh tử. Nếu hiểu được tất cả như huyễn, như mộng, chúng ta sẽ không bao giờ bị đắm chấp vào đó.

    Thứ tư là diệm nhẫn. Biết tất cả thế gian giống như dương diệm. Ví như dương diệm, không có phương sở, không trong, không ngoài, chẳng có, chẳng không, chẳng đoạn, chẳng thường, chẳng một sắc, chẳng đủ thứ sắc, nhưng tuỳ thế gian lời nói hiển bày. Bồ Tát như vậy, quán sát như thật, biết rõ các pháp, hiện chứng tất cả, khiến cho được viên mãn.

    Thứ năm là hưởng nhẫn. Nghe Phật thuyết pháp, quán các pháp tánh, tu học thành tựu, đến nơi bờ kia, biết tất cả âm thanh, đều giống như vang, không đến, không đi, thị hiện như vậy. Đại Bồ Tát này, quán tiếng Như Lai, chẳng từ trong ra, chẳng từ ngoài ra, cũng chẳng từ trong ngoài mà ra. Chỉ biết tiếng đó, chẳng trong, chẳng ngoài, chẳng trong ngoài ra, mà có thể thị hiện khéo léo danh từ câu văn, thành tựu diễn nói. Ví như tiếng vang hang động, do duyên mà khởi, với pháp tính chẳng có trái nhau, khiến cho các chúng sinh, tuỳ loại đều hiểu, mà được tu học. Hưởng nhẫn chính là tiếng vang. Khi học pháp Phật, thấy tất cả các pháp đều mang lại cho chúng ta sự tự tại. Khi nghe những câu chuyện đời, khiến ta dễ bị tác động tiêu cực. Nhưng những âm hưởng trong giáo pháp Phật lại làm cho chúng ta tu tập được, biết được tất cả, mà chỉ có một mục đích duy nhất đó là mang lại an lạc, hạnh phúc cho tự thân mỗi người.

    Thứ sáu là ảnh nhẫn. Đại Bồ Tát này, chẳng sinh ở thế gian, chẳng diệt ở thế gian. Chẳng ở trong thế gian, chẳng ở ngoài thế gian. Chẳng tu hành ở thế gian, chẳng phải chẳng tu hành ở thế gian. Chẳng đồng nơi ở thế gian, chẳng khác nơi ở thế gian. Chẳng qua lại ở thế gian, chẳng phải chẳng qua lại ở thế gian. Chẳng trụ ở thế gian, chẳng phải chẳng trụ ở thế gian. Chẳng phải là thế gian, chẳng phải là xuất thế gian. Chẳng tu hành Bồ Tát hạnh, chẳng xả bỏ đại nguyện, chẳng thật, chẳng không thật. Tuy thường hành tất cả Phật pháp, mà làm được tất cả việc thế gian, chẳng tuỳ theo dòng thế gian, cũng chẳng trụ dòng pháp…Như trong hạt giống, không có rễ mầm thân đốt nhánh lá, mà hay sinh ra các việc như thế. Đại Bồ Tát cũng lại như thế, ở trong pháp không hai, phân biệt hai tướng, phương tiện khéo léo, thông đạt vô ngại. Ảnh nhẫn tức là không có ảnh hưởng. Nếu thành tựu ảnh nhẫn, ta sẽ thấy tất cả các pháp không có phân biệt ra hai tướng, nếu có chỉ là thiện xảo phương tiện mà thôi.

    Thứ bảy là hóa nhẫn của Bồ Tát, biết tất cả thế gian thảy đều như hoá. Học được hóa nhẫn, ta sẽ thấy tất cả mọi thứ mà mình biết được, tùy duyên được, quán chiếu được, làm nhưng không rời bản thể, tham gia mọi việc của xã hội nhưng không rời bản thể của người tu.

    Thứ tám là không nhẫn. Đại Bồ Tát này, thấu rõ tất cả pháp giới, như hư không, vì vô tướng. Tất cả thế giới, như hư không, vì không khởi. Tất cả pháp như hư không, vì không hai. Tất cả chúng sinh hành như hư không, vì vô sở hành. Tất cả Phật như hư không, vì không phân biệt. Tất cả Phật lực như hư không, vì không khác biệt. Tất cả thiền định như hư không, vì ba đời bình đẳng. Sở thuyết tất cả pháp như hư không, vì không thể nói. Tất cả thân Phật như hư không, vì vô trước vô ngại. Bồ Tát dùng phương tiện như hư không như vậy, thấu rõ tất cả pháp đều không chỗ có. Có nghĩa tất cả là không hết. Không không sắc sắc bản đồng nhiên. Lúc này, bồ đề với sinh tử, phiền não với niết bàn, tất cả là một. Tu mà không tu, chứng mà không phải chứng, đó chỉ là sự chuyển hóa giai đoạn, bản thể chính là không.

    Tiếp theo là thuận nhẫn. Đó là đối với các pháp, tư duy quán sát, bình đẳng không trái, tuỳ thuận biết rõ, khiến cho tâm thanh tịnh, chính trụ tu tập, hướng nhập thành tựu.

    Cuối cùng là mộng nhẫn, biết tất cả thế gian như mộng. Ví như mộng, chẳng phải thế gian, chẳng phải lìa thế gian, chẳng phải dục giới, chẳng phải sắc giới, chẳng phải vô sắc giới, chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng nhiễm, chẳng tịnh, mà có sự thị hiện. Đại Bồ Tát cũng lại như thế, biết tất cả thế gian đều giống như mộng, vì chẳng có thay đổi, vì tự tính như mộng, vì chấp trước như mộng, vì tính lìa như mộng, vì bản tính như mộng, vì sở hiện như mộng, vì vô sai biệt như mộng, vì tưởng phân biệt như mộng, vì giác thời như mộng.

    Cuối cùng, Hòa thượng khuyến tấn đại chúng “Tổ Huệ Năng có bài kiến giải trình Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn là pháp vô vi tối thượng, bồ đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài, bản lai vô nhất vật. Tức là không còn có các tướng hữu vi nữa. Bồ đề cũng không có, phiền não không còn, niết bàn sinh tử cũng không có. Từ chữ Nhẫn của thế gian cho tới mười pháp nhẫn trong Kinh Hoa Nghiêm làm cho chúng ta tự tại trong tu tập. Thân như cây bồ đề, tâm như đài gương sáng. Mọi pháp đều phải tu tập. Khi liễu ngộ được thì tất cả vạn pháp giai không“.

    Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng trụ trì, đại chúng đã chí thành chí kính tụng thời Kinh Dược Sư dưới sự chủ lễ của chư tôn đức Tăng bản tự.

    Buổi trưa, đại chúng thực hiện nghi thức cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm tỉnh thức.

    Đầu giờ chiều, dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì cùng chư Tôn đức Tăng bản tự, các hành giả tu tập bát quan trai giới đã nhất tâm hướng về Phật đài, tụng Kinh Phổ Môn cầu nguyện thế giới hòa bình, nhân dân an lạc, khép lại ngày tu tràn đầy hỷ lạc.

    Diệu Tường

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều