Gạt qua mọi khuyên nhủ của chị, em mải mê thả vào câu chữ đầy luận điệu của… người lớn. Em vô tư khuyến tấn hàng “hậu học” mai sau bằng mọi giảng giải, bảo khuyên mà không biết rằng hạnh lớn nhất của người tu học là hạnh Khiêm cung…
Nhà có ba chị em gái, P là cô em út của tôi. Từ nhỏ, P đã bộc lộ năng khiếu vẽ vời và làm thơ. Em luôn thích được vẽ và đam mê thế giới đầy mơ mộng lãng mạn của thi họa. Lớn lên một chút, P đã bắt đầu có những bài thơ được đăng trên báo Mực Tím. P say mê “sáng tác” bất kể ngày đêm. Trong căn phòng em, đầy mọi ngóc ngách, nơi đâu cũng vương vãi những ý thơ bất chợt được em chép vội. Càng lớn, P càng xinh đẹp, em là niềm kỳ vọng lớn nhất của mẹ tôi.
Trong nhà, em vượt xa hai người chị về mọi phương diện. Có thể xem em là hình mẫu người phụ nữ giỏi giang, thông minh năng động của thời nay. Và đặc biệt, em còn là cô gái vô cùng mến mộ đạo Phật, là niềm tự hào của cả gia đình và dòng họ vì tấm lòng thơm thảo hay giúp người của em. Em còn thường xuyên tham gia các đoàn từ thiện của Phật giáo. Nhìn chung, em là tất cả của gia đình tôi, nơi em hội đủ mọi yếu tố về tài năng lẫn học vấn. Tâm hồn bé nhỏ của em luôn ươm đầy khát vọng.
Còn nhớ… P luôn thủ thỉ cùng tôi rằng lớn lên em sẽ trở thành nhà thơ… nổi tiếng. Ngày ấy, tôi đã cười xòa trước ý nghĩ đầy mơ mộng trẻ con của cô em gái mình. Song tận sâu thẳm lòng mình tôi vẫn luôn có cảm giác bất an về em và mơ hồ về một tính cách sớm tự phụ còn tiềm ẩn chưa bộc lộ rõ trong em.
Thế nhưng, lớn lên, ước mơ trở thành nhà thơ của em được chuyển sang môi trường của báo chí. Em tôi bây giờ là sinh viên ngành báo chí và em lại chuyển sang miệt mài say mê “làm báo”. Các bài viết cộng tác của em xuất hiện thường xuyên trên các tờ báo lớn. Bài viết nào cũng thấm đẫm tình nhân văn được em điểm xuyết vào vài tư tưởng Phật giáo. Em nắm bắt rất nhanh về mọi vấn đề của đời sống và chuyển tải vào đó những ý nghĩ mang nhiều thông điệp sẻ chia, bảo vệ lẽ phải, tôn vinh cái hay, cái đẹp…
Càng ngày, với ngòi bút sắc sảo em dần khẳng định mình qua bút hiệu trở nên thân thuộc với nhiều độc giả. Nhất là các bài báo về đề tài Phật giáo. Đọc các bài viết của em, nhiều người lầm tưởng đó là cây bút của người… có tuổi, một người uyên thâm Phật pháp bởi các tư tưởng già dặn sâu sắc của em trên từng con chữ.
Tuy nhiên, tôi không khỏi lo ngại và nhìn lại “tài” viết lách của em. Bởi tôi hiểu càng ngày em đang cố vận dụng tối đa mọi hiểu biết, kiến thức nặng về từ ngữ Phật học lên hết các câu chữ, biến nó thành sản phẩm mà em cho là thật hay, thật độc đáo khiến người đọc (một số người quen của em) không khỏi ngỡ ngàng về một con bé còn “non dại” như em. Từ ý nguyện tốt đẹp ban đầu, dần dần các bài báo của em thành một công cụ để em kiếm nhuận bút trang trải cho nhiều khoản của cuộc sống. Mà tệ hại hơn, phần lớn nội dung là đề tài Phật giáo được em chuyển tải một cách máy móc vô hồn từ các kinh văn mà chỉ có tôi nhận ra. Bởi em vẫn luôn là cô em gái còn bồng bột bé nhỏ trong tôi và gia đình.
Gạt qua mọi khuyên nhủ của chị, em mải mê thả vào câu chữ đầy luận điệu của… người lớn. Em vô tư khuyến tấn hàng “hậu học” mai sau bằng mọi giảng giải, bảo khuyên mà không biết rằng hạnh lớn nhất của người tu học là hạnh Khiêm cung. Từ vấn đề này mà chị em tôi bỗng trở nên “đối đầu” nhau vì tính ương bướng háo thắng mới lớn của em. Dù là bài viết đầy tính thuyết phục, nhưng sau vẻ “uyên bác” trên chữ nghĩa ấy của em tôi thật sự ái ngại cho em. Bởi vì em đã “biết gì đâu” về kinh nghiệm sống, về cuộc đời lẫn tu học. Em hãy còn quá trẻ để viết lên, bày tỏ mạnh dạn thẳng thắn suy nghĩ “to tát” mà quên rằng, ngoài tư tưởng học Phật, người ta còn cần cả quá trình trải nghiệm tự thân, có khi chấp nhận cả đau thương mất mát lớn lao trong đời… mới cho ra những dòng viết được tích lũy từ vốn sống, từ sự từng trải quý báu đó em.
Em ạ, bạn đọc sẽ chẳng nghi ngờ gì về công hạnh, tư tưởng “thấu đáo” cùng độ tuổi của người viết. Song độ trưởng thành người cầm bút sẽ hiện rõ qua chính phong cách sống của người ấy. Và dĩ nhiên, một người đầy đủ nhân cách sống, phong thái lời văn họ cũng khiêm hạ, nhã nhặn theo. Và không một độc giả nào nhận hiểu điều này rõ hơn ngoài chính tâm hồn em. Em có thể tự do diễn đạt văn chương nhưng không được phép tùy tiện thể hiện lòng tự phụ vượt ngoài tầm mức sẻ chia, bộc lộ “cái tôi” vừa đủ của mình trên ngôn từ. Bởi cái gì thái quá cũng trở nên mất hay, và quan trọng là em tự đánh mất đi vẻ đẹp tiềm ẩn vốn có ở em: Vẻ đẹp tâm hồn. Vì để “quét dọn” tâm hồn, người Phật tử càng cần phải thận trọng không những trong lời nói mà cần phải học hạnh khiêm cung mọi lúc mọi nơi, kể cả trong văn chương em nhé.