Trung thu này tôi vẫn đến dâng hương ở tháp tàng kinh và tôn tượng Phật cũ trước chùa Từ Hiếu. Hôm ấy, tôi thấy trong đồi thông trước tháp có nhiều Phật tử nhí đang vui chơi, chuẩn bị múa lân và nhận quà Trung thu. Bánh, quà đang chất đầy trong vuông sân.
Ảnh minh họa của pixabay
Tôi gặp một cô bé học lớp Một, Trường Tiểu học Thủy Xuân, thành phố Huế. Tôi đùa:
– Cho “Ôn” một cái bánh trung thu.
– Đợi phát thưởng đã rồi con cho.
Tôi vỗ bụng nói:
– “Ôn” đói lắm.
Cô bé nhìn lên những tán thông lá hình kim và suy nghĩ:
– Con thấy “Ôn” béo mà!
Tôi quẩy một bao hoa thông khô vừa nhặt trên đồi, đi tiếp với lòng lâng lâng khi thấy tâm cô bé sáng trong. Đến trước Ni xá Diệu Trạm gặp một vị Ni đi ra. Tôi vẫn đứng quẩy bao trái thông trên vai, kể lại cuộc trò chuyện với cô bé lớp Một. Đang vui, tôi hỏi:
– Cô ơi! Làm sao diệt sự tham ăn” Con còn tham ăn lắm! Xin cô đặt cho tôi một câu hỏi thật khó về Phật pháp. Cô đáp:
– Làm sao để thấy được tâm?
Tôi buột miệng:
– Kiến tánh thành Phật.
Cô lại nói:
– Ông đặt bao xuống đây, đợi con vào chùa lấy tặng ông vài cái bánh trung thu.
– Dạ! Con đã nhận bánh từ cô rồi. Xin cám ơn cô.
Trên đường về tịnh cốc, tôi nhớ lời ngài Huệ Khả đã nói với ngài Bồ Đề Đạt Ma: “Tâm con bất an. Đưa tâm ta an cho…”.
Trong quá trình tìm tâm, Huệ Khả đã đạt ngộ. Tôi nghĩ tâm tĩnh lặng, lắng đọng thì dễ thấy tâm của mình. Còn tâm người khác, người bình thường vẫn thấy được khi họ biểu lộ giận dữ hoặc thương yêu, và ta chỉ cần có lòng từ bi và yêu quý chân thật sẽ dễ thấy rõ. Tôi đã thấy tâm của cô bé và Ni cô, thật trong sáng.
Nguyễn Nguyên An / Báo Giác Ngộ
- Advertisement -