Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Khác
    HomeTin TứcHà Nội: Hội thảo Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo...

    Hà Nội: Hội thảo Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí

    Sáng ngày 11 tháng 12 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức hội thảo “Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí”.

    Đến tham dự buổi Hội thảo nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí có: TT.TS Thích Giác Hoàng – Phó tổng thư ký Kiêm Chánh văn phòng Học Viện Phật Giáo Việt Nam TP. HCM; Ni Trưởng Thích Đàm Nghiêm – UV TT HĐTS TƯ GHPGVN, Phó trưởng Ban TT Phân ban Ni giới TƯ; Ni Trưởng Thích Đàm Thành – UVTT Phó trưởng PBNG TƯ; Ni Trưởng Thích Đàm Lan – UV TT Phó trưởng PBNG TƯ; Ni Sư Thích Như Nguyệt – Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Nữ Giới Phật Giáo;  TS. Trần Thị Quốc Khánh – UVTT Ủy Ban Khoa Học Công Nghệ và Môi trường Quốc Hội, Đại biểu Quốc hội; PGS.TS Nguyễn Xuân Trung – Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Tổng biên tập tạp chí nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á; cùng đại diện các cơ quan ban ngành Trung ương, Ban Tôn Giáo Chính Phủ, Ban Tôn Giáo TƯ MTTQ VN.

    Phát biểu khai mạc, GS.TS Đặng Nguyên Anh – Phó chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: Ngay từ thời xa xưa, đức Phật đã gạt bỏ mọi kỳ thị về giai cấp, về giới tính và đồng ý cho nữ giới xuất gia. Đây cũng là minh chứng thiết thực nhất cho tinh thần bình đẳng và khoan dung của Phật giáo. Ông cho biết thêm, các thống kê cho thấy nữ giới chiếm 1 tỷ lệ đáng kể theo tín ngưỡng Phật giáo và có nhiều đóng góp cho Phật sự, là một phần rất quan trọng trong việc xương minh Phật Pháp; Thời đại ngày nay, nữ giới được đề cao với các vai trò trong đời sống xã hội, gia đình, …. Tuy nhiên, việc nhìn nhận và khẳng định về vai trò, vị trí, những thế mạnh của của nữ giới Phật giáo trong lĩnh vực báo chí là một vấn đề rất đáng được quan tâm trong thời đại công nghệ 4.0.

    - Advertisement -

    Thay lời Hòa thượng Viện trưởng viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và chư Tôn đức Hội đồng quản trị Viện nghiên cứu, TT.TS Thích Giác Hoàng gửi lời kính chúc và tri ân quý vị khách mời tham dự hội thảo. Thượng tọa bày tỏ niềm hoan hỷ với 26 bài tham luận được viết bởi 28 nhà nghiên cứu, độc giả, trong đó có 11 bài do chư Tôn đức Ni thuộc Trung tâm nghiên cứu Nữ giới Phật giáo đảm trách. Thượng tọa tin tưởng rằng: qua những bài tham luận, chư Ni và Nữ Phật tử được dịp nhìn nhận lại năng lực, tiềm lực vốn có của mình để tiếp tục góp phần vào việc phát triển báo chí và truyền thông Phật giáo hiện nay. Đồng thời, hội thảo sẽ cổ vũ mạnh mẽ tinh thần để nữ giới Phật giáo Việt Nam tích cực trong các hoạt động Phật sự đặc biệt là công tác truyền thông qua báo chí, mạng xã hội, …

    Thượng tọa Thích Giác Hoàng nhấn mạnh: Công tác báo chí truyền thông Phật giáo cần đúng với tinh thần nhà Phật, góp phần lăn chuyển bánh xe Pháp, vừa có thời gian tu tập chuyển hóa thân tâm; cần chuẩn bị tâm thế để trở thành người gieo hạt bồ đề nơi tâm người khác mà cũng là nuôi dưỡng chính tâm bồ đề của mình; đưa thông điệp chính xác, kịp thời đến độc giả vừa đảm bảo tính nhân văn, đạo đức, giúp người đọc hiểu và cảm nhận lời Phật dạy chân chính, phát tâm tu hành và đồng hành với dân tộc, lợi ích cho nhân sanh.

    Hội thảo đã tập trung vào 4 chủ đề: Vai trò của truyền thông với Phật giáo; Nữ giới đối với báo chí Phật giáo giai đoạn trước và sau năm 1975; Nữ giới đối với báo chí Phật giáo đương đại; Đóng góp của Nữ giới Phật giáo trong quan hệ Việt Nam – Ấn Độ.

    NS.TS Thích Như Nguyệt đã trình bày tóm tắt tham luận về những đóng góp của nữ giới Phật giáo qua các loại hình báo chí, những đóng góp của nữ giới Phật giáo Việt Nam cho báo chí từ trước năm 1975 đến nay. Trong tham luận, Ni sư đã giới thiệu đặc san Hoa Đàm là tiếng nói của Ni Giới Việt Nam đang được tái xuất bản do chư Tôn đức Ni phân ban Ni giới TƯ chủ trương (Đặc san do NT. Thích Nữ Tịnh Nguyện, Trưởng Phân ban Ni giới TƯ chủ biên).

    Đặc san Hoa Đàm ra đời nhằm phổ biến Phật pháp đi vào đời sống, đặc biệt là đời sống sinh hoạt tu học của chư Ni, qua đó gìn giữ giá trị đạo đức, những tấm gương phẩm hạnh trong tu học của chư vị tiền bối làm nền tảng cho Ni Giới ngày nay.

    Ngoài ra Ni sư Thích Đàm Huề, NS. Thích Như Minh, SC. ThS Thích Hòa Nhã cùng chư Tôn đức Ni, các GS, TS học giả cũng tham gia hội thảo và đóng góp bằng các tham luận với những nội dung phong phú. Thông qua tham luận, các đại biểu đã phân tích thực trạng và khẳng định những thành tựu đạt được của nữ giới Phật giáo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông; đánh giá những thuận lợi và thách thức, chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan phần nào cản trở sự tham gia của nữ giới Phật giáo vào công tác báo chí, truyền thông; đề xuất các giải pháp để tăng cường tiếng nói của nữ giới Phật giáo trong lĩnh vực báo chí và đời sống chính trị – xã hội.

    Hội thảo là sự phối hợp của hai đơn vị nghiên cứu, một đơn vị dưới góc nhìn khoa học, một đơn vị dưới góc nhìn tôn giáo nhằm làm sáng tỏ những thành tựu và vai trò của nữ giới Phật giáo Việt Nam trong lĩnh vực báo chí qua các thời kỳ. Qua đó, nhìn nhận những cơ hội và thách thức, từ đó định hướng nhiệm vụ, vai trò của nữ giới Phật giáo trong báo chí.

    Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Trung đã gửi lời tri ân đến các vị diễn giả, hy vọng trong thời gian tới Viện Nghiên Cứu Ấn Độ và Tây Nam Á sẽ có nhiều các sự kiện hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thực hiện nhiều những chương trình ý nghĩa nhằm đóng góp cho sự phát triển chung của Nữ giới Phật giáo, cũng như sự phát triển chung của GHPGVN và đất nước.

    Một số hình ảnh ghi nhận được:

     

     

    Thanh Hùng

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều