Thứ Năm, Tháng Mười Một 21, 2024
Khác
    HomeHoằng PhápHT. Thích Bảo Nghiêm: Nương tựa vào danh hiệu Phật để nhớ...

    HT. Thích Bảo Nghiêm: Nương tựa vào danh hiệu Phật để nhớ hạnh Phật, lời Phật dạy

    Pháp tu Tịnh độ, chính là pháp môn tu tập niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà để thành tựu được cảnh giới của Tịnh độ. Cõi Tịnh Độ, là cõi nước Cực lạc của Đức Phật A Di Đà ở Phương Tây. Đó là cảnh giới an lạc, giải thoát, không còn phiền não, sinh tử.

    Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm.

    Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm.

    Theo mô tả của kinh A Di Đà, thế giới Cực Lạc tuy cách chúng ta hằng hà sa ức cõi, nhưng cũng gần ngay chúng ta trong sát na niệm, vì “tự tính Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ”, “Tâm tịnh, thì quốc độ tịnh”, các Tổ đã dạy “ngay chốn này cực lạc rồi đây”. Muốn thấy cái “Cực lạc rồi đây” phải tu tập. Không tu tập, thì không có cách nào thành tựu được Tịnh Độ.

    Pháp môn tịnh độ, dễ tu, dễ chứng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, già trẻ, trai gái…ai cũng có thể tu tập theo pháp môn Tịnh độ. Nên Tổ Thảo Đường dạy “Môn niệm Phật phổ thông đệ nhất, thực rõ ràng đường tắt không hai, kể từ cổ vãng kim lai, hiền ngu già trẻ gái trai đều thành”. Phương châm tu tập này, cũng thể hiện tinh thần bình đẳng của Phật giáo. Tất cả mọi người đều có thể đến và tu tập trong cửa thiền môn trên tinh thần bình đẳng, để cùng hướng đến cảnh giới an lạc giải thoát.

    Tu theo pháp môn Tịnh độ, điều căn bản nhất là làm cho ba nghiệp được thanh tịnh. Nếu “Trau dồi ba nghiệp không chuyên” thì “vãng sinh tịnh độ nhân duyên lu mờ”. Còn ba nghiệp thanh tịnh, thì “đồng Phật vãng tây phương”.

    - Advertisement -

    Ba nghiệp gồm nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý.

    Nghiệp thân: là những hành động tạo tác của thân. Ba điều căn bản nhất của nghiệp thân người Phật tử phải giữ đó là: không sát sinh, không trộm cắp, không quan hệ bất chính. Giữ gìn ba điều này, cũng là hướng đến tinh thần: từ bi, trung thực, chân thành.

    Nghiệp khẩu: là những tạo tác, hành động của miệng. Nói về nghiệp khẩu, có bốn điều người Phật tử phải giữ đó là: không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác, không nói lưỡi hai chiều. Tục ngữ có câu “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất” – Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Do đó, muốn giữ cho nghiệp khẩu được thanh tịnh, cần giữ bốn điều căn bản của nghiệp khẩu, đồng thời duyên tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà.

    Nghiệp ý: là những tạo tác của tư duy. Nghiệp ý, người Phật tử cần kiểm soát ba thứ, đó là: Tham, sân, si. Khi “tham” nổi lên, người Phật tử hãy quán tưởng đến “vô thường”. Tự mình trả lời câu hỏi “tất cả cái tham muốn đó có thật sự bền chắc không”. Nói về điều này, tổ dạy: “Mọi sự vật trước sau đều thế, là vô thường không thể cậy trông”. Niệm Phật cũng là một phương pháp đối trị vô thường. Tổ có dạy: “mạc đãi lão nhân phương niệm Phật Cô phần tận thị thiếu niên nhân” – chớ đợi đến già rồi niệm Phật, biết bao nấm mồ tuổi xuân xanh. Thứ hai là sân. Khi “Sân” nổi lên, nó sẽ phá đi tất cả: “Ba năm tích đức tu hành, một lời thất đức công trình đổ đi”, “nhất sân chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi lâm” – Một sân nổi nóng, có thể thiêu đố không biết bao nhiêu vạn thứ công đức. Giống như anh thợ hàn, vô ý để hạt lửa hàn rơi xuống thảm, có thể làm cháy hết cả công trình, kho tàng… Thứ ba là Si. Khi si tồn tại, nó làm cho mọi thứ trở nên tăm tối, vi si chính là vô minh, là thiếu hiểu biết.

    Niệm Phật là hướng đến ba nghiệp thanh tịnh, nếu ba nghiệm thanh tịnh thì sân si chẳng còn.

    Niệm Phật là hướng đến ba nghiệp thanh tịnh, nếu ba nghiệm thanh tịnh thì sân si chẳng còn.

    Tham sân si chính là gốc của khổ. Muốn đoạn diệt được tham sân si thì phải tu tập. Một trong những phương pháp đoạn diệt tham sân si chình là Pháp môn niệm Phật, nghe pháp. Nghe pháp sẽ sinh ra tuệ giác. Có tuệ giác sẽ đoạn được cái Si (ngu si). Niệm Phật, là hướng đến ba nghiệp thanh tịnh. Ba nghiệp thanh tịnh, thì sân si chẳng còn.

    Bản chất của niệm Phật là ba nghiệp được thanh tịnh. Nhưng người Phật tử thường xuyên niệm Phật để nhắc nhở mình nhớ đến công hạnh của Phật, lời dạy của Phật, bản chất của cuộc đời, từ đó có ý thức trong sự tu tập, đối trị phiền não. Do vậy, danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” đã thành câu cửa miệng của người dân Việt Nam trong mọi tín ngưỡng, tâm linh. Từ việc thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, lễ mộ, lễ thành hoàng làng, lễ đền, phủ, mẫu…. câu cửa miệng đều là “Nam Mô A Di Đà Phật”.

    Một điều quan trọng nữa của pháp môn Tịnh Độ. Tu tịnh độ, cũng chính là hiểu nhân quả và tin sâu, thực tập, tu theo nhân quả. Nói về nhân quả, ta biết: “Thiện giả thiện báo – ác giả ác báo”, “nhân nào quả ấy”. Nhân trước tốt, nên quả hôm nay đẹp. Nhân hôm nay đẹp, quả ngày mai nhất định sẽ đẹp. Nếu quá khứ nhân không tốt, quả hôm nay không tốt. Nhân hôm nay không tốt, quả ngày mai không tốt. Nên “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Vì thế, người tu tịnh độ, cũng phải tin, thực hành, tu tập theo nhân quả.

    Tu niệm Phật cũng chính là sự tin sâu, thực hành theo giáo lý nhân quả.

    Tu niệm Phật cũng chính là sự tin sâu, thực hành theo giáo lý nhân quả.

    Tóm lại, pháp môn Tịnh độ, chính là phương pháp niệm Phật, để thành tựu được cảnh giới của Tịnh Độ. Pháp môn này, bình đẳng, dễ tu, dễ chứng: hiền ngu, già trẻ, gái trai…không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị, giàu sang…. Tất cả mọi người đều có thể tu và thành tựu pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn niệm Phật, dùng danh hiệu Phật để làm thanh tịnh thân tâm, nương tựa vào danh hiệu Phật để nhớ hạnh Phật, lời Phật dạy từ đó ứng dụng vào tu tập bản thân. Do đó, bản chất của pháp môn niệm Phật là làm cho ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Thứ nữa, tu niệm Phật, cũng chính là sự tin sâu, thực hành theo giáo lý nhân quả. Cảnh giới Tịnh độ tuy cách chúng ta hằng hà sa ức kiếp, nhưng nếu thành tựu được những điều trên, thì tịnh độ sẽ hiện tiền ngay ở chốn nhân gian này.

    *Trích theo bài giảng của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm giảng tại tại chùa Phúc Lâm, thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều